Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

HỌP MẶT HỌ NGÔ TẢO KHÊ ĐÂÙ XUÂN


Cứ mỗi độ xuân về, họ Ngô Tảo Khê tại Hà Nội chúng tôi lại cùng nhau họp mặt tại một nhà ai đó đăng cai từ năm trước. Tết Quý Tỵ này chúng tôi cùng nhau họp mặt tại nhà Châu-Vinh ở phố Nhuệ Giang, quận Hà Đông. 
Đây thực sự là một dịp để các thành viên trong họ gặp gỡ chúc tết thăm hỏi lẫn nhau. Năm nay so với mọi năm có phần vắng hơn, có thể do nhiều vị cao tuổi sức khỏe kém hơn hoặc đi lại hơi xa nên có phần ngại. Gia chủ Châu-Vinh rất chu đáo chuẩn bị phòng ốc bàn ghế đầy đủ. Nếu không có buổi gặp mặt này không biết đến lúc nào mình mới ghé thăm nhà Châu-Vinh. Châu còn thỉnh thoảng gặp chứ Vinh thì mấy chục năm rồi nay mới gặp. Nên ông nên bà cả rồi. Cũng mừng thấy Châu-Vinh có nhà cửa đàng hoàng, có cả nhà  cho thuê đủ tiền cho sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình.
Sau khi hàn huyên thăm hỏi chúc Tết lẫn nhau, ban liên lạc báo cáo hoạt động của họ trong năm qua, đưa ra một số việc cần lưu tâm đó là tham gia lập cuốn "Gia phả họ Ngô Tảo Khê", là việc tu sửa lối đi lại trong nghĩa trang họ Ngô sao cho sạch đẹp tôn nghiêm. Một điều đáng quan tâm là các buổi họp mặt này phần lớn là những vị cao niên, không có nhiều các thành viên con cháu của các thế hệ tiếp theo. Ý kiến của Việt con anh Ngô Thúc Lanh đề nghị lập trang "Họ Ngô Tảo Khê ở Hà Nội" trên Facebook là một ý rất hay để mọi thành viên có thể cập nhật nếu không hàng ngày thì cũng thỉnh thoảng ghé thăm nắm rõ mọi hoạt động của họ.
 Như thường lệ những vị cao niên trong họ ở độ tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100... đều được cả họ chúc thọ. Năm nay có bác Ngô Thúc Bảo 95 tuổi nhưng do không được khỏe không đến đươc, ban liên lạc sẽ đến tận nhà mừng thọ bác. Có hai vợ chồng chú Tửu 75 và 70 cũng được cả họ vui mừng chúc thọ rất long trọng. Chúc tất cả các thành viên họ Ngô chúng ta năm mới an khang thịnh vượng may mắn và tràn ngập niềm vui. 
Còn đây là một số hình ảnh của buổi họp mặt đầu xuân của họ Ngô Tảo Khê tại Hà Nội:

Cả họ Ngô Tảo Khê tại Hà Nội vui vẻ gặp gỡ đầu xuân Quý Tỵ.
 Mọi người gặp nhau vui vẻ chúc Tết và thăm hỏi gia cảnh của nhau rất đầm ấm thân mật

.                    
 Người đội mũ len là giáo sư Toán học Ngô Thúc Lanh, 91 tuổi trông còn rất nhanh nhẹn khỏe mạnh.
                        
                            
 Cháu Hưng trong ban liên lạc chuẩn bị quà mừng thọ những vị cao niên ở tuổi 70,75,80,85,90,95,100...

                            
 Anh Ngô HuyVăn (chú ruột Ngô Bảo Châu), trưởng ban liên lạc chúc Tết cả họ nhân dịp đầu năm mới Quý Tỵ

           
      
 Em trai Ngô Huy Thông, người rất có trách nhiệm và tâm huyết đang chia sẻ công việc của  họ.



 Trưởng ban tặng quà mừng thọ cho vợ chồng chú Tửu 75 tuổi và vợ chú 70.
 Chú Tửu thay mặt vợ cảm ơn cả họ.
Mong những buổi họp mặt họ tiếp tục diễn ra hàng năm như một nét truyền thống đẹp của họ Ngô Tảo Khê tại Hà Nội.
Năm ngoái mình cũng có viết một bài ở Yahoo Blog, nay đăng lại như để lưu giữ một kỷ niệm đẹp.


            HỌP MẶT HỌ NGÔ ĐẦU XUÂN NHÂM THÌN 


                     

              DÒNG HUYẾT THỐNG
          Mang dòng "Ngô tộc" vốn danh gia
          Xứng bậc danh nho, một giống nhà
          Nề nếp gia phong, truyền thống tốt
          Văn chương toán học, tiếng vang xa
          Tổ tiên hun đúc, nên cơ nghiệp

         
Con cháu tài bồi, sáng họ ta
          Sử sách nghìn năm, lưu giữ mãi
          Tổ đường "Ngô tộc" bước thăng hoa.

                           Bác Ngô Huy Lâm
                  Tảo Khê - Ứng hòa - Hà nội
Là con gái họ Ngô, kể từ khi có nhận thức đúng đắn đến nay, tôi luôn tự hào mang trong người huyết thống họ Ngô. Nói là kể từ khi có nhận thức đúng đắn, nghĩa là từ khi biết thế nào là trái là phải bởi có lúc (đó là khi đang còn quàng khăn đỏ) tôi đã từng rất ngượng vì là người mang họ Ngô. Đi học tôi toàn viết họ mình là "Ng." thay cho "Ngô" để lập lờ đánh lận con đen cho ai đó có thể hiểu thành "Nguyễn" thì may quá. 

Phải công nhận nền Giáo dục nước nhà những năm cuối  50 của thế kỷ trước thật tài biến một đứa trẻ 7- 8 tuổi biết xấu hổ một cách ngu ngốc về dòng họ mình chỉ vì ở mãi trời Nam xa tít mù tắp có một ông tên là Ngô Đình Diệm, một nhân sỹ yêu nước có đường lối chính sách khác với miền Bắc mà khi ấy tôi coi như là kẻ thù số một của đời mình. Chả phải riêng tôi mà chị họ con bác ruột, người cùng tuổi với tôi hiện đang sống trong Sài gòn có tên là Ngô Thị Hòa đi học tự đổi thành Phạm Thị Lợi lạ hoắc chẳng liên quan đến dòng họ gì cả. Mà có phải đâu chỉ trẻ con. Ông nội tôi tên là Ngô Đình Trung, bố tôi là Ngô Đình Kỳ. Chả biết vì lý do chính xác là gì chỉ thấy sau này bố cũng có tên là Ngô Văn Kỳ, đổi "Đình" thành "Văn" chắc để chứng tỏ không dính gì đến Ngô Đình của họ nhà ông Diệm kia. 

Viết điều này ra, con xin tổ tiên hãy mở lòng khoan dung mà lượng thứ cho một đứa trẻ bị nhồi sọ là con. Còn sau này khi đã hiểu biết lẽ phải, con luôn tự hào họ Ngô Tảo Khê chúng ta có những bậc cha ông, những bậc đàn anh rất giỏi trong các lĩnh vực văn chương, toán, lý, hóa như các bác Ngô Huy Tân, Ngô Thúc Bảo, Ngô Huy Lâm, các anh Ngô Thúc Lanh, Ngô Huy Thiêm, Ngô Huy Hoàng, Ngô Huy Cẩn, Ngô Huy Du, Ngô Huy Văn và bây giờ là cháu Ngô Thị Phương Thảo và Ngô Bảo Châu. Riêng chi nhà con, con luôn tự hào có ông nội là nhà nho, bố đẻ là nhà giáo, sáu trên bẩy chị em đều là giáo viên. Cái nếp nhà thanh bạch là truyền thống là niềm tự hào để con luôn neo vào, nương tựa vào để đứng vững trong bão giông cuộc đời.

Một nét rất đẹp của Ngô tộc là những ai họ Ngô ở Hà Nội luôn có cuộc gặp mặt đầu Xuân để nhắc lại truyền thống họ Ngô, củng cố xây dựng họ Ngô thêm mạnh thêm thân thiết quan tâm lẫn nhau. Đây cũng là dịp mừng thọ những bậc cao niên. Năm nay có anh Ngô Thúc Lanh, giáo sư toán 90 tuổi, cô Dương 75, anh Du 75, anh Văn 70 đều được tặng một bức tranh có chữ Khang, chữ Phúc để mừng các anh các chị mỗi năm thêm khỏe mạnh, mãi là những cây cao bóng cả để con cháu nương tựa noi theo.

Truyền thống họp mặt đầu Xuân có từ mấy chục năm, tôi mới chỉ tham gia đôi lần tổ chức ở nhà bác ruột tôi ở Thủ Lệ. Năm ngoái cùng một số gia đình đi Đường Lâm dự buổi họp mặt họ Ngô toàn quốc cầu cho quốc thái dân an và dâng hương lăng mộ Ngô Quyền.

 Năm nay buổi gặp mặt đầu xuân tổ chức tại nhà em trai Ngô Huy Thông. Tôi và em gái Thu có đến tham dự và thấy rất vui được gặp mặt những người họ hàng thân thiết của mình. Chúng tôi bảo nhau sẽ cố gắng tham gia đều để niềm tự hào là con cháu họ Ngô sẽ mãi mãi ăn sâu thấm đậm trong dòng máu, trong từng hơi thở, trong từng nhịp sống của người mang huyết thống họ Ngô.

GIỖ BỐ VÀ MỪNG CHỊ THỦY BẨY MƯƠI



(Bài viết này từ năm ngoái, đăng lại như một nén nhang để tưởng nhớ bố yêu quý của con)



Năm nay giỗ bố ở Hà nội. Như thường lệ con cháu tụ tập làm giỗ thắp hương để tưởng nhớ ông và cũng là dịp mọi người gặp mặt đầu năm. Hầu như các nhà đều đến đông đủ trừ bác Huống chú Tân, cậu Dũng vì lý do sức khỏe. Riêng nhà em Hằng có lý do đặc biệt rất lâu không về Đà Nẵng ăn Tết nên đã mang lễ sớm rất chu đáo. Thiếu một nhà dù chỉ có chú dì và cháu My, (Trang thì ở Canada đương nhiên không về được) mà sao cứ thấy thiêu thiếu văng vắng lạ.

            Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120128110452449.jpg

Mọi người đây, hình như vẫn thiếu nhà Huy, nhà Hùng, và một số nữa. Chắc mọi người đang bận dọn dẹp. Hải phó nháy không có mặt thiếu là đúng rồi.

            Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120128112326576.jpg

Cỗ năm nay chỉ là những món ăn truyền thống của ngày Tết. Trong mâm này còn thiếu thịt đông và món cá quả xào nấm chưa được mang lên. Món ăn đặc trưng có tính chất truyền thống của ngày giỗ như mọi năm là món Cuốn tôm không có chắc vì trời rét quá không mua được tôm. Không nói ra nhưng chắc ai cũng cảm thấy nhơ nhớ thì phải.Description: http://l.yimg.com/hb/i/vn/blog/i/icon/16/1.gif

             Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120128112928984.jpg

Đây là bàn thờ Tổ tiên, ông bà cha mẹ được con cháu dâng lễ từ hôm trước hoặc ngay hôm giỗ.

            Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120128114103655.jpg
Em dâu trưởng đang sắp mâm giỗ cúng ông.

            Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120128113330815.jpg

Cậu Thông con trưởng đang thắp hương mời Tổ tiên, ông bà cha mẹ về hưởng lộc nhân ngày giỗ bố. Tất cả con cái dâu rể cháu chắt đứng trước bàn thờ thành kính chắp tay tưởng nhớ ông. Tiếc là không có ai ghi lại hình ảnh này.

            Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120128114714343.jpg

Cu Kem đang được bà Thu hướng dẫn lễ cụ.

Ngày giỗ năm nay có một điều đặc biệt hơn tất cả những ngày giỗ trước đây - đó là chị cả Ngô Thị Thanh Thủy của mình 70 tuổi. Vợ chồng cậu trưởng Thông Châu đề nghị kể từ nay trở đi bất kể anh em dâu rể nào 70 tuổi đều được tổ chức kỷ niệm đơn giản gọn nhẹ nhưng rất ý nghĩa vào ngày giỗ ông vì vừa là dịp đầu năm và là dịp anh em con cháu tụ tập đông đủ nhất. Mình cho đó là ý kiến rất hay vì bố ra đi khi mới có 51 tuổi, mẹ cố lắm cũng chỉ được 69. Vậy chị Thủy năm nay 70 thật đáng mừng. Em Thông thay mặt mọi người tặng chị chữ Phúc. Em bảo muốn tặng chị chữ Khang nhưng vì một lý do nào đó không thực hiện được.

              Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129120234227.jpg

Chữ Phúc cũng rất quý.

            Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129120748155.jpg 

Thông còn đọc bài thơ "Mừng chị"

                 Nhâm Thìn chị Cả bẩy mươi xuân
                 Chúng em xin tặng chị đôi vần
                 Mừng anh chị khỏe, vui hạnh phúc
                 Gia đạo an bình, thắm tình thân

         Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129024502968.jpg

Chị Mai chúc thọ chị Thủy.

         Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129024747195.jpg

Mình cũng chúc mừng chị Thủy. Lúc ấy không nghĩ ra câu thơ nào. Sau buổi giỗ về nhà tự nhiên bật ra mấy câu thơ, gọi điện cho cháu Hùng hỏi mẹ đâu. Thì ra chị đã về Vân Đình. Gọi điện chúc tặng thơ chị.

                   Thanh Thủy chị tôi bẩy mươi xuân
                    Nước xanh tinh khiết mãi trong ngần
                    Chị em quấn quýt tình thân mãi
                    Vợ chồng khăng khít buổi hôm mai
                    Mẹ con bà cháu vui xum họp
                    Mong một mùa Xuân vạn thái lai.

            Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129030309469.jpg

Em Thu cũng có thơ tặng chi Thủy.

                   Tết này chị bẩy mươi xuân
                   Anh em con cháu muôn phần mừng vui
                   Chúc chị luôn khỏe luôn vui
                   Song Thọ hạnh phúc ấm tươi tình đời

           Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129030917393.jpg

Chị Thủy xúc động không cầm được nước mắt trước tình cảm của các em và con cháu.

           Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129030741407.jpg

Năm chị em nhà mình chỉ thiếu em Dũng và em Hằng.

           Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129031903965.jpg
Tứ tử trình làng đây. (Đáng ra là ngũ tử cho thiên hạ khiếp. Description: http://l.yimg.com/hb/i/vn/blog/i/icon/16/10.gif)
Em dâu trưởng Minh Châu bận bếp núc quá, mãi cũng ra mừng chị Thủy, còn kịp làm cả thơ nữa. Bái phục! Bái phục!

                   Chúc chị tuổi bẩy mươi
                   Vẫn cứ còn xuân mãi
                   Gánh lo miền xa ngái
                   Đổi lấy niềm vui tươi

           Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129032744353.jpg

Cháu rể Hải thay mặt các cháu chúc mừng mẹ Thủy bẩy mươi xuân...

           Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129033007575.jpg

được mọi mâm vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng...

          Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129033221675.jpg

làm bác Thủy vui cười thoải mái hết cỡ.

         Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129035142744.jpg

Mâm dành cho các ông các bà.

        Description: http://seablogs.zenfs.com/u/m54DwDqTHh.t6lINjT9MGwbH/photo/ap_20120129035343680.jpg

Mâm các cháu trai vinh dự được ông Thông ngồi cùng.

Buổi giỗ ông kết hợp mừng bác Thủy bẩy mươi gọn nhẹ vui vẻ đầm ấm tràn ngập tình thương yêu khiến cho tất cả đều hài lòng. Chúc toàn gia chúng ta mãi mãi khỏe mạnh bình an vạn sự như ý!

         


 


GIỖ CHA


Mai là ngày giỗ bố rồi. Cả nhà lại về quê. Năm nay thiếu em dâu trưởng và em gái út. Em dâu đi ăn Tết Sài Gòn. Em gái cùng gia đình đi ăn Tết Đà Nẵng. Nhà chắc sẽ kém vui. Tuy nhiên năm nay có thêm ba chắt nữa là Bu bu, Rồng, Trường Giang và nhà mình cũng vui hơn vì thêm người không còn buồn như mấy năm trước đây. Dẫu sao vẫn muốn đăng lại bài viết cách đây mấy năm về Giỗ Cha để nhớ về những ngày chưa xa.


 
CHA MẸ - hai từ thân thương ấy in sâu vào tâm khảm của mỗi người làm con. Hạnh phúc thay cho những ai đang còn cha mẹ! Hãy trân trọng lưu giữ tình yêu ấy bởi một khi bạn không còn, bạn mới thấy thiếu thốn chông chênh nhường nào!

Thực ra hai từ CHA MẸ ấy chỉ xuất hiện trong tâm trí tôi hay khi cần phải viết ra trên văn bản. Thường ngày chị em chúng tôi gọi cha mẹ mình là CẬU MỢ theo kiểu thành phố vì vốn dĩ gia đình tôi sống ở 99 Bạch Mai Hà Nội. Sau này không rõ vì lý do gì chúng tôi lại gọi cha mình là BA, chắc là bắt chước người miền Nam. Còn từ BỐ chỉ được dùng sau khi Người từ bỏ chúng tôi ra đi mãi mãi.

Bố tôi là một nhà giáo dạy học ở Hà Nội. Bố lúc nào ăn mặc cũng chỉn chu trau chuốt, có hàng đống com-lê, calavat. Bố thích đọc sách, yêu thơ văn và đôi khi cũng làm thơ kiểu "Chín xu đổi lấy một hào. Mười hào tiết kiệm thành ra một đồng" để kêu gọi toàn dân tiết kiệm. Ông cũng khá tích cực trong phong trào " Bình dân học vụ" và "Xóa giặc Dốt". Năm 1954, sau khi Hòa Bình lập lại, nghe theo và tin tưởng ở chính sách của Đảng và Chính phủ kêu gọi bà con trở về quê hương làm ăn sinh sống, bố quyết định về quê mặc dù mẹ không mấy ủng hộ. Có lẽ để cân bằng giữa hai luồng tư tưởng nên bố đồng ý định cư ở Thị trấn Vân Đình cho dung hòa giữa thành thị và nông thôn. Cũng là về quê theo chủ trương đường lối đề ra, nhưng ở Thị trấn vẫn là nếp sống thị thành. 

Về quê, ông không hành nghề giáo học mà làm kế toán cho Cửa hàng Bách hóa. Ngày ấy ông kết thân với một bác người Miền Nam tên Mạnh. Bác Mạnh quý tôi lắm cứ nhận làm con. Còn tôi thì cứ lảng tránh sợ hãi vì không thể chấp nhận một ai khác có thể làm BỐ MẸ mình ngoài Người đã sinh thành ra mình. Nhưng có lẽ vì thế mà chúng tôi đã gọi bố mình là Ba. 

Khoảng thời gian từ khi chuyển về Thị trấn Vân Đình cho đến năm 1960 đời sống gia đình cũng khá ổn. Những ngày phiên chợ Đình (một tuần hai buổi) các bác, các chú tôi và các ông anh họ tuổi ngang với bố ở quê thường lên chơi lại là một buổi chị Thủy tôi phải thịt gà, thịt vịt, nấu ếch hay nấu món Tam Tam bằng chính con Ba Ba hẳn hoi. Chị bảo mỗi khi đến phiên chợ Đình là lại sợ phát khiếp lên vì phải nấu ăn quá nhiều. Ngày đấy thật vui, đặc biệt những phiên chợ TẾT hàng hóa ê hề, cuộc sống tưởng chừng không còn khó khăn vất vả. Bọn tôi còn bé nhưng sinh hoạt Thiếu nhi rất vui. Sáng sáng quét phố quét chợ sạch sẽ. Thỉnh thoảng chặt các loài cây dại ở lối đi ra Phủ cũ vừa làm vệ sinh đường phố vừa lấy cây làm phân xanh thật là đôi đường lưỡng tiện. Tối đến ra trụ sở Ủy ban tập hát tập múa rất có phong trào. Những đêm Giao thừa các anh các chị thanh niên và bọn Thiếu nhi chúng tôi đều tụ tập lại để ca hát, đọc thơ và chúc Tết rất vui. Chính từ ngày ấy tôi đã được biết đến làn điệu ca trù là thế nào. Bà Cả Nghê một cô Đào cũ vẫn vừa đàn vừa hát. Thú thật tôi cứ nhớ mãi dù chưa cảm nhận được cái hay của nó, chỉ thấy ca trù rất ấn tượng rất đặc biệt. Hay những dịp Tết Trung Thu hàng núi quà cao ngất bưởi chuối hồng na bánh kẹo được bầy ra đẹp đẽ để chuẩn bị phân phát cho trẻ con chúng tôi. Mọi cái thật dễ chịu sung sướng. 

Thế rồi đùng một cái những thứ tưởng chừng như quen thuộc bỗng chốc biến khỏi trái đất như có ai đó hô câu thần chú "Biến ". Thế là mọi cái biến mất thật nhanh, thật nhanh. Cuộc sống của cả xã hội trở nên khó khăn thiếu ăn thiếu mặc. Bố lại bị ốm không làm kế toán ở Bách hóa nữa. Căn bệnh thấp khớp chạy vào tim ngày đêm hành hạ bố. Các van tim quái ác vừa hở lại vừa hẹp co bóp bất thường làm cho bố tức thở khó chịu kinh khủng. Mặc dù mẹ rất tích cực chăm chút thuốc men cho bố, mỗi ngày đều sai tôi vào tận lò mổ mua tim lợn về hấp với tam thất để chữa bệnh mà càng lúc bố càng yếu đi. Người khô sạm, đi lại rất khó khăn, đi một bước lại phải nghỉ một bước và cứ phải thở dốc rất đáng thương. Ngay khi bị ốm rồi Người còn cố gắng xin làm kế toán cho Lò Vôi một thời gian rồi mới nghỉ hẳn. 

Những năm 1963-1965 tôi vừa đi học vừa tranh thủ tết bẹ ngô làm thảm chùi chân kiếm chút tiền còm giúp mẹ. Bố ốm nhưng vẫn tranh thủ nhặt bẹ ngô, phân loại đen trắng dúng nước cho bẹ mềm đi để tôi có thể tết dễ dàng hơn. Chắc bố khổ tâm lắm vì ốm đau không giúp gì cho vợ con. Thương bố, thương mẹ chúng tôi đều cố gắng học giỏi, làm chăm để an ủi động viên bố mẹ. Thế rồi cái gì đến tất phải đến.....

Tết năm 1967 là cái Tết đau buồn nhất trong gia đình chúng tôi. Bố yếu lắm rồi khó qua khỏi. Mồng Năm tết. thông thường học sinh bắt đầu phải đi học lại sau kỳ nghỉ TẾT. Tôi cứ loanh quanh bên giường bệnh của Người không muốn đi học. Người ái ngại thều thào bảo tôi bố không sao đâu, con cứ đi học đi, việc gì ra việc ấy con không được nghỉ học. Không dám trái lời Người tôi lặng lẽ lấy cặp sách đi học với tâm trạng buồn rười rượi. 

Chỉ mới đi ra đầu phố cách nhà chừng 50 mét đã có người chạy theo gọi "Bố mất rồi". Trời đất như quay cuồng sụp đổ. Người đã lừa tôi bảo không sao mà chỉ đợi tôi ra khỏi nhà là Người đã bỏ tôi Người đi. Cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời Người vẫn lo cho việc học của tôi, bởi năm đó là năm cuối của phổ thông cấp III. 

Thế là chị em chúng tôi mãi mãi bị mồ côi Bố. Thương nhất em Hằng mới có  một tuổi đầu. Nhưng em còn quá bé có biết gì đâu. Phải nói thương mẹ nhất hơn bốn chục tuổi đã góa chồng, một mình chèo chống cáng đáng một con thuyền nhỏ mong manh trong bão táp mưa sa trên một đại dương mênh mông biết bao miệng hùm nọc rắn và đói nghèo khốn khổ.....

Vậy là cứ mỗi năm vào ngày mồng Năm Tết anh chị em cháu chắt lại tụ tập để tổ chức ngày giỗ bố, giỗ ông, giỗ cụ là cụ Ngô Văn Kỳ - là người cha kính yêu của chúng tôi. Ngày giỗ năm nay cũng như mọi năm nhưng nó gợi trong tôi một điều khác lạ so với mấy năm vừa rồi. Bâng khuâng cảm động mừng vui nhưng vẫn ngậm ngùi.....

Bâng khuâng cảm động bởi lần giỗ này rất giống những năm mẹ còn sống, nhà tôi và nhà cậu Thông lại rồng rắn vợ chồng con cái kéo nhau về quê. Thường thì cả nhà tôi chễm trệ ngồi trên một chiếc Electron to đùng, đôi khi mang cả ô tô của trường về cũng khá là tiện lợi. Xa hơn nữa, thời chồng tôi còn công tác ở Sơn La thì chủ yếu đi bằng xe hàng. Chen lấn , xô đẩy lấy được tấm vé về quê thật là một kỳ công. Còn đi ra Hà Nội thì phải nhờ đến sức mạnh và tài ngoại giao của mẹ và của chị Mai. Vất vả đấy nhưng đầy háo hức vui vẻ. Ngày ấy thật xa, thật xa và thật đáng nhớ..... 

Sau này khi mẹ mất rồi, chúng tôi vẫn đều đặn hai lần trong năm về quê làm giỗ bố mẹ. Những ngày ấy bao giờ cũng có họ hàng nội ngoại đến thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất và cũng là dịp để anh chị em gặp nhau rất vui. Cách đây năm năm vì những lý do riêng tư, chúng tôi đều tổ chức giỗ bố mẹ ở Hà Nội. Cũng vui vẻ đầm ấm nhưng vẫn thấy hơi thiếu hụt..... Có được các anh chị em họ ở Hà Nội thì lại thiếu các anh chị em ở quê. Có lẽ nên duy trì như một thời đã từng làm. Năm thì ở quê, năm thì ở Hà Nội cho cân bằng. 

Mừng vui vì đây là lần giỗ đầu tiên kể từ khi cậu Dũng mợ Thủy xây dựng ngôi nhà mới. Ông bà chắc mừng cho cậu mợ lắm có hai nhà to khang trang, con cái trưởng thành có công ăn việc làm đầy đủ. Ngôi nhà đủ to để làm cỗ cho khoảng sáu chục anh chị em con cháu với cỗ bàn khá là tươm tất. Ngoài món Cuốn tôm truyền thống ra có hai món canh khác lạ so với các mâm cỗ thông thường đó là món canh chim băm viên nấu rau cải, rau mùi và món xáo trâu rau cần. Món canh chim gợi nhớ đến món canh chim mồng két băm nhỏ nấu với rau diếp mẹ hay nấu hồi xưa, thơm, ngon, đậm đà hơn bây giờ nhiều. Mọi người gợi ý nên phát huy một món ăn truyền thống nữa mà trước đây mẹ hay nấu đó là món Tam Tam. Một điều vui mừng nữa so với lần giỗ bà vừa rồi là gia đình có thêm một thành viên mới đó là Kem con cháu Nga Tú được đứng xếp hàng sau Mưa, Nắng, Bi, Tí Tồ, Ánh, Dự, Kiu, Ben, Bean, và Bom. Một thế hệ tương lai hùng hậu đang lớn lên, đang phát triển thật đáng vui mừng.

Trong niềm vui chung ấy sao tôi vẫn thấy ngậm ngùi thương thân thế. Thua kém anh chị em, con thật có lỗi với bố mẹ. Con biết làm sao đây khi quân bài đã được chia ra rồi. Con biết không thể nào thay đổi cách chia quân bài ấy, chỉ còn mỗi cách là chơi các quân bài ấy như thế nào. Nhưng con luôn luôn là người chơi bài tồi, thậm chí còn không biết chơi nữa. Con xin bố mẹ hãy chỉ cho con cách chơi với. Đời là một cuộc chơi mà sao chơi khó vậy???

NGÀY XƯA ƠI!




Mồng Năm Tết về quê Vân Đình giỗ bố, rảnh rỗi đi dọc phố Vân Đình ngắm nhìn "phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó" mà lòng xốn xang bao kỷ niệm tràn về. Đây dòng sông tuổi thơ một thời ngụp lặn. Đây nhà thờ soi bóng lòng sông với tiếng chuông chiều ngân nga ngân nga gợi nhớ một thời êm ả. Đây quán Ông Đô với cây gạo mỗi tháng Ba về hoa đỏ rực cả góc đền và mấy đứa trẻ chúng tôi gom nhặt hoa thành xâu chuỗi. Đây Đình Nồi nơi chúng tôi chơi trốn tìm, tập trận giả hay bầy trò bán hàng. Cái phố nhỏ thơ mộng ấy nay còn đâu, cả hai bên dãy phố treo toàn đèn lồng Tàu trông như phố lai Tàu hay phố "Đèn Đỏ" khiến ta thấy chướng tai gai mắt, chưa kể những chữ Tàu ấy là chữ gì, thấy trên mạng bảo là chữ "Thành phố Tam sa" làm ta càng thêm bức xúc. Cái Cống Chỗ với kiến trúc cổ có hai thành cong cong là nơi chúng tôi những đêm hè trăng thanh gió mát ra hóng gió sau một ngày nóng nực bức bối giờ còn đâu nữa. Nó đã bị người ta thay đi bằng một cây cầu xấu nhất hành tinh. Và dòng sông êm đềm thì bị ô nhiễm toàn rác thải vô tư xả xuống giết chết dòng sông thơ mộng của chúng tôi rồi. Thật tiếc do bất cẩn toàn bộ số ảnh chụp bị mất tiêu. Nhất định hôm nào về quê sẽ chớp lại những kỷ niệm một thời. Nhớ năm ngoái có viết một bài "Ngày xưa ơi!", nay đăng lại để lưu giữ những kỷ niệm một thời đã rất xa, rất xa rồi.


NGÀY XƯA ƠI!             
Ngày xưa, ngày xưa ơi 
Mới đấy đã qua rồi
Chỉ còn trong ký ức
Chỉ còn trong tiềm thức
Của một thời thơ ngây
Của một thời mê say
Ngày xưa, ngày xưa ơi
Sao ta thấy bồi hồi
Nhớ về ngày xưa ấy
Cuộc đời sao đẹp vậy
Vì ta có ngày xưa

Có những hôm trời mưa
Bà kể chuyện cổ tích
Cười rúc ra rúc rích
Trong chăn ấm ăn ngô
Những ngày nhà có  giỗ
Theo mẹ đi về quê
Chẳng bắt mẹ phải bế
Lon ton trên đường mòn
Giống như cô Lọ Lem
Đi gặp chàng Hoàng tử
Trong xiêm y lộng lẫy

Tháng Chín năm Năm Bẩy
Cắp sách học i- tờ
Những buổi đầu bỡ ngỡ
Cũng trôi qua thật mau
Chỉ nhìn trước nhìn sau
Đã tới ngày hái quả
Biết bao nhiêu vất vả
Đơm kết trái ngọt ngào
Mang bao niềm tự hào
Cho thầy cô và mẹ
Cả hương hồn của bố...

Ngôi nhà nơi Cống Chỗ
Oằn mình theo thời gian
Cõng vất vả cơ hàn
Đói nghèo và bom đạn
Mãi mãi vẫn chứa chan
Một thời bao kỷ niệm
Đầy ắp tình thương mến

Luôn làm ta xao xuyến
Về một thời đã qua
Gian khổ nhưng hiền hòa...
Ngày xưa, ngày xưa ơi!!!