Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

GOM SÁCH GIÁO KHOA Ở HÀ NỘI


Đến hẹn lại lên, Vì ta cần nhau bắt đầu khởi động lại chương trình “Quyên góp sách giáo khoa cho các bé vùng cao”.

Tình hình gom SGK ở Hà Nội năm nay khá thuận lợi. Trường THCS Giảng Võ là nơi quen biết cũ có cô Kim Thoa, giáo viên ở đây là thành viên của VTCN. Tuy cô đi Châu Âu chăm sóc con, cháu nhưng vẫn không quên nhiệm vụ. Cô đã giới thiệu em Minh Tuệ cũng là giáo viên trường thừa kế, tiếp bước những việc cô làm và em MT cũng đã làm rất chu đáo. Em bảo chỉ tiếc trước đó trường có đợt ủng hộ sách ở một nơi rồi nên chỉ có mỗi 15 bao thôi. Chung Lê bảo thế cũng tươm rồi. Mình cũng thấy vậy.

Bên trường Lương thế Vinh, Mỹ Hà đã dập dìu đặt vấn đề với thầy hiệu trưởng Văn Như Cương từ dạo tháng Chín năm ngoái, chập Chung Lê về giới thiệu cuốn “Bay qua giấc mơ” của em ở nhà sách Đông Tây. Vậy nên khi mình gọi điện cho thầy nói em ở nhóm VTCN là thầy hồ hởi nhiệt tình như người thân quen lâu ngày gặp lại. Thầy đang đi công tác trong Hà Tĩnh, nhưng thầy cho số điện thoại hai cô con gái là Liên Na và Thùy Dương phụ trách hai điểm của trường Lương Thế Vinh ở 223 đường Khương Trung mới và ở lô đất C5 Nam Trung Yên. Khi liên lạc với hai con thầy, cả hai cô ấy rất nhiệt tình hứa hẹn làm chu đáo.

Cả trường Lương Thế Vinh và trường Giảng Võ mình đều dặn các cô nói học sinh chú ý chỉ ủng hộ SGK cơ bản, không cần các sách nâng cao và chú ý buộc riêng từng bộ của từng lớp để thuận tiện khi đóng hàng cũng như nắm được mỗi hạng mục có bao nhiêu dễ cho việc gửi lên cho các trường trên miền núi. Nói là vậy, như năm ngoái, rồi nhóm vẫn phải phân loại đóng gói từng bộ theo từng lớp buộc gọn gàng rồi mới cho vào bao lớn.

Cả ba điểm trường đều thống nhất ngày 20 tháng Năm nhóm đến lấy sách. Một điều rất tốt là Phương Liên, thành viên của nhóm đã ủng hộ xe chuyên chở và có kho chứa sách. Nhớ năm ngoái đứa cháu gọi mình bằng bác lại là quân của phu quân em TA đã chở những chuyến sách lớn bằng xe máy làm cô Kim Thoa vô cùng ngưỡng mộ nể phục. Có ô tô và có kho chứa là nhất rồi. Chỉ cần có người đến khiêng các bao lên xe, đến nơi tập kết khiêng xuống là OK. Có lẽ vì là ngày làm việc nên chỉ có mỗi Hoa Thương và mình là người điều phối không thể không đến. May Chung Lê điều khiển từ xa đã hô hào cô Hoàng Ánh kêu gọi học trò trường Ngoại Thương đến giúp. Thế là có hai em là Bảo và Hưng là những tình nguyện viên tích cực. Chỉ tiếc PL sợ xe to không đi được vào ngóc ngách lại cho xe 7 chỗ đến nên anh Phương lái xe phải vất vả đi mỗi địa điểm của trường LTV phải hai lần  mới chuyển hết. Em Hoa Thương cũng rất năng động, thấy thế đã điều luôn một chiếc xe bán tải tới trường Giảng Võ chuyển toàn bộ số SGK ở đây cùng với một số sách của các cá nhân mang đến ủng hộ. Vì ít người nên có lúc HT và ATN cũng phải làm phu khuân vác, đương nhiên chỉ những bao nhỏ vừa sức thôi. Cháu ngoại thầy VNC đang học ở LTV thấy thế cũng giúp một tay. Chỉ có anh Phương, Bảo, Hưng xứng mặt nam nhi, bao lớn, bao bé OK hết.

Công việc dưới trời nóng bức hình như cũng không ảnh hưởng tới tiến độ làm việc. Chừng 2.30 mọi việc hoàn tất. Tổng cộng chừng hơn sáu chục bao SGK đã được gom lại chờ ngày phân loại, đóng gói đưa lên cho các em bé vùng cao. Cảm ơn anh Phương và hai em sinh viên Ngoại thương rất nhiều.
 
Nhân đây nhóm VTCN cũng xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ quý báu của thầy trò trường Lương Thế Vinh, cô trò trường THCS Giảng Võ và những cá nhân đóng góp SGK cho VTCN.  Không có sự ủng hộ nhiệt tình của các thầy các cô, các em học sinh và những người quan tâm, VTCN không thể thực hiện được chương trình đề ra hàng năm của nhóm. Vui qúa, đầu năm học mới này các em học sinh trên Mù Cang Chải sẽ có một lượng SGK không nhỏ, góp phần cải thiện tình hình học tập và giảng dạy của thầy trò vùng cao.
 
Dưới đây là một vài hình ảnh của buổi gom sách tại Hà Nội hôm 20/5.
 
Anh Phương rất nhiệt tình không hề phàn nàn một lời nào, dù là nóng bức, và đường tắc liên tục.
Anh còn thay mặt nhóm đãi em Bảo một bữa cơm trưa. Cảm ơn anh nhé!

Em Hưng đi theo xe phải nằm trên đống hàng vì xe xếp kín chỗ rồi
 
Hình ảnh
Một trải nghiệm thú vị, phải không Hưng?
 
                                          Báo cáo các Cô ,chị và các bạn 
Với sự góp sức nhiệt tình của Cô @[100000196342361:2048:Anh Tho Ngo] chị @[100002140516125:2048:Hoa Thuong] ,Bảo và Hưng sách của 2 trường Lương Thế Vinh và Giảng võ đã được chuyển về kho chờ ngày đến với các em học sinh vùng cao .Thật là vui,cảm ơn mọi người và các nhà hảo tâm thật nhiều !
                                                    Hàng chất đầy nhà Phương Liên.

                           Báo cáo các Cô ,chị và các bạn 
Với sự góp sức nhiệt tình của Cô @[100000196342361:2048:Anh Tho Ngo] chị @[100002140516125:2048:Hoa Thuong] ,Bảo và Hưng sách của 2 trường Lương Thế Vinh và Giảng võ đã được chuyển về kho chờ ngày đến với các em hịc sinh vùng cao .Thật là vui,cảm ơn mọi người và các nhà hảo tâm thật nhiều !

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

ĐẾN VỚI CÁC BỆNH NHÂN NHÍ TẠI VIỆN HUYẾT HỌC VÀ TRUYỀN MÁU TRUNG ƯƠNG



Từ ngày biết đến các bé lớp học Nhân ái hôm khai giảng tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung Ương, mình cứ áy náy chẳng làm được gì cho các em. Tham gia giảng dạy thì cũng khó vì các em học vào buổi tối, điều cản trở nhất đối với mình là phương tiện đi lại, nếu không thì mình đã chẳng ngừng việc dạy cho lớp học Hy vọng ở viện Nhi Trung Ương.

Cũng may, hôm ấy mình chủ động làm quen với một bạn trẻ là Đỗ Hồng Luân, chủ nhiệm CLB Niềm tin & Hy vọng. Bạn này còn trẻ nhưng rất năng động và có đầu óc tổ chức đã cuốn hút nhiều bạn trẻ ở các trường đại học tham gia làm công việc thiện nguyện giúp cho các bé bệnh nhân nơi đây có được cuộc sống tinh thần khá tốt làm cho các bé thêm tin yêu cuộc sống có nhiều trái tim nhân ái luôn quan tâm chia sẻ, giúp cho các em có thêm niềm tin và hy vọng đúng như cái tên của CLB mà nhiều người hướng đến.
Chụp kỷ niệm với CLB trong ngày khai giảng lớp học Nhân Ái (Luân áo đen ở giữa)

Nói chuyện với Luân, mình chỉ hứa sẽ là một nhịp cầu kết nối những tấm lòng hảo tâm của mọi người với các bé bệnh nhi có nhiều hoàn cảnh khó khăn không may mắc phải những căn bệnh quái ác cản trở không cho các em được sống một cuộc sống hồn nhiên thơ ngây như biết bao em bé khác cùng trang lứa.

Năm ngoái khi Thanh Chung, một thành viên tích cực của nhóm thiện nguyện Vì ta cần nhau gửi về rất nhiều bút màu, quần áo và giày dép, mình đã mạnh dạn đề nghị Thanh Chung gửi cho lớp học Nhân ái của viện Huyết học mấy thùng bút màu, quần áo và giày dép làm mình cũng thấy đỡ áy náy một chút. Trong lòng mình vẫn nhủ nếu có cơ hội lại giúp các em tiếp.
 
Chuyến từ thiện "Qua Miền Tây Bắc" cùng chị Vạn đi Lào Cai, Yên bái, Sơn la 4 ngày đêm.

Cách đây chừng một tháng, chị Vạn bên Gia Lâm, người đã đi từ thiện cùng mình đến Trại Phong ở Văn Môn, Vũ Thư, Thái Bình và chuyến từ thiện Qua miền Tây Bắc 4 ngày đêm gọi điện nói Đạo Tràng Pháp Hoa Ngọc Lâm, Gia Lâm của chị muốn làm từ thiện nhưng chưa biết nên đến địa điểm nào. ĐTPH hầu như là các bác về hưu tiền chẳng có nhiều nhưng giầu lòng nhân ái muốn chia sẻ giúp đỡ những người có số phận kém may mắn hơn họ. Là các Phật tử các bác chỉ muốn làm điều thiện để tu nhân tích đức. Các bác bảo đưa tiền cho các báo hay tổ chức nào đó, các bác không yên tâm. Các bác chỉ muốn đến tận nơi, trao tận tay cho những người bất hạnh. Hiểu rõ tấm lòng của các bác, biết các bác chẳng có sức đâu mà đi lên những nơi rừng xanh núi đỏ, toàn những người nghèo khó. Các bác chỉ có thể đi ở quanh quanh Hà Nội thôi. Vậy thì chẳng nơi nào nên đến hơn là các bệnh nhân ở các Bệnh viện, đặc biệt là các bệnh nhân nhí.

Dịp Giáng sinh vừa rồi, mình cùng đoàn Việt Ly đã đi Viện Nhi Trung Ương và viện K phát quà và tổ chức Giáng sinh cho các cháu rồi. Vậy thì lần này sẽ là cơ hội cho các bệnh nhân nhí ở Viện Huyết học & Truyền máu Trung Ương. Mình gọi điện nói chuyện với Luân và nhờ cháu tổ chức thật chu đáo để các bác trong đạo tràng có điều kiện làm việc thiện. Các bác ấy không có nhiều tiền chỉ dành những đồng lương ít ỏi gom góp vào được hai chục triệu nên mình yêu cầu Luân chọn ra 100 cháu có hoàn cảnh khó khăn nhất để tặng cho mỗi cháu 200.000 đ. Luân bảo cô cứ yên tâm. Mình biết Luân vừa trải qua những nỗi đau mẹ mất và hiện đang trong giai đoạn bầu bí nghén ngẩm mệt mỏi lắm nhưng mình vô cùng tin vào nhiệt huyết của cháu. Một mặt mình luôn phải động viên các bác ĐTPH yên tâm đây chính là địa chỉ mà các bác nên đến. Các bác ấy cũng cẩn thận, một số bác đại diện cho đạo tràng đến tận viện gặp cháu Luân trình bày cụ thể. Và có một vấn đề nảy sinh, số bệnh nhân nhí có thêm một số tái nhập viện nên con số tăng lên là 121 em. Luân đề nghị chia 20 triệu ra 121 suất.

Sau khi trao đổi với đạo tràng, các bác quyết định ủng hộ thêm cho đủ 121 cháu tức số tiền sẽ là 24.200.000đ. Các bác còn chu đáo tới mức nghĩ rằng tiền thì bố mẹ các cháu sẽ giữ để thêm vào việc chi tiêu thuốc men ăn uống cho các cháu, nghĩa là các cháu ngay lúc các bác đến vẫn không có quà gì. Thế là các bác lại quyết định mua cho mỗi cháu một túi bánh kẹo. Vậy là xong. 9 giờ ngày 19 tháng Năm ĐTPH Ngọc Lâm, Gia Lâm do bác trưởng tràng là Trần Thị Bích Hường dẫn đầu sẽ đến tặng quà cho các bé ở viện Huyết học & Truyền máu Trung Ương.

Công việc của mình như thế coi như xong. Mình vừa đi Mù Cang Chải một ngày gần hai đêm chưa hết mệt, có thể lấy lý do ấy ở nhà nghỉ cũng không sao, nhất là ngày 20/5 lại có chương trình đi nhận sách tại ba cơ sở trường Lương Thế Vinh và Giảng Võ. Chị Vạn cứ muốn mình tham gia để các bác trong đạo tràng thêm tin tưởng. May quá có em Thủy nhiệt tình đến đón đi nên mình càng có quyết tâm cao.
                                     Mấy cô cháu xuống tận cổng đón đoàn làm các bác rất vui.

                                            Chị Vạn phát biểu về chuyến đi của ĐTPH.


Mình chỉ biết thay mặt các bé cảm ơn các bác và hy vọng sẽ còn được gặp các bác trong những chuyến thiện nguyện tiếp theo.

8 giờ hai cô trò đi Viện Huyết học. Vừa gửi xe lên gặp Luân thì đã thấy điện chị Vạn báo đoàn các bác ĐTPH đến. Ba cô cháu và một số thành viên CLB Niềm tin & Hy vọng ra tận cổng đón đoàn làm các bác rất vui. Cả đoàn tập trung ở thư viện của lớp học Nhân ái, cùng nhau trao đổi đôi điều. Bác trưởng tràng và chị Vạn trình bày một đôi điều về chuyến đi của các bác. Mình cũng chỉ biết nói lên cảm xúc của mình và xin cảm ơn các bác. Luân thì báo cáo thêm trong số 121 cháu thì có một cháu vừa mất và một số ít được về nhà theo định ký nên chỉ có 103 cháu có mặt hôm nay. Cả phòng lặng đi vì thương cảm một sinh linh bé nhỏ vừa ra đi không có may mắn được nhận quà dù chỉ là ít ỏi. Tất cả thống nhất cứ phát quà cho 103 cháu, số còn lại nhờ CLB Niềm tin & Hy vọng giữ và phát tiếp cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn khác mà ở đây con số này bao giờ cũng rất sẵn. (Thật buồn cho những em bé nào phải chữa bệnh điều trị lâu dài nơi đây!)
 
                                       Các bác đi từng phòng phát quà đến tận tay từng cháu.

                                                  Ân cần thăm hỏi động viên các cháu.

                                                    Bé Hà Linh Ngộ nghĩnh đáng yêu.

Bác trưởng tràng Bích Hường khuyên các bé nhớn hơn hàng ngày chuyên tâm niệm Phật sẽ khỏi bệnh.

                                                          Bà ơi, có cả tiền nữa này!

                                                            Lần sau lại đi nữa chị nhé!

                                        Tạm biệt Viện Huyết học, ra về mọi người đều vui.

Và trên đây là một số hình ảnh các bác đến từng phòng phát quà cho các bé. Gia đình và các bé đều rất vui. Nhìn những em bé hai ba tuổi đầu không một sợi tóc do phải trị xạ mà sao thấy thương thế. Với những em lớn hơn đang học cấp II thì các bác lại khuyên bảo các em và các bậc phụ huynh phải thường xuyên niệm Phật để Phật phù hộ độ trì cho mau chóng khỏi bệnh.

Ra về các bác rất vui vì đã làm được một việc nhỏ bé nhưng hết sức có ý nghĩa. Kính mong các bác mạnh khỏe và làm thêm nhiều điều thiện cho đời.
                                                 Ba cô cháu tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

MỘT THOÁNG KHAU PHẠ VÀ NẬM KHẮT


Theo kế hoạch, VTCN trong tháng Năm sẽ có một chuyến đi khảo sát, giám sát và theo dõi chương trình hỗ trợ phản và chăn cho các trường Mầm non Mù Cang Chải. May thay cũng trong tháng Năm, nhóm Sống Hướng Thiện, nhóm cùng chung tay thực hiện kế hoạch này cũng sẽ lên tặng quà, chăn, phản cho Khau Phạ và Púng Luông. Vậy thì tại sao VTCN không kết hợp đi cùng cho đỡ lãng phí một chuyến xe nhỉ? Và thế là có ba thành viên quyết tâm đi là mình và hai bạn Vân trong nhóm.

Tối hôm trước chuyến đi, có một buổi offline cùng với em ĐTA. Mỗi thành viên của nhóm Tam tam này, ai cũng có một nhiệm vụ riêng rõ ràng. Mình đi Nậm Khắt tìm hiểu tình hình hỗ trợ phản cụ thể, cần tìm ra được con số chăn phản cụ thể cần hỗ trợ. Nếu có thời gian sẽ đi Dế Xu Phình kiểm tra về việc chăn phản đã được hỗ trợ nơi đây được sử dụng như thế nào. Trường Vân đến Mồ Dề tìm hiểu về việc trường xin cát cho việc xây bờ kè sân trường có hợp lý không, sau đó sẽ đến Khao Mang kiểm tra về chăn phản đã được hỗ trợ ở đây. Khánh Vân thì đến Nậm Có kiểm tra việc hỗ trợ 61 bộ phản và chăn tại các điểm trường này. TA rất cẩn thận đã liên lạc với nơi đến và cung cấp số điện thoại của họ cho nhóm Tam Tam.  Mỗi nơi đến, nhóm đều có chuẩn bị mấy bao bánh kẹo tặng các cháu. Có khá nhiều quần áo và đồ chơi nhưng không thể mang theo vì xe quá chật rồi.
 Hoa Thương và Voi còi đi tiễn đoàn. Lúc này đang ở nhà Phương Liên, thành viên của VTCN và SHT, một chủ nhà chu đáo và hiếu khách.

9 giờ tối 16/5 Hoa Thương và Voi Còi Bé Bỏng chở quà từ nhà ĐTA lên ngõ 41 Hồng Hà cho nhóm mang lên MCC và đi tiễn đoàn. 11 giờ đêm, sau khi xếp hết hàng lên xe tải, cả đoàn xuất phát, xuyên màn đêm tiến về Mù Cang Chải. 4.30 sáng 17/5 tới Tú Lệ, Khánh Vân xuống xe đầu tiên để đi Nậm Có. Cứ thấy thương thương “thân gái dặm trường” một mình giữa “thung lũng hoang vắng” lúc chưa tỏ mặt người.
 
Hình ảnh: Điểm danh nào cả nhà (*,!,*)
Đã trở về từ chuyến công tác từ thiện Khau Phạ và Púng Luông, Mù Cang Chải, Yên Bái một đêm một ngày!
...
Chuyến công tác 1 ngày, 1 đêm của 27 thành viên đại diện cho SHT, Báo điện tử Kiến Thức và các nhà hảo tâm đã kết thúc thành công tốt đẹp. 

Đoàn đã trao tặng 54 phản và 54 chăn cùng vỏ chăn cho điểm trường Khau Phạ (có 12 điểm trường) và 53 chăn cùng vỏ chăn và 53 phản cho trường MN Púng Luông (7 điểm trường).

Hơn 12h trưa đoàn mới trao tặng xong cho điểm cuối Púng Luông.

Đồng thời đoàn cũng thay mặt các nhà hảo tâm tặng 350 suất quà bao gồm dép và bánh, kẹo, sữa cho hai trường MN này!
Cả đoàn ăn trưa xong ở Tú Lệ là đã hơn 15h00.

Chuyến đi tương đối thuận lợi, đoàn đã về đến Hà Nội lúc hơn 20h20

Để thực hiện chuyến đi thành công như ý, SHT và BTC chương trình vô cùng biết ơn và ghi nhận tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm.

Mong rằng Qúy vị tiếp tục dõi theo, cổ vũ và ủng hộ cho các chương trình tiếp theo của chúng tôi
 Buổi sáng bình yên trên đèo Khau Phạ.
 
5 giờ sáng xe dừng ở trường Mầm non Khau Phạ, ngôi trường không biết bao lần đi ngang qua từng trông thấy nay mới được đặt chân. Trường đang sửa chữa, mọi thứ còn ngổn ngang. Một đống phản ở giữa sân, vài cái kê trong nhà. Đây là 30 chiếc phản được chuyển đến từ trước, còn 24 chiếc sẽ tiếp tục chuyển đến nay mai. Một số dân bản đến chuyên chở về các điểm lẻ. Đa phần các bác chuyển bằng xe máy, có người gùi sau lưng trông rất gọn gàng vững chãi. Trên đường bắt gặp một ai đó chở phản bạn có thể biết ngay đấy là phản theo chương trình hỗ trợ của VTCN đang âm thầm lặng lẽ tới các điểm lẻ của các trường Mầm non của Mù Cang Chải và bạn có thể yên tâm rằng rồi đây trong những ngày đông giá lạnh các bé MN MCC sẽ không bao giờ còn phải nằm trên nền đất với chiếc chiếu mỏng lạnh cóng. Những chiếc phản, chiếc chăn sẽ đưa các em vào giấc ngủ trưa ấm áp chứa đựng bao tình cảm mến thương của những trái tim nhân ái mong cho các em ấm êm khỏe mạnh.
 
Phản đã được đưa đến Khau phạ.
 

Phụ huynh chở phản về điểm lẻ, nơi con họ học tập.

Bạn có thể bắt gặp những hình ảnh này trên đường. 

Bác này gùi phản sau lung rất gọn gàng.
 

Trường Vân rất sáng suốt, ngay từ sáng sớm đã thuyết phục một bác đến chở phản đưa đi Ngã Ba Kim gặp Dũng để đi Khao Mang và Mồ Dề. Mình gọi cho cô Bình Yên, hiệu trưởng trường Mầm Non Nậm Khắt nói xuống Khau Phạ đón mình, cô bảo hơn 30km xa quá. Mình bảo để mình đi xe ôm. Cô bảo trên này không có xe ôm đâu và khuyên mình cứ đi xe ô theo đoàn rồi xuống Đội I sẽ có người đón vào Nậm Khắt. OK, mình cũng muốn trao đổi với các cô ở Khau Phạ, chứng kiến trao quà, chăn, phản cho KP và cũng muốn đến một điểm lẻ là Trống Tông hoặc Sề Sáng.

                                                  Các bé Khau Phạ nói tiếng Kinh rõ phết.

Nhóm Sống hướng thiện trao tặng quà, chăn, phản cho cô Lan hiệu trưởng trường MN Khau Phạ.
 
Sau khi phát quà ở KP xong, cả đoàn chia thành hai nhóm đi đến hai điểm lẻ. Nhưng khi đi bộ đến TrốngTông dưới cái nắng chang chang cứ như thế này thì 9 giờ cũng chưa tới nơi, lại còn phát quà, giao lưu với thầy trò nơi đây, rồi lại đi bộ ra và tiếp tục vượt đèo đến Đội I thì sẽ có nguy cơ không thực hiện được nhiệm vụ chính của mình. Lại quyết định nhờ một bác người Mông ở Trống Tông đưa đi đến Đội I cách Ngã Ba Kim chừng 3 cây số. Thế là có thêm một trải nghiệm vượt đèo Khau Phạ bằng xe ôm, gió vù vù bên tai, vi vu vi vu giữa đại ngàn, vèo vèo lên dốc lên dốc, ngoằn nghèo ngoằn nghèo những khúc gấp cua tay áo may mà không gập ghềnh khúc khuỷu như đi vào các bản.

Tới Đội I, gặp ngay một chàng trai người Mông ra đón. Lại đi tiếp xe máy vào Nậm Khắt. May con đường vào NK đã được đổ bê tông ngon lành. Nơi nào có đường là sẽ có trường có trạm. Quả thật tới ba điểm trường MN Sơn Ca xã Nậm Khắt và hai điểm lẻ Páo Khắt và Lả Khắt có đường bê tông vào tận nơi nên nhà nước cũng đầu tư xây dựng trường mới, cơ sở hạ tầng như vậy khá tốt cũng thấy mừng mừng mặc dù nơi đây còn thiếu rất nhiều như chăn, phản, đồ dùng học tập, đồ chơi... Riêng trường MN Sơn Ca có một chiếc Ti vi là đáng giá nhất. May ở MN Sơn Ca vẫn có học trò. Vội vàng phát chút bánh kẹo cho các bé. Hai bao còn lại nhờ các cô chia cho các điểm lẻ gọi là có tí quà tặng các cháu.

Chia bánh kẹo cho các cháu.
 
Chụp chung với các cháu MN Sơn ca.
 

Chỉ mới đến ba điểm của Nậm Khắt, khảo sát tình hình chăn phản thực tế nơi đây so với những yêu cầu của trường thì thấy các cô nơi đây thật khiêm tốn, không dám đòi hỏi nhiều. Phản ở cả ba nơi đều do phụ huynh đóng nên vô cùng đa dạng về kích cỡ và kiểu dáng. Chiếc thì có kích cỡ 60cm x 100cm, chiếc thì 45cm x 80cm, có chiếc chỉ 30cm x 80cm nghĩa là một số chiếc ghép 2 cái vào thì nằm được 3 cháu, còn nhiều cái nhỏ tới mức chỉ 1 cháu nằm thì cũng phải nằm im, không thể xoay người được, nếu không sẽ lăn ra đất mất. Vậy mà cô hiệu trưởng vẫn tính 1 phản cho 2 cháu nằm và yêu cầu hỗ trợ thêm số cần thiết. Có đến tận nơi mới hiểu vì sao điểm Láng Sang với 36 học sinh đã có 6 chiếc phản mà mà vẫn yêu cầu đến 5 chiếc nữa bởi cũng giống như Lả Khắt phản phụ huynh đóng cho con cái họ nên chỉ đóng cho 1 em thôi. Thực ra cái-gọi--phản do phụ huynh đóng không phải là phản, chỉ là những thanh gỗ hay tre ghép vào mà ta hay gọi là giát giường, nằm rất đau người. Nếu có thể, VTCN nên nghiên cứu xem xét lại cung cấp cho Nậm Khắt hoàn toàn phản mới thay thế cho những thứ mà phụ huynh đóng đã cũ và không đáng để nằm. Trường có thể dùng chúng vào việc khác như đóng giá đựng đồ chẳng hạn cũng tốt và cũng cần cho các cô và các cháu.

                            Phản ở trường Mầm non Sơn ca đây, là giát giường thì đúng hơn.

                               Mấy cái-gọi-là-phản chỉ có thể dùng làm giá đựng đồ linh tinh.


                                                 Phản ở Páo Khắt đa hình dạng và kích cỡ.    



                                              Một cháu bé nằm chắc không được cựa quạy.

 
Phản ở Lả Khắt trông còn khả dĩ, mỗi tội nhỏ chỉ một cháu nằm vừa
 

Riêng về chăn thì một số điểm có một số chiếc cũng là của phụ huynh mang đến cho con em họ, mùa nóng lại đem về giặt để mùa đông sẽ mang đến. Chính vì vậy, VTCN cũng nên cung cấp toàn bộ chăn cho các điểm trường của Nậm Khắt là hợp lý.

Gần 12 giờ trưa, gọi điện cho đoàn thì cả đoàn mới đến đỉnh đèo chuẩn bị đến Púng Luông. Mình quyết định đi đến điểm Xua Lông mà không đi đến Xế Dù Phình vì dù sao nơi ấy cũng được cung cấp đầy đủ phản và chăn rồi. Quả thật Xua Lông heo hút dù chỉ cách đường liên xã 3 cây số nhưng đường đi phải qua mấy suối mấy đèo mới tới nơi, nó nằm hoang vu như tách biệt khỏi thế giới văn minh. Xua Lông còn chưa có lớp MN, vẫn phải học nhờ lớp Tiểu học. Mấy gian nhà nằm chênh vênh trên triền núi lẻ loi cô độc. Đang giữa trưa không có một ai ngoài một cô giáo người Mông mang bầu. Cứ nghĩ những lúc phải họp hành ở cơ sở chính cô một thân một mình vượt qua chặng đường mình vừa đi qua mà thấy ái ngại cho cô quá. Ngay cô Hường phụ trách công đoàn trường đưa mình đi qua chiếc cầu bắc qua suối cũng không dám đi xe phải xuống xe dắt qua. Nhìn qua lớp học Mẫu giáo dành cho 32 em mà thấy xót xa. Một phòng bé xíu chừng hơn chục mét vuông không có gì ngoài mấy bức tranh dán trên tường, không chăn,  không phản, không đồ chơi. Nếu cung cấp đủ số phản 6 chiếc cho 32 em thì chắc chắn không có chỗ kê hết phản. Điều này chắc cũng cần trao đổi với cô hiệu trưởng để có quyết định đúng đắn.

 
                                           Đường Vào Xua Lông gập ghềnh khúc khuỷu.

                                      Lớp học Mẫu giáo ở Xua Lông còn đang phải học nhờ .

Cô giáo người Mông mời vào phòng ở của cô. Bất ngờ đến sững sờ, một căn phòng chừng 7-8 m2 được ngăn đôi bằng một tấm vách dán báo ảnh là hai phòng “hạnh phúc” giành cho vợ chồng cô bên ngoài và vợ chồng một thầy giáo cấp I bên trong. Mình thấy ái ngại đến mức không cả dám dũng cảm đưa máy ảnh lên để chụp ảnh phòng của họ, làm thế tự dưng cảm thấy như xúc phạm họ. Mỗi phòng kê được một cái giường và một cái bàn nhỏ. Chẳng biết nấu nướng ở đâu, ăn uống ở đâu. Sẽ vô cùng bất tiện nếu buổi đêm hai vợ chồng thầy giáo bên trong có việc cần ra ngoài. Thế mà họ vẫn sống, thản nhiên, bình dị và vẫn miệt mài gieo con chữ cho con em người dân tộc ở một nơi chắc chỉ khá hơn nơi ở của Rô- bin-sơ Cơ- rút- sô thôi. Thật đáng khâm phục!

Xua Lông cách biệt cả sóng điện thoại. Mãi sau này trên đường đi ra Đội I mới bắt được sóng của đoàn cũng như của Trường Vân, và của cả TA nữa. Em bảo chị ra nhanh lên không mọi người chờ. Hóa ra cả đoàn đến Púng Luông cũng rất khẩn trương chỉ kịp trao quà, phản, chăn xong là quay về Tú Lệ luôn. May quá, ra đến Đội I vẫn thấy Trường Vân đang chờ trên xe tải, còn cả đoàn đã đi trước rồi, chẳng ai biết Đội I là chỗ nào để chờ. Hi hi, xuýt nữa lại xe ôm ngược về Tú Lệ. Thật sự cảm động và biết ơn khi Trường Vân bảo em, Khánh Vân và TA liên lạc với mình suốt mà không được đã bắt đầu lo lắng và bàn đến phương án nếu mình không ra kịp hoặc có sự cố gì thì cứ để đoàn về trước còn Trường Vân và Khánh Vân sẽ ở lại chờ mình cùng về Hà Nội sau. Thế mới biết tình đồng đội qua những giây phút khó khăn thử thách mới đáng quý biết bao!

Cả đoàn về an toàn, riêng Trường Vân đến 12 giờ mới về đến Hà Nội. Mình cứ định chờ hai bạn Vân gửi thông tin để viết báo cáo nhóm nhưng vẫn chưa nhận được. Vậy thì hai bạn Vân ơi, hãy viết lại chuyến đi của mình cho cả nhóm biết với nhé.

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

MÙ CANG CHẢI - Nỗi nhớ vẫn còn nguyên...

 

5/19/2013 8:49:07 PM
No picture
Mỗi lần quay lại Mù Cang Chải là mỗi lần với những cảm xúc khác nhau. Lần này tôi trở lại cành vật vẫn còn nguyên đấy và con người thì vẫn vậy, lặng lẽ không ồn ào náo nhiệt, không có cái vội vã của thời gian hằn trên nét mặt của người dân lầm lũ nơi đây, những con người sống không có ý niệm thời gian chỉ biết sáng và tối.
Những đứa trẻ của tôi chân tay đen đúa và nhem nhuốc vẫn vậy. Chúng hồn nhiên, thoải mái và gần gụi với mái tóc vàng hoe nắng không mũ đội đầu, chân đi đất dưới cái nắng chang chang như đổ lửa mà nếu là bạn thì chắc chắn, bạn sẽ tìm cách để trốn vào trong bóng râm nghỉ ngơi.
Lần này chúng tôi lên vào giữa cái nắng tháng năm mênh mông oi ả, nắng vàng ươm như mật ong trải dài trên những con đường nhỏ, nắng loang loáng trên những thửa ruộng bậc thang đang mùa nước đổ chuẩn bị cho một mùa cấy hái, nắng trải dài trên những quả đồi có nhiều mảng màu sinh động ghép lại như một bức thảm xinh đẹp... yên tĩnh và bao la...

Chúng tôi đến điểm trường Mầm Non Khau Phạ, những đôi mắt tròn của các em bé 5 tuổi nhìn những người khách mới lạ lẫm, đầy tò mò. Nhưng rồi các em cũng nhanh quen và thân thiện, sờ lên tóc lên áo của những người khách vừa đến, rồi cùng nhau hát những bài hát một cách vui vẻ và hồn nhiên.
Phía dưới gậm bàn giáo viên tôi nhìn thấy rất nhiều dép tổ ong xếp thành dãy, thấy lạ tôi hỏi cô giáo, nghe cô giáo trả lời mà cảm thấy trong lòng xót xa. Chỗ dép ở đấy và số dép các em đang đi ở chân là một. Đó là dép của nhà trường mua để khi các em đến trường đi vào chân để chăn, chiếu ngủ trưa không bị bẩn. Hết giờ các em lại trút bỏ những đôi dép trả lại cho nhà trường và đi chân đất về nhà. Nhìn những đôi chân đen đúa nhỏ bé như đôi chân trắng trẻo sạch sẽ của con gái ở nhà mà trong lòng tôi cảm thấy rưng rưng xót xa. Các con không có dép để đi đến trường, hàng ngày các con dẫm nắng, dẫm mưa, dẫm những rét mướt đi hàng cây số đến trường để học, thế mới biết những con chữ ở đây nó quý giá nhường nào. Nhìn khuôn mặt các em vui vẻ hân hoan khi được nhận những đôi dép mới trong lòng mỗi người khách đến đều cảm thấy những mệt mỏi dường như tan biến, thay vào đó một lòng quyết tâm quay trở lại nơi đây lần nữa.

Hỏi tí nhé, nhà ai có trẻ con bằng tuổi này mà thích ăn những chiếc kẹo cứng nhân sô cô la không? tôi đồ rằng là không. Con gái tôi 5 tuổi bằng tuổi các bạn nơi đây không thích ăn những chiếc kẹo như thế này, không ăn Choco Pai, không ăn bánh Hura, không ăn kẹo Chew... và ai đó có cho vài cái thì y rằng mấy hôm sau thấy kiến tha khắp nhà. Nhưng với trẻ em nơi đây đó là món ăn thật tuyệt vời! chưa bao giờ tôi thấy những chiếc kẹo cứng lại có giá trị đến như vậy. Chúng ăn ngon lành và háo hức đến vô cùng. Còn những hộp sữa tươi thì lóng ngóng không biết cách mở để hút, hỏi một em bé có biết đây là gì không? bé trả lời giọng ngọng nghịu "nước ngon" cũng có bé biết đó là sữa nhưng bé rất hiếm khi được uống.

Chúng tôi rời trường Mầm non khi trời đã ngả về trưa, ấy vậy mà trên đường về, trên những thửa ruộng người dân vẫn cặm cụi làm dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa. Chúng tôi dừng chân tại trường Tiểu học Khau Phạ, hôm nay ở trường có buổi họp phụ huynh cuối năm học nên có rất nhiều bậc cha mẹ đứng đầy sân trường cùng những đứa con đầu trần địu sau lưng hoặc dắt trên tay những bé 2-3 tuổi đi chân đất, mặt mũi lem nhem. Có một người đàn ông bán vải ở cổng trường, 10.000đ một túm vải to chua ngoa ngoắt :)) thỉnh thoảng mới có người mua, mấy chị phụ nữ loanh quanh đứng bên cạnh xì xồ tiếng dân tộc chỉ trỏ vào những túm vải trong sọt, những đứa trẻ nhặt những quả vải rụng để ăn, quả vải ở đây chua và cùi thì mỏng dính. Một hành động kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy ở người miền xuôi, người đàn ông bán vải đưa cho các chị phụ nữ một túi ni lông quả vải để ăn mà không lấy tiền, họ đứng ngay cạnh chúng tôi, quây thành hình vòng tròn trước mặt chúng tôi ăn hồn nhiên và vui vẻ. Những đứa trẻ xúm xít để ăn, mút những quả vải trên những ngón tay cáu cạnh đen bẩn. Tôi cũng chen lấn lấy một quả để ăn, quả thực, những quả vải ở đây thật may mắn, nếu chúng ở dưới xuôi thì chắc chắn chúng sẽ bị hốt bỏ từng đống mà chẳng ai màng tới.

Tạm biệt những con người đáng yêu và cảnh sắc rực rỡ, chúng tôi quay trở lại miền xuôi với những bận rộn lo toan của cuộc sống và trong lòng tôi lại háo hức chuẩn bị cho một chuyến đi mới trong tương lai, đến với các em nhỏ đáng yêu nơi chúng đã dạy tôi về lòng trắc ẩn và những giá trị hạnh phúc là những điều giản đơn mà trong cuộc sống của tôi không có được.
Lan Hương Phan.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Sơ kết kế hoạch hỗ trợ phản và chăn cho các trường mầm non huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trong thời gian tháng 2-4/2013

 




Tuyết Anh, 6/5/2013

Sau khi hỗ trợ phản và chăn trước hết cho điểm lẻ Chống Màng Mủ, trường Mầm non Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải vào cuối tháng 12/2012, tiếp theo là cho mọi điểm lẻ còn lại của trường Mầm non Mồ Dề vào tháng 1/2013, nhóm Vì ta cần nhau lên kế hoạch tổng thể, dài hơi hơn với mục đích hỗ trợ phản và chăn cho toàn bộ 15 trường Mầm non của huyện Mù Cang Chải trong khoảng thời gian tháng 1 đến tháng 8 năm 2013. Kế hoạch tổng thể khá lớn, với toàn bộ số tiền tạm tính lên đến gần 300 triệu. Vì ta cần nhau chủ trương vừa trực tiếp thực hiện vừa kêu gọi các nhóm khác chung tay. Bài viết vừa đưa lên, nhóm đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của nhiều bạn bè gần xa, ngoài và trong nước. Nhóm bạn bè của blogger Hiệu Minh gửi ủng hộ Vì ta cần nhau 1.000 USD. Số tiền đó đã được sử dụng để hỗ trợ phản và chăn cho 2 trường – Mầm non Hoa Ban, xã Khao MangMầm non Kim Nọi, xã Kim Nọi. Nhóm bạn bè từ Hungary tổ chức một buổi bán hàng từ thiện, một nửa số tiền thu được từ buổi bán hàng đó, tương đương 1.625 USD được gửi cho Vì ta cần nhau, đủ để hỗ trợ phản và chăn cho 2 trường tiếp theo – Mầm non Sao Mai, xã Dế Xu PhìnhMầm non Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải. Như vậy, sau trường Mầm non Mồ Dề, 4 trường Mầm non khác đã được hỗ trợ phản và chăn, do nhóm bạn bè của blogger Hiệu Minh và nhóm bạn bè từ Hungary ủng hộ. Vì ta cần nhau tiếp tục hỗ trợ trường Mầm non Kim Nọi, xã Kim Nọi với 61 bộ phản và chăn. Các trường Mầm non Bông Sen, xã Chế Cu NhaMầm non Hoa Lan, thị trấn Mù Cang Chải đã có đầy đủ phản nhưng còn thiếu chăn và được nhóm Vì ta cần nhau hỗ trợ đầy đủ. Thấy được sự thiết thực của chương trình, nhóm từ thiện Sống hướng thiện đã nhận sẽ hỗ trợ phản và chăn cho 2 trường – Mầm non Púng Luông, xã Púng Luông,Mầm non Khau Phạ, xã Cao Phạ. Bảng tổng hợp các trường được nhận sự hỗ trợ phản và chăn trực tiếp từ nhóm Vì ta cần nhau hoặc thông qua nhóm Vì ta cần nhau: ban tong ket Các trường còn cần được hỗ trợ:
  1. Mầm non Chế Tạo, xã Chế Tạo
  2. Mầm non Lao Chải, xã Lao Chải
  3. Mầm non Sơn Ca, xã Nậm Khắt
  4. Mầm non Hoa Huệ, xã Hồ Bốn
Mọi hoạt động của Vì ta cần nhau trong khoảng thời gian từ khi kế hoạch được đưa lên đến nay có thể nói phần lớn đều tập trung vào việc hỗ trợ phản và chăn. Mọi món đồ được bán ra, sách vở, mỹ phẩm hoặc những món đồ khác mà nhóm được tặng đều được quy ra “thóc lúa” – phản và chăn. Những món tiền to có, nhỏ có, từ khắp mọi nơi trên thế giới, thường được ghi rõ để mua phản và chăn ủng hộ trẻ em miền núi. Tấm lòng của mọi người thật đáng quý. Như vậy, trong tổng số 15 trường Mầm non, ngoại trừ trường Mầm non La Pán Tẩn không cần được hỗ trợ do đã có đầy đủ, sự hỗ trợ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp từ Vì ta cần nhau đã đến được với 10 trường. 4 trường còn lại sẽ được hỗ trợ trong thời gian tới, để đến tháng 8, khi năm học mới bắt đầu, tất cả các bé đều sẽ được nằm ngủ trưa ấm áp trên phản và chăn, không ai còn phải chứng kiến cảnh các bé nằm ngủ trên nền đất lạnh lẽo chỉ với một tấm chiếu nữa. Trong lá thư gửi tới nhóm, cô Nguyễn Thị Minh Hoan, hiệu trưởng trường Mầm non Sao Mai, xã Dế Xu Phình viết: “Được biết nhóm Vì ta cần nhau đã làm cầu nối, giúp số tiền do nhóm bạn bè quyên góp được tại Hungary đến với các em bé miền núi. Qua nhóm Vì ta cần nhau, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến nhóm bạn bè bên Hungary, xin kính chúc các anh chị và gia đình luôn mạnh khỏe – hạnh phúc- thành đạt. Chúc nhóm Vì ta cần nhau ngày càng phát triển và giúp đỡ được nhiều đơn vị nhà trường và các cháu mẫu giáo có nhiều khó khăn ở huyện Mù Cang Chải nói riêng và các huyện trong các tỉnh nơi có điều kiện khó khăn như chúng tôi. Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng số phản và chăn một cách hợp lý nhất và giữ gìn để các bé được sử dụng lâu dài.” Cô Bùi Thị Kim Cúc, hiệu trưởng trường Mầm non Kim Nọi thì viết: “Được biết nhà trường vẫn còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục các cháu, nhóm “ Vì ta cần nhau” đã làm chiếc cầu nối, dùng số tiền do bạn bè blogger Hiệu Minh ủng hộ để hỗ trợ nhà trường 40 chiếc chăn bông làm đệm cho các cháu và 15 chiếc phản ngủ. Hy vọng trong những ngày trời đông giá rét các cháu học sinh trường Mầm Non Kim Nọi sẽ được ngon giấc trước những tình cảm ấm áp của các cô, các chị trong nhóm “ Vì ta cần nhau” và cũng giúp cho nhà trường bớt đi phần nào những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ trồng người.” Các co nhan chan Các cô giáo nhận chăn nhóm gửi từ Hà Nội lên 2-Phan moi day roi 3-Chuan bi cho cac be ngu trua Chuẩn bị cho các bé ngủ trưa 4-Be oi ngu ngon trong chan dem am nhe Bé ơi ngủ ngon nhé! Lời cảm ơn gửi tới Vì ta cần nhau nhưng thực chất là gửi tới mọi tấm lòng thơm thảo, đã chia sẻ, đã hỗ trợ Vì ta cần nhau, bằng tiền, bằng hiện vật, bằng những dòng chữ động viên, chia sẻ hay quảng bá giúp, để các thành viên có thể thực hiện được công việc của mình. Tiếp theo sau đây sẽ là việc tiếp tục hỗ trợ phản và chăn cho 4 trường còn lại, hỗ trợ sách giáo khoa vào tháng 6, hỗ trợ đồ dùng học tập vào đầu tháng 9, hỗ trợ quần áo ấm vào tháng 10. Và chúng tôi khó lòng có thể thực hiện tất cả những công việc này nếu thiếu sự chung tay của các bạn. Một lần nữa, Vì ta cần nhau chân thành cảm ơn tất cả bạn bè xa gần đã ủng hộ chúng tôi lâu nay, và mong được tiếp tục ủng hộ, để chúng tôi có thể làm cầu nối, chia sẻ phần nào với các em bé vùng cao thiệt thòi.