Tạm biệt Nậm Mười trong chuyến đi
từ thiện cách đây 3 năm, mình cứ thầm mong có một ngày trở lại nơi đây. Vậy mà
điều ấy đã trở thành hiện thực thật là mừng.
Ngay từ khi Phó Tổng biên tập báo
Trí thức trẻ Bùi Ngọc Hải hỏi ý kiến có nên tổ chức một chuyển trở lại Nậm Mười,
mình ủng hộ toàn tập và luôn sẵn sàng làm những gì có thể để đi Nậm Mười. Mình
sẵn sàng đặt áo ấm, chăn ấm và đồ dùng học tập cho chuyến đi. Hải giao cho mình
việc đặt đồ dùng học tập cho ba trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở với
số tiền chừng năm chục triệu. OK, thế là cùng với cô giáo Mầm non Nguyễn Thúy Hạnh
thiết kế một danh sách hạng mục và số lượng cần thiết hết chừng hai chục triệu,
chiết khấu kèm làm từ thiện từ phía công ty còn lại khoảng hơn 16 triệu. Còn lại
sẽ mua cho các trò tiểu học trung học cơ sở mỗi cháu 5 quyển vở, 1 bút bi/bút
máy, 1 bút chì, 1 thước kẻ. Khi báo giá cho Hải thì được biết số tiền hai công
ty ủng hộ đã chi gần hết cho áo ấm, chăn ấm, dép, tất, bình đựng nước, đàn
Piano và nhiều hạng mục khác không còn đủ tiền cho đồ dùng học tập nữa. Đành khất
với cô Thúy Hạnh và xin lỗi công ty Đồ chơi Phục Hưng vậy. Thật tiếc!
Thêm một điều nữa từ chuyến đi Trạm
Tấu trước Tết về, rồi hai lần đi gửi hàng cho Phìn Ngan và A Mù Sung, Bát Sát,
Lào Cai trong tiết trời mưa lạnh, vấn đề hô hấp của mình không ổn lắm, cứ ho hắng,
đờm nhiều và mất giọng nên chỉ sợ không đi được Nậm Mười. Tự bản thân cũng thấy
phân vân đi hay không đi. Nếu ở nhà chắc sẽ mất cơ hội nên vẫn quyết tâm đi.
May có Vũ Minh lúc 4.30 sáng tới đưa đi đến nơi tập kết trong thời tiết mưa rét
lạnh lùng. Tới nơi đã thấy thầy Đỗ Việt Khoa từ Thường Tín đã có mặt rồi. Thầy
cho biết đi từ 2 giờ đêm. Nhiều bạn trẻ khác cũng đã có mặt đông đủ. Và tất cả
lên đường trong niềm vui khó tả. Nậm Mười ơi. Chúng tôi đến đây, đến đây!
Cô Thúy Hạnh làm xe ôm đưa mình vào bản.
Chuyến đi rất đúng kế hoạch, mọi
diễn biến đều tốt đẹp. Có khác chăng lần này chưa đi cơ sở chính mà đến điểm lẻ
khu Làng Cò trước. Con đường quanh co ngoằn nghèo khấp khểnh gập ghềnh làm cho
những ai lần đầu tiên đều phải thót tim, còn mình quá quen nên thấy cũng không
sao. So với lần trước đường đi lần này có được cải thiện hơn, có cầu qua những
con suối, đường được san phẳng hơn rộng hơn. Thêm nữa thời tiết cũng ủng hộ,
sáng hơi mưa, trưa tạnh ráo đi lại thuận lợi hơn chứ nếu mưa to gió lớn thì chịu.
Sau khi được trao quà, các bé có áo ấm tất ấm và dép, giá là ủng thì sẽ ấm hơn.
Các con ở Làng Cò chờ sẵn, cả
đoàn giao lưu văn nghệ hát hò bày trò chơi và chụp ảnh kỷ niệm. Một điều rất mới
là có tiết mục chụp và in ảnh ngay cho các con làm bọn trẻ rất hứng thú. Tội
nghiệp hầu hết các con đi chân trần, không tất có bé chỉ có chiếc áo mỏng phong
phanh dưới nhiệt độ dưới 10 độ. Đoàn tặng cho áo khoác ấm, dép và tất, giá là ủng thì ấm hơn. Nhìn những
nụ cười ánh mắt vui sướng của các con mà ai cũng thấy ấm lòng quên cả đói khát
mệt mỏi.
Bạn Ngọc Lân mải miết chụp và in ảnh cho các bé mang lại niềm vui bất ngờ cho các em.
Đoàn từ thiện trao quà cho các bé Mầm non Làng Cò.
Mình thì áo nọ áo kia, khăn mũ đầy đủ, còn các con nhiều bé chỉ có chiếc áo phong phanh thấy ngượng quá.
Giờ thấy các con ấm áp hơn vui vẻ cùng các cô các chú cũng thấy ấm lòng phần nào.
Rời làng Cò, lại con đường gập ghềnh
khúc khuỷu tới cơ sở chính Nậm Mười thì đã 4 giờ, lúc bấy giờ mới ăn trưa cũng
là chuyện thường gặp trong những lần đi làm từ thiện. Nghỉ ngơi chút ít, lại tiếp
tục giao áo, tất dép cho các bé Tiểu học, Trung học cơ sở Nậm Mười và chuẩn bị
cho tối giao lưu văn nghệ. Bà con cô bác các bản gần xa cũng kéo đến xem rất
đông. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này khi phát bánh kẹo cho các bé và mọi
người dưới sân, mình và một thành viên trong đoàn mang một thùng bánh kẹo lên
phía trên đường phát cho mọi người làm ai cũng rất phấn khởi. Cô Thúy Hạnh người
đưa mình vào trường bằng xe máy chính là MC duyên dáng của buổi tối nay. Buổi
giao lưu đầy ấn tượng với những phát biểu của trưởng đoàn, hiệu trưởng, địa
phương, hoa hậu, ca sĩ, người đương thời làm cả sân ấm nóng hẳn lên. Rồi những
tiết mục múa hát của nhà trường và đoàn từ thiện làm ai cũng thấy hòa vào với
nhau thân thiết ấm áp như một đại gia đình. Những e thẹn nhút nhát ban đầu dường như biến đâu
hết nhất là từ khi lửa trại nổi lên, tay trong tay, không phân biệt trẻ già
trai gái, tất cả đều nhảy múa nối vòng tay lớn trong tiếng nhạc, điệu xòe dập
dìu sôi nổi vui vẻ rất có khí thế. Cuối cùng cũng phải nghỉ sớm để đoàn còn ăn
“chiều” vào lúc gần 11 giờ đêm.
Cô MC duyên dáng xinh tươi trong đêm giao lưu văn nghệ Nguyễn Thúy Hạnh đây.
Cả đoàn cùng thầy trò Nậm Mười tay trong tay nhảy múa xung quanh lửa trại rất hào hứng vui vẻ.
Sáng sớm hôm sau vẫn còn lưu luyến
với thầy trò Nậm Mười, tặng nốt quà cho nhà trường, cả đoàn mãi 11 giờ mới ra
được quốc lộ lên xe về Hà Nội.
Lưu luyến chia tay các bé Nậm Mười trong cái sương giá của buổi sớm vùng cao.
Thầy Nguyên chồng cô giáo Hường ở Pá Hu, Trạm Tấu đưa mình xuống núi.
Ra về mà hình ảnh Nậm Mười cứ in
mãi trong tâm trí cả đoàn, ai cũng có ấn tượng sâu đậm là đi đâu đâu trên đường
mỗi khi gặp trò nào là trò nấy đều khoanh tay lễ phép chào “Em chào thầy, em
chào cô” rất ngoan. Từ những đứa trẻ của núi rừng hoang dã, các bé được đưa xuống
học nội trú, được các thầy cô dạy cho từ cách ăn, cách mặc, cách đi vệ sinh cho
đến từng con chữ, tiếp xúc với văn minh với tri thức để có được hôm nay là niềm
hy vọng của núi rừng bản làng. Các em rồi đây sẽ trở thành những người công dân
có trình độ tri thức để xây dựng quê hương núi cao của các em ngày một tốt đẹp
hơn không còn lạc hậu như ông bà cha mẹ các em nữa.
Có được như vậy là nhờ công lao của
các thầy cô cắm bản trên núi rừng này. Họ thực sự là những người anh hùng hy
sinh cả tuổi trẻ, cả cuộc đời để cống hiến cho núi rừng Tây Bắc. Tiếp xúc mới
thấy nhiều thầy cô có hoàn cảnh thật éo le, chồng một nơi, vợ một nơi, con ở quê
với ông bà, thỉnh thoảng gia đình mới được xum vầy đoàn tụ. An cư mới lạc nghiệp
mà chuyện hợp lý hóa gia đình sao lại quá cao xa đối với các đôi vợ chồng trẻ
này. Thầm ước các cấp có thẩm quyền như sở giáo dục tỉnh Yên Bái, phòng giáo dục
huyện Văn Chấn, Trạm Tấu...rà soát sắp xếp cho các giáo viên nơi đây làm sao vẫn
có thể cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao mà vẫn có thể chăm lo tổ ấm
gia đình riêng của các thầy cô miền núi thì hay biết bao nhỉ.
Tạm biệt Nậm Mười! Hẹn gặp lại!