Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Trí thức trẻ tặng 117 triệu đồng cho ngư dân anh dũng ở Lý Sơn


Nguyễn Huệ - theo Trí Thức Trẻ | 18/07/2014 08:00

(Soha.vn) - “Tiếp tục vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền của đất nước”, đó là những gì người dân Lý Sơn muốn gửi tới tất cả các tấm lòng Việt luôn hướng về họ.

    Trải nghiệm trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ Quốc – huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), 15 thành viên đại diện hàng trăm tấm lòng thiện nguyện đã có rất nhiều những cung bậc cảm xúc. Hầu hết các thành viên của đoàn mới chỉ biết tới Lý Sơn qua các phương tiện truyền thông. Trong đoàn, ai cũng đau đáu hướng về Lý Sơn nhiều hơn từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, từ khi tàu Trung Quốc liên tục tấn công ngư dân nơi đây. 
    Gần 117.000.000 đồng đã được gửi tới đại diện 7 hộ ngư dân ở đảo Lý Sơn bị tàu Trung Quốc ngăn cản, đập phá tài sản và có hoàn cảnh khó khăn. Món quà ấy rất nhỏ so với nhu cầu sửa chữa và đóng tàu của bà con ngư dân nơi đây, nhưng là món quà của những tấm lòng tới với những tấm lòng.
    Đại diện của UBND huyện Lý Sơn và đại diện đoàn từ thiện trao quà cho 6 hộ gia đình
    Đại diện của UBND huyện Lý Sơn và đại diện đoàn từ thiện trao quà cho 6 hộ gia đình
    Những "tấm lòng ấy" đến từ nhiều nguồn. Đó là một đêm biểu diễn gây quỹ từ thiện của hơn 60 nghệ sĩ Việt; là sự quyên góp của các tổ chức, cá nhân và đặc biệt món quà ấy đến từ cuộc thi vẽ tranh về chủ quyền biển đảo do báo Trí Thức Trẻ phát động tới học sinh khiếm thị của trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Những bức tranh ấy, là những bức tranh màu sắc, sống động được vẽ bằng đôi mắt mờ nhưng trái tim ngời sáng, bằng tình cảm chân thật của học sinh khiếm thị, chứa trong đó rất nhiều thông điệp đã được báo bán đấu giá để gây quỹ từ thiện.
    Và mỗi thành viên trong đoàn luôn hi vọng, món quà này như những sợi gai để vá những tấm lưới giúp bà con đánh cá. Những tấm lưới đó cũng chính là tấm lưới để bảo vệ phên dậu của Tổ quốc.
    Một ngày tháng 7, chiều Lý Sơn nắng rát, nhưng đại diện của UBND huyện Lý Sơn cùng đại diện 6 hộ gia đình nhận quà của Báo Trí Thức Trẻ và đoàn tình nguyện, họ đã có mặt tại trụ sở UBND huyện từ sớm để đón đoàn.
    “Lý sơn được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan và rất nhiều sản vật tuyệt vời. Đây còn là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đặc biệt trong những ngày này, hàng triệu con tim Việt lại tặng cho Lý Sơn một niềm cảm phục và tự hào là nơi phên giậu của Tổ quốc hàng ngày bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta”, đó là chia sẻ của nhà báo Bùi Ngọc Hải (Phó Tổng biên tập báo Điện tử Trí Thức Trẻ) trong lần trở lại huyện đảo Lý Sơn.
    Lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn và các hộ ngư dân được tặng quà chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn từ thiện
    Lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn và các hộ ngư dân được tặng quà chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn từ thiện
    Không giấu được niềm xúc động, nhà báo Bùi Ngọc Hải chia sẻ thêm: “Hàng ngày khi nghe những thông tin tàu Trung Quốc đâm va vào tàu kiểm ngư, ngư dân Việt thì tất cả con dân Việt từ địa đầu Lũng Cú tới mũi Cà Mau đều cảm thấy căm giận như một kẻ nào đó đã vào xâm phạm chính mảnh sân, mảnh vườn và ngôi nhà của mình.
    Điều đó cũng cho thấy, trong tất cả những người Việt Nam có thể xa lạ nhau, có thể ở tỉnh thành khác nhau nhưng đang chảy chung dòng máu Lạc Hồng”.
    Còn với cựu đặc công Lê Tôn Thực (SN 1956, thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội), lần đầu tiên đặt chân tới mảnh đất Lý Sơn, ông Thực đã cảm nhận được cái tình người xuất phát từ sự chân thật của người dân nơi đây và cả vẻ đẹp của "những cảnh quan và sản vật tuyệt vời".
    Mang tới Lý Sơn niềm mong muốn: "Ôm một cái thật chặt những chiến sĩ ngày đêm vất vả, bảo vệ biển đảo và bảo vệ ngư dân đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa. Đó là cái ôm của tình quân dân, của sự chia sẻ, ủng hộ để nhắn nhủ với họ hãy vững tin với nhiệm vụ cao cả của mình. Nhân dân và cả nước sẽ ủng hộ, sát cánh cùng các ngư dân, các chến sĩ để bảo vệ chủ quyền đất nước". Ông Thực đã một phần thực hiện được điều ấy khi ông đã "ôm thật chặt" người dân Lý Sơn vừa trở về từ sóng gió của biển khơi. 
    Đại diện 6 trong 7 hộ gia đình ngư dân ở Lý Sơn bị tầu Trung Quốc ngăn cản, đập phá tài sản và có hoàn cảnh khó khăn.
    Đại diện 6 trong 7 hộ gia đình ngư dân ở Lý Sơn bị tầu Trung Quốc ngăn cản, đập phá tài sản và có hoàn cảnh khó khăn.
    Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cảm ơn đoàn từ thiện báo điện tử Trí Thứ Trẻ và cho biết: Ngư trường quen thuộc, truyền thống của ngư dân Lý Sơn là vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Từ lâu, họ đã coi hai quần đảo này như mảnh vườn của mình để tới đó khai thác và làm kinh tế.
    Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục ngăn cản, bắt bớ, đập phá tài sản của ngư dân Lý Sơn. Đặc biệt là từ thời điểm tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở thềm lục địa của Việt Nam càng làm cho ngư dân khốn đốn và họ càng phẫn nộ trước mọi hành động của Trung Quốc.
    “Tuy nhiên, trước tình hình đó, tinh thần của ngư dân Lý Sơn vẫn không hề nao núng. Họ vẫn bình tĩnh, kiên trì bám biển. Đặc biệt trong thời gian vừa qua khi cả nước hướng về biển đảo, trong đó có Lý Sơn thì những tình cảm, sự đóng góp của toàn dân tộc đã hỗ trợ lớn về mặt tinh thần, động viên ngư dân Lý Sơn tiếp tục vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền của đất nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cùng các tổ chức thực thi pháp luật của Việt Nam để bằng mọi giá kiên quyết đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của nước ta”, ông Linh khẳng định.
    Những lời động viên chia sẻ của các thành viên trong đoàn từ thiện đã tiếp thêm sức mạnh cho chị Trương Thị Tiền tiếp tục cố gắng điều trị để làm điểm tựa cho ba đứa con nhỏ.
    Những lời động viên chia sẻ của các thành viên trong đoàn từ thiện đã tiếp thêm sức mạnh cho chị Trương Thị Tiền tiếp tục cố gắng điều trị để làm điểm tựa cho ba đứa con nhỏ.
    Còn với ông Lý Khuân, Phó Chủ tịch nghiệp đoàn cá xã An Vĩnh (Lý Sơn), người đã có 22 năm gắn bó với ngư trường đánh bắt chính của Lý Sơn là Hoàng Sa thì: "Bị tàu Trung Quốc đâm va, với chúng tôi đó là những chuyện "như cơm bữa" rồi nên không có gì là sợ hay nao núng tinh thần cả. Điều lo lắng nhất với chúng tôi là số hải sản trên tàu bị chiếm đoạt hết". 
    Có mặt tại buổi trao quà, anh Huỳnh Văn Lắm (chủ tàu QNgTS 96110, thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn) - đại diện cho các ngư dân của đảo Lý Sơn xúc động: “Chúng tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn đoàn từ thiện báo điện tử Trí Thức Trẻ cùng cả nước đã trở thành hậu phương vững chắc cho bà con ngư dân. Chúng tôi xin hứa tiếp tục vươn khơi bám biển và bảo vệ bằng được chủ quyền của đất nước”.
    Khi đoàn tới thăm và tặng quà gia đình chị Trương Thị Tiền (xã An Hải, Lý Sơn), khi chồng mới mất do tai nạn trên biển, bản thân chị bị ung thư dạ dày đã trị xạ 5 lần và phải nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, cái nắm tay thật chặt cùng những giọt nước mắt của người người phụ nữ ấy khiến chúng tôi hiểu: Trong xã hội này còn rất nhiều tín hiệu cần giúp đỡ.
    Danh sách ngư dân, chủ thuyền bị lực lượng chức năng Trung Quốc ngăn cản, đập phá, lấy tài sản, phun vòi rồng, bị thương và có hoàn cảnh khó khăn nhận tiền hỗ trợ của báo Điện tử Trí Thức Trẻ cùng các tổ chức, cá nhân thiện nguyện:
    1. Huỳnh Văn Lắm (thôn Đông, An Hải) – tầu QNgTS 96110, bị ngăn cản, đập phá tài sản.
    2. Nguyễn Văn Chí (thôn Tây, An Hải) - tầu QNgTS 96345, bị ngăn cản, đập phá tài sản.
    3. Lê Túc (thôn Tây, An Hải) - tầu QNgTS 66029, bị ngăn cản, phun vòi rồng, 01 người bị thương.
    4. Huỳnh Công Nhiệm (thôn Đông, An Hải) - tầu QNgTS 96110, bị ngăn cản, đập phá tài sản.
    5. Bùi Văn Minh (thôn Tây, An Vĩnh) - tầu QNgTS 66041, bị ngăn cản, đập phá, lấy tài sản.
    6. Nguyễn Văn Trí (thôn Tây, An Hải) - tầu QNgTS 96345, bị ngăn cản, đập phá tài sản.
    7. Trương Thị Tiền (thôn Đông, An Hải) – chồng mất vì tai nạn trên biển, bản thân bị ung thư và phải nuôi ba con nhỏ.


    Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

    Xây hai phòng học, một phòng công vụ giáo viên cho điểm lẻ bản Trống Gầu Bua, trường mầm non Hoa Huệ, xã Hồ Bốn


    Tuyết Anh, 22/7/2014
    Đã từ lâu, tên nhóm Vì ta cần nhau trở nên quen thuộc với nhiều thầy cô giáo của huyện Mù Cang Chải. Do vậy, khi cần tìm đơn vị hỗ trợ cho việc xây điểm lẻ của trường Mầm non Hoa Huệ tại xã Trống Gầu Bua, chính quyền xã và nhà trường đã tìm đến với nhóm Vì ta cần nhau sau khá nhiều nỗ lực bất thành trước đó.
    Trải qua một quá trình trao đổi lâu dài, bao gồm rất nhiều thư từ, điện thoại qua lại và chuyến đi lên tận điểm trường để tìm hiểu tình hình thực tế của anh Vân, một thành viên trong nhóm vào ngày 2/7, nhóm quyết định hỗ trợ nhà trường xây điểm lẻ Trống Gầu Bua với các hạng mục sau:
    1. 02 phòng học, diện tích mỗi phòng 34.8m2
    2. 01 phòng công vụ bên cạnh các phòng học, diện tích 17.4m2
    3. Láng sân chơi với diện tích 200m2
    4. Làm nhà vệ sinh, diện tích 4m2
    Dưới đây là kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng điểm lẻ Trống Gầu Bua.
    KẾ HOẠCH XÂY 2 PHÒNG HỌC, 1 PHÒNG CÔNG VỤ GIÁO VIÊN
    ĐIỂM LẺ TRỐNG GẦU BUA, TRƯỜNG MẦM NON HOA HUỆ, XÃ HỒ BỐN
    I. THÔNG TIN CƠ BẢN
    Trường Mầm non Hoa Huệ nằm trên địa bàn xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Toàn trường hiện có 7 lớp với 190 học sinh phân bố tại điểm trường chính và 4 điểm lẻ. Hiện tại, ở điểm trường Trống Gầu Bua có 1 lớp học tạm rộng 22m2 dành cho 35 em học sinh trong năm học 2013-2014. Năm học 2014-2015, dự kiến sẽ có 70 em học sinh đi học tại điểm lẻ này (Trên thực tế, số trẻ cần được đến lớp còn cao hơn, nhưng nhà trường chưa dám huy động do chưa có đủ lớp). Lớp học hiện tại quá nhỏ và đã cũ, không đảm bảo cho việc dạy và học của cô và trẻ. Xuất phát từ điều kiện thực tế, xã và trường mong muốn được hỗ trợ xây 2 lớp học, dành cho 70 em học sinh trong độ tuổi 3-5. Bên cạnh 2 lớp học sẽ là một phòng dành cho các cô giáo cắm bản.
    Từ quốc lộ 32 lên điểm lẻ Trống Gầu Bua là 5 km đường đất dốc đứng, nhỏ hẹp, quanh co, có thể đi được xe máy khi thời tiết tốt. Vào những ngày mưa gió, giáo viên phải đi bộ mất 1.5 tiếng. Bên cạnh đó, Bản Trống Gàu Bua chưa được mắc điện, do đó, việc thi công sẽ vất vả và tốn kém hơn do phải thuê máy nổ cho một số phần công việc.
    clip_image002
    Lớp học hiện tại này sẽ được chuyển giao cho tiểu học, hiện cũng đang trong tình trạng không có địa điểm
    II. DỰ TRÙ
    Bảng dự trù được tính toán cho việc xây dựng 2 phòng học, 1 phòng công vụ giáo viên, bằng tôn ghép, diện tích mỗi phòng học 34.8m2, chiều rộng 5.8m, chiều dài 6m; 1 phòng công vụ diện tích 17.4 m2, chiều rộng 5.8m, chiều dài 3m, Tạm tính việc xây 2 lớp học, 1 phòng công vụ và nhà vệ sinh như liệt kê ở trên sẽ hết tổng cộng 171.289.000 đồng. Trong tổng số tiền trên, xã cam kết hỗ trợ 50.000.000 đồng. Nhóm Vì ta cần nhau sẽ hỗ trợ khoản tiền còn thiếu. Nhóm thợ đã xây dựng 2 điểm trường Chống Màng Mủ và Mí Háng cũng là nhóm thợ được lựa chọn xây dựng điểm trường này, do chất lượng 2 điểm trường Chống Màng Mủ và Mí Háng đã được kiểm nghiệm và nhóm thợ cũng đã quen thuộc với cách làm của nhóm.
    Đến thời điểm hiện tại, xã đã hỗ trợ san gạt mặt bằng, nhà trường đã sẵn sàng cho mọi công việc. Người dân và cán bộ trong trường cam kết sẽ đóng góp nhiều nhất có thể vào quá trình xây các lớp học này. Cụ thể:
    Công vận chuyển toàn bộ nguyên vật liệu từ điểm xe ô tô đổ nguyên vật liệu, tức khoảng 5km đường dốc, nhỏ, hẹp. Ngoài bộ khung nhà khá cồng kềnh sẽ còn phải vận chuyển 2,5 tấn xi măng, 10 khối cát, 3 khối sỏi và 1500 viên gạch.
    Láng sân.
    clip_image004
    Xã đã hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng cho lớp học mới
    III. THỜI GIAN TIẾN HÀNH
    Dự kiến thời gian cần thiết để tiến hành công việc như sau:
    · San gạt, chuẩn bị mặt bằng: 3 ngày đã có
    · Vận chuyển nguyên vật liệu: 2 – 3 ngày.
    · Tiến hành lắp ghép/xây dựng lớp học: 10 ngày
    · Nghiệm thu và đưa vào sử dụng: ½ ngày.
    Thời gian tiến hành dự kiến từ 25/7/2014. Tại thời điểm hiện tại, không thể ấn định thời gian chắc chắn vì thời tiết đã vào mùa mưa, việc xây dựng chỉ có thể tranh thủ những khi trời nắng ráo. Dù vậy, nhà trường đề ra mục tiêu có lớp học trước khi bước vào năm học mới.
    IV. PHƯƠNG THỨC TIẾN HÀNH
    Sau khi đã thống nhất về kế hoạch tổng thể và dự trù, nhóm Vì ta cần nhau sẽ chuyển tạm ứng 50% tổng số tiền cho phần công việc;
    Trong quá trình tiến hành, nếu cần thiết và khi nhà trường cung cấp hóa đơn theo yêu cầu, nhóm Vì ta cần nhau có thể chuyển tiếp tiền tạm ứng, tuy nhiên, toàn bộ khoản tạm ứng không được phép vượt quá 80% tổng số tiền;
    Nhà trường cam kết nếu có chi phí phát sinh, nhà trường sẽ tìm cách kêu gọi các nguồn khác để đảm bảo có được 2 lớp học, 1 phòng công vụ giáo viên, theo đúng dự tính ban đầu;
    Sau khi xây xong 2 lớp học, 1 phòng công vụ giáo viên đại diện nhóm Vì ta cần nhau sẽ nghiệm thu và thanh toán nốt các khoản còn lại theo chi phí thực tế nhưng không cao hơn dự trù ban đầu;
    V. BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
    Đại diện nhóm Vì ta cần nhau: cô Ngô Anh Thơ, điện thoại, 0915228457, e-mailanhtho.ngo2012@gmail.com
    Đại diện nhà trường: cô Hà Thị Nhàn, Hiệu trưởng, điện thoại 0912885685, e-mai: c0hoahue.mucangchai@gmail.com

    Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

    MỘT LẦN ĐẾN VỚI ĐẢO LÝ SƠN



    Ước mơ đến với Lý sơn được ấp ủ từ lâu, bùng lên khi một người bạn đi Lý Sơn  kể về hòn đảo thơ mộng này và tỏa sáng thành hiện thực khi báo Soha News tổ chức chuyến đi ủng hộ các ngư dân của đảo mới bị tàu Trung quốc đâm.

    Ngay trước khi đi, trong cơn mưa tầm tã, Hà - em gái Tuấn Anh, nhóm Vì ta cần nhau và là cô học sinh cũ của mình mang đến $200 và 120k (tiền quy đổi từ kem chống côn trùng) mà nhóm VTCN đang giữ của chị Fuchsia Art, người Việt đang sống ở Mỹ muốn gửi tặng lính đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Một bạn trẻ của VTCN là Trần Mai Hương, Khoa Anh, ĐHNNHN cũng xin gửi 500k cùng với một mục đích như vậy. Phải nói thêm, thời gian không nhiều, chưa liên hệ gì nên không biết có gửi đến tận tay các lính đảo không, nhưng chắc chắn nó sẽ là một món quà nhỏ có ích khi đến với Lý Sơn, nhất là khi Phó tổng biên tập báo Soha News cho biết có một hoàn cảnh rất éo le đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

    Chuyến đi hầu như thuận lợi đúng lịch trình. Chỉ có vài hôm đặt vé máy bay, cả đoàn khởi hành vào ngày 10/7. Sáng ra mưa rất to nhưng khi xuất phát trời nắng đẹp, đúng vào lúc học sinh thi đại học ra về nên hơi tắc nghẽn tí ở quãng đường ĐHQGHN, phải đi đường vòng nhưng vẫn kịp giờ lên máy bay.

     Tới Đà Nẵng, trời đẹp, mới tạnh mưa. Cả đoàn lên xe ô tô đi Quảng Ngãi. Quãng đường Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi vùn vụt trôi qua đẹp đẽ với những thảm lúa xanh mướt, những con sông miền Trung uốn lượn hiền hòa.

     Nghỉ đêm tại Quảng Ngãi với món “cơm gà” chị Nhung và Cafe Ocean Blue bên sông Trà Khúc thơ mộng. Tại đây, cả đoàn mới có dịp tâm sự hiểu nhau hơn. Một cựu đặc công ủng hộ 10 triệu trong đó có tiền mà anh đã chiến thắng trong cuộc đấu giá bức tranh Hoàng Sa - Trường Sa của một em bé mù, một chàng trai hài hước ai gặp cũng không thể quên, coi những việc giúp đỡ ai đó mà cậu từng làm không phải là làm từ thiện đơn thuần chỉ là giúp đỡ những người kém may mắn, một em gái cứ miệt mài tham gia đóng góp các hoạt động từ thiện khi có thể và rất rất nhiều bạn khác ở góc độ này góc độ khác đều là những người có tâm và hướng thiện.

    Mờ sáng 11/7, cả đoàn lên xe tới cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi để lên tàu ra đảo Lý Sơn. Thật may mắn, biển lặng hiền hòa chào đón đoàn. Ngồi trên boong, giữa mây trời nắng gió, biển xanh trời xanh như quyện vào nhau, xa xa là Lý Sơn với đảo Lớn đảo Bé hiện ra đẹp đẽ kiên cường, thấy lòng dâng lên một  tình yêu khâm phục tự hào.

                                                  Trên tàu ra đảo Lý Sơn.


    Lý sơn đây, nắng chan hòa với cánh đồng tỏi, hành, dưa hấu vươn mình trên cát trắng nóng bỏng với sức sống lạ kỳ. Thầm thán phục sao cây nhỏ mảnh mai lại có thể mọc trên cát nóng cho quả củ ngon lành tạo nên vương quốc Tỏi. Tới nhà nghỉ Hoa Biển nằm ngay trên bờ biển cạnh những con tàu neo đậu chờ ra khơi. Cây bàng vuông kề ngay bên cửa sổ xanh biếc khoe những chùm hoa và quả to cứng cỏi kiên cường thật lạ. Hai đứa trẻ 7, 8 tuổi phơi mình giữa trưa hè nắng gắt giăng lưới ngay sát bờ cạnh những con tàu, chẳng biết có bắt được con tôm con cá gì không làm mình cứ thấy chạnh lòng xót xa thương cảm. Bằng tuổi ấy, trẻ em ở Hà nội được bố mẹ đưa đón chăm sóc học lớp nọ trường kia, đâu phải lặn lội kiếm sống như thế.

    Những đứa trẻ trên đảo Lý Sơn.

    Bữa cơm hải sản tại nhà nghỉ không thật hấp dẫn lắm vì ... ruồi cứ sẵn sàng nhào vô chia sẻ cùng thực khách. Chỉ ăn chút chút cho đỡ mệt, may cả đoàn bụng dạ yên ổn không ai làm sao. Nghỉ trưa chốc lát rồi cả đoàn đi đến Ủy ban huyện Lý Sơn chờ gặp lãnh đạo huyện và 6 hộ ngư dân trong danh sách được giúp đỡ.

    Không có điện, nắng oi nồng, người dân trên đảo chưa có lưới điện quốc gia nên thường sau 5 giờ chiều mới có điện máy nổ. Mấy khi được chia lửa với Lý Sơn. Nhưng may quá chắc vì ưu tiên đoàn, sau độ nửa tiếng thì Ủy ban cũng chạy máy nổ có điện, không khí như dịu lại.

    Ông phó Bí thư huyện nhiệt liệt hoan nghênh đoàn đã đến với Lý Sơn, chia sẻ với đoàn về những khó khăn của huyện đảo, những gian truân bão tố luôn rình dập đe dọa nơi biển khơi, nay thêm tàu Trung Quốc ngăn cản quấy phá làm bà con ngư dân thêm hiểm nguy. Ông bảo Trường Sa, Hoàng Sa như vườn nhà của Lý Sơn để bà con ngư dân chăm sóc, khai thác. Nó là nguồn mưu sinh của họ vậy mà có kẻ đến quấy nhiễu, phá phách vô cớ làm dân đảo Lý Sơn vô cùng uất ức, nhưng họ vẫn kiên gan bám biển và vui mừng tin tưởng vì luôn có hậu phương cả nước dõi theo ủng hộ.

                   Cả đoàn chụp ảnh lưu liệm với lãnh đạo huyện và ngư dân đảo Lý Sơn,

    Trưởng đoàn là Phó Tổng biên tập báo Trí thức trẻ Bùi Ngọc Hải cũng chân tình bày tỏ tình cảm của cả đoàn đối với những ngư dân huyện đảo, đặc biệt là những ngư dân mới bị tàu Trung Quốc đâm làm các thành viên hết sức cảm động. Cả đoàn như gắn kết lại với nhau chặt chẽ, thay mặt những nhà hảo tâm trao “một tấm lòng như triệu tấm lòng” cùng với ngư dân Lý Sơn “đan lại những tấm lưới vùng biển giữ vững phên dậu của Tổ Quốc, trao yêu thương đến những Hòn Vọng Phu chờ những người chồng ra đi không bao giờ trở về”.

    Sau khi tặng quà cho 6 hộ ngư dân, mỗi hộ 17 triệu, cả đoàn tới thăm gia đình anh Minh, một ngư dân có tàu bị tàu Trung Quốc đâm, phá hủy nhiều lần. Bước vào làng trên đảo, cảm giác thật ấm áp vì nhà cửa đều được xây một tầng khang trang sạch sẽ, phần lớn trước hiên nhà đều có chậu hoa cây cảnh. Có thể nói cuộc sống nơi đây có mức sống tương đối khá nhờ việc đánh bắt hải sản và trồng hành tỏi trừ việc ra khơi gặp nguy hiểm khi có bão tố  và giờ là tàu Trung quốc cản phá khi họ làm ăn trong ngư trường bình yên của Tổ quốc.

    Anh Minh cho biết có lần bắt được 800 con hải sâm rất quý, mỗi cân hải sâm 800k. Trị giá chuyến đi lên tới 800 triệu nhưng bị bọn Trung Quốc lấy sạch, lại còn phá tàu, cắt đứt đoạn dây dẫn bình ô xy để thở khi lặn sâu xuống 600m để bắt hải sâm. Món quà của đoàn thật nhỏ bé so với những tổn thất mà ngư dân nơi đây phải đương đầu, nhưng là của “tấm lòng” đến với “tấm lòng” hy vọng làm vơi bớt phần nào khó khăn của họ.

    Gia đình một ngư dân kiên cường bám biển.

    Tiếp đó đoàn đến thăm chị Trương Thị Tiền 40 tuổi có chồng bị chết khi đi biển. Bản thân chị bị ung thư dạ dày, có 3 con nhỏ dại và mẹ chồng mù lòa. Hoàn cảnh chị thật đáng thương, đã 5 lần trị xạ giờ đang dùng thuốc nam. Xem bệnh án thấy mỗi lần trị xạ ở thành phố HCM mất tới 20 triệu. Lần khám bệnh cuối cùng là tháng Năm, hỏi chị đã quá hẹn sao không đi khám lại, chị cho biết không còn tiền nữa. Thay mặt đoàn, mình và Phó Tổng biên tập trao tặng chị Tiền 13 triệu (trong đó có 5 triệu từ nhóm VTCN đã nhắc đến ở trên) với lời dặn cố gắng đi khám bệnh, lạc quan sống làm chỗ dựa cho các con mà vẫn không khỏi lo lắng bồn chồn. Căn bệnh ác hiểm thế, liệu chị trụ được bao lâu, lỡ có mệnh hệ gì các con chị sẽ ra sao. Đôi mắt chị hiện rõ nỗi lo sợ ấy và ám ảnh bất cứ ai nhìn vào. Cầu mong chị vượt qua mọi khó khăn hiện tại nuôi các con ăn học trưởng thành như ước muốn của chị.

                        Chị Trương Thị Tiền rưng rưng khi nhận món quà đoàn trao tặng.

    Đến với Lý Sơn, nhiệm vụ chính đã hoàn thành, không thể không dành thời gian khám phá vẻ đẹp ngỡ ngàng của đảo.

    Bình minh trên đỉnh Thới Lới.

    Lý Sơn là hòn đảo rộng chưa đầy 10km2 với hơn 20 nghìn dân, nằm cách đất liền 15 hải lý được tạo nên từ những nham thạch phun trào của 5 ngọn núi lửa cách đây chừng ba chục triệu năm trước. Phải chăng vì thế mà đảo Lý Sơn trở thành vương quốc tỏi với hương vị đặc biệt thơm dịu cay nồng và những trái dưa hấu ngọt mát khó quên. Lý Sơn bao gồm  đảo Lớn còn gọi là cù lao Ré, đảo Bé là cù lao Bờ bãi có tên xã An Bình. Đến với Lý Sơn mà chưa lên đến đỉnh Thới Lới cao nhất đảo với cột cờ luôn tung bay giữa biển trời lộng gió để ngắm Bình minh hay Hoàng hôn thì quả là một thiệt thòi lớn. Cạnh đó là một trong những miệng núi lửa vết tích còn sót lại với những nham thạch phân hủy thành đất đỏ phì nhiêu bao quanh một hồ nước rộng lớn cung cấp nước ngọt và nhiệt năng cho cả huyện đảo. Chính lớp đất đỏ này được bà con chở về rải xuống cánh đồng, phủ thêm lớp mùn rác và rải cát trắng lấy từ lòng đại dương lên trên để tạo nên cánh đồng hành tỏi xanh tươi giúp cho dân Lý Sơn có nguồn thu nhập ổn định.

    Cánh đồng tỏi trên đảo Lý Sơn.

    Nếu như đảo Lớn đã được con người cải tạo phần nào thì đảo Bé vẫn còn giữ nguyên những nét hoang sơ với cảnh thiên nhiên hùng vĩ độc đáo giữa vùng trời biển bao la. Bãi đá trầm tích núi lửa nơi đây tạo nên những vịnh nhỏ có bãi cát trắng tinh, nước biển trong xanh, dịu êm vỗ bờ cát trắng thấy rõ từng viên đá san hô hay hòn sỏi, con ốc dưới đáy làm cho bất cứ cô gái nào ngâm mình trong lòng biển đều thấy mình là những nàng tiên từ thủy cung ngoi lên ngắm cảnh trần gian. Như mê hoặc như tỉnh như mơ giữa kỳ ảo và sự thật dương thế.

    Đảo Lý Sơn Bé.

    Chùa Hang và chùa Đục là điểm tâm linh với bao kỳ thú cũng là điểm đoàn dừng chân tham quan và thỉnh cầu cho quốc thái dân an.Tiếc là chưa đến được cổng Tò vò, những ngôi mộ gió và nơi thờ cúng những hùng binh một thời.

    Ẩm thực đảo Lý sơn phải kể đến món ốc Mặt Trăng xào, cá dìa nướng, mực trộn và rất  nhiều món hải sản khác. Muốn ăn cua Huỳnh đế mà không có, đành ăn cua đá hay còn gọi con Kỳ cụ vỏ rắn mà ít thịt. Bữa ăn tối ở nhà hàng Sơn Thủy trên đỉnh núi gần Chùa Hang với khung cảnh không khác gì châu Âu sẽ là một địa chỉ cho những ai đến Lý Sơn cần biết.

    Mà ơi! Nóng quá!

    Tóm lại, đây là một chuyến đi đáng ghi nhớ, rất thú vị và rất ý nghĩa. Mong sao lại có dịp được quay lại Lý Sơn lần nữa cho thỏa lòng khát khao.

    Tạm biệt Lý Sơn! Hẹn ngày gặp lại!

    Ba đứa trẻ chăm mẹ ung thư phải xạ trị 5 lần ở đảo Lý Sơn

    Nguyễn Huệ - theo Trí Thức Trẻ | 21/07/2014 08:00

    (Soha.vn) - Bố mất do tai nạn trên biển, mẹ bị ung thư dạ dày đang phải xạ trị, gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên đôi vai của ba đứa trẻ mới chỉ hơn 10 tuổi ở nơi đảo Lý Sơn.

      17 người đi trên chuyến tàu xuất phát từ đảo Lý Sơn vào ngày mùng 9/1/2014 (âm lịch) do anh Nguyễn Văn Quang (46 tuổi, thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ tàu thì chỉ có 16 người trở về. Anh Nguyễn Văn Quang đã mãi hòa mình vào sóng biển Đông, để lại người vợ mang trong mình căn bệnh ung thư dạ dầy đã phải xạ trị 5 lần và 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học.
      Khi đoàn từ thiện của Báo điện tử Trí Thức Trẻ đến Lý Sơn trao 117.000.000đ cho các gia đình ngư dân khó khăn và bị tàu Trung Quốc đâm, hỏi thăm tới gia đình anh Quang, người lái xe thở dài lắc đầu: “Gia đình đó đúng là một bi kịch”. Rồi chiếc xe lặng lẽ nổ bánh đưa chúng tôi tới với những “bi kịch gia đình” đang tồn tại ở đảo Lý Sơn – nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
      Nhà báo Bùi Ngọc Hải (Phó Tổng biên tập báo điện tử Trí Thức Trẻ) và cô giáo Ngô Thị Anh Thơ (cựu giáo viên đại học Tổng hợp) trao quà cho chị Trương Thị Tiền
      Nhà báo Bùi Ngọc Hải (Phó Tổng biên tập báo điện tử Trí Thức Trẻ) và cô giáo Ngô Thị Anh Thơ (cựu giáo viên Đại học KHXHNV) trao 13.700.000đ cho chị Trương Thị Tiền (trong số này có đóng góp của nhóm Facebook Cùng góp gió cho Lý Sơn). Tại đây cô giáo Ngô Anh Thơ, cựu đặc công Lê Tôn Thực, chị Thu Hằng...đã rút tiền túi tặng thêm để chia sẻ khó khăn với người phụ nữ bất hạnh.

      Trong căn nhà 2 gian ở cuối con đường nhỏ, bên di ảnh của anh Quang, khói hương vẫn nghi ngút. Thoáng nhìn lên bộ quần áo treo trên tường, bà Mai Thị Lợi (65 tuổi, mẹ vợ anh Quang) nói trong đau đớn: “Bộ quần áo ấy nó mới sắm hồi tết Giáp Ngọ và cũng mới chỉ mặc được một lần…”. Nói rồi, bà nhìn sang cô con gái cũng đang hướng đôi mắt mệt mỏi về phía di ảnh chồng.
      Khi đôi mắt ấy trở lại với thực tại, chị Trương Thị Tiền (40 tuổi, vợ anh Quang) kể cho chúng tôi nghe những sóng gió dồn dập ập tới ngôi nhà nhỏ và đôi vai gầy của chị. Với anh Quang, quãng thời gian ở biển có lẽ nhiều hơn ở nhà và đánh cá là nghề mưu sinh chính của gia đình chị. Khi được hỏi tới gia cảnh nhà chồng, tiếng nói của chị Tiền như chùng xuống giữa rất nhiều câu hỏi dành cho mình.
      Anh Quang là con thứ 4 trong gia đình có 6 người con. 3 người đã mãi ra đi và chỉ còn lại 3 anh chị em với người mẹ mù lòa sống ở xã An Vĩnh (Lý Sơn). Cuộc sống vất vả nên từ khi mới 15 tuổi, anh Quang đã theo tàu cá ở địa phương bám biển kiếm tiền hỗ trợ gia đình.
      Giờ đây, biển đã mãi ôm anh vào lòng còn chị Tiền thì sống trong câu hỏi vô vọng về nguyên nhân của sự ra đi ấy. Và cái nghèo khó vẫn đeo bám gia đình anh.
      Chị Tiền bên 2 con nhỏ (ngồi cạnh chị ở hai bên) và mẹ đẻ
      Chị Tiền bên 2 con nhỏ (ngồi cạnh chị ở hai bên) và mẹ đẻ

      “Ngày 24/6/2013, tôi phát hiện mình bị ung thư. Khi đó chồng vẫn còn bên cạnh để đưa đi khám rồi mổ ở bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giờ thì…Mỗi lần đau chỉ có một mình lo toan, chống chọi với bệnh tật”. Nói tới đây, giọng người phụ nữ ấy nghẹn lại nhưng chị không khóc thành tiếng. Có lẽ, cuộc sống đã giúp những người phụ nữ như chị dù trong hoàn cảnh nào vẫn phải giữ cho mình tinh thần “thép”. Vì dù bệnh tật nhưng chị vẫn còn ba đứa con nhỏ.
      Khẽ kéo vạt áo và để lộ vết mổ trượt dài khoảng 20cm ở bụng, chị Tiền kể: “Tôi đi xạ trị 5 lần rồi, mỗi lần cũng tốn kém gần 20 triệu đồng. Lần xạ trị gần đây nhất lẽ ra là vào tháng 5 năm 2014. Nhưng không có tiền nên tôi chưa đi. Xạ trị nhiều lần tóc cũng rụng hết, giờ mới mọc được ít tóc như thế đấy”.
      Chị Tiền cho chúng tôi xem xấp giấy tờ là những sổ khám bệnh, phiếu thu, đơn thuốc... của bệnh viện
      Chị Tiền cho chúng tôi xem xấp giấy tờ là những sổ khám bệnh, phiếu thu, đơn thuốc... của bệnh viện

      Chạy từ ngoài sân vào và nhanh chóng ngồi lọt trong lòng mẹ, bé Nguyễn Văn Phúc (10 tuổi, con trai thứ hai của chị Tiền) khoe với chúng tôi “thành tích” mình vừa làm được trong những ngày nghỉ hè này, giọng phấn khởi cắt ngang dòng suy tư của mẹ: “Con và chị Đậu (con gái lớn của chị Tiền – PV) vừa bắt được 2kg ốc. Chị vẫn đang tiếp tục bắt ốc ngoài đó”. Rồi bé một mình sôi nổi với câu chuyện lao động của mình. Sống giữa vùng đất bao quanh là sóng mặn của biển, đứa trẻ lên 10 ấy rắn rỏi, ra vẻ người lớn lắm.
      Từ nhỏ đã ra bãi bắt ốc những lúc nhàn rỗi để đỡ đần bố mẹ nên với Phúc, công việc này không hề khó. Từ ngày bố mất, Phúc thương mẹ nhiều hơn. Bởi lẽ: “Mẹ bị bệnh nặng và hay đau lắm. Thỉnh thoảng mẹ còn khóc mà trong nhà thì không có tiền nên con thương mẹ nhiều. Nhiều đêm con vẫn mơ thấy bố và con nhớ bố”, Phúc nói với chúng tôi những tâm sự rất “trẻ con” của em. Và trong suy nghĩ “trẻ con” ấy, em đã hiểu được, bố Quang đã mãi không về.
      Ngồi trước di ảnh bố, Phúc thỏ thẻ: “Sau này lớn lên, con không muốn đi tàu như bố vì nguy hiểm lắm”. Thế nhưng, khi được hỏi: “Em muốn làm gì?”, Phúc chỉ tủm tỉm cười rồi nắm chặt tay mẹ: “Con không biết”.
      Ôm đứa con nhỏ vào lòng, chị Tiền nhớ lại ngày nhận tin dữ từ biển khơi báo về.
      “Phải sau 4 ngày 4 đêm, thi thể anh mới được đưa về đất liền. Lúc ấy tôi đã chết lặng không còn biết gì”.
      Thấy con gái im lặng sau câu chuyện của mình, ngồi kế bên bà Lợi chia sẻ thêm:
      “Những ngày này, tôi phải thường xuyên qua đây để đỡ đần công việc cho gia đình Tiền. Ngày tầu cập bến, thấy mọi người về mà chồng không về, nó đã khóc lên khóc xuống. Ban đầu, mọi người giấu và chỉ cho anh thứ 3 của chồng cái Tiền biết tin nhưng cái gì tới vẫn phải đối mặt thôi. Khi hay tin chồng mất, nó đau. Đau cả vì bệnh và đau cả tinh thần. Lúc nhìn thấy thi thể chồng thì nó ngất đi và không biết gì nữa”.
      Những lời động viên chia sẻ của các thành viên trong đoàn từ thiện đã tiếp thêm sức mạnh cho chị Trương Thị Tiền tiếp tục cố gắng điều trị để làm điểm tựa cho ba đứa con nhỏ.
      Những lời động viên chia sẻ của các thành viên trong đoàn từ thiện đã tiếp thêm sức mạnh cho chị Trương Thị Tiền tiếp tục cố gắng điều trị để làm điểm tựa cho ba đứa con nhỏ.

      Chị Tiền cắt ngang lời mẹ, chuyển câu chuyện sang hướng khác: “Nếu có tiền, tôi sẽ dành mua quần áo, sách vở cho các con”.
      Bởi lẽ, người mẹ ấy luôn mang nặng suy nghĩ, giờ bố mất, mẹ bệnh không làm được việc nặng, bà cũng già yếu, ba đứa con thơ phải sớm quẳng mình vào đời để mưu sinh lo cho mẹ và lo cho chính bản thân mình. Lao động chính trong gia đình không ai khác chính là Nguyễn Thị Đậu, đứa con gái lớn mới học lớp 8 của chị với những lúc tranh thủ giờ nghỉ học đi bắt cua, bắt ốc…
      Mỗi lần vào viện cũng mất khoảng 1 tuần, ngoài nỗi lo kinh tế chị còn lo cho các con ở nhà. Nhìn đôi mắt cứ liên tục mấp máy của Phúc, chị Tiền càng thêm lo lắng: “Mấy hôm nay đôi mắt của cháu nó cứ liên tục bị như thế. Tôi lo bị sao nên dù khó khăn về kinh tế cũng phải cố cho cháu đi khám”.
      “Trăm dâu đổ đầu tằm” và đổ lên chính cuộc sống của chị khi phía trước vẫn là năm học mới của các con và những lần xạ trị tại bệnh viện đang chờ chị trở lại.  
      Nắm tay chúng tôi thật chặt khi tiễn mọi người ra về, chị Tiền không giấu được xúc động: "Những lời động viên, chia sẻ của các thành viên trong đoàn từ thiện đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiếp tục cố gắng điều trị để làm điểm tựa cho ba đứa con nhỏ".
      Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.
      Tài khoản: 1912.832.546.5015
      Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội
      Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
      Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.