Trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông
mình thích mùa thu nhất. Có lẽ chủ yếu vì nhiều người thân yêu của mình như chồng,
con, cháu nội, em gái và bản thân mình sinh ra vào mùa thu. Thêm nữa mùa thu tiết
trời thật dễ chịu không còn cái nóng bức của mùa hè, cũng còn lâu mới tới cái lạnh
cắt da cắt thịt của mùa đông. Bầu trời trong xanh, gió thổi mát lành thấy lòng
nhẹ bỗng thanh thoát. Hoa quả mùa thu thật là đa dạng và hương cốm quyện lại
làm cho mùa thu có nét gì đó gần gũi đậm chất hương quê mà thanh tao êm dịu. Và
một điều thật đặc biệt của mùa thu có đêm Trung thu với hội trăng rằm mà bất cứ
đứa trẻ nào cũng mong ngóng đợi chờ. Chú Cuội - Cây đa - Chị Hằng - Thỏ Ngọc cứ
hiện ra mờ mờ ảo ảo mà lại rờ rợ sáng rỡ như thực như mơ và Ông Trăng vàng như
dõi theo ta, bước theo từng bước chân
ta, hay là ta như chỉ huy Trăng, ta đi Trăng đi, ta dừng Trăng cũng dừng theo ý
muốn của ta hòa quyện Trăng với ta là một vậy.
Lâu rồi nhà mình không có trẻ
con, giờ có cháu nội nhưng còn bé tí cho nên Trung thu đối với mình thực sự đơn
giản. Sắm mâm hoa quả đặc trưng chuối bưởi na hồng gì đó của mùa thu và đương
nhiên không thể thiếu bánh Trung thu là bánh nướng và bánh dẻo trong đêm trăng rằm.
Có chăng mỗi khi Trung thu đến trong mình thường dấy lên những hoài niệm của một
thời đã xa, rất xa rồi.
Nhớ ngày xưa khi còn nhỏ xíu, bọn
trẻ con chúng mình ở cái phố thị Vân đình nhỏ bé tíu ta tíu tít rủ nhau ra trước
cửa nhà văn hóa trông trăng chờ phá cỗ. Những mâm cỗ cao ngất đầy chuối, bưởi,
hồng, na, dưa hấu, bánh kẹo trông thật hấp dẫn. Có những quả bưởi được các cô
các chị khéo léo gọt tỉa thành những đóa hoa trắng hồng to tướng căng mọng, có
quả còn được biến thành những con thỏ bông trắng muốt xinh xắn. Chúng mình còn
được bố mẹ mua hoặc làm cho những chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ, con cá, dưới
sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách xếp thành hàng đi diễu quanh phố nhỏ
trong tiếng trống tùng dinh tùng dinh sôi nổi hào hứng của trẻ thơ để rồi được
nhận những quả chuối múi bưởi sao mà thấy ngon thấy ngọt thế.
Bố mình hồi ấy mỗi khi có Tết
Trung thu, người thường tỉ mỉ làm chiếc đèn kéo quân mà mấy chị em cùng bọn trẻ
con hàng xóm xúm xít xung quanh ngắm nhìn những con thỏ gõ trống, những con
trâu, đứa trẻ mục đồng, đám cưới chuột, thầy đồ cóc, có khi có cả những ông tướng
có đủ mũ cánh chuồn áo thụng xanh đỏ oai phong lẫm liệt lắm. Không thể tả hết
niềm thích thú ngộ nghĩnh trẻ thơ xen lẫn sự kinh ngạc qua những ánh mắt trầm
trồ cuốn hút của những đứa trẻ là chúng mình khi ấy cứ thấy những hình ảnh quay
tròn quay tròn bắt mắt sống động làm sao.
Khi mình đi học đại học đang là
thời chiến, em trai đi bộ đội, hai chị đi công tác xa, ba em bé ở nhà, chẳng
còn những đêm Trung thu vui vầy như xưa nữa. Em Thu cũng chịu khó làm ra những
chiếc đèn ông sao nho nhỏ hoặc tích những hạt bưởi xâu chuỗi phơi khô đốt lên
cũng thấy thú vị phết. Có lần Thu và Dũng đang ngồi trên nóc bể buồn thiu được
chị về đúng đêm rằm chẳng có gì sao thấy đầm ấm vui vẻ thế.
Sau này có gia đình, có con rồi,
mình thường mua đèn ông sao cho các con và bao giờ cũng có một mâm cỗ hoa quả
bánh kẹo để các con trông trăng phá cỗ. Nhà em trai mình, hai vợ chồng còn chịu
khó làm những chiếc đèn ông sao mang ra phố bán kiếm chút tiền còm cho bữa ăn của
con thêm tí cá tí thịt cho những đêm rằm thêm rôm rả. Nghĩ lại một thời sao mà
thương mà yêu đến thế!
Đang mơ màng nhớ về một thời đã
xa, nghèo khó nhưng tràn ngập tình thương mến thì có tiếng gõ cửa kéo mình về
thực tại. Có mấy cô ăn mặc đồng phục váy đỏ áo đỏ đến đưa cho bé nhà mình một tờ
phiếu. Hóa ra siêu thị Đức Thành gần nhà tổ chức chương trình “Bé vui Trung thu với siêu thị Đức Thành”. Chỉ
cần đưa bé đến có phiếu này là đổi được sữa tươi Vinamilk, bim bim, bánh quế, kẹo
chíp chíp, thạch và kẹo mút. Hay thật, một chiêu quảng cáo sản phẩm hữu hiệu phết.
Bé nhà mình còn nhỏ quá, chẳng tham gia được rồi. Sang năm thì bé có thể vui
Trung thu chẳng cứ với siêu thị mà vui với cả thế giới Chú cuội - Cây đa - Chị
Hằng - Thỏ Ngọc rồi. Hay ăn chóng lớn đi bé yêu để cháu có nhiều nhiều Trung
thu đêm trăng rằm đẹp đẽ diệu kỳ nhé cháu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét