Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (09)

CON ĐI HỌC

19 tháng con đi học. Phần thì muốn rèn con vào nề nếp, phần nữa phải cai sữa vì mẹ có em bé. Con đi học để mẹ có thời gian nghỉ trưa cho đỡ mệt chứ. Thương con lắm nhưng bà vẫn phải xa con trong nỗi nhớ thương và lo lắng. Ngay ngày đầu tiên bà đến lớp thấy con vui lắm. Bảo “Cún đi học à?” con nói “Cún đi học”. “Có thích không?” Con bảo “Thích”. “Mai con có đi học không? Con bảo “cóa” làm bà mừng lắm, thấy yên tâm hơn khi phải xa con nhiều.

Ngày đầu tiên đi học

Ngày thứ hai khi bà đến chỉ đòi về.

Hai hôm sau bà đến lớp sớm, trông thấy bà, con nói ngay “Bà cho con về”. “Ở chơi thêm đi con”. “Không, bà cho con về đi”. Mấy hôm sau cũng vậy, cô bảo con đến lớp ngoan, chỉ ngồi im không khóc quấy gì, nhưng trước khi đi học đều không muốn đi, về nhà đêm quấy mẹ ghê gớm. Bà vào mấy lần sau hỏi “ Mai con có đi học không?,  vẫn bảo “Không”. Chắc đang quen tự do chạy nhảy, thích gì làm nấy, nay đến lớp chỉ bó gọn trong một căn phòng chừng vài chục mét vuông nên cô nàng cuồng chân đây mà. Lại còn lạ cô lạ các bạn nữa.

Rồi con cũng quen dần.

Và chơi vui vẻ.

Sau một tháng con đã quen với các cô và các bạn, đến lớp vui vẻ hơn, nhớ được tên cô và các bạn nữa. Cô giáo bảo con nói luôn miệng. Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính, bố mẹ đều kiệm lời mà con lại cứ huyên thuyên như thế, sau này học chữ mà cứ buôn chuyện trong lớp có mà bị thầy cô phạt chết thôi. Đi học, con học được nhiều bài hát này, học được nhiều trò chơi này. Cái cách con vòng tay vừa chơi vừa hát “Tập tầm vông...” trông mà yêu yêu thế.

Ngày nhà con chuyển về Xa La, con được 20 tháng, con ngó nghiêng khắp nhà tìm hiểu, thích thú chạy dọc hành lang khám phá và có vẻ quen ngay. Con lại học lớp mới bạn mới rồi, bà cứ lo chả biết con có thích nghi ngay không đây. Cũng may con quen luôn. Khi bà vào lớp, con ngồi trên ghế cùng các bạn, thấy bà vào con nhoẻn cười tươi tỉnh, rồi đứng lên múa và hát nữa. Giờ con biết khá nhiều bài hát và thỉnh thoảng nằm nhà hay ngồi một mình con hết hát bài “Cô giáo như mẹ hiền”, “Ba thương con”, “Cháu lên ba” đến “Đi học về”, “Cháu yêu bà” tuy chưa thật rõ ràng mạch lạc cho lắm nhưng nghe sao mà thương mà vui vui thế.

Cún múa và hát theo cô trong lớp học mới ở Xa La.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Con cũng được phiếu Bé ngoan đấy.

Hôm bà đi bản Lác, Mai Châu mua cho con con voi bằng thổ cẩm vì nghĩ trong đống đồ chơi của con chưa có con voi. Đưa cho con món quà tính rằng sẽ dạy con bài “Con voi”. Bà vừa đọc “Con vỏi con voi”, đã thấy con tiếp lời “Cái vòi đi trước”. Thì ra ở lớp cô đã dạy rồi. Con líu lô đọc cả bài nhưng cũng có chỗ nhầm “Hai chân sau đi trước” làm bà cười ngặt nghẽo.

Thỉnh thoảng bà vào lớp xem con và các bạn học. Quả là đi lớp cô cũng rèn rũa các con vào nề nếp. Các con lúc thì ngồi thành hàng dài lúc thì ngồi quây tròn quanh cô để tập hát tập múa hay nghe cô đọc thơ. Nếu muốn đi tè cũng biết bảo cô cho đi tè bô vệ sinh sạch sẽ. Nhất là từ hôm kết nối được với camera lớp con, bà thường xuyên được ngắm nhìn các con vui chơi hoạt động. Giờ ăn thấy các con ngồi xung quanh hai bàn, mỗi bàn có một cô phụ trách. Những bạn lớn hơn có thể tự xúc thì xúc lấy, các bạn nhỏ thì được cô xúc cho, mỗi bạn một bát một thìa riêng biệt. Con cũng có lúc tự xúc lấy, nhưng phần lớn thấy cô xúc cho. Giờ ngủ cũng mỗi bạn nằm một chiếu riêng. Ngọ ngoạy một lúc thì bạn nào bạn nấy ngủ ngon lành. Ngủ xong ai thức dậy cũng nằm yên cho đến khi cô cho cả lớp dậy thì mới được dậy không làm ồn ảnh hưởng đến bạn khác. Hy vọng nề nếp ở lớp học sẽ dần thành thói quen trong cách sống của con sau này. 

Các cô đều nhận xét bạn Huyền Thư rất tự tin và bạo dạn lắm. Điều này cũng tốt nhưng đôi khi cứ thích làm theo ý mình và cũng khá bướng bỉnh. Ở nhà thì đã rõ còn ở lớp mà cứ phát huy theo chiều hướng này thì cũng đáng ngại đấy nhỉ. Thế mà cuối tuần cũng nhiều lần con được phiếu Bé ngoan đấy. Không muốn con ngồi im một chỗ thụ động nhưng cũng không muốn con quá hiếu động. Không biết có phải con có bị mắc chứng tăng động không nhỉ. Mà phải làm gì để khắc phục điều này đây?

Cún lái ô tô.

Vào thăm ngôi nhà hạnh phúc

Nhảy múa trên sân khấu.

Rất chi là hồn nhiên.

Sẵn sàng đi học mỗi sáng.

Thường mẹ đón con là đón về ngay vì còn làm bao việc nhà. Hôm nào bà đến thì lại cho con tranh thủ chơi cầu trượt, chơi lái xe ô tô, nhảy múa trên sân khấu và thăm ngôi nhà hạnh phúc. Có một ưu điểm là khi con chơi con cũng có ý thức bảo vệ môi trường. Thấy rác ở sàn nhà là con lấy ngay cái rổ đi nhặt rác cho kỳ hết và đổ vào một chỗ. Nhìn con tung tăng vui chơi thoải mái bà cũng thấy vui sướng lắm con ạ. Mong con cả đời được sống thật vui vẻ bên những người thân yêu của cả gia đình mình con nhé.

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (08)

QUAN SÁT VÀ BẮT CHƯỚC

Hồi ở nhà ông ngoại có nhà hàng xóm mới dọn đến con thân với chị Ngọc Liên luôn, chạy sang nhà chơi với bố chị í là người Nhật, chuyện trò thân thiện vui vẻ với bác í.  Chẳng biết là những chuyện gì giữa một người đàn ông Nhật và đứa trẻ 17 tháng tuổi nữa. Không biết từ đâu mà con còn biết tên mẹ chị Liên là bác Hòa trong khi bà và mọi người còn chưa biết. Hoặc khi bác Phí hỏi nhà cụ Văn có ai con nói luôn có bà Xuân. Chứng tỏ con cũng có óc quan sát đấy chứ. Con rất thích sang nhà cụ Văn và nhà cụ Chính chơi vì ở đó sân/vườn rộng có nhiều cây cối. Nhà cụ Văn có tượng vợ chồng Chí Phèo - Thị Nở, con thích tới gần xoa đầu họ. Nhà cụ Chính dịp Tết có cây quất rất nhiều quả, cứ mỗi lần sang là con chạy ngay tới, đứng cạnh cho bà chụp ảnh. Hóm thế không biết!

Con sang chơi nhà chị Ngọc Liên.

Và có những giây phút thật vui với bác người Nhật.

Bên cây quất nhà cụ Chính.

Các cụ nói “Dạy con từ thuở còn thơ” quả là một chân lý. Mỗi khi ăn cam, chuối, kẹo xong, bao giờ bà cũng bảo con đi vứt vỏ vào thùng rác đi là con lại lăng xăng nhặt vỏ bỏ vào thùng rác. Còn khi nghe tiếng kẻng keng keng báo giờ đổ rác là con lại cuống quýt “Phí ... rác...”, nghĩa là gọi bác giúp việc có tên là Phí đi đổ rác. He he, đã có ý thức bảo vệ môi trường rồi đấy.

Thích quét sân giống ông ngoại.

Thích đội mũ bảo hiểm giống bố mẹ.

Cún nhặt rau cho bác Phí.

Cứ sáng sáng, lúc bà vào, con ra đón lại bảo “Bà...nước chè...” rồi dắt tay về phía bàn nước. Thì ra là ông ngoại thấy bà đến bao giờ cũng nói “Mới bà vào xơi nước” nên con cũng có thói quen mời bà uống nước chè. Thêm nữa khi bà uống nước chè, thể nào Cún cũng xin bà được uống một tí. Uống hết lại còn xin ông rót thêm nữa. Chịu con thật! Đến cả bia cũng biết uống và rất thích được “cạch” cái với ông và bà. Bố thường bảo “Trẻ con không được uống bia”, nhưng khi thấy bố uống xong, đứng dậy, còn chút bia trong cốc, con ở đâu chạy vội đến cầm cốc lên tu một hơi. Bó tay chấm com với con thôi.

Tuy thế, con cũng biết quan tâm đến người khác. Mỗi khi bố về con tíu tít cuống quýt gọi “Mẹ Hằng...cơm” nghĩa là bảo mẹ Hằng dọn cơm cho bố ăn. Có hôm mẹ đang tắm, gọi không được, con vội giải chiếu, bê mâm và xoong ra cho bố. Việc người lớn làm luôn là tấm gương cho con trẻ noi theo, bắt chước học tập. Mọi người luôn nhớ nhé đừng để con trẻ bắt chước những lời ăn tiếng nói và việc làm sai trái đấy.

Con nào chẳng hay theo mẹ, nhưng khi mẹ đi làm chỉ cần giải thích mẹ đi làm lấy tiền mua sữa, mua quần áo, mua giày dép cho Cún là con không theo nữa, vui vẻ ở lại chơi với bà. Con thích chơi với các chị lớn tuổi hơn như chị Bảo Hà, chị Bảo Ngọc, chị Ngọc Liên. Cũng biết cùng các chị chơi “Đi trốn đi tìm, Rồng rắn lên mây, Dung dăng dung dẻ”, “Chi chi chành chành”, “Nu na nu nống”. Thỉnh thoảng tự nhiên hát “Cây trúc xinh” như chị Bảo Hà nữa. Em Ớt là người mà con yêu quý nhất trần đời, ngay từ khi bé tí mỗi lần Ớt về là con reo lên ôm lấy em mừng vui không tả được.

Cún và em Ớt


Chơi với chị Bảo Ngọc.

Chẳng biết chuyện gì mà hai chị em vui thế.

Thơm Cu Em.

Rất chị nhá.

Con cũng thích chơi với các em bé như em Kẹo, Cu Em. Đối với các em bé bao giờ con cũng nhẹ nhàng vuốt ve và thơm lên má em tỏ ra rất “chị”. Riêng với Khoai kém con 1 tháng thì hai bạn kình địch ghê gớm, tranh giành đồ chơi và chiến ngay khi không như ý làm người lớn phải tách ngay hai bạn í ra không thì có mà xước mặt như chơi. Còn bạn Mi-Mon cùng tuổi là con trai, thì con đành hanh lắm. Bạn Mi-Mon hiền, sang nhà bạn í thường nhường cho con chơi mọi thứ từ mô tô đến ô tô, nhưng bạn Mi-Mon sang nhà con thì con lại giữ đồ chơi, giữ xe không cho bạn chơi cùng cứ bảo “Của bác Phí”, đến khi bạn cần dùng toilet cũng chạy theo bảo “Của bà đấy”. Bà lại phải giải thích mãi thì con mới hiểu ra và cho bạn chơi cùng. Ngay bây giờ đôi khi con cũng đáo để, chị Mít đến nhà chơi, hai chị em chơi trò nấu ăn với bộ đồ nấu rất đẹp. Con cũng lấy dao bổ dưa, bổ ớt bổ cam, cũng cho trứng lên chảo và đặt lên bếp ga như thật. Nhưng chị Mít cầm cái gì con lại đòi cái đó, trong khi có rất nhiều thứ để không. Chị Mít không cho là xông vào giật đòi và sẵn sàng chiến. Nhiều khi giảng giải mãi cũng không được, rồi con lại lấy nước mắt ra dọa mọi người í. Có phải thế là ích kỷ không con. Nếu mà có tính ý thì xấu xấu lắm chẳng được bà yêu đâu.

Thấy bà cho gạo vào nồi con biết hỏi "Bà thổi cơm à?", chứng tỏ con quan sát và biết thế nào là thổi cơm, Nhìn con cho em gấu ti mà bà buồn cười quá. Lúc tắm gội xong con cũng bảo bà buộc tóc cho xinh. Bà bảo tóc con còn ướt chưa buộc được. Thế là con đứng ngay trước quạt bảo để cho khô. Con chỉ bát chước người lớn làm thôi mà mà cũng rút được ối bài học hữu ích đấy. Dù bé nhưng vẫn có thể sai con một số việc vặt như lấy cho bà cái khăn lau, khăn ăn. Ngày nghỉ con cũng đeo ba lô đội mũ để đi học. Bà cũng mừng thấy con thích đi học.

Vào siêu thị con cũng biết chọn mua thứ này, thứ này đó là mấy loại sữa con hay uống và thể nào cũng lấy một gói bim bim. Cũng biết đưa tiền cho cô bán hàng thanh toán và nhận hàng. Bác Thảo Lâm tặng chiếc xe lắc lập tức ngồi lên và điều khiển thành thạo bằng hai chân rất nhanh. Chẳng là nhà hàng xóm mấy anh chị cũng có xe lắc nên con cũng không chịu kém. Ngồi trong nhà nghe tiếng lao xao con cũng nghểnh tai lên đoán bố đi làm về à. Hoặc khi bà đón con đi học về, đến nhà là rối rít gọi bố mẹ, không thấy là ghé mắt vào các kẽ hở của phòng tắm hỏi mẹ trong í à.

Sinh nhật con hai tuổi bà cứ nghĩ con vỗ tay theo mọi người hát bài "Happy birthday to You!" thôi, ai dè hôm qua vào nhà con để đi xem bắn pháo hoa, tự dưng thấy con hát "Happy birthday to You!", "Happy birthday to You!" đúng nhạc phết mà bà ngạc nhiên quá cơ. Thật không ngờ đấy, mà con cũng tham dự sinh nhật một số các anh chị trong xóm rồi còn gì. Bố khoe con biết hát bài này từ lâu rồi cơ. Dạo này con ít hát hơn trước nhưng khi đi xe máy với bố thì lại hứng chí nghêu ngao một số bài con thuộc.

Càng ngày con càng lớn lên và nhận thức nhanh hơn. Bà chỉ mong con quan sát học những điều hay lẽ phải để sau này trở thành con người hữu ích lương thiện con nhé.

Cho gấu ti giống mẹ

Lau nhà cho bà.

Ngày nghỉ cũng đội mũ đeo ba lô đi học.











Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (07)

ĐỒ CHƠI CỦA CON


Con có nhiều đồ chơi lắm, ngoài bố mẹ và bà mua cho, con còn thừa hưởng cả một kho đồ chơi của em Ớt, nào là bộ xếp hình, nào là nhà, ô tô, các loại bóng  và các con thú bông... Nhưng chơi cái gì cũng mau chán, có cái gì mới thích lắm cũng được mấy ngày. Con cũng mê được làm bác sĩ cứ cầm cái ống nghe cho vào tai để khám cho em Gấu Trắng, Gấu Hồng, em Thỏ, em Thiên Nga và cả bà nữa. Túi, ô và mấy thứ linh tinh vòng, vé xe buýt của bà cũng đều thành đồ chơi hết.

 À, mà bà còn có cái-gọi-là thơ tặng con nè:

BÀ - CHÁU VÀ CHIẾC VÒNG

Bà có chiếc vòng tay
Thấy là cháu đòi ngay
Biến thành đồ chơi mới
Miệng cười tươi phấn khởi
Khoái chí cười rất to 
Rồi lại chơi giằng co
Căng ra, một... hai... ba
Đứt phịch ... văng khắp nhà
Bà cháu cười ha ha
Cháu bà thật là giỏi!

Con khoái chí có được chiếc vòng của bà.

Hết sức căng vòng ra.

Kết quả là bà mãi mới tìm cho đủ.


Khi đó con mới gần 8 tháng thôi. Lúc 10 tháng biết cầm điện thoại cho lên tai nghe và tay bấm loạn xạ như người nhớn í. Hơn tuổi con có thể nhận dạng,  phân biệt và nhớ tên các đồ chơi của con rồi. Gấu, chó, thỏ, mèo, vịt, thiên nga, ô tô, xếp hình, bóng, nhà...là kể ra vanh vách. Iphone của bà cũng bật mở hình nhoay nhoáy làm cô giáo con cứ tròn mắt bảo Cún cũng biết dùng Iphone à. Có lần con cầm Iphone bật vào chế độ quay video, con bấm vào thì máy nhấp nháy bắt đầu chế độ quay là con cười khanh khách. Cứ thế con bấm đến mấy lần và lần nào con cũng thích thú cười. Kết quả là thu được những hình thù chẳng đâu ra đâu, nhưng tiếng cười của con thì nghe đã thấy cuộc đời này sao đẹp đến thế.

Sinh nhật con tròn 1 tuổi.

Ba ngọn nến lung linh.

Sinh nhật con tròn một tuổi, ông ngoại con phải nằm bệnh viện nên không tổ chức to. Bố mẹ mua cho con bánh sinh nhật và mua nhiều bánh kẹo, hoa quả mời các anh chị em họ và các anh chị hàng xóm đến dự thôi. Buồn cười, bà tặng con váy và tiền, con giữ tiền khư khư, ai xin cũng không cho, đến khi mẹ con về con đưa luôn cho mẹ. Nhớ hồi tết Giáp Ngọ con mới hơn 5 tháng, mọi người lì xì con cũng biết cầm rất chắc, kẹp vào hai ngón tay, có xòe ra cũng không rơi cái nào. Tất nhiên cũng là để cho mẹ thôi. Thế mới biết “ăn cây nào rào cây ấy” là vậy và trên đời này chỉ “nhất mẹ” thôi, con nhỉ

Tết Ất Mùi con được 18 tháng, mẹ mua cho con một cái ví hồng xinh xắn để con đựng tiền lì xì và cũng là một thứ đồ chơi điệu đà của con gái. Giờ con cũng biết giá trị của tiền rồi và rất sung sướng được lì xì.

Sau Tết bà vào thấy chiếc ví rỗng không, bà hỏi và có ngay cuộc đối thoại rất rõ ràng:

_Tiền lì xì của Cún còn không?
_Cún hết sạch tiền rồi.
_Sao thế?
_Mẹ Hằng cầm hết sạch tiền rồi.
_ Mẹ Hằng cầm tiền của Cún làm gì?
_Mẹ đi chợ.
_ Mẹ đi chợ mua gì?
_ Mua bim bim.

Con cũng yêu các con vật và thích chơi với chúng không khác gì với các con thú đồ chơi khác. Có bim bim hay quả táo trong tay chỉ muốn cho chúng ăn cùng. Đôi lúc thấy con bạo dạn quá bà cũng sợ nhỡ ra chó cắn hay mèo cào thì chết.

Cún và Miu đều đáng yêu.

Hai bạn Cún nè.

Sinh nhật con tròn hai tuổi, con cũng hơi ý thức được sinh nhật mình, cũng biết thổi nến và vỗ tay theo nhịp bài hát "Happy birthday to You!". Điều đặc biệt nhất là kho đồ chơi của con phong phú thêm rất nhiều. Nào chuột Micky, nào lợn hồng, nào cặp, nào đất nặn, và quần áo thì một đống. Con có mấy bộ xếp hình nhưng chưa thiết tha lắm với trò này. Bà hơi lo lo vì hình như chị T.D. nhà bác T. A. hai tuổi đã biết xếp những hình khá là phức tạp rồi thì phải. Lo thì cũng phải chờ đợi thôi, không sốt ruột được đâu. Con cứ vui chơi thỏa thích đi con nhé, khi nào cần học thì sẽ học cho ra trò con nhỉ. :D



Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (06)



 NHỮNG LẦN CON BỊ ỐM



Con 18 ngày tuổi đấy

Khi con 18 ngày con bị các nốt như ngày xưa bà nuôi bố và chú con gọi là bỏng dạ, chỉ cần đun lá chè đặc, tắm với chanh là khỏi. Nhưng mẹ con lo lắng quá, gọi điện cho bác Thành là Bác sĩ cùng làm việc ở phòng mẹ con. Bác í khuyên nên mang con đi khám ở một nhà bác sĩ làm ở BV Nhi Trung Ương mà bác Thành hay mang con đến đấy chữa. Thấy 6 giờ tối, muộn rồi, trời lại mưa nữa, định bảo mẹ con đừng cho đi nhưng thấy mẹ con lo lắng cho con quá nên lại thôi.

Gọi taxi, che ô cùng với chị Quỳnh Anh đưa con đi khám. Bác sĩ mở tã lót cho con ra, lật đi lật lại bảo viêm da có mủ, rồi kê đơn bảo mua thuốc bôi và kháng sinh uống, hẹn mai đến khám lại. Nhìn con nhỏ xíu trên bàn mà bà lòng dạ xót xa như có muối xát. Ở nhà nâng niu là thế, chỉ lật đi lật lại phán một câu xanh rờn 200k. Cả tiền taxi mất toi 500k. Tiền là một chuyện nhưng bé thế mà uống kháng sinh thấy tội cho con lắm. May mẹ con gọi điện bác Hà đến bảo chỉ cần đun lá chè đặc tắm là khỏi. Thế là sáng sáng bà mua chè tươi, mướp đắng đun cho con tắm với chanh thấy con đỡ và khỏi hẳn.

Mẹ con chăm con lắm, rất sạch sẽ. Tất cả đồ dùng của con đều dùng riêng, kể cả rổ, chậu đựng lá chè cũng không được dùng rổ rá chậu của nhà bếp. Kiêng thế cũng tốt. Bà cũng học được ối điều từ mẹ con, chẳng hạn như ăn rau thì là để tăng sữa, hay ăn tía tô thêm kháng sinh đề kháng khi con đi tiêm phòng các bệnh sởi, bại não, ho gà...

Con đi tiêm chủng thường kỳ đây.

Nhớ lúc con 1 tháng phải đi tiêm phòng. Hôm ấy trời cũng mưa thật to. Mẹ bọc con trong chăn, bà gọi taxi đưa con đến y tế phường Văn Quán để tiêm. Chờ đợi khá lâu, đến lượt nhìn con bị tiêm đau khóc ré lên mà bà cũng thấy đau. Chờ 30 phút mới được về. Đến chiều thì con hâm hấp sốt, đêm và hôm sau còn sốt cao. Hỏi mọi người bảo tiêm vaxin sốt là thường mà vẫn lo quá. Hết chờm khăn ướt đến uống thuốc, theo mấy cô có con nhỏ chỉ dẫn, mấy hôm thì con cũng khỏi. Nhưng kể từ lần đó mẹ con không bao giờ cho con đi tiêm ở y tế phường nữa mà đi tiêm dịch vụ. Quả có tốn tiền nhưng con không sốt như lần đầu nữa.

Con 8 tháng bị ốm thương quá đi.

Những lúc mọc răng con cũng ngúng nguẩy ho sốt là bình thường, nhưng có lần con bị sốt do bà đưa con đi ăn giỗ Cụ Ngoại thì bà vẫn thấy ân hận. Lúc đi bà gọi taxi không sao. Đến nhà ông Thông con chơi ngoan ăn ngoan. Lúc về ông nội chở hai bà cháu bằng xe máy về nhà Nội. Ngủ một giấc chơi ngoan, uống sữa xong thì chú Linh đưa về bằng xe máy. Tất cả đều bình thường. Sáng hôm sau bà vào thấy con bị sốt, đêm trước quấy khóc nhiều. Chắc tại bà chủ quan không nhớ mang theo con dao đôi đũa củ tỏi để phòng này kia đây. Từ đấy bà chẳng dám lôi con đi xa nữa.

Con hiếu động thích chạy nhảy nghịch ngợm lắm nên lúc trông con bà cũng rất lo. Bình thường bố mẹ trông con, lỡ có làm sao thì cũng vẫn phải chịu. Nhưng bà trông con mà làm sao bà lo lắm. Một lần con đang ngồi trên ghế cùng ông ngoại, con cứ đòi uống nước chè, bà không cho đi lấy nước lọc cho con. Con ngồi với cốc nước chè bị trượt ngã mồm vập vào bàn chảy máu sợ quá. Đáng ra bà phải bế con đi cùng. Lần nữa bà có điện thoại gọi, bàn về chuyến đi từ thiện Văn Chấn,  con thì nghịch, leo trèo, kéo chiếc thảm trải ghế ngồi của ông ngoại, ngã theo đập mũi vào ghế chảy khá nhiều máu làm bà cũng thấy ân hận quá dù biết rằng đợt này con hay chảy máu cam, khẽ động vào niêm mạc mũi là chảy máu liền.

Có lần ở Xa La con bị ốm phải nghỉ học bà vào trông con hai ngày. Tuy ốm nhưng con vẫn chơi ngoan, hết lau nhà, xếp hình lại đòi đi chơi ở sảnh với các anh chị cùng tầng. Chẳng mong con bị ốm nhưng được ở bên con hai ngày liền bà cứ thấy vui vui. May sau hai ngày con khỏi lại đi lớp cho nề nếp chứ không thì "cháu hư tại bà" mất thôi.

Con sốt mọc răng hàm mà.


Con hai tuổi rồi, Huyền Thư ơi, giờ con đau ở đâu cũng biết kêu rồi. Đau họng hay đau răng cũng biết chỉ vào mồm kêu đau. Bị muỗi đốt cũng biết lấy chanh, hay thuốc hoặc lấy tay bà cho vào miệng rồi di di vào nốt muỗi cắn. Mong con đừng có bị ốm nhé kẻo mà bà và mẹ con lo lắm đấy. Hãy luôn ăn chơi vui khỏe và con hãy luôn là niềm vui niềm hạnh phúc của cả nhà con nhé!