Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

NIỀM VUI NGỔ LUÔNG



Cách Hà Nội chỉ khoảng 120 cây số, nhưng Ngổ Luông, Tân Lạc, Hòa Bình đúng là một điểm rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Ngổ Luông là xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Nơi đây các lớp Mầm non 100% là dân tộc Mường, cấp cao hơn cũng khoảng 90%, còn lại 10% là dân tộc Thái. Cơ sở hạ tầng tạm ổn nhưng điều kiện học tập và sinh hoạt còn rất nhiều thiếu thốn. Phần lớn các em sống cách trường mấy cây số, có em nhà cách trường hàng chục cây nhưng vẫn miệt mài đến lớp đến trường.

Từ Hà Nội ra đi từ sáng sớm, dọc theo đại lộ Thăng Long và theo đường Sáu đến Hòa Bình quãng đường rất OK, Từ thị trấn Mường Khến lên Ngổ Luông có ba chục cây nhưng khoảng hơn 11 cây thì đường gập ghềnh đá nhấp nhô cực kỳ khó đi. May trời khô ráo nên cũng đỡ chứ cứ như hôm các thành viên Sống Hướng thiện đi tiền trạm mưa lạnh đường trơn trượt ngập trong bùn lầy thì hơn sáu chục thành viên của đoàn chẳng biết sẽ làm sao.

Ngổ Luông nằm ở độ cao 1.200m mà thời tiết khác hẳn so với chân núi. Từ chân núi đi lên, trời trong xanh, phong cảnh núi rừng thật đẹp, những cánh đồng xanh mướt mát, những cây hoa trẩu trắng xóa, cây vông đỏ chót và những giàn nhót quả đỏ lấp ló ẩn hiện sau tán lá xanh bạc, những nhành phong lan khoe sắc rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời làm ai cũng mê mải mãn nhãn. Vậy mà chỉ lên cao chút ít đường đi thật khó đi không chỉ vì xấu mà còn khó đi vì sương mù giăng mắc che khuất tầm nhìn. Các xe ô tô đều phải bật đèn mới nhìn thấy đường đi và thận trọng tiến lên Ngổ Luông.

                                  Đường thì xấu, phía trước sương mù bao phủ.

Thật may mắn khi lên đến điểm trường Ngổ Luông thì Ông Mặt Trời như vui mừng chào đón đoàn, xua tan màn sương mù dày đặc, tỏa ánh nắng chan hòa. Các trò ba cấp Ngổ Luông đã chỉnh tề ngồi dưới sân trường chờ đón đoàn. Ấn tượng đầu tiên là thấy các em dân tộc Mường ngoan ngoãn dễ thương mặt mũi sáng sủa, có rất ít các em đi chân đất. Đặc biệt là các em rất thích đọc sách. Khi các tình nguyện viên chia sách, truyện, báo cho các em là em nào em nấy chúi mũi vào xem và đọc say sưa. Chứng tỏ các em còn thiếu thốn về món ăn tinh thần này rất nhiều.

                           Các bé mê mải với những quyển sách, báo được trao.

                                              Quà đến tận tay từng em rồi nhé.

                                            Các bé đều vui mừng nhận quà.

Chưa bao giờ có chuyến đi từ thiện nào đông như lần này, nhưng mọi người ai vào việc nấy như đã phân công, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ trao quà đến tận tay từng em học sinh. Ba dãy bàn cho từng cấp được sắp xếp gọn gàng, các em lần lượt xếp hàng nhận quà. 309 em, em nào cũng được nhận áo mới, mũ rộng vành, một đôi ủng, 5 quyển vở, 5 bút bi, sữa và bánh kẹo. Nhận túi quà xong em nào cũng được phát một chiếc bánh mì kẹp xúc xích mà bạn Bùi Minh Nghĩa đã công phu dậy từ rất sớm rán để cho các em được ăn ngon đảm bảo vệ sinh. Minh Nghĩa bảo cứ nhớ ngày còn bé được ăn miếng xúc xích rán ngon như thế nào và ấn tượng món ngon nhớ lâu ấy theo suốt cả cuộc đời như thế nào thì cũng muốn các con cũng có cảm nhận về món ăn này như thế. Không cho thì thôi, chứ đã cho là phải cho thật ngon, thật an toàn vệ sinh.

                  Những chiếc bánh mì kẹp xúc xích thơm ngon trông thật bắt mắt.

Tấm lòng người đi làm từ thiện đơn giản vậy thôi, nhưng thật đáng trân trọng. Ngay vợ chồng Dũng Hường (Hường làm quản lý Mầm non Táo Đỏ ở Xa La, Hà Đông) rất thấu hiểu các bé Mầm non cần gì đã chăm chút mang theo từng thùng sữa, thùng bánh và quần áo cho các con. Bạn Huyền ở Hải Phòng đến Hà Nội từ chiều hôm trước cũng mang theo quần áo, đồ chơi giầy dép đã được giặt sạch sẽ để không phải lo nhiễm dịch sởi đang hoành hành ở nhiều vùng miền của đất nước. Và hình ảnh bạn Huyền lần đi từ thiện nào cũng chăm chú vào việc cắt tóc miễn phí cho các em là hình ảnh thật đẹp của chuyến đi. Tiết mục chụp ảnh của Trần Ngọc Lân và in ảnh do tài trợ của Nguyễn Quang Toại là điều bất ngờ thích thú cho cả thầy và trò Ngổ Luông. Các em còn ngượng nghịu khi chú Lân hướng dẫn tạo tư thế chụp ảnh và đã vô cùng sung sướng khi nhận ảnh. Không thể nào kể hết những việc làm nhỏ bé nhưng tràn ngập tình yêu thương chia sẻ của các thành viên trong đoàn đối với các em bé vùng cao chịu nhiều thiệt thòi.

                                                  Trông các con ăn mà thương.

                            Hình ảnh thân thương gần gũi của những chuyến đi từ thiện.

                                 Cháu làm theo chú nhé rồi chú sẽ chụp ảnh cho.

Chuyến đi có thành công hay không, phải nhắc đến tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm đã tài trợ cho chuyến đi. Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy một tháng kể từ khi ban tổ chức bắt đầu đưa ra lời kêu gọi đến sát lúc đi vẫn có người đóng góp ủng hộ Ngổ Luông. Số tiền lên đến hơn bẩy chục triệu vượt hơn dự định quả là một kỳ công. Tuy nhiên điều này cũng không phải hoàn toàn dễ dàng gì. Ban tổ chức nhất là bạn Phạm Đình Mạnh đã có lúc vô cùng lo lắng. Kế hoạch đề ra để đáp ứng những yêu cầu thiết thực của Ngổ Luông thì nhiều nhưng số tiền kêu gọi như có vẻ chưa đủ thì làm sao ban tổ chức không phải lo nghĩ. Thế rồi những tấm lòng hảo tâm không làm cho ban tổ chức phải đau đầu lâu. Mỗi người một cách tùy tâm tùy hoàn cảnh chẳng mấy chốc mọi cái đã gần như đâu vào đấy.

                         Tiếng trống mới ròn rã như tiếng trống vào trận hào hùng quá.

 Đoàn đã tặng cho Ngổ Luông một chiếc trống to. Tiếng trống trường do thầy Nguyễn TiếnThành, hiệu trưởng PTTH khai trống ròn rã vang vọng núi rừng làm thôi thúc giục giã không chỉ đối với thầy trò Ngổ Luông hãy dạy và học thật tốt mà cũng làm nức lòng các thành viên trong đoàn Sống Hướng thiện càng muốn sống hướng thiện hơn nữa. Những chiếc ti vi, máy tính, sách và tủ sách, thuốc và tủ thuốc y tế, đồ chơi cho Mầm non và rất nhiều các món quà khác giúp cho thầy trò Ngổ Luông phần nào cải thiện thêm đời sống tinh thần và vật chất. Đặc biệt nhất, đoàn tặng 28 triệu cho việc xây 2 bể nước với dung tích 20 mét khối sẽ giúp cho thầy trò Ngổ Luông có nước chứa dùng hàng ngày. Giá như đào được giếng thì không còn phải lo nhiều đến nguồn nước nhỏ giọt nơi đây và không phải trông chờ vào trời mưa thì cũng phấn khởi hơn nhiều.

                               Hai chiếc bể chứa nước mới sắp được hoàn thành rồi.


Ăn trưa xong mới ba giờ chiều mà sương mù đã giăng mắc khắp núi rừng, nếu đi thăm hai điểm lẻ như dự kiến thì chắc phải "Ngổ Luông" tức “ngủ luôn” tại bản nên cả đoàn xin phép về ngay chỉ tranh thủ chụp vài tấm hình kỷ niệm một chuyến đi được đánh giá là thành công tốt đẹp. Ngổ Luông vui một thì Sống Hướng thiện vui mười vì đã đem lại niềm vui cho Ngổ Luông. Nhớ và thương lắm, Ngổ Luông ơi!


Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Xây 2 phòng học điểm lẻ Mí Háng, trường PTDTBT TH & THCS Mồ Dề

Xây 2 phòng học điểm lẻ Mí Háng, trường PTDTBT TH & THCS Mồ Dề

Tuyết Anh, 12/4/2014
Trong chuyến đi đến Mù Cang Chải vào ngày 30-31/3/2014 để giám sát việc xây dựng điểm lẻ Chống Màng Mủ, Trường PTDTBT TH&THCS Mồ Dề, huyện Mồ Dề (bài viết về chuyến đi xin xemtại đây), các thành viên nhóm Vì ta cần nhau đã dành thời gian khảo sát điểm lẻ Mí Háng, một trong 7 điểm lẻ của trường TH&THCS Mồ Dề. Chứng kiến điều kiện học tập vô cùng thiếu thốn của 45 học sinh, sau khi trở về, nhóm đã nhanh chóng quyết định sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà trường xây điểm lẻ Mí Háng.
Bản kế hoạch và dự trù của nhà trường gửi đến nhóm gồm các hạng mục sau:
1. Xây dựng 2 phòng học với diện tích 42m2/phòng, giống 2 phòng học hiện đang được xây tại điểm Chống Màng Mủ;
2. Làm nhà vệ sinh nhỏ và đơn giản, tận dụng tối đa nguyên vật liệu cũ;
3. Láng sân chơi cho các em học sinh.
Như vậy, so với điểm Chống Màng Mủ, ngoài 2 phòng học, nhóm sẽ hỗ trợ nhà trường làm một nhà vệ sinh nhỏ và láng sân chơi, tạo thành một điểm trường thuận tiện cho việc học hành của các bé. Sau đây là kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng điểm lẻ Mí Háng.
KẾ HOẠCH XÂY 2 PHÒNG HỌC ĐIỂM LẺ MÍ HÁNG, TRƯỜNG PTDTBT TH&THCS MỒ DỀ
I. THÔNG TIN CƠ BẢN
Trường PTDTBT TH&THCS Mồ Dề nằm trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Toàn trường hiện có 703 học sinh. Học sinh cấp II học tại điểm trường chính, tại 7 điểm lẻ khác chỉ có các lớp tiểu học. Trong đó, điểm lẻ Mí Háng có 24 em học sinh lớp 1 và lớp 2 hiện đang học trong 2 phòng học. 1 phòng được làm bằng gỗ, trong tình trạng tương đối tốt, 1 phòng khác làm bằng tre nứa, tình trạng rất tệ, hoàn toàn không đảm bảo về quy cách: diện tích, ánh sánh, an toàn, mùa hè nóng, mùa đông buốt … Tại điểm này còn có 1 lớp học Mầm non với 21 cháu, phòng học cũng rất tạm bợ và chật hẹp.
clip_image002
2 lớp học của các bé lớp 1 và mẫu giáo
clip_image004
Phòng học hiện tại của các bé lớp 1
clip_image006
Lớp mẫu giáo rất chật, 21 bé trong căn phòng hơn chục mét vuông
Từ quốc lộ 32 lên điểm trường chính là 4 km đường đất, xe ô tô có thể đi được khi trời không mưa. Từ điểm trường chính đến điểm Mí Háng còn phải tiếp tục đi thêm khoảng 5 km đường đất nhỏ hẹp, khi thời tiết tốt có thể đi xe máy. Xe ô tô nhỏ có thể đổ nguyên vật liệu tại một điểm cách trường khoảng 3km. Từ điểm đó đến trường chỉ có thể vận chuyển bằng xe máy và đi bộ. Vào mùa mưa, việc đi lại khá bất tiện. Bên cạnh đó, Bản Mí Háng chưa được mắc điện, do đó, việc thi công sẽ vất vả và tốn kém hơn do phải thuê máy nổ cho một số phần công việc.
2 phòng học được xây mới sẽ dành cho 21 em học sinh mẫu giáo và 14 em học sinh lớp 1. Các em học sinh lớp 2 sẽ tiếp tục học trong phòng học gỗ.
II. DỰ TRÙ
Bảng dự trù được tính toán cho việc xây dựng 2 phòng học bằng tôn ghép, diện tích mỗi phòng 42m2, chiều rộng 5m, chiều dài 16.8 m, giống 2 lớp học tại điểm Chống Màng Mủ.
Tạm tính việc xây 2 lớp học với cả ba hạng mục như liệt kê trong phần đầu sẽ hết tổng cộng:156,275,000 đồng.
Người dân và cán bộ trong trường cam kết sẽ đóng góp nhiều nhất có thể vào quá trình xây các lớp học này. Cụ thể:
Công vận chuyển toàn bộ nguyên vật liệu từ điểm xe ô tô đổ nguyên vật liệu, tức khoảng 3km đường dốc, nhỏ, hẹp. Ngoài bộ khung nhà khá cồng kềnh sẽ còn phải vận chuyển 3.5 tấn xi măng, 25 khối cát, 8 khối sỏi và 2000 viên gạch. Tạm tính mỗi chuyến đi bộ người dân vác được 30-35kg thì riêng 25 khối cát, tức 37.5 tấn sẽ cần tới hơn 1.000 lượt vận chuyển;
Tháo dỡ lớp học cũ.
San gạt mặt bằng.
Láng sân.
Sự đóng góp này rất khó có thể tính thành tiền, tuy nhiên, có thể nhìn thấy qua số ngày công như sau:
76 người dân tham gia san gạt mặt bằng (mỗi hộ một người) dự kiến thời gian san gạt từ 2 đến 3 ngày.
76 người tham gia vận chuyển 3.5 tấn xi măng, 25 khối cát, 8 khối sỏi, 2000 viên gạch, mỗi người phải chuyển ít nhất 15 lần (đi bộ).
40 đoàn viên thanh niên khuân vác khung lớp, mỗi người 4 lượt.
55 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia vận chuyển cát, sỏi, xi măng, gạch làm sân, mỗi người khoảng 20 lượt (dùng xe gắn máy để chở).
55 cán bộ, giáo viên, nhân viên láng sân trong 1/2 ngày.
Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ mua 150 bao tải để chở vật liệu (4000 đồng/bao) vì chỉ chở cát sỏi 2-3 chuyến bao đã có thể bị rách nát.
Chú thích: Diện tích 42m2 là phù hợp đối với lớp mẫu giáo 21 em. Với lớp 14 em học sinh lớp 1, diện tích đó tại thời điểm hiện tại có thể là hơi rộng. Tuy nhiên, cân nhắc các yếu tố như số học sinh đều đặn tăng qua mỗi năm, cụ thể, ngay năm học 2014-2015, số học sinh lớp 1 sẽ tăng từ 14 lên 16 em, và với lớp học rộng, các thầy cô có thể kê thêm phản để các em nghỉ trưa, nhóm Vì ta cần nhau đồng ý với đề xuất về diện tích lớp học.
III. THỜI GIAN TIẾN HÀNH
Dự kiến thời gian cần thiết để tiến hành công việc như sau:
· Tháo dỡ lớp học cũ: 1 ngày
· San gạt, chuẩn bị mặt bằng: 3 ngày
· Vận chuyển nguyên vật liệu: 2 – 3 ngày.
· Tiến hành lắp ghép/xây dựng lớp học: 10 ngày
· Nghiệm thu và đưa vào sử dụng: ½ ngày.
Thời gian tiến hành dự kiến từ 20/4/2014. Tại thời điểm hiện tại, không thể ấn định thời gian chắc chắn vì thời tiết đã vào mùa mưa, việc xây dựng chỉ có thể tranh thủ những khi trời nắng ráo.
IV. PHƯƠNG THỨC TIẾN HÀNH
Sau khi đã thống nhất về kế hoạch tổng thể và dự trù, nhóm Vì ta cần nhau sẽ chuyển tạm ứng 50% tổng số tiền cho phần công việc;
Trong quá trình tiến hành, nếu cần thiết và khi nhà trường cung cấp hóa đơn theo yêu cầu, nhóm Vì ta cần nhau có thể chuyển tiếp tiền tạm ứng, tuy nhiên, toàn bộ khoản tạm ứng không được phép vượt quá 80% tổng số tiền;
Nhà trường cam kết nếu có chi phí phát sinh, nhà trường sẽ tìm cách kêu gọi các nguồn khác để đảm bảo có được 2 lớp học theo đúng dự tính ban đầu;
Sau khi xây xong 2 lớp học, đại diện nhóm Vì ta cần nhau sẽ nghiệm thu và thanh toán nốt các khoản còn lại theo chi phí thực tế nhưng không cao hơn dự trù ban đầu;
V. BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
Đại diện nhóm Vì ta cần nhau: cô Ngô Anh Thơ, điện thoại, 0915228457, e-mailanhtho.ngo2012@gmail.com
Đại diện nhà trường: Thầy Hà Trần Hồng, Hiệu trưởng, điện thoại 0919179684, e-mailc12mode.mucangchai@gmail.com;

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

TRƯỜNG CỦA EM... RÁCH NÁT, MỌC Ở GIỮA RỪNG SÂU... Ớ Ơ...

TRƯỜNG CỦA EM... RÁCH NÁT, MỌC Ở GIỮA RỪNG SÂU... Ớ Ơ...

2 Tháng 4 2014 lúc 18:39
Chuyến đi giám sát xây dựng điểm trường Chống Màng Mủ, Mồ Dề, Mù Cang Chải (do tập đoàn Park Trent, Australia ủng hộ tiền tài trợ) của nhóm "Vì ta cần nhau" đã hoàn thành tốt đẹp. Nhưng đoàn sẽ còn day dứt, ám ảnh rất lâu về tình cảnh của các con ở điểm trường Mý Háng. Trường cách đường quốc lộ hơn 6 km, Xe ô tô chỉ đi được độ nửa đường thì phải tiếp tục hành trình bằng xe máy vì phải qua cầu treo mỏng mảnh và đường hẹp nhiều dốc lên lên xuống xuống rất chông chênh. Tôi chợt nhớ đến lớp học sơ tán dưới chân núi Đào những năm chiến tranh bắn phá miền Bắc. Ít ra lúc ấy, chúng tôi cũng được học trong những lớp học xinh xắn, dù chỉ là vách đất trát bằng rơm trộn bùn. Mấy chục năm sau khi thống nhất đất nước, chúng ta cứ hát mãi "đưa núi rừng tiến kịp với miền xuôi", nhưng hình như quãng đường về xuôi càng ngày càng dài mãi.

Cái này được gọi là "điểm trường"
Cái này được gọi là "điểm trường"


Chị Anh Thơ - con chim đầu đàn  của nhóm, ngay sau chuyến đi đã nhắn tin cho tôi: "Em ơi, liệu mình có làm được gì không?". Nhìn lũ trẻ con lấm láp, quần áo phong phanh, cặp lồng cơm nhem nhuốc... tôi trả lời ngay: "Xây thôi chị ạ". Tâm thì muốn thế, nhưng lực thì chưa biết dựa vào đâu. Thôi thì lại "bị gậy" tấm lòng của anh chị em bạn bè, những người luôn đồng hành cùng VTCN vậy.

Cơm trưa của "thế giới ngày mai"
Cơm trưa của "thế giới ngày mai"


Tôi có hơn 1500 người trong danh sách bạn bè và gần 2000 followers. Chỉ cần mỗi người trong số bạn bè tôi góp vào một bữa sáng, một lon bia, một bữa "dzô, dzô..", những đứa trẻ này sẽ được ngồi trong lớp học ấm áp hơn.



Các bạn sẽ cùng chung tay với chúng tôi chứ?

Mọi đóng góp xin gửi về tài khoản của nhóm và ghi rõ "đóng góp xây trường Mý Háng - Mồ Dề - Mù Cang Chải"

Tài khoản tại Hà Nội: Chủ tài khoản: Hứa Thị Bích Thuỷ (090-329-6398). Số tài khoản: 168045489. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)-chi nhánh Cửa Nam- Hà Nội.

Tài khoản tại Thành phố HCM: Chủ tài khoản: Đặng Thị Trường Giang (090-307-9171). Số tài khoản: 167891699, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - Chi nhánh TP.HCM .

Xin cảm ơn tất cả mọi người.