Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

LÊN CHỨC

Tháng này năm ngoái mình đang toáy lên các việc để làm đám cưới cho con trai. Có viết một bài ghi lại cảm xúc được lên chức như thế nào. Tiếc hùi hụi vì chưa lấy lại các bài viết ở Yahoo Plus, trong đó có bài "Lên chức". May sao con dâu lại in bài này ra và mình có cơ hội lưu giữ lại. Cảm ơn con.


June 7, 2012 1:46 PM

Con dâu yêu quý!

Cảm ơn con đã cho mẹ lên chức MẸ CHỒNG. Đối với người đời, chuyện ấy quá bình thường. Mẹ có những người bạn cách đây mươi mười lăm năm đã lên chức này, trẻ quá, thậm chí đi đâu còn hơi xấu hổ khi có ai hỏi đến. Còn mẹ, mẹ mong chờ ngày ấy đã lâu, lâu lắm rồi.

Từ hôm các con đi đăng ký kết hôn và chụp ảnh cưới, mẹ cứ phân vân liệu mình được lên chức chưa nhỉ. Bạn bè bảo về mặt pháp lý, hai con đăng ký kết hôn tức được pháp luật công nhận, vậy mẹ chính thức được lên chức MẸ CHỒNG rồi. Cảm xúc vui mừng lo lắng cứ đan xen lẫn lộn. Đời vẫn thế! Bắt đầu một niềm vui bao giờ cũng là khởi đầu cho một lo lắng mới, cũng giống như khi anh thất bại chưa phải đã là ngày tận số, mà là khởi đầu cho một hoạch định mới, cách thức mới hòng gặt hái những thành công mới.

Biết mình được lên chức rồi, mà sao những ngày đầu mẹ chưa quen, vẫn xưng hô cô cô cháu cháu. Hôm đưa con về quê ra mắt họ hàng, mọi người phải nhắc nhở mẹ con rồi, không cô cháu nữa. Đúng vậy! Thế là cả hai mẹ con đều có ý thức về cách xưng hô nên cũng dần quen. Không sinh ra con, nay mẹ có thêm một người con gái. Từ trước đến nay, mẹ là hoa khôi của nhà, nay mẹ nhường cho con danh hiệu ấy, con dâu nhỉ?

Đời nay có nhiều loại dâu lắm: DÂU TÂY, DÂU TA, DÂU TÀU, thậm chí có cả DÂU RỪNG, DÂU DẠI. Mẹ thấy ở con và hy vọng con là DÂU NHÀ TA đích thực. Mẹ con mình mới có quá ít thời gian để hiểu rõ về nhau, mẹ hy vọng con sẽ là con dâu hiền thảo ý tứ nết na. Ngày mẹ, bác Mai, dì Thu đi tham quan Lam kinh và Thành Nhà Hồ, con ân cần nhắn tin hỏi thăm bác, mẹ và dì. Ngày mẹ đi thiện nguyện nơi rừng xanh núi đỏ, con liên tục theo sát từng bước chân, mẹ đi đến đâu, tới nơi chưa, có khỏe không, bố thường ăn món gì để con đi siêu thị  Coopmark mua nhé. Một cảm xúc mới lạ dâng lên làm mẹ thấy con tim lao xao nghẹn ngào. Lần đầu tiên đi xa có người quan tâm nhiều đến thế. Mẹ từng đi xa nhiều lần, ba tháng, một năm ở Nga, ở Úc và giờ đây là những chuyến thiện nguyện hai, ba ngày là thường. Đàn ông nhà mẹ, tình cảm lặn vào trong, biết mẹ đến nơi an toàn, thông báo ở nhà vẫn bình thường là chấm hết. Nay được con quan tâm nhiều, mẹ cảm ơn con lắm.

Bạn mẹ bảo mình thương nó như con gái, nó sẽ thương mình như mẹ đẻ. Mẹ không có con gái, mẹ muốn được thương con như con gái. Mẹ vui mừng có thêm một đồng minh, một người bạn. Mẹ con mình sẽ cùng nhau gánh vác việc gia đình, con nhé. Bất cứ việc gì, điều gì đều có hai mặt con ạ, mặt trái, mặt phải, mặt trong, mặt ngoài. Nhà nào cũng có góc khuất bị che lấp bởi ánh hào quang lấp lánh của đèn màu. Con cứ sống, cứ tiếp cận để cảm thông, để sẻ chia, để gia đình ta luôn hòa thuận vui vầy có trên, có dưới, thêm tiếng cười, tiếng bi bô trẻ nhỏ.

Mẹ gặp chị Hoa, cô Tuyết, bác Thuận, những người quen của gia đình con, ai cũng bảo biết con từ bé, ngoan ngoãn hiền lành. Bác Thuận còn bảo bọn đàn ông mù hết cả, không nhìn ra con. Có thể bác í yêu con quá, hơi ngoa ngôn, nhưng mẹ vui vui thầm nghĩ thì ra con trai mẹ sáng mắt. Nó yêu con, chọn con trong một số các cô gái khác, thậm chí có nhiều cô còn trẻ hơn con, đẹp hơn con. Mẹ tôn trọng sự lựa chọn của con trai mẹ. Con người ta chỉ có quyền chọn bạn, chọn vợ, chọn chồng, nhưng không có quyền chọn cha mẹ, chọn con cái, chọn anh em ruột. Trời ban cho ta cái gì, ta nhận cái đó, hướng cái đó đến cái tốt lành: CHÂN - THIỆN - MỸ. Con có đồng ý với mẹ ở điểm này không con?

Bây giờ ta đã là người một nhà rồi, con nhỉ? Bố mẹ yêu thương các con, muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho các con và các con, ngược lại, cũng phải có trách nhiệm, quan tâm, hiếu thảo với bố mẹ, anh em giúp đỡ lẫn nhau và thực hiện nghĩa vụ với gia tộc, với họ hàng hai bên nội ngoại, con nhé. Tháng tới sẽ có một ngày trọng đại dành cho các con tại Khách sạn Quốc tế Asean. Mẹ chúc các con trăm năm hạnh phúc. Mẹ vui và hãnh diện được lên chức và mong tiếp tục được lên chức nữa đấy, con dâu yêu của mẹ.

Viết cho con trong những ngày chờ lễ thành hôn của các con, ngập tràn niềm vui sướng xen lẫn cả lo âu.

                                                  Mẹ của con.

                                                                                                                    
               

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Ngà Voi: Cảm nhận Tiên Lãng

(Lấy từ Blog anh Hiệu Minh)

Thăm nhà bác Được
Thăm nhà bác Được. Ảnh: Ngà Voi cung cấp
Bài viết của bạn Ngà Voi Nguyên sau chuyến đi Tiên LãngCảm ơn NVN, bác Thanh Vân, Đại Tá Ng Đăng Quang  đã thăm đ/c “Liệt sĩ” trở về sau 40 năm. Đoàn đã thay mặt “Hội đồng Hang Kua” mua biếu đ/c “Liệt sĩ” có 3 hộp sữa Canci ( để chống thoái hóa cột sống ) mỗi hộp giá 173.000 đồng. Ảnh trên: Từ trái, hai cháu của bác Phan Hữu Được, đại tá Quang, bác Được, bác Vân và cháu Ngà Voi Nguyên (tác giả entry).
Breaking News: Theo cháu Ngà Voi Nguyên cho biết, Bí thư Nguyễn Văn Thành đã đến thăm trước đó một ngày. Không hiểu anh Thành có đọc thư Gửi Đại tá Ca và bí thư Thành, Hải Phòng đăng trước đó 1 tuần. Đoàn cấp tỉnh còn mang theo quà của Thủ tướng Dũng, gửi tặng bác Được. Hy vọng, cuộc sống của bác sẽ tốt hơn vì có sự quan tâm của chính quyền và nhân dân. 

Chúng tôi lên đường về Tiên Lãng, Hải Phòng thăm chú Phan Hữu Được-người liệt sĩ 40 năm còn sống trở về-trong một ngày đầy nắng cuối tháng sáu. Chúng tôi không phải là phóng viên nhà báo. Càng không phải là những người tò mò muốn tìm hiểu sự kiện. Đơn giản chỉ là một ông cụ-người lính về hưu nghiêm trang, một bà cụ về hưu phục phịch, phúc hậu và hai đứa trẻ lon ton tìm về thăm… hỏi và chia sẻ cùng một người lính, một số phận chịu nhiều thiệt thòi.
Câu chuyện xoay quanh chủ đề sức khỏe của chú Được. Trớ trêu thay, tên chú là Được mà chú lại mất quá nhiều. Những vết thương không được chạy chữa tới nơi tới chốn ngay từ đầu đã để lại di chứng trên bàn tay và chân chú. Vết thương ở đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ và tâm thần. Chú hầu như rất ít nói chuyện trong suốt buổi thăm hỏi. Ông cụ-người lính về hưu và ông cụ-liệt sĩ trở về-gặp nhau lần đầu mà như hai người bạn cũ thân thiết tự thuở nào. Bàn tay nắm lấy bàn tay trong im lặng, xúc động.
Câu chuyện về chú Được đã được đăng trên báo Dân Trí nhưng khi nghe anh Lợi, cháu ông, kể lại chúng tôi vẫn dâng tràn xúc động. Khi đọc báo chúng tôi xúc động về người lính năm xưa vì lý tưởng mà tạm gác hôn nhân, thay họ đổi tuổi để tình nguyện vào bộ đội. Xúc động vì câu chuyện 40 năm lưu lạc xứ người..
Về đây, chúng tôi xúc động với tấm lòng của những người cháu của ông. Xúc động vì tình cảm gia đình thiêng liêng. Xúc động vì tấm tình những người Việt đã giúp đỡ cưu mang ông trong những năm tháng mất trí nhớ, đau ốm xứ người.
Bà cụ trong đoàn thăm hỏi về tình hình chữa bệnh cho ông Được và có nhã ý giới thiệu bệnh viện cùng bác sĩ giỏi để khám và chữa bệnh cho ông. Chúng tôi vui mừng nghe anh Lợi báo tin: Ngày 27/06 sẽ đưa ông về Hà Nội khám chữa bệnh. Toàn bộ chi phí do báo Dân Trí tài trợ.
Anh Lợi cũng cho hay, ngày 25/6 ông Nguyễn Văn Thành bí thư thành ủy cùng tập thể cán bộ UBND thành phố Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự đã đến thăm hỏi, trao tặng ông Được các phần quà và tiền mặt.
Ông Thành thay mặt thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gởi lời thăm hỏi và trao quà của thủ tướng cho ông Được. Ông Thành cũng đã chỉ đạo các ban nghành phối hợp nhanh chóng ưu tiên giải quyết chế độ chính sách cho ông Được.
Dù biết rằng thủ tục hành chính luôn nhiêu khê rườm rà rắc rối nhưng chúng tôi vẫn hi vọng rằng trống đánh xuôi, kèn thổi xuôi cùng nhịp để mọi việc được tháo gỡ và giải quyết nhanh chóng. Mong ông Được sớm có chế độ chính sách để tiện việc điều trị bệnh trong tình trạng tuổi cao sức yếu…
Rời nhà ông Được, trong mỗi chúng tôi vẫn nao nao xúc động khi nhìn nụ cười hạnh phúc xum họp của những người trong gia đình. Thầm chúc ông khỏe mạnh và tin rằng quãng đời còn lại của ông ĐƯỢC trọn vẹn hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình và sự quan tâm kịp thời của chính quyền, xã hội.
Từ nhà ông Được đi thêm khoảng 10km chúng tôi tới thăm hỏi gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Từng làn gió mát lành từ đầm nước xua tan giúp chúng tôi cái oi nồng tháng sáu. Từ đường vào nhà khá xa nhưng hai cụ nhứt quyết không chịu lên xe máy đi vào mà đi bộ. Cụ bà luôn miệng bảo: “Mát quá, trong lành quá, Voi ạ!”. Cụ quên mất con Voi còi đang tướp mồ hôi vật lộn với gió để giữ yên cái ô che nắng cho cụ. Cụ bà về hưu nhưng khá sành điệu, tay nhoay nhoáy chụp ảnh từ cái ipad to đùng.
Thăm gia đình anh Vươn. Ảnh: Trần Thanh Vân
Thăm gia đình anh Vươn. Ảnh: Trần Thanh Vân
Căn nhà mới cất nhỏ bé đơn sơ nép mình bên đầm phá. Những người đàn bà nhỏ bé như lọt thỏm giữa mênh mông một bên là đầm nước một bên là rừng bần chắn sóng. Nhà thiếu vắng đàn ông trở nên cô quạnh biết bao nhiêu. Nụ cười trên môi không che đi được nỗi lo buồn trong ánh mắt. Các chị đón chúng tôi với mâm cơm tôm cá bắt được từ đầm. Bưng chén cơm, gắp miếng cá thơm ngon mà lòng tôi chợt thắt lại nghĩ về phận người..
Dạo ra hiên, chị Hiền chỉ cho tôi xem mấy cây đu đủ năm ngoái bị chặt phá nay đã lên thân mới và say chĩu chịt trái non. Mầm sống mới đã nẩy và đơm bông kết trái. Sự “hi sinh” của các anh không vô ích. Được sự góp sức của một người cháu trai, gia đình đang lần hồi gầy dựng lại từ đầu trong muôn vàn khó khăn vất vả. Những người đàn bà chất phát hiền lành nhưng cũng thật kiên cường này sẽ làm nên tất cả, tôi tin như thế!
Nhìn những trái bần non lấp ló trong tán lá xanh thẳm, tôi chợt ước: Ít nữa thôi, khi những trái bần này đủ lớn để nấu canh chua bần cá hói thì các anh đã quầy quần bên nồi cơm gia đình ấm áp, yên vui.
Ông cụ, bà cụ thăm hỏi gia đình, núm níu mãi rồi cũng phải đến lúc ra về. Những cái ôm, cái nắm tay, dặn dò ăm ắp sẻ chia. Mong rằng phiên phúc thẩm sắp tới sẽ diễn ra trong công khai và công lý sẽ thắng để các anh sớm trở về đoàn tụ và gây dựng.
Đường về, hoa cỏ may vướng vất níu chân người. Lòng lẫn lộn niềm vui, nỗi buồn miên man về những số phận, những con người bỗng dưng nổi tiếng trong một hoàn cảnh mà họ không hề mong muốn.
Ngà Voi Nguyên 26/6/2003
Bài trên Facebook
Đu đủ nhà anh Vươn. Ảnh: Ngà Voi Nguyên
Đu đủ nhà anh Vươn. Ảnh: KTS TT Vân
Hồi sinh đầm Vươn. Ảnh: Ngà Voi Nguyên
Hồi sinh đầm Vươn. Ảnh: KTS TT Vân

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

NGÔI TRƯỜNG MỚI Ở BẢN CỦ DỂ XENG



Đến với Củ Dể Xeng, điểm trường lẻ của trường tiểu học Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào một chiều xuân muộn dịp tháng Ba năm ngoái mà hình ảnh các em cũng như trường lớp nơi đây cứ neo mãi vào tâm khảm không dứt ra được. Đó là một điểm trường giống như bao ngôi trường ở trên vùng núi cao chưa có đường giao thông thuận tiện, chủ yếu là tranh tre nứa lá, có chăng khá hơn chỉ là nhờ những tấm ván lịa thưa thếch bao quanh một số lớp.


                                                       Điểm trường Củ Dể Xeng đây.

Vui vì được là học sinh danh dự của một lớp học ở Củ Dể Xeng nhưng xót xa vì lớp học nền đất và chủ yếu là tranh tre nứa lá.


                              Tặng cho mỗi lớp chút bánh kẹo để an ủi.


Lớp học Mầm non của các bé quá sơ sài chỉ có hai bức tranh trên liếp và một dãy cạp lồng cơm mang đi ăn trưa.

Tặng cho các cháu mỗi lớp học một ít bánh kẹo gọi là cho người đến thăm khỏi ngượng, ra về với lời đề nghị thay các vách xung quanh các lớp và các vách ngăn bằng gỗ cho Củ Dể Xeng của thầy hiệu trưởng mà lòng đầy trăn trở ám ảnh. Nhóm “Vì ta cần nhau” hồi đó mới thành lập còn nhỏ bé chủ trương mèo nhỏ bắt chuột nhỏ chỉ mang đến cho các em quần áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập, không mấy ai mặn mà với những kế hoạch to tát như xây dựng hay cải tạo trường lớp. Mọi người cũng có lý khi cho rằng việc đó có đảng và nhà nước lo rồi.

                                            Mấy lớp học đầu này trông còn khả dĩ.

Ở những nơi có đường giao thông thuận tiện như những nơi mình từng đến như Tả Củ Tỉ, Bàn Già ở Bắc Hà, Lào Cai, như Kim Bon, Sơn La, như Mèo Vạc, Hà Giang, như Khoen On II, Lai Châu hay Khau Phạ, Nậm Khắt, Páo Khắt, Lả Khắt, Khao Mang, hay trường Hồ Bốn ở Mù Cang Chải, Yên Bái thì nơi nào trường lớp cũng được xây dựng có cơ sở vật chất khá tốt. Nhưng nhiều nơi như Xéo Dì Hồ, Hồ Nhì Pá, Háng Đề Sủa, Củ Dể Xeng hay Hua Đán, Háng Á, Xua Lông, Cáng Dông ở mãi trên núi cao, đường đi cheo leo gập ghềnh khúc khuỷu thì không biết đến bao giờ nhà nước mới xây trường cho.

Với một số nơi như Xéo Dì Hồ, Hồ Nhì Pá, Háng Á hay Háng Đề Sủa, ít nhiều cũng tự an ủi VTCN đã đến tận nơi hay nhờ có sự kết nối của VTCN đã có một số đoàn từ thiện của Việt Ly, của Khách sạn Fortuna hay công ty Galellio đã giúp đỡ các điểm trường phần nào cả về vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể XDH cũng được 3-4 lần tặng quần áo, giày ủng, bánh kẹo, đồ dùng học tập, đặc biệt XDH còn được xây dựng một bể chứa nước với đường dẫn từ trên núi xuống, được làm một nhà ăn + bếp nấu và hai lớp học Mầm non  do VTCN, Argribank, đoàn Việt kiều Mỹ của Việt Ly trợ giúp. Hồ Nhì Pá cũng được đoàn Việt Ly tặng quà hai lần cho trẻ em và dân nghèo, làm một lớp học mới cho Mầm non. Háng Á cũng được tặng quà và xây một lớp học cho Mẫu giáo. Còn Háng Đề Sủa cũng được đoàn Việt Ly tặng quà một lần và Khách sạn Fortuna đến thăm tặng nhiều hiện vật thiết thực và tổ chức Tết Trung thu cho các em HĐS.

Riêng Củ Dể Xeng, chưa làm được gì,  cảm thấy như có lỗi,  như còn mang nợ với thầy trò nơi đây, thâm tâm luôn nghĩ có cơ hội nào giúp được thì CDX sẽ là Number One. Và rồi cơ hội ấy đến thật.  Tổng Giám Đốc Khách sạn Câu Lạc Bộ Hà Nội ở đường Yên Phụ là em trai của Tổng Giám đốc Khách sạn Fortuna, người mà được VTCN giới thiệu lên làm từ thiện ở Háng Đề Sủa cũng muốn làm từ thiện trên miền núi cao mà không biết nơi nào để làm. Khách sạn này có thế mạnh là có một đội quân xây dựng và muốn xây trường từ A đến Z. Khi được hỏi mình nghĩ ngay đến Củ Dể Xeng nhưng lại nghĩ nơi đây chỉ cần cải tạo thôi chứ lấy đâu ra  đất để xây. Lúc ấy mình cho rằng Háng Đề Sủa là ứng cử tốt nhất cho việc xây trường vì trường lớp ở HĐS tang thương quá , nơi ấy lại có địa thế đẹp nằm giữa một thung lũng bên cạnh một dòng suối có đất để xây trường mới. Nhưng khi trao đổi với Nguyệt (người đọc blog của mình) là nhân viên của KS CLB HN thì cháu cho biết sếp này không muốn dẫm vào vết chân của ông anh ở KS Fortuna. Họ chỉ muốn làm một mình ở một nơi chưa có ai làm gì. Vậy thì chỉ còn Củ Dể Xeng và Cáng Dông lọt vào tầm ngắm.

Khi đoàn của KS CLB HN đến Củ Dể Xeng khảo sát, họ đồng ý dừng chân nơi đây ngay và chủ trương lát toàn bộ các lớp học, cung cấp bình đựng nước Sơn Hà 2.000 lít  và một máy Thái Dương cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Thôi, thế cũng tốt. Củ Dể Xeng cũng sẽ thay đổi bộ mặt phần nào, lớp học đỡ bụi bậm khi những cơn gió lùa thổi tung bụi vào các lớp, trò cũng có nước sạch để dùng hàng ngày và nhất là mùa đông sẽ có nước nóng sử dụng đỡ buốt giá chân tay.

Cậu Hân, người Quảng Nam là kỹ sư trưởng phụ trách về xây dựng của KS thường xuyên gọi điện trao đổi với mình về tình hình vật liệu, giá cả, cách thức tổ chức, cách làm việc với Ban Giám hiệu trường XDH. Mình luôn nhấn mạnh tuy là giúp đỡ là làm từ thiện, nhiều khi vẫn phải gây áp lực với trường để họ tác động tới phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương cùng chung tay thực hiện cải tạo Củ Dể Xeng.

Thời gian bẵng đi, mình cũng có quá nhiều việc phải làm và cũng yên tâm có đội Xây dựng của KS kết hợp với nhà trường lo liệu mọi thứ ổn thỏa nên ít liên hệ với cả hai phía chứ không như lần làm lớp học ở XDH, HNP và HA thì mình còn phải chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ nên khá vất vả.  Hôm nay hiệu trưởng XDH gọi điện cảm ơn cô và thông báo công trình trường mới Củ Dể Xeng sắp hoàn thành. TRƯỜNG MỚI? Nghe mà không tin vào tai nữa. Bất ngờ quá, không phải là cải tạo CDX như dự kiến mà là một điểm trường mới sắp  hiện diện giữa núi đồi bạt ngàn của bản Củ Dể Xeng. Quả là một tin vui mừng lớn nhất kể từ khi đi làm từ thiện mấy năm nay. Thì ra trường được địa phương cấp cho một khu đất mới để xây dựng trường và cũng thỏa mãn ước nguyện của KS CLB HN. Có thể nói CDX bây giờ còn to đẹp hơn cả điểm trường chính XDH. Thầy hiệu trưởng Nguyên tha thiết mời cô lên thăm CDX, mình bảo cô cũng vừa lên MCC cách đây một tháng, Nguyên cứ trách sao không báo để đón cô lên thăm CDX. Quả thật nếu có thời gian mình cũng muốn đến nhưng đợt đi Khau Phạ và Nậm Khắt vừa rồi, không còn có thời gian để thở nói chi thăm thú nơi nào.

Vội vàng gọi điện luôn cho Kỹ sư trưởng Hân và được biết trong vòng thời gian gần ba tháng KS CLB HN đã tiến hành xây dựng trường mới ở nơi đây. Hóa ra đội quân xây dựng của KS cũng không thể trực tiếp lên xây dựng trường học được. Nơi ăn, chốn ở cho công nhân và kỹ sư đã là một vấn đề, lại công vận chuyển vật liệu với đường sá cheo leo khấp khuỷu gập ghềnh như thế thì thì mọi chi phí sẽ tăng lên không thể hình dung được. Nhớ có lần có nhà thiết kế đưa ra số tiền hai tỉ rưỡi cho một khu trường xây dựng trên núi làm mình và các nhà tài trợ bị sốc nên KS CLB HN phải lựa chọn hoàn toàn theo cách làm của VTCN trong việc xây dựng hai lớp Mầm non ở XDH và lớp học MN ở Hồ Nhì Pá là hoàn toàn hợp lý, nghĩa là cùng nhau xem xét bàn bạc dự toán một cách khả thi nhất rồi giao cho nhà trường thuê thợ làm, KS CLB HN có trách nhiệm thường xuyên lên kiểm tra theo dõi giám sát và chi tiền.

                         Điểm trường mới Củ Dể Xeng đây. ( Ảnh do kỹ sư Hân gửi cho)


                                         Trông khang trang quá. (Ảnh do Hân chụp)

 Khu trường mới này bao gồm 7 lớp học và một nhà vệ sinh. Riêng hai lớp học Mẫu giáo làm rộng hơn so với các lớp khác vì có số lượng hơn sáu chục cháu ở tuổi Mẫu giáo.  Hiện tại khu trường đã làm xong, đang đi vào phần hoàn thiện. Tổng cộng chi phí xây dựng có một phần nhỏ đóng góp của địa phương lên đến gần 400 triệu. Tới đây KS sẽ trang bị toàn bộ thiết bị điện cho mỗi lớp học và nhà vệ sinh, toàn bộ bàn ghế, bảng cho các lớp và kéo đường nước từ trên núi xuống cũng như các thiết bị vệ sinh. Tổng số tiền sẽ lên tới xấp xỉ 500 triệu. Một con số không hề nhỏ. Đổi lại một ngôi trường mới khang trang với trang thiết bị mới, văn minh vệ sinh sẽ giúp cho thầy trò Củ Dể Xeng có điều kiện dạy và học tốt hơn. Chắc chắn con em dân tộc nơi đây sẽ càng phấn khởi đi học đều hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với các em.

                                   Nhà vệ sinh đang được xây dựng. (Ảnh Hân chụp)

                           Trường đang đi vào phần hoàn thiện.(Ảnh Hân gửi cho)

Từ nay Củ Dể Xeng không còn phải lo lắng về trường lớp nữa rồi. Có thể nói trường đã ra trường, lớp đã ra lớp thật rồi. Có cả sân chơi rộng rãi sach sẽ nữa. (Ảnh Hân gửi cho)


Hân cho biết tháng Chín tới vào đầu năm học mới sẽ khánh thành khu trường mới Củ Dể Xeng và mời mình lên dự lễ khánh thành. Thời gian đó con dâu mình sinh cháu, chưa chắc đã đi được. Dù sao mình cũng thấy rất rất vui với thầy trò CDX và KS CLB HN. Chúc mừng KS CLB HN đã làm được một công trình để đời. Chúc mừng thầy trò CDX có trường lớp mới. Tin chắc rằng thầy trò CDX sẽ gặt hái được nhiều thành tích mới trong sự nghiệp trồng người ở miền Tây Bắc xa xôi.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

PHÂN LOẠI SÁCH GIÁO KHOA MANG LÊN VÙNG CAO



Những ngày hè oi nồng ngột ngạt của tháng Sáu “Nước như ai nấu / Chết cả cá cờ” cũng không làm các thành viên VTCN ngại ngùng đi phân loại và đóng gói SGK để mang lên cho các em bé vùng cao.

Thứ nhất, chúng tôi thu gom được rất nhiều SGK chủ yếu từ hai điểm trường của trường Lương Thế Vinh với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy Văn Như Cương và hai con gái thầy là Liên Na, Thùy Dương cũng như của thầy trò nơi đây. Trường PTTHCS Giảng Võ với sự nhiệt tình của cô Hoàng Minh Tuệ và các trò cũng ủng hộ khá nhiều SGK. Ngoài ra rất nhiều các cá nhân cũng tự nguyện mang SGK đến cho chúng tôi như cô giáo Thủy ở Uy Lỗ, Đông Anh, An Dao ở trường Đoàn Thị Điểm, một cá nhân của trường Trung Tự và rất rất nhiều những tấm lòng nhân ái quan tâm đến hoạt động của VTCN và quan tâm tới việc học hành của trẻ em miền núi mà chúng tôi không thể kể hết tên ra được. Số lượng khổng lồ SGK này được tập kết tại nhà bạn Phương Liên, một thành viên tham gia nhóm chưa lâu. Nhìn số lượng hàng không chỉ SGK mà còn quần áo, đồ chơi, chăn đệm chất đống ở nhà PL ngốt ngát mà ái ngại, mà áy náy. Chúng tôi chỉ muốn làm sao giải phóng số SGK càng nhanh càng tốt.

Thứ hai, công việc này cũng cần phải tiến hành ngay trong hè để trước thềm năm học mới, ta biết chắc chắn SGK đã sẵn sàng đến được tận tay các em học sinh vùng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô và học sinh trong việc dạy và học vốn đã có biết bao khó khăn gian khổ rồi. Thiếu gì thì còn có thể bằng cách này cách khác khắc phục được, chứ thiếu SGK thì các em học bằng gì, thầy cô dạy ra sao cho theo đúng chương trình phổ cập ở miền núi. Tin tức trên truyền hình năm nào với hình ảnh lũ lụt hoành hành cuốn trôi mọi thứ, một em nhỏ vớt được quyển sách ướt nhàu ôm khư khư với ánh mắt thảng thốt nuối tiếc xót xa cứ ám ảnh người xem muốn bù đắp những mất mát mà các em phải chịu đựng. Các em học sinh miền núi cũng vậy luôn thiếu thốn SGK. Và SGK ở Hà nội đã có sẵn rồi, tại sao ta không nhanh chóng chuyển đi cho các em nhỉ.
                            Ai cũng miệt mài chăm chỉ làm việc bất chấp thời tiết nóng nực.

                           Rất nhiều các gương mặt mới của VTCN và các tình nguyện viên.

                                                  Một tình nguyện viên hôm 16/6.

Với hai lý do chủ yếu đó, nhóm VTCN ở Hà Nội đã tiến hành phân loại, đóng gói SGK tại ô 58, lô 6, ngõ 41 đường Hồng Hà, Hà Nội. Điểm nổi trội của hai ngày Chủ Nhật  9/6 và 16/6 là xuất hiện nhiều gương mặt mới của VTCN và các tình nguyện viên. Nhiều thành viên lớn tuổi là bà nội bà ngoại vẫn miệt mài tham gia không thua kém gì các bạn trẻ. Còn các bạn trẻ nhất là các bạn nam, đương nhiên phát huy thế mạnh của mình để khuân vác, bưng bê, đóng gói tạo nên những bao sách gọn đẹp trông thật bắt mắt.
 
      Các chồng sách được phân loại theo từng bộ cho từng khối lớp cứ dần dần tăng cao.

Những chiếc bao dày dặn do Hoa Thương mua tặng được các bạn nam đóng gói gọn đẹp.
                                59 bao SGK đã được đóng gói sẵn sàng cho chuyến đi MCC.

Kết quả của hai ngày làm việc được thể hiện qua những con số rất đáng vui mừng. Tổng cộng số SGK thu gom được khoảng 4 tấn, trong đó chỉ có 2/3 là số SGK cơ bản cần thiết cho nhu cầu của học sinh vùng cao. Số SGK ấy chúng tôi phân loại ra được 822 bộ SGK cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 được đóng gói trong 59 bao, chưa kể những đầu sách dư thừa không tạo thành bộ cũng được đóng gói để chuyển đi cho các em. Đáng tiếc trong số sách thu gom có tới 1/3 là số sách nâng cao và sách cấp III không sử dụng được vì chúng tôi lần này chỉ hỗ trợ SGK cho cấp I, cấp II. Sách nâng cao thì cao quá không phù hợp với trình độ học sinh miền núi. Con số 1,3 tấn sách này giá đều là sách cơ bản hoặc đổi ra sách cơ bản thì có đến mấy trăm em có thêm sách dùng.

Tuy nhiên có kinh nghiệm xử lý vấn đề này từ năm ngoái, chúng tôi nhanh chóng giải quyết công việc này một cách gọn nhẹ. Dĩ nhiên sẽ không dễ dàng gì nếu không có xe ô tô của hai vợ chồng Nguyễn Chi, một thành viên mới toe của VTCN, chuyển hai chuyến xe đến đường Láng và em Trần Thủy đã từng đi bán sách kiểu này thì cũng là vấn đề nan giải. Hãy hình dung một tấn ba sách với khoảng hơn hai chục bao cồng kềnh sẽ mất bao nhiêu chuyến xe máy để có thể chuyển đi hàng chục cây số trong tiết trời nắng nóng mới thấy có ô tô tiện lợi như thế nào trong tình huống này. Nguyễn Chi tuy là thành viên mới vừa tham gia nhóm nhưng rất nhiệt tình. Bạn í bảo lần sau khi cần gì thì cứ a lô cho phu quân của bạn í là anh Hồng người tình nguyện viên cũng đã rất nhiệt tình tham gia đóng góp cho nhóm hôm nay. Những số sách cuối cùng thừa ra cũng được một bác đồng nát mua với giá làm từ thiện. Tóm lại,  toàn bộ số sách nâng cao và sách cấp III cũng được quy ra tiền tươi thóc thật xung quỹ nhóm là 5.633.000đ


                      
                                         Khiêng sách nâng cao ra xe mang đi bán.

                              Phu quân em Nguyễn Chi chuẩn bị chở sách đến đường Láng.

Với gần nghìn bộ sách như đã nói ở trên so với nhu cầu của Mù Cang Chải thì thật nhỏ bé. Theo Tuyết Anh, số lượng đó mới chỉ cung cấp gần đủ cho hai trường Khao Mang và Dế Xu Phình. Sẽ phải lấy số tiền bán sách có được mua thêm cho đủ yêu cầu của họ. Riêng sách lớp 6 thì lại quá nhiều so với nhu cầu nên sẽ liên hệ với hai trường khác nữa để mang đến cho họ.

Cả hai hôm phân loại và đóng gói SGK, các thành viên VTCN đều được chủ nhà Phương Liên chăm sóc chu đáo, nước uống, quạt mát đầy đủ, đặc biệt là bữa trưa 9/6 với bún riêu cua, nem, đậu rán cùng bia giúp cho mọi người thêm vui vẻ phấn khởi quên đi nóng bức mệt nhọc. Buổi trưa 16/6 PL cứ đề nghị nấu cơm cho mọi người, nhưng không ai muốn phiền gia chủ thêm nữa nói sẽ tự túc. Tuy thế trong khi mải mê làm việc chưa kịp dừng tay nghỉ ngơi đã thấy em trai PL mang bánh mì kẹp thịt, nước bưởi ép và dưa hấu đến rồi. Còn biết làm gì hơn ngoài lòng biết ơn với cô chủ xinh đẹp và vô cùng chu đáo này. Bạn Kiên còn mang hoa sen và rất nhiều vải ra mắt nhóm nên mọi người đã có một bữa trưa cũng rất vui vẻ để có thể làm tiếp thêm buổi chiều.
                        Bữa ăn trưa thân mật hôm 9/6 do chủ nhà Phương Liên chiêu đãi đây.

                                                       Bữa trưa giản dị hôm 16/6.
Phương Liên là thành viên mới tham gia nhóm khoảng chừng 2 tháng và mình cũng gặp bạn í chừng 2 tháng trong buổi offline với nhóm Sống Hướng Thiện tại quán Cafe Nấm trên đường Ngọc Khánh. Thực ra mình nghe tên bạn í với Công ty bao bì Thăng Long từ rất lâu rồi. Các chuyến đi từ thiện ở Mèo Vạc, Hà Giang, Kim Bon, Sơn La, Quảng Phú, Thọ xuân, Thanh Hóa, Phúc Lộc, Bắc Kạn hay trại Phong ở Sóc Sơn gần đây nhất Công ty Bao bì Thăng Long mà PL là Phó Giám đốc luôn luôn là nhà tài trợ lớn cho mỗi chuyến đi. Một thành viên của SHT là nhân viên của công ty kể rằng khi đi cứu trợ lũ lụt cho Quảng Phú, Thọ Xuân, Thanh Hóa chỉ dám xin sếp cho gần 700 hộ dân nơi đây mỗi hộ 2 kg gạo thì sếp bảo 2 kg gạo thì làm ăn được gì, cho mỗi hộ ít nhất là 5 kg. Và thế là gần 4 tấn gạo với một chuyến xe tải đi tới vùng lũ cùng với mắm muối, mì tôm, đường sữa, quần áo, toàn những thứ thiết thực đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” là thế.

Hôm cùng với PL và mấy thành viên SHT tới một số nơi là khách hàng của Công ty Bao bì Thăng long xin tài trợ cho chuyến ủng hộ phản, chăn cho Khau Phạ và Púng Luông ở Mù Cang Chải, cháu ngỏ ý muốn tham gia nhóm VTCN để học hỏi kinh nghiệm và thật tuyệt vời khi nghe cháu nói các hàng hóa quyên góp được cứ mang đến nhà cháu. Vấn đề kho chứa hàng luôn là vấn đề bức xúc ngay từ những ngày đầu khi năm chị em blogger chúng mình bắt tay vào làm từ thiện. Nhớ có lần hàng ùn ùn từ thành phố HCM chuyển ra làm Hạnh Nguyên đau đầu. Có lần 2 tấn quần áo được chuyển đến nhà mình cùng một lúc. Xoay sở được với số hàng ấy đâu có dễ khi mà cái bếp bé tí tẹo nhà mình đã kín hết chỉ còn mỗi một chỗ bé tí chen chân để nấu nướng. Vậy là chỉ còn mỗi cách là nói khó với nhà để xe của trường ĐHKHXH&NV để nhờ. Bây giờ mọi cái trở nên dễ dàng và chủ động hơn khi có kho nhà PL. Ngay số hàng mọi người đưa đến nhà mình từ trước Tết đáng ra để mang đi Phúc Lộc, Bắc Kạn nhưng chuyến đi ấy SHT có quá nhiều hàng quyên góp nên không cháu nào đến chuyển đi. Rồi tiếp đến SGK, đồ chơi cứ tiếp tục chất kín góc bếp. Số hàng ấy nằm lưu cữu ở nhà mình có đến gần nửa năm vậy mà chỉ cần có một chuyến xe PL cho anh Phương đến lấy mà đã “trả lại tên” cho nhà bếp của mình.

Thật không ngoa khi Hoa Thương, một thành viên của VTCN và SHT nói rằng SHT và VTCN thật may mắn có Phương Liên. Ngay chuyến đi mang SGK lên Mù Cang Chải lần này cũng không còn là vấn đề phải tính toán xem nên làm gì gửi theo đường xe ca có người đi giám sát hay thuê một chuyến xe có người đi kèm bởi khi đặt vấn đề này ra PL nói ngay thuê xe hay gửi theo xe ca làm gì cho tốn kém, công ty cháu có xe tải có thể chuyển SGK đi được. Thế là OK về xe cộ, còn người đi áp tải giám sát trao SGK đã có hai ứng cử viên là bạn Trường Vân là người có kinh nghiệm trong nhóm đã từng đi lên MCC và bạn Kiên thành viên mới rất nhiệt tình của nhóm.
                                    Ai cũng vui mừng trước kết quả của hai ngày làm việc.
Mọi cái về cơ bản là ổn, chỉ còn mua thêm SGK cho đủ số hai trường yêu cầu, Phương Liên làm nốt LOGO dán vào các bao là chuyến đi có thể xuất hành vào cuối tháng Sáu. Các thầy cô hiệu trưởng nhận sách, bảo quản đến đầu năm học là phát cho các cháu. Năm học mới với số học sinh có đủ sách dùng sẽ là điều kiện rất tốt cho thầy trò vùng cao thực hiện sự nghiệp gieo con chữ tới những đứa trẻ đang khát khao thay đổi cuộc đời. Và VTCN thật vui mừng góp một phần nhỏ bé trong sự nghiệp ấy.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

“HOA LÚA” ĐÃ BAY ĐI

“HOA LÚA” ĐÃ BAY ĐI

Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 7:19 sáng ngày 09/06/2013  0 Bình luận
NGUYỄN BẮC SƠN
Thi sĩ Hữu Loan và vợ - bà Phạm Thị Nhu. Ảnh: builambang.vnweblog.
Thi sĩ Hữu Loan và vợ - bà Phạm Thị Nhu. Ảnh: builambang.vnweblog.
Hữu Loan là nhà thơ đa tình bậc nhất. Không kể những người phụ nữ chỉ ghé qua đời ông một thời hay một thoáng, chỉ kể những người phụ nữ chính thức làm vợ ông đã là hai.

Ông đền đáp tấm chân tình của họ bằng những bài thơ, trong đó có hai bài để đời: “Màu tím hoa sim” và “Hoa lúa”. Bài “Hoa lúa” dành tặng người vợ thứ hai. Bà vừa ra đi.
Người vợ đầu tiên của ông là thiếu nữ Lê Đỗ Thị Ninh, đẹp như bông hoa rừng, nhưng chỉ sống với ông được một đêm, hôm sau ông ra trận. Nơi gia đình tản cư, một lần ra suối giặt quần áo, chiếc áo bị dòng nước đưa ra xa, cô gái nhoài người, với tay vớt lại, mất đà ngã xuống…? Mất mát lớn nhất của tài năng thơ. Nhưng ngẫu nhiên thơ Việt Nam được bàiMàu tím hoa sim bất tử.
Người vợ cuối cùng là cô Phạm Thị Nhu. Giữa hai người vợ ấy, còn có một người phụ nữ khác, không phải là vợ, nhưng có con với ông. Có con với ông…? Người ấy chồng xa biền biệt nhiều năm không tin tức, lại quá mê ông, ngưỡng mộ ông, nhưng biết không được yêu lại nên chỉ xin một đứa con làm…?kỉ niệm.
Thương tình, nhà thơ ưng thuận. Không ngờ, người ấy lại đòi công khai để được chính thức đứa con trong bụng. Ông kiên quyết không chấp nhận. Có lần hai người phải to tiếng. Biết không lay chuyển được ông, bà đành ra đi, không bao giờ quay lại. Riêng đứa con đã có hai lần tìm gặp bố đẻ, nhưng mấy chục năm rồi không trở lại, ngay cả khi ông mất (ngày 18/3/2010). Đấy là nỗi day dứt của ông.
Năm 1955, sáu năm sau cái chết của người vợ trẻ, Hữu Loan mới đến với Phạm Thị Nhu – cuộc hôn nhân cuối cùng, với tất cả những lời yêu đẹp nhất. Em là em gái đồng xanh/ Tóc dài/ vương hoa lúa/ Đôi mắt em mang/ chân trời quê cũ/ giếng ngọt/ cây đa… và bài thơ kết bằng một lời thề: ta đi/ đầu sát/ bên đầu/ mắt em/ thăm thẳm/ đựng màu trời quê.
Hoa lúa cho người vợ kế – Bà Phạm Thị Nhu là tiếng reo vui, là khúc tụng ca người vợ trẻ, tụng ca từ mái tóc dài vương hoa lúa, đến đôi mắt nâu thăm thẳm (soi trong ấy mầu xanh chân trời quê cũ/ giếng ngọt cây đa). Tả cả tiếng nói (tiếng quê hương/ muôn đời/ và tiếng em/ là một), cả tiếng hát người vợ trẻ cũng hiện lên (em ca giữa đồng xanh/ bát ngát). Giọng điệu thơ gợi cái vui rộn ràng, chiêng trống, đàn sáo ngày hội mùa. Như vẫn chưa nói hết lòng mình, tác giả phải nói thẳng ra mới thỏa: Anh kiêu hãnh/ có quê hương bất khuất/ và có người yêu là em gái quê hương/ Anh yêu em muôn vàn…
Hẳn cô thôn nữ Phạm Thị Nhu (đã một lần yêu không thành) ngất ngây hạnh phúc khi người anh hùng Đèo Cả, oai phong lẫm liệt, mắt sáng, giọng ấm, lại là thầy giáo cấp ba của trường do anh trai mình làm hiệu trưởng, hỏi mình làm vợ. Cô ưng thuận ngay. Cuộc hôn nhân này, đúng là cuộc hôn nhân cuối cùng đã theo Hữu Loan suốt quãng đời còn lại.Dù một người xuất sắc và tu chí như thế, nhưng cuộc đời lại không sẵn sàng chào đón(Điếu văn của nhà thơ Hữu Thỉnh).
Dù mấy chục năm ròng bị quăng quật, lên bờ xuống ruộng, không sổ gạo, không tem phiếu trong thời kỳ cấm chợ ngăn sông và chính sách lương thực, dù người anh hùng Đèo Cả phải quai búa đánh đá, thồ đá và tập tọng đi buôn…? Dù thế, chứ hơn thế nữa bà Nhu vẫn chung lưng đấu cật với chồng xoay đủ nghề kiếm sống.
Làm bún đổi thóc gạo. Nhiều lần bún ế, mang về cho con ăn thì được, nhưng lấy gì ngày mai làm hàng tiếp? Thế là phải đến từng nhà hàng xóm nói khó để đổi lấy đấu thóc, bát gạo. Đến khi không ai đổi nữa mới mang về cho đàn con háu đói, háu ăn đang ngong ngóng chờ mẹ về chợ. Làm thế là vi phạm chính sách lương thực nên đã có lần bị người ta hất cả rá bún xuống mương. Lại phải bốc cả bún lẫn bùn về, cho vào chậu nước khuấy lên, cho bùn lắng xuống, vớt lấy
bún ăn.
Một gia đình đông con như thế, hoàn cảnh như thế mà hàng xóm láng giềng tịnh không thấy chuyện to tiếng, bởi ông bà rất mực thương yêu, quý trọng nhau.

Hôm tôi ra mộ thắp hương cho ông chỉ ít ngày sau khi ông đi, hỏi chuyện, bà bảo, nằm trên giường ông, trong buồng, để gian ngoài (nơi đặt giường bà) giờ dọn đi đặt bàn thờ ông, chẳng có hãi hùng gì. Đêm đêm, vẫn thấy ông về hát, ngâm Kiều.

Năm 1958, Hữu Loan cùng một số bạn văn khác sẽ phải đi lao động (cho giọt mồ hôi lọc sạch tâm tư chăng?), ông bàn với vợ để mình ở lại, bà đưa ba đứa về quê. Nhưng bà không nghe. Thế là vợ bìu con ríu, dắt díu nhau lên tàu về quê.
Mấy chục năm, bà vẫn đôi dép mo cau quảy đôi quang gánh, không được làm bún thì làm bánh sắn ra chợ, chợ tan lại gánh đi rong, sà vào chỗ bà con hợp tác làm, ra cả chỗ thợ đánh đá, cố bán cho hết hàng mới về, lùa bát cơm độn (hoặc bánh sắn ế) với quả cà nén ăn quanh năm, lại xoay ra xay bột chuẩn bị cho gánh hàng
ngày mai…?
Mấy chục năm, đôi chân trần vẹt mòn sỏi đá, trời cho, lại không bệnh tật ốm đau gì. Chỉ mỗi bệnh ngang thì vẫn cứ ngang mãi, nhưng ngang với đời chứ vẫn dọc với vợ. Vẫn tôn trọng vợ. Chả thế, mấy chục năm không đi đâu khỏi xã, đến lúc không khí xã hội cởi mở, bạn bè rủ ra Hà Nội, ông mới giầy dép mũ áo xếp chiếc xe thồ đá lại, làm một chuyến tái xuất giang hồ.
Đến đâu ông cũng được ngưỡng mộ, trọng vọng chào đón. Nhiều người, trong đó có những người phụ nữ quyết chèo kéo bằng được ông về nhà mình để được cung phụng, để ngắm ông, được nghe ông đọc thơ. Mấy tháng liền ở Hà Nội đều như thế. Sài Gòn biết tin liền vời ông vào bằng được với sự trọng vọng, cung phụng gấp bội. Gần hai năm trời như thế… chứ có ít gì.
Thông tin dù ít ỏi cũng phản hồi đến bà Nhu. Có những cái tin làm bà lộn tiết, như ngồi trên tổ kiến lửa. Thế là khăn gói quả mướp, bà lần vào Sài Gòn. Lần mò mãi rồi cũng tìm ra ông đang giao lưu với những người hâm mộ. Bà thình lình như trên trời rơi xuống làm Hữu Loan kinh ngạc nhìn vợ mà không tin vào mắt mình. Ông đành chấp nhận để bà kèm suốt nhiều tháng trời.
Ông đã bắt tay vào viết kịch thơ Từ Thức, theo thể thất ngôn: Nàng đã đi rồi, ta đứng đây/ Áo lam sương xuống, lạnh vai gầy/ Cẩm bào gửi lại tình muôn thuở/ Hoa gãy người đi mộng tháng ngày…? Ông cố thuyết phục bà, vụ này hay lắm, lớn lắm (ra ý thù lao rất to đấy), bà cứ về trước đi, xong việc này tôi sẽ về. Nhưng bà khăng khăng buộc ông phải nghe theo cồng mình khi khẽ khàng hỏi, ông có muốn nghe thơ không? – “Thơ của bà á?” – Tôi làm sao biết làm thơ. Thơ của ai thì ông sẽ biết. Và bà nhẩn nha đọc…? Tình đôi ta ơi/ từ nay/ rồi/ càng sâu/ Ta đi/ đầu sát bên đầu. Ông cười rung chòm râu bạc, thôi chịu bà Thiến Thư rồi. Thì về vậy.
Thiến Thư là tên riêng ông đặt cho bà để đối xứng với Hoạn Thư trong Kiều.
Bà cho các con gọi bà Ninh là mẹ già. Để ông lập một bàn thờ riêng bà Ninh trong buồng ông. Hằng năm vẫn cùng chồng con làm giỗ bà Ninh. Một đêm, Hữu Loan mơ thấy người vợ chết trẻ. Nhưng giấc mơ đêm ấy lạ lắm. Mọi chuyện đêm tân hôn cứ hiện về rõ mồn một. Phải phục dựng lại tất cả mà vì ngày ấy, xót xa đau buồn lấn át tất cả nên không kịp miêu tả nó. Mạch thơ 42 năm như vẫn chảy ngầm trong máu thịt ông bỗng tuôn trào: Em ngả cánh tay còn nhiều/ ngấn sữa/ cho ta làm gối gối đầu/ Đêm tân hôn chỉ có chuyện là/ ta thấy ta càng lúc/ càng thêm nhỏ bé/ trong vào ngực non tơ/ Chà rụi/ Rúc tìm/ tham lam/ cuống quýt/ ngẩn ngơ/ như một hài nhi/ Khát mẹ…
Người đọc nếu không nhìn ngày viết dưới bài thơ thì cứ đinh ninh là ông viết ngay sau đêm tân hôn. Làm xong bài thơ, ông còn cắt một lọn tóc bỏ vào bình hoa ngày cưới bà Ninh, giờ đã sứt một mảnh trên miệng, vẫn đặt trên ban thờ người vợ trẻ.
Bà Nhu biết tất cả những việc làm ấy của chồng, nhưng không tỏ thái độ gì. Không biết ban đêm hay lúc nằm võng ở ngoài vườn có khóc một mình?
Ngày 8/1 năm ngoái, Nguyễn Hữu Đán (con trai út) báo mẹ ốm, phải đưa ra Hà Nội, hỏi tôi xem có quen biết gì các thầy thuốc giỏi chữa tim. Chợt nhớ nhà văn Ma Văn Kháng từng đặt sten nong động mạch vành. Anh Kháng giới thiệu tôi với bác sĩ, tiến sĩ Tô Thanh Lịch, một người chuyên môn giỏi và rất tử tế.
Bà Nhu được đưa vào phòng tự nguyện, được quan tâm chạy chữa, chăm sóc đặc biệt. Khá lên thì ra, rồi cấp cứu lại vào. Ba lần như thế. Thầy thuốc bảo thế này, thầy tướng phán thế kia, mà bà thì một đống bệnh. Có lần Đán đã phải kí cam kết rồi gỡ tất cả đồ trang sức ra, để phòng phải đưa xuống nhà xác. Rồi anh đi Hải Phòng cắt thuốc của một thầy thuốc Đông y nổi tiếng, rồi mời một thầy đến tận nhà châm cứu.
Ngày 17/5, Đán đang đi công việc thì nhà báo mẹ đã rất khó thở. Đưa vào bệnh viện huyện ngay. Đán bổ về, nhưng cũng như lúc bố đi, vẫn không kịp gặp mẹ. Bà Nhu đi lúc 9h05, ngày 18/5/2013.
Người đầu tiên Đán báo tin buồn là tôi. Cũng như khi biết tin Hữu Loan mất, người đầu tiên tôi báo tin và xin ý kiến là nhà thơ Hữu Thỉnh. Anh bảo, đối với vợ hay chồng hội viên mất, nếu ở gần, thông lệ là thế này, ở xa thông lệ là thế kia. Nhưng cũng có ngoại lệ. Ngay sáng hôm sau, chủ nhật 19/5, nhà thơ Nguyễn Hoa, UVBCH Hội Nhà văn, Trưởng Ban công tác hội viên, nhà thơ Lê Quang Sinh, PGĐ Bảo tàng Hội Nhà văn VN và tôi về Nga Sơn, phúng viếng bà Phạm Thị Nhu.
Tháng 5/2013

Điều áy náy của bà Nhu

Trước ngày đi ít hôm, với bà mọi việc đều thanh thản, trừ một điều.
- Đấy hơn bốn chục năm bố con vẫn còn làm thơ về mẹ già. Mẹ chỉ lo xuống dưới ấy, bố con đi với mẹ già rồi. Đã mấy lần mẹ nghe bố con ngâm: Kiếp này đã dở dang nhau/ Thì xin kiếp khác duyên sau lại thành (Kiều).
Đán cố làm cho mẹ yên lòng:
- Bố sống với mẹ già chỉ có một đêm. Bố sống với mẹ 55 năm là nhiêu đêm? Bố với mẹ già không được anh chị nào. Với mẹ những mười người con đẻ, mười dâu rể, một đàn cháu chắt. Chúng con tính cả rồi. Bác Hạng (nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng), chú Chính (ông Nguyễn Văn Chính, người mua bản quyền Màu tím hoa sim), rồi nhà thơ Nguyễn Duy, ba nhà điêu khắc: Nguyễn Thị Kim, Vũ Đại Hải, Lê Hiệp, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhiều cô chú cả Bắc lẫn Nam đã bàn bạc, thống nhất một phác thảo tượng bố bằng đá đen rồi.
- Nhưng bố con chỉ nhắc đến mẹ già thôi.
Đán cười dàn hòa:
- Mẹ đừng nói thế tủi vong linh bố. Người chết thì nhớ hơn thôi. Mẹ già có Màu tím hoa sim, mẹ có Hoa lúa. Các bác các chú ấy còn định đặt mộ bố ở giữa hai bên là hai mẹ. Mộ bố không hình chữ nhật mà là hình vuông (Bởi ông đã tự xưng tôicây gỗ vuông chằn chặn suốt đời/ Đã làm thất bại âm mưu/ đẽo tròn/ để muốn tùy tiện/ lăn lóc thế nào/ thì lăn lóc). Trên mộ mẹ già sẽ khắc bài Màu tím hoa sim, trên mộ mẹ là bài Hoa lúa.
Thấy mẹ không nói gì, chắc đã xuôi xuôi…? Đán chắc, khi Hoa lúa bay về trời theo bố, hẳn lòng cũng đã thanh thản.
TP


ĐÊM THƠ HOÀNG THỊ VINH

Nỗi tiếc những trang viết trên Yahoo Plus đôi lúc thấy cồn cào gan ruột. Chợt nhớ Nguyễn Trọng Tạo có đăng bài "Đêm thơ Hoàng Thị Vinh" của mình trên trang Blog của anh. Tại sao lại không bê về trang mình nhỉ. Hi hi, và bài viết ấy đây. Dù sao cũng cảm ơn anh Tạo đã lưu giữ để còn lại một cảm xúc yêu quý HTV.

ĐÊM THƠ HOÀNG THỊ VINH

Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 11:14 sáng ngày 14/08/2010  3 Bình luận
ANHTHO3649 BLOG
anhtho

Giữa mùa World cup, ăn W.C., ngủ W.C. mà Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây lại tổ chức đêm thơ Hoàng Thị Vinh có chết người không chứ, bởi họ sẽ bắt đầu vào lúc 7h, nghĩa là phải ra đi từ lúc 6.30 khi ông Mặt Trời vẫn còn vô tư soi rọi cõi nhân gian không mảy may đoái hoài xem loài người còn đủ sức chịu đựng nữa không. Bảo Tuyết Anh chị ngại lắm, còn cơm nước cho cả nhà, lại nóng bức như thế này, thơ thẩn gì. Lúc sau cứ thấy lòng bất an, tiêng tiếc thế nào ấy, gọi cho T.A. bảo lại muốn đi. Và thế là hai    chị em “khăn gói quả mướp” đến với “Đêm thơ Hoàng Thị Vinh” ở hội trường Hội Nhà văn, 9 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội và vô cùng hả hê vì đã có một quyết định hoàn toàn đúng đắn, bởi những bất ngờ thú vị thật dễ chịu mà đêm thơ đem lại.

Bước vào hội trường, quang cảnh bài trí khá là ngoạn mục với dòng chữ “Bạn và Mưa hoa” đầy ấn tượng hiện ra, một cô gái ăn mặc như người mẫu, như ca sĩ tiến đến bắt tay giới thiệu em là Hoàng Thị Vinh làm tôi sửng sốt nhà thơ sao mà trẻ đẹp đáng yêu đến vậy. Vinh niềm nở mời mọi người  vào ghế ngồi. Lát sau thầy giáo yêu quý của tôi là thầy Vũ Thế Khôi cũng đến như dự đoán vì đêm thơ nào tôi chả gặp, tôi vội ra chào thầy. Thầy bảo Vinh cũng là học trò của thầy đấy. Ôi, ít ra tôi và nhà thơ cũng có điểm chung đều là học trò của thầy Khôi đáng kính. Tôi bảo Vinh thế. Vinh hỏi tôi có dịch sách không, có làm thơ không, tôi bảo chỉ thích đọc thơ thôi. Rồi Vinh đề tặng tôi tập thơ “Mưa hoa” của cô. Tôi khen ấn phẩm đẹp, tên cũng đẹp. Trời đang oi nồng ngột ngạt mà có được một cơn mưa đã là sung sướng lắm rồi, lại là “Mưa hoa” thì còn gì bằng. Vinh nói mỗi bài thơ cô nghĩ như một cánh hoa và cả tập thơ là trận “Mưa hoa” để tặng bạn đọc yêu thơ.

Ts Hoàng Thị Vinh (thứ 2 trái sang)

MC của đêm thơ là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, một người có thể nói là vô cùng “bẻm mép” làm cho không khí đêm thơ thêm vui vẻ thân tình, nhất là khi nói thỉnh thoảng lồng tình cảm yêu bóng đá, sốt ruột muốn được xem World cup không phải chỉ của anh mà còn của nhiều người nữa. Đùa là vậy nhưng MC vẫn dành cho nữ thi sĩ những tình cảm yêu mến trân trọng nhất. Cũng như MC, các nhà thơ Bằng Việt (người viết tựa đề cho cuốn Mưa hoa), Trần Ninh Hồ, Nguyệt Vũ, Trần Nhương hay giáo sư Vũ Đức Vượng ở San Francisco, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi và một số bạn bè, người thân của nhà thơ đều nhất trí Hoàng Thị Vinh là một nhà thơ có tình yêu mãnh liệt, một khát khao yêu cháy bỏng, say mê, điên rồ, ngốc nghếch và quá trẻ so với tuổi của cô. Cô dám bộc lộ những khát khao táo bạo ấp ủ từ thời trẻ, chứng tỏ cô là con người có cá tính. Ta thấy rõ điều này trong bài thơ “Mười Bảy”.

                  Mười bảy tuổi không có sừng trâu
                 Em cưỡi xe bẻ cong góc phố
                  Áo nứt ngực, váy quăn ngã dấu
                  Mười bảy phập phồng xả khói hiên ngang.
                  Anh đừng sang,
                  Dừng lại phía bên kia!
                  Em không mặc áo màu xanh
                  Tóc chói rực màu đèn báo hiệu.
                  Stop!
                  Dưới nắng cháy
                  Anh nhìn cành hoa tím!
                  Yên ả thanh bình không mười bảy sục sôi.
                  Quay đi thôi!
                  Mười bảy nổi cồn phố
                  Mười bảy húc đổ phố
                  Mười bảy lườm rách phố
                  Mười bảy nhảy tưng tưng thách đố.
                  Mười bảy tiếng cười trinh nữ kiêu sa.

Qua đêm thơ tôi mới hiểu rõ hơn về cô và thấy thầm kính phục.  Một tiến sĩ, một dịch giả, một thành viên trẻ trong những người sáng lập ra Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, một giám đốc Trung tâm du học nước ngoài đã từng đưa hàng trăm người đi du học, quê ở Nghệ An, sống ở nước ngoài với một ông chồng ngoại quốc mà vẫn có được một tâm hồn Việt trẻ trung, yêu tiếng Việt đến si cuồng. MC bảo cứ ngỡ tên tác giả sẽ được in là VINH HOÀNG THỊ như kiểu hầu hết những người sống ở nước ngoài, nghe sang và sành điệu giống như Jonh Trí Nguyễn ấy, nhưng khi ấn phẩm ra đời lại thấy vẫn để nguyên là HOÀNG THỊ VINH thì không biết có phải là do nhà in sửa lại hay sao. Vinh cho biết đấy là do cô đề nghị để nguyên tên như cha sinh mẹ đẻ đặt cho. Cô yêu mến từ “Thị” đệm của phụ nữ vì đó mới đúng tên thuần Việt, còn đảo đi cô sợ người ta nhầm tưởng cô là một người Tàu nào đó, cô không thích. Chỉ một suy nghĩ giản dị như thế ta cũng thấy Vinh đáng yêu và đáng trân trọng biết bao. Cái cách cô làm thơ cũng thật thú vị. Cô bảo khi con gái hỏi nghĩa một số từ trong từ điển và đố mẹ làm thơ có từ đó đã  buộc cô phải làm thơ cho thấy cô thực là giỏi giang và thông minh. Chẳng hạn như từ “neo” cô sử dụng trong bài thơ “Neo yêu” thật tài tình và thật lạ.

                       Nhà em neo người.
                       Em neo anh về nhà em đi
                       Sau bão dông thuyền anh cập bến
                      Yêu thương nào, em hãy buộc anh!

Là con gái chắc hẳn cô nào chả ao ước có một anh chàng tỏ tình với mình chân thành như thế. Dung dị và yêu thương quá đỗi làm mềm lòng bao cô?
Con người ai chẳng có lúc vui buồn. Lúc vui ai chẳng giống ai đều  thấy sung sướng, thấy tâm hồn thanh thản muốn hát lên, muốn cười lên thật to, thậm chí có cả những người sung sướng quá phát khóc lên. Dù sao thì đó đều là cảm xúc chung của những người vui, hạnh phúc. Nhưng khi buồn, mỗi người thể hiện bằng những cách khác nhau. Tôi có một người bạn hễ buồn là mở tủ lạnh ăn bất cứ thứ gì có, như thể ăn, ăn để nuốt theo tất cả nỗi buồn. Hoặc một bạn khác thì lại nhốt mình trong phòng riêng gặm nhấm nỗi đau. Người bạn thân của tôi luôn bày ra mọi trò để giúp tôi tìm niềm vui xua đi nỗi buồn. Tôi cũng đã cố nhưng cũng chỉ được trong chốc lát, còn phần lớn một mình đối mặt với nỗi buồn, lắm khi chỉ ước mong giá như chẳng phải dây dưa…Có một bài thơ Hoàng Thị Vinh mang lại cho tôi một cách nhìn mới, một nhân sinh quan mới, một cách giải quyết nỗi buồn mới đầy thuyết phục. Đó chính là bài “Buồn cho xếp xó”.

                        Buồn ép plastic
                        Nước mắt rơi vào chẳng lem thêm
                        Được!
                        Đem đi đốt sợ khói ám mùi khét lẹt.
                         Xẹt!
                         Ném vào máy giặt
                         Buồn gì mà chẳng chịu nhàu?!
                         Đỏ hỏn
                         Xanh rờn
                         Sơ sinh phập phồng sức lớn.
                         Khiếp!
                         Vứt toẹt vào sọt rác
                         Dăm bẩy lần, lì đổ không đi.
                         Tức quá!   

                         Nhét vào hộp kín
                         Niêm phong cục hồ quên cực bự.
                         Quẳng sâu vào tủ áo quần.
                         Xong!
                         Đừng có mà lướt thướt
                         Sướt mướt mặt buồn!
                         Đi đâu mắc áo đỏ
                         Ở nhà mặc áo xanh
                         Buồn cho xếp xó!

Học cách Hoàng Thị Vinh, tôi “xếp xó nỗi buồn” của mình, đi học khiêu vũ. Mới được hai buổi nhưng tôi thấy rất thú vị. Dẫu là học trò kém vì những học viên khác đều trẻ hơn mươi mười lăm tuổi, nhanh nhẹn uyển chuyển và năng động, tôi vẫn hy vọng một ngày nào đấy mình cũng sẽ có “bước nhảy hoàn vũ” và thấy cuộc đời đáng sống hơn.
Đọc xong tập thơ Vinh, hầu hết tôi thích thơ cô. Nhưng có lẽ tôi thích nhất bài thơ “Mật mã tình yêu”, phải chăng HOA SEN là loài hoa tôi yêu. 

                        Sau lần đầu gặp mặt
                        Anh gọi em là Hoa sen
                        Trái tim ngân vàn muôn nốt nhạc
                        Tâm hồn ngào ngạt hương. Hoa sen.
                        Anh hỏi
                        Có điều gì còn giấu dưới những cánh thơm
                        Mà mắt em nhìn bối rối
                        Hoa sen ơi!
                        Hoa sen!
                        Bật tung cửa lâu đài tình yêu
                        Ta dắt tay nhau
                        Vào vườn hoa bí mật
                        Em vẫn mải mê say hương hoa
                        Anh đến bên nhắc nhỏ:
                        Hoa sen!
                        Em ào nắm tay anh
                        Chạy về chân trời hồng hoa nở.
                        Chân trời hoa hạnh phúc
                        HOA SEN

Đêm thơ Hoàng Thị Vinh tổ chức phải nói rất thành công. Được uống rượu vang, ăn hoa quả bánh kẹo và được nghe các ca sĩ hát, đọc thơ cô, bình thơ cô trong bầu không khí thân mật vui vẻ là điều tuyệt vời trong một chiều tối với nhiệt độ nóng chưa từng có kể từ khi tôi biết nhìn ra cuộc đời. Đặc biệt những người yêu thơ còn được nghe chính tác giả hát bài “Trái tim em không phải là đá” bằng tiếng Nga. Không ngờ cô có giọng ca đẹp đến vậy. Xin chúc mừng Hoàng Thị Vinh và “Mưa hoa” của cô với lời cảm ơn chân thành nhất!

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

NHỮNG PHÚT NGẪU HỨNG THÚ VỊ



Ai chẳng có những phút ngẫu hứng thích làm việc này việc kia trong những giây phút ít ngờ nhất. Cuộc đời trở nên thú vị hơn bởi những giây phút ngẫu hứng ấy. Nó như thêm thi vị thêm hương hoa cho cuộc sống, giống như cơn gió mát lành hay cơn mưa mong đợi trong ngày oi nồng bức bối và làm ta thấy cuộc đời đáng yêu thêm biết chừng nào.

Hôm rồi trên Face Book mình khoe mùa thi này trong vòng hai chục ngày trông tới 43-44 ca thi. Cô cháu gái cũng là cô giáo bảo sao dì có thể dẻo dai thế, cháu trông có ba ngày mà thấy oải. Mình thì không. Thứ nhất, nhà mình gần trường chỉ đi bộ chưa đầy 10 phút, không tốn tiền xăng xe, không chịu áp lực về đường tắc, bụi bậm ồn ào và thời gian đã là khỏe rồi. Thứ hai, về hưu với đồng lương ít ỏi chẳng đáng là bao thì âu đây cũng là khoản thu nhập thêm vào cho những chuyến đi từ thiện, nhất là dạo này mình cũng không bận gì lắm. Thứ ba, mình thấy trông thi cũng OK, công việc nhẹ nhàng miễn là tuân thủ mọi quy chế đề ra với giám thị cũng như với thí sinh, nếu không bị thanh tra lập biên bản giám thị thì ôi chết. Cuối cùng, trông thi cũng vui phết. Trong thời gian coi thi, ai cấm (chính xác hơn ai biết) mình suy nghĩ việc này việc nọ để tránh ... buồn ngủ mà coi thì thường là 90 phút, may mắn được 60 phút, còn có buổi là 120 phút hay 150 phút. Vậy là bạn có thể suy nghĩ mà vẫn không phạm quy, thậm chí có thể làm cả ... thơ nữa, hi hi.
Trong danh sách những bài thơ của mình có đến mươi mười lăm bài được “sáng tác” trong lúc trông thi đấy. Bí mật nhé không thanh tra Tú biết được thì toi. Có bài là do chủ ý, nhưng cũng có bài thì do ngẫu hứng một trăm phần trăm. Chẳng hạn mùa thi đúng vào mùa bằng lăng nở rộ. Trông thi vẫn có thể nhìn qua cửa sổ với ngút ngát bằng lăng tím biếc và “ Bằng lăng hoa thương” ra đời.
Một lần trông thi, ngay từ đầu giờ có một sinh viên trông dáng bộ ngang tàng khác người đã lọt vào tầm ngắm của mình, khi gọi vào phòng thi nhìn tên nhìn người đúng là con trai, nhưng nhìn thẻ giới tính ghi là nữ làm mình hết sức ngạc nhiên, sau đấy gọi một em khác có tên là nam giới thì cứ thấy một em nữ tiến vào. Mình hai lần gạt em ấy ra bảo chờ chút chưa đến lượt thì em í bảo cô vừa gọi tên em mà. Hết ngạc nhiên này đến sửng sốt khác thế là thơ ngẫu hứng ra luôn.
Thơ ấy đây:




       TÊN VÀ NGƯỜI
Buổi thi hôm nay  lắm cái kỳ
Tên Vũ Tuấn Trang đích thị: Nam
Tóc ngắn quần Jin khá ngang tàng
Khi kiểm tra thẻ, tưởng khai man
Hư hư thực thực – Hóa ra: Nàng
Còn Nguyễn Quang Tuân lại dịu dàng
Coi thẻ - con trai - thấy ngỡ ngàng
Bà mụ làm việc – nhầm không nhỉ
Lại khoác lên em – một nữ nhi
Xét đoán con người chỉ hình hài
Hay theo tên tuổi có khi sai!

Tối qua khoe thơ trên FB được nhiều người like, đặc biệt có Nấm Kute là con dâu của Cúc, bạn học đại học với mình cách đây hơn bốn chục năm, không những thích mà còn đối thoại với mình bằng ... thơ nữa. Quả là rất thú vị.

Trước khi dẫn cuộc đối thoại mình muốn nói qua chút về Cúc. Cúc quê Thái Bình có hoàn cảnh khá đặc biệt so với các bạn khác. Bạn í lấy chồng sớm nhất (một anh học khóa trước) và chồng cũng mất rất sớm do bạo bệnh để lại ba đứa con nhỏ dại nên Cúc cũng vất vả lắm lắm. Khoảng hai chục năm trước đây dân Tiếng Nga bọn mình gần như thất nghiệp, hầu như ai cũng phải chuyển sang học và dạy Tiếng Anh. Cúc cũng vậy. Dạy ở trường Lâm nghiệp tận Xuân Mai, đi lại đã vất vả nhưng vẫn phải mưu sinh để nuôi con ăn học, chắc chắn khó khăn của Cúc càng tăng bội phần. Bên Tổng hợp mình thời đó có nhiều hệ mở ra như Part –Time hay Tại chức, mình xin cho Cúc cùng dạy Tại chức kiếm thêm tiền nuôi con. Khó khăn rồi cũng qua đi, ba con Cúc đã trưởng thành, công việc ổn định, có gia đình con cái cả rồi. Cúc trở thành bà nội bà ngoại giờ suốt ngày chăm cháu nội cháu ngoại và lấy đó làm niềm vui. Mình cũng mừng cho bạn lắm.

Lần đi từ thiện ở Trại Phong Sóc Sơn cách đây mấy tháng, khi giao lưu với các thành viên trong đoàn mình giới thiệu là Giáo viên Tiếng Anh nhưng trước là Tiếng Nga. Nghe thế một cháu tên Thu Trà có nickname là Nấm Kute bảo mẹ cháu trước cũng dạy Tiếng Nga, sau dạy Tiếng Anh ở trường Lâm Nghiệp tên là Cúc. Ôi, Trái đất thật là nhỏ bé. Đi đâu cũng gặp người mà có chung một người quen nào đó. Từ hôm ấy mình và cháu thường xuyên cập nhật thông tin trên FB. Có lần nhóm Sống hướng thiện còn offline ở quán Cafe Nấm của cháu ở số 1 - B 7 - KTT hồ Ngọc Khánh, ngõ 29 đường Nguyễn Chí Thanh. Quán của cháu có không gian thật đẹp, thức ăn, đồ uống ngon rất dễ chịu. Ai không tin đến một lần biết liền.


                               Quán Cafe Nấm của Nấm Kute đây. Rất đẹp đúng không?

Lại nói về cuộc giao lưu bằng thơ của hai cô cháu. Ngay sau khi đọc bài thơ “Tên và người” Nấm Kute tức thời cho ngay bài thơ của cháu rất hóm hỉnh:

“Con tên Thu Trà có phải nam?
Vì con thỉnh thoảng tính ngang tàng
Quần âu tóc ngắn, chân hai háng
Mồm thì nhai kẹo huýt sáo vang
Chồng con hay bảo “Hay nhầm giới?”
Bà mụ khi xưa khéo nặn nhầm???
Sao tên Thu Trà mà nam tính
Ăn to, nói lớn...chắc là nhầm.”

 Và mình đã đáp trả thế này:

“Nấm Kute tên cháu thật đáng yêu
Sinh ra hai nhóc quá là siêu
Sao chồng còn bảo “Hay nhầm giới?”
Phạt ngay một tối cho đáng đời.”

Nấm Kute cũng không kém, cháu tức tốc đối lại luôn:

 “Tối nay phạt hắn, hắn sẽ cười
Thôi thì kệ hắn, ta nằm chơi
Mặc váy sec-xy chân dài ngoẵng
Da trắng, eo thon, lượn vài vòng
Cho hắn chết thèm phải thốt lên
Thu Trà là nữ chứ Nam riiii”

Hì hì, thì phải đóng vai phụ họa với chồng cháu thôi:

“Anh chịu thua rồi, Nấm Kute ơi
Da em trắng thế, sec-xy thế
Váy ngắn lượn vòng làm anh phê
Em đúng là nữ, anh xin thề!”

Không còn gì để tiếp, Nấm Kute kết luận “Cháu iu cô! Chụt! chụt!” với hình trái tim đỏ, tươi roi rói.


                          Thu Trà tức Nấm Kute là cô bé trong bộ đồ Jeans rất xinh nhé.

                          Còn đây là hai nhóc nhà Thu Trà. Rất đáng yêu các bạn nhỉ?

Viết lại mấy dòng ngẫu hứng trên đây, giờ mình vẫn còn thấy buồn cười và tất nhiên là vui. Mong cuộc đời luôn có được những giây phút vui vẻ như thế.