Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

CHUYỆN TÌNH CỎ MAY

Bạn từ thời học đại học vừa tặng cuốn "Kỷ yếu học viên lớp bồi dưỡng viết văn khóa VIII" nhân dịp bạn í chính thức là hội viên hội nhà văn Việt Nam. Trong cuốn kỷ yếu có bài thơ "Chuyện tình cỏ may" mà có lần bạn đã đọc trong ngày hội lớp N67 của bọn mình. Chuyện trò với bạn mới thấy công việc văn thơ thật lao tâm khổ tứ. Sau khóa học bạn đã phải đốt đi hơn trăm bài thơ gan ruột của mình, chỉ lưu giữ năm sáu chục bài để sửa lại. Trước kia mình cũng ti toe làm một số bài thơ giờ thì không dám nữa. Thôi thì đọc thơ của người khác cũng thấy thú vị rồi. Xin giới thiệu "Chuyện tình cỏ may" của anh Nguyễn Văn Học với lời bình của chị Lê Hà, con gái nhạc sĩ Lê Lôi và là em gái chị Lê Thụy Ánh - người chị, người bạn lớn, một đồng nghiệp yêu quý của mình.

CHUYỆN TÌNH CỎ MAY

                           Nguyễn Văn Học

Nhìn bông hoa cỏ rung rinh
Bồi hồi nhớ lại chuyện tình cỏ may
Trăng thu huyền ảo nên say
Gió thu se lạnh chở đầy hương quê
Ngồi trên triền cỏ ven đê
Áo em trăng trắng bộn bề hoa may
Thì thầm: “Anh nhé, nhẹ tay
Nhặt sao cho hết bên này, bên kia”
Đêm trong lạc lối sang khuya
Trăng thanh thao thức sẻ chia tâm tình
Đời trôi theo cuộc mưu sinh
Triền sông đom đóm soi mình hoa may
Ước gì có được phút giây
Để hoa may... lại vương đầy áo em!


LỜI BÌNH: Lê Hà 

Mùa thu vốn được ví như chàng nghệ sĩ phía sau là nồng nàn nắng hạ, phía trước là cái lạnh mơ hồ... Nóng và lạnh hòa trộn để cho mùa thu vừa đủ nhớ, vừa đủ yêu, vừa đủ để khao khát. Trời ấy, đất ấy, cảnh sắc ấy khiến lòng người như lâng lâng say cũng là điều dễ hiểu và cũng còn dễ hiểu khi mùa thu của cuộc đời gặp gỡ với mùa thu tạo vật. Sự gặp gỡ mang tính quy luật như dịu lại để rồi cộng cảm, rồi ngân lên cung bậc thành thơ: “Nhìn bông hoa cỏ rung rinh/ Bồi hồi nhớ lại chuyện tình cỏ may”.

Cỏ may gần với heo may, gần với mùa thu, mùa đời... Khi cơm áo không còn đè nặng đôi vai, cái có đã có, cái chưa có đã yên bề ấy là lúc con người có ý thức tìm về ký ức, tìm về những gì đã mất. Ý thức thức dậy như chất xúc tác để cân bằng đời sống, nó giúp hồn người hướng thiện, nó neo vào bản ngã, thoát bớt sự xô bồ... Có thể nói hoài niệm là đặc tính của mùa thu. Con người đến với mùa thu chân tình như đến với hoài niệm: ”Ngồi trên triền cỏ ven đê/Áo em trăng trắng bộn bề hoa may”.

Tình đầu không mấy khi viên mãn, nhưng tình đầu quả thật khó nhạt phai. Sau hai cặp lục bát mang đặc trưng của sự kể, tả thì hiện lên cái áo em với cặp từ láy “trăng trắng”, một câu thơ trẻ trung như thời 17 tuổi, ngày tâm hồn mới chơm chớm đam mê, nó run rẩy..., nó hồi hộp thở dài: “Thì thầm:”Anh nhé, nhẹ tay/ Nhặt sao cho hết bên này, bên kia””.

Câu thơ đẹp như bức vẽ, đọc mà ngỡ như được xem hình ảnh 3 chiều : Nghiêng bên này thì câu thơ khác đi. Ngó bên kia câu thơ gợi lại một liên tưởng... Để ở vị trí cội nguồn, câu thơ hiền thục như chưa hề chạm tới đa đoan: “Đêm trong lạc lối sang khuya/Trăng thanh thao thức sẻ chia tâm tình”.

Tình đầu và người làm thơ hình như giống nhau ở chỗ họ không bao giờ hoạch định được con đường và cái đích phải đến. Bởi tình đầu và thơ ca luôn cần đến sự dìu dắt của số phận. Thế nên “Đêm trong lạc lối ...” và cái nguồn vòng vo luôn mới cho những câu chuyện vu vơ không bao giờ cạn... “Đời trôi theo cuộc mưu sinh/Triền sông đom đóm soi mình hoa may”.

Tình đầu đẹp mà tình đầu hay dang dở bởi cái lẽ tình đầu hồn nhiên và rất bản năng. Tuy nhiên cuộc sống không phải như thơ, cuộc sống là toán học (cơm áo không đùa với khách thơ). Chạm vào vòng cần lao, ngoái lại thấy bờ sông gió... và con đom đóm lập lòe: “Ước gì có được phút giây/Để hoa may... lại vương đầy áo em!”

Mùa thu, chàng nghệ sĩ bỏ lại nơi rộng dài xuân, hạ, bỏ lại mưa nắng buồn vui, chỉ còn lại nơi hồn một điều ước giản dị “Chưa tiêu gì ra món/Đã hết veo cuộc đời” (Đoàn Thị Lam Luyến). Trở về bên bờ xưa sông cũ ước thêm mùa heo may. Câu thơ tâm trạng, nó cụ thể như giấc mơ, dẫu biết giấc mơ không bao giờ trở lại. Tuy nhiên, những mối tình đầu vẫn cứ phải mơ bởi cái đẹp cũng không bao giờ quay lại.


Giản dị, chân thành, dễ đọc, dễ hiểu mà có sự khơi gợi xốn xang là tố chất để cho thơ khởi sắc. “Chuyện tình cỏ may”, tôi đọc mà như tôi gặp lại “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên” (Thế Lữ) ./.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

GẶP MẶT XUÂN ẤT MÙI TẠI QUÁN GIÓ




Bạn bè bảo sao độ này không thấy viết bài. Ừ, chẳng hiểu sao lại thế. Bận rộn? Tuổi già? Có vẻ như vậy lại không phải vậy. Bận nhưng không đến mức không có thời gian. Già, hừm, đâu có cảm giác ấy. Vẫn muốn làm nhiều thứ lắm. Hi hi, chắc tại lười. Bé đi học rồi, rỗi mà viết cái gì đi chứ. Vậy là quyết định ghi lại cảm xúc gặp mặt N67 năm 2015 vẫn còn đang tràn trề dâng trào.

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM QUÁN GIÓ



Mong mãi cuộc gặp mặt bạn bè thường niên N67 và thực sự vui mừng khi Trân nhắn tin “Thơ ơi, khóa mình họp mặt vào sáng thứ Bảy 4.4.15 lúc 9h30 tại Quán Gió công viên Thống nhất. Thơ đến nhé và báo Liên hộ mình nhé”.Gọi điện cho Liên, nhắn nhủ cho Mỹ, hẹn hò. Chà, sao không đi xa xa một chút thay đổi không khí nhỉ. Mà cả cái công viên Thống Nhất rộng thế, biết Quán Gió ở đâu mà tìm. Hỏi, Trân bảo ở phía rạp xiếc. OK - Rạp xiếc ai chả biết! Định đi xe buýt, nghiên cứu thấy có chuyến xe số 9 đỗ ở ngay Trần Nhân Tông trước cửa công viên. Thế thì phải bắt xe đến Học viện Thủy lợi rồi chuyển sang số 9. Nhưng Liên bảo chỉ có xe 21 đến Kim Liên là tới công viên thôi.

Thấy mình loay hoay xe này tuyến kia rối mù, Mister chồng dắt xe máy ra bảo lên xe. Thì lên xe và được thả ở cổng chính công viên. Chẳng sao, càng có cơ hội thăm thú công viên, còn Quán Gió ở mồm, lấy rạp xiếc làm mục tiêu. Vào công viên, có một lễ hội Coffee đang diễn ra ồn ào náo nhiệt. Không phải là thứ mình quan tâm, quay ra luôn. Hỏi bảo vệ Quán Gió ở đâu, cả mấy cậu đều không biết. Đành đi bộ ngược lại tới rạp xiếc nơi Mister chồng vừa lướt qua. Lại hỏi bảo vệ, ông này bảo đi tiếp, rẽ trái là đến Quán Gió. Theo lời ông, rẽ trái, đi sâu vào thấy mấy con voi to đùng chân đập xích loảng xoảng. Thì ra đây là khu nuôi thú dữ của rạp xiếc. Hỏi người canh gác, ông ấy không biết chỉ một bà có lẽ là thổ dân nơi đây chắc biết. Bà í cũng nói không, chỉ một thanh niên mặc may ô, cưỡi xe máy, cổ đeo dây chuyền to như ... xích voi trông ăn chơi sành điệu chắc chắn biết. Chưa kịp cất lời, cậu ta rú ga vút qua, miệng liến thoắng không biết không biết. Nghĩ bụng không biết cậu í không biết cái gì nữa.

Quay ra đường, hỏi bác xe ôm, nhận được lời hướng dẫn tỉ mỉ “Đi hết Trần Nhân Tông, rẽ trái dọc theo đường Lê Duẩn, đến cổng công viên, đi thẳng vào là tới Quán Gió”. Dọc đường thây vô số các quán, nào Quán Mùa Xuân, nào Quán Xanh, mà quán Gió thì cứ hun hút đâu đâu. Cuối cùng cũng tới được cổng công viên đường Lê Duẩn. Đi thẳng vào một đoạn thấy ngay “Nhà hàng Gió Mới”. Gọi điện hỏi Mỹ “Nhà hàng Gió Mới” có phải là Quán Gió không, Mỹ bảo không. Thất vọng toàn tập! Thế thì Quán Gió nằm ở đâu? Mỹ bảo hỏi Toàn là rõ. Mất hết số của bạn bè gọi sao được. Đang chẳng biết đi đâu về đâu thì trông thấy Liên thũng thẵng đi tới. Mừng như chết đuối vớ được cọc. Liên bảo đây chính là Quán Gió, đã từng ăn cưới ở đây mấy lần rồi. Vừa hay Khả phi xe tới. Vậy là chắc ăn rồi. Quán Gió hay Nhà hàng Gió Mới thực sự đã thổi cho mình một làn gió nhẹ nhõm mát mẻ trong cái thời tiết nóng bức, sau hành trình đi tìm Quán Gió không dễ dàng gì. Cũng hay, nếu được thông báo rõ ràng “Quán Gió trong công viên Thống Nhất, 297 đường Lê Duẩn” thì đã chẳng có hành trình kiếm tìm Quán Gió thú vị như vừa kể trên.

Bước vào Quán Gió, đã thấy một số bạn đến trước rồi. Kể lại ai cũng cười bảo ở Thủ đô mà không biết Quán Gió, khú đỉn quá. Ngay Mỹ dân chính gốc Hà thành mà còn không biết huống chi mình. Trước kia, khi con còn nhỏ vào những dịp nghỉ lễ/Tết, bao giờ mà chẳng cho chúng đi công viên chơi, nhưng đâu có biết Quán Gió nằm ở chỗ nào, thêm nữa tiền đâu mà vào quán xá. Chiều con thì mua cho que kem, cốc chè hay cái bánh là xong. Giờ thì biết rõ quán Gió rồi nhé, có thể vanh vách chỉ cho ai chưa biết Quán Gió rồi.

BẠN BÈ

Các bạn đến trước, đều là những gương mặt quen thuộc. Nhận ra ngay Quế từ Thái Nguyên về -  nhân vật chính trong “Truyện tình cỏ may” của anh Học. Tiếc là tác giả bài thơ bị lên chắp ở mắt, sợ xấu trai không đến. Quế vẫn vậy, như lần gặp trước ở Hòa Bình. Chu từ Nam Định lên, đương nhiên là mình nhận ra ngay vì thường xuyên gặp trên Facebook và bạn í cũng mới đến nhà mình cách đây mấy tháng. Bạn Tảo từ Thái Bình, mọi người cũng nhận ra vì bạn cũng tích cực tham gia hội N67. Bạn Vĩnh cũng có mặt, mình hỏi thăm sức khỏe, bạn bảo bây giờ bệnh viện là nhà rồi nghe mà thương. Vậy mà Vĩnh vẫn đến với bạn bè thật cảm động. Thấy Liên gọi điện cho ai đó và đi ra ngoài, lát sau dẫn vào một người tóc bạc, răng rụng, hỏi có biết ai không, mọi người đều chịu không nhận ra. 45 năm còn gì! Hóa ra là Sen! Khi biết Sen rồi thì lại thấy vẫn là Sen của ngày nào. Bông Sen xinh đẹp ngày xưa gắn liền với câu chuyện lão thợ may tóc trát vơ giăng-tin bóng lộn, răng vàng chóe cả miệng cứ sán lại gần Sen tán tỉnh làm cả bọn con gái ghê sợ cứ trông thấy là cực kỳ ghét tránh xa như tránh hủi. Ai thấy Sen cũng ngờ ngợ, khi nhận ra tay bắt mặt mừng, tíu tít thăm hỏi. Sau buổi gặp mặt mấy bạn rủ nhau qua nhà Mỹ, rồi đến thăm nhà Sen ở Khương Hạ. Cũng mừng cho Sen con cái trưởng thành, còn mua nhà đón bố mẹ về ở Hà Nội.





Một lúc sau, anh Bái chống gậy, có con trai tháp tùng đi vào. Cả bọn chạy ra đón anh vui mừng khôn xiết. Giờ mới hiểu tại sao năm nay không đi xa, ở Hà Nội để anh Bái và bạn Vĩnh có cơ hội đến với N67. Anh Bái 81 tuổi, sức khỏe cũng yếu, đến được với hội lớp như thế này quả là rất đáng trân trọng. Khi vào trường, anh gấp đôi tuổi chúng mình, giờ đây tuy yếu nhưng trông anh vẫn còn trẻ, thậm chí còn trẻ hơn một vài bạn. Mong anh khỏe để đến với hội N67 đều đều.



Lần họp mặt N67 năm nay chỉ có 28 bạn, vắng khá nhiều gương mặt thân quen như An, Định, Huy, Học, Minh, Hiến... chắc vì lý do nào đó không đến được, nhưng đều được các bạn nhắc đến hỏi thăm. Năm nay xum họp ngoài trời, bên cạnh còn có một đám cưới, không nghe được các bạn hát như mọi năm. Dẫu sao các bài hát, nhất là các bản tình ca Nga vẫn là cái hồn để đưa N67 quay trở về “thời xa vắng” gian khó vất vả nhưng vô cùng thân thương,  đẹp đẽ lãng mạn đến tự hào. Cái hồn ấy gắn kết thu hút lôi cuốn N67 lại với nhau thành một hội bạn bè để hàng năm có dịp ta lại ngồi bên nhau giao lưu chia sẻ tâm tình. May có Toàn mang theo chiếc ghi-ta đàn hát chút chút làm cho không khí bên hồ nước  mênh mang dưới bóng cây xanh êm đềm thêm phần romantic.




Tụ tập bên nhau, và tự nhiên hình thành từng tốp từng tốp xúm lại kể cho nhau nghe chuyện con cháu, chuyện sức khỏe. Ấn tượng nhất là Nghĩa đưa ra triết lý 3N (không phải 3N67 đâu nhé) - đó là Nhá - Nhớ - Nhún làm cả bọn cười lăn lóc. Bạn nào đạt được cả 3N bây giờ thì đúng là vô địch, chắc chỉ có con trai, con gái thì chịu được 2 N đầu đã là may mắn rồi. Mình chỉ mong ở cái tuổi này được tứ quý “Sống khỏe - Chết nhanh - Có tiền để dành - Được mọi người nhớ đến” là quá quý rồi. Sống khỏe là do chính bản thân ta quyết định, có chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao hay đi bộ không, có ăn uống điều độ, giữ cho tinh thần được lạc quan, bớt lo lắng đi không. Chết có được nhanh là do số phận, do Ông Trời quyết định. Có ít tiền để dành thì chắc N67 chúng mình ai chẳng có chút chút để sau này khỏi phải nhờ đến con cháu. Điều thứ tư thì khỏi nói, cứ hàng năm tụ tập đều đặn như thế này đã là một minh chứng được mọi người nhớ đến rồi còn gì.




Mọi người cũng lặng đi khi nghe tin bạn Sin vừa mới đi xa do bạo bệnh. Sin và Tiễn người Hà Tĩnh đồng hương với Liên nên hai bạn hay đến chơi nhà bác Hốt nơi mình và Liên ở. Nhớ có lần các bạn ấy lấy đâu ra bột mì và mật thế là cả bọn hì hụi nhào bột mì nặn thành viên, đun nước mật thả vào thành cái-gọi là-chè để mà cùng nhau xì xụp húp ngon đáo để. Sau này bạn Sin công tác ở Quảng Ninh, có một lần về tham dự hội N67. Giờ thì bạn đã đi xa theo chân các bạn Khánh, Liểu, Ninh, Đức, Lượng, Thuấn, Dẩn, Hồng rồi. Cầu mong các bạn thanh thản yên nghỉ cõi vĩnh hằng.

Sinh-Lão-Bệnh-Tử là quy luật muôn đời, chẳng ai tránh được. Vậy nên ta cứ phải sống vui, sống khỏe để hàng năm gặp nhau cho vui vẻ, các bạn N67 nhé!



Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2014 CỦA VTCN



Dồn công sức thực hiện chuyến đi đầu năm 2015 nên nhãng mất việc tổng kết hoạt động của VTCN năm 2014. Tết nhất xong, ai cũng bận việc cơ quan, việc gia đình, lại thêm mưa rét ảm đạm nên vẫn chưa có bài viết. Giờ đây ngồi lại, mấy chị em thấy thiếu sót quá nên quyết định vẫn phải tổng kết với lời xin lỗi đến các thành viên VTCN và tất cả mọi người từng đã, đang và luôn tin yêu VTCN.

Một năm nhìn lại, có thể thấy VTCN của chúng ta  thực hiện một khối lượng công việc không hề nhỏ.

Đầu năm 2014, vào những ngày sát Tết Giáp Ngọ, chúng ta đã thực hiện được một số việc rất có ý nghĩa: Đầu tiên là hỗ trợ 730 chiếc chăn cùng với rất nhiều quần áo và chiếu cho các trường Phổ thông Dân tộc bán trú huyện Trạm Tấu. Tiếp đó kết nối với một nhóm khác gửi tặng 206 chiếc áo ấm đến cho các trò trường TH Kim Nọi, xã Kim Nọi, Mù Cang Chải. Sau ba ngày nhóm gửi tiếp 460 chiếc áo ấm cho học sinh trường MN và Tiểu học xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai.  Nhìn những đứa trẻ xúng xính diện áo quần mới ai cũng thấy ấm lòng khi Tết đến xuân về. Đầu tháng Ba nhóm gửi 30 chiếc chăn cho các bé ở A Mù Sung. Tiếc là các đồng chí bộ đội biên phòng đã không gửi cho nhóm những hình ảnh các trò nơi đó nhận và sử dụng quà nhưng chúng ta vẫn vui vì ở đâu đó trên vùng biên giới xa xôi các em nhỏ đang được ấp ủ trong những chiếc chăn mang hơi ấm yêu thương của VTCN. 


Mang chăn chiếu cho Pá Hu, Trạm Tấu.

Hỗ trợ chăn cho các trò Trạm Tấu.

Áo ấm gửi cho các trò THCS Kim Nọi, Mù cang Chải


Quà được gửi cho Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai ngay sát Tết Giáp Ngọ.

Gửi chăn cho các bé ở A Mù Sung, Bát Xát, Lao cai.

       Trong năm 2014, công việc nổi trội đáng kể nhất là chúng ta tiến hành xây dựng được 5 điểm trường tại Mù Cang Chải, Yên Bái. Đầu tiên là 2 lớp học ở Chống Màng Mủ thuộc trường THCS Mồ Dề với tiền tài trợ $10.000 Úc của công ty Park Trent bên Úc. Để thực hiện công việc này nhóm VTCN và trường Mồ Dề đã lên kế hoạch chi tiết về xây dựng, làm hợp đồng ghi rõ điều khoản mỗi bên chịu trách nhiệm những phần A, B, C cụ thể rõ ràng thấu tình đạt lý để công trình sớm được thực thi. Tuy xa xôi, nhóm vẫn tổ chức đi giám sát công trình từ khi chuyển nguyên vật liệu và đặt nền móng xây dựng. Tiếp đó khi hoàn thành nhóm cũng lên kiểm tra, trao biển treo ghi khắc thành quả đã làm được.


Công ty Park Trent, Úc tài trợ $10.000 Úc để xây dựng điểm trường Chống Màng Mủ

VTCN cùng công ty Park Trent, Úc lên thăm điểm Chống Màng Mủ khi được xây dựng xong.

       Trong quá trình giám sát, VTCN cũng kết hợp đi khảo sát một điểm nữa là Mý Háng thuộc Mồ Dề và nhanh chóng tiến hành công việc xây dựng với sự ủng hộ nhiệt thành của các thành viên VTCN, đặc biệt nhất là nhóm bạn bè ở Hungary. Ngay từ những ngày đầu tiên khi hình ảnh lớp học tre nứa tạm bợ Mý Háng được đưa lên, các anh chị đã có nhiều hoạt động cụ thể gom góp tiền gửi về để xây dựng 2 lớp học ở Mý Háng theo đúng công thức mà Chống Màng Mủ đã thực hiện. 

Lớp Mý Háng cũ

Ngôi trường Mý Háng đang được xây dựng.

Nhóm bạn bè bên Hung thường xuyên tổ chức các hoạt động kiếm tiền gây quỹ gửi cho VTCN.

        Một việc mà không ai có thể quên và trân trọng đó là toàn bộ tiền mừng đám cưới của cặp Chung Lê - Tuấn Anh được dành cho việc xây dựng một điểm trường là lớp MN Trống Tông với số tiền 167.058.000đ. Ngôi trường Tình yêu ấy được nhóm giám sát, kiểm tra ngay từ ngày đặt những chiếc cọc đầu tiên, trao biển treo tường khi lớp học và nhà vệ sinh hoàn thành. Đặc biệt sau này cặp uyên ương cùng nhóm VTCN đã lên thăm lại vào dịp đầu năm 2015 với niềm vui không kể xiết. 


Điểm trường Trống Tông cũ đây.



Ngôi trường tình yêu bắt đầu được xây dựng.

Trao quà cho các con trước Ngôi trường Tình yêu vừa được khánh thành.

        Phải nhắc đến chính từ đám cưới của đôi Thỏ Bông mà VTCN quen được một người bạn của chú rể là chị Lê Hằng Nga, người đã xin tài trợ nguyên một điểm trường. Thay mặt chị Hằng Nga, VTCN đã làm việc trao đổi với cô Phạm Thị Thủy, hiệu trường THCS Kim Nọi và được biết điểm lẻ Háng Đăng Dê do dân tự làm đã xuống cấp trầm trọng. Và thế là những kế hoạch hợp đồng xây dựng, chuyển tiền và giám sát công trình được VTCN cùng dân bản và giáo viên thực hiện một cách nghiêm túc. Kết quả là hai lớp học rộng rãi vững chắc và một nhà vệ sinh với số tiền 142.000.000đ được xây dựng trên một khu đất rộng đẹp do bà con dân bản khai phá, sạt đồi bạt núi làm nên. 


Lớp Háng Đăng Dê cũ.

Lớp Háng Đăng Dê mới.

        Cuối cùng là trường MN Trống Gầu Bua thuộc MN Hồ Bốn với 50 triệu xã cho đã xin VTCN chung tay xây dựng 2 lớp học, một nhà vệ sinh, một nhà bếp và một sân chơi rộng rãi trong thời gian ba tháng đã được hoàn thành với tổng tiền gần hai trăm triệu. Thực hiện công trình này không hề đơn giản. VTCN đã phải trực tiếp cử người lên đàm phán và qua rất nhiều đàm thoại mới có sự thống nhât và thành công.

Điểm MN Trống Gầu Bua đã được đưa vào sử dụng.

        Chuyến đi cuối tháng Tám năm 2014 là một kỷ niệm khó quên của VTCN đã “vượt mưa giông đến với các bé vùng cao Mù Cang Chải” với nhiệm vụ chuyển 31 bộ bàn ghế mới cho hai lớp học Chống Màng Mủ và Mý Háng, 18 thùng đồ dùng học tập cho ba trường MN Nậm Khắt, Kim Nọi và Lao Chải, tặng 5 máy tính cho MN Mồ Dề, Nậm Khắt, Hồ Bốn, THCS Xéo Dì Hồ và Kim Nọi. Ngoài ra nhóm còn đi giám sát kiểm tra ba điểm trường đang được tiến hành xây dựng ở thời điểm đó và phát quần áo cho dân bản Háng Đề Sủa. 

Bàn ghế được chuyển lên lớp học mới xây.

Phát quần áo cho bà con dân bản Háng Đề Sủa.

        Trong khi cả nước hướng về miền Trung chia sẻ “Lá lành đùm lá rách” thì VTCN cũng không đứng ngoài cuộc. Chúng ta đã kịp thời gửi áo ấm, bánh kẹo cho trẻ em Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình góp một phần nhỏ bé để các em có quần áo ấm cho mùa đông sắp tới. 


Quà của VTCN đã được chuyển đến cho các bé Vân Kiều, Lệ Thủy, Quảng Bình.

        Tiếp theo là chuyến đi “mang yêu thương đến các trường của ba huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải” của Yên Bái. Trên cơ sở còn 400 vỏ chăn chúng ta đã đặt mua 400 ruột cùng 361 chiếc cả vỏ và ruột để có 761 chiếc chăn mang đến cho 11 trường MN Trạm Tấu, 3 trường MN ở Văn Chấn. Chuyến đi này chúng ta còn tặng cho 2 trường MN có cùng tên Bông Sen, một ở Túc Đán, Trạm Tấu, một ở Chế Cu Nha, Mù Cang Chải với tổng số học sinh gần 500 em. Ngoài ra VTCN còn đến trao biển gắn tường cho ba trường Trống Tông, Háng Dăng Dê và Trống Gầu Bua đã xây dựng xong và được đưa vào sử dụng. 


Các con MN Bông Sen, Túc Đán, Trạm Tấu vui sướng nhận quà.

       Tháng 11 VTCN có chuyến đi Văn Chấn, Yên Bái với nhiệm vụ trao 680 chiếc chăn cho 14 trường MN và DTBT của Văn Chấn, tặng 360 bộ quần áo ấm cùng khăn, mũ, tất, bánh kẹo cho 2 trường MN khó khăn nhất là Sùng Đô và Suối Quyền. Có một việc phát sinh ngoài dự kiến là MN Nậm Mười lên tiếng xin quần áo cũ cho các con ở đó thì được các nhà hảo tâm xa gần sẳn sàng ủng hộ cả vật chất lẫn tài chính. Số tiền quyên góp được cho Nậm Mười có 5.300.000đ nhưng rất nhiều tập thể cá nhân đã gửi đến rất nhiều quần áo mới và cũ có chất lượng cao, đáng kể nhất là các cô bác ở chợ Đồng Xuân đã ủng hộ 300 chiếc áo phao và một tạ gạo, gia đình bạn Anh Thư ủng hộ 300 bộ quần áo nỉ và một số cá nhân ủng hộ không kể hết ở đây. Và thế là MN Nậm Mười với 5 điểm lẻ có 269 học sinh đều được nhận rất nhiều quà với tình yêu thương gấp bội. Con đường lên Nậm Mười, lên Sùng Đô sẽ mãi là những kỷ niệm không thể quên. Chỉ một lần thôi nhưng những thương yêu cảm phục muốn sẻ chia với thầy trò vùng cao sẽ đọng mãi và luôn đồng hành với các thành viên VTCN.


Điểm lẻ Bó Sưu thuộc MN nậm Mười nhận quà.

Con đường lên Sùng Đô thật khó quên.

         Cuối năm là chuyến đi Vân Hồ, Sơn La vào tháng 12 năm 2014. Chuyến đi này được hình thành từ một bức thư ngỏ của cô hiệu trưởng Hoàng Trâm gửi cho VTCN cùng những hình ảnh đáng thương của các em bé ở vùng núi cao của một huyện mới được thành lập còn gặp muôn vàn khó khăn là huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La. Chỉ đưa bức thư với lời kêu gọi là VTCN quyên góp được 14.800.000đ để mua quần áo ấm, mũ, ủng, bánh kẹo cho 96 cháu ở ba bản Pa Cốp 1, Pa cốp 2 và Pa Chè 1. Và chính hình ảnh lớp học Pa Chè 1 đáng thương ấy đã thúc đẩy VTCN có kế hoạch xây dựng điểm này tiếp theo trong năm 2015 này. 


Lớp học MN Pa Chè 1, Vân Hồ, Sơn La đây.

Tặng quà cho các bé Pa Chè 1, Vân Hồ Sơn La.

        Khi trao đổi với cô Hoàng Trâm trong chuyến đi Vân Hồ VTCN mới biết có 2 điểm rất khó khăn là Pa Chè 2 và Chua Tai mà cô không dám đưa vào danh sách vì sợ VTCN không đến tận nơi trao quà được. Ngay sau chuyến đi về, một kế hoạch tiếp tục hỗ trợ quần áo ấm, mũ, ủng, tất cho 41 cháu ở hai điểm này được đưa ra chớp nhoáng. Chỉ mất có ba ngày VTCN quyên góp được 2.605.000đ cùng với quỹ Vân Hồ còn 2.830.000đ là đã thực hiện ngay việc gửi 41 suất quà được trao tận tay cho các bé ở Pa chè 2 và Chua Tai để các bé không bị thiệt thòi vẫn có quà đón xuân. 


Gửi quà lên cho các con ở Pa Chè 2 và Chua Tai, Vân Hồ, Sơn La

  Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những hoạt động của nhóm VTCN ở phía Nam. Các anh chị thường xuyên chăm sóc các cháu bé ở mái ấm Minh Tâm và gửi quà cho các trò trên vùng núi Đắk Lắc, Kon Tum. Các anh chị có nhiều hoạt đổng hướng tới các hoạt động chung của nhóm, thường xuyên gửi tiền quyên góp được cho quỹ nhóm VTCN. Đặc biệt các chị nhóm Ong Thợ miệt mài đan/móc từng chiếc mũ xinh đẹp, ấm áp gửi ra cho các con vùng cao.


Những chiếc mũ xinh đẹp đang được chuẩn bị chuyển lên vùng cao.

        Một năm nhìn lại, với những con số khô khan, những hoạt động có tính chất liệt kê, nhưng ẩn chứa sau nó là những tấm lòng nhân ái của biết bao con người trong nước và ngoài nước chắt chiu dành dụm gửi yêu thương cho các cháu vùng cao qua VTCN, là ẩn chứa những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để có nguồn kinh phí thực hiện những chuyến đi hết sức ý nghĩa theo đúng mục tiêu tôn chỉ của VTCN “chung tay vì trẻ em vùng cao”.

        Cuối cùng xin chúc tất cả thành viên VTCN và những tấm lòng nhân ái luôn ủng hộ VTCN sức khỏe, hạnh phúc, thành công với lời cảm ơn trân trọng để VTCN sẽ lại có những hoạt động thiết thực tiếp theo trong năm 2015.