“HOA LÚA” ĐÃ BAY ĐI
Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 7:19 sáng ngày 09/06/2013 0 Bình luận
NGUYỄN BẮC SƠN
Hữu Loan là nhà thơ đa tình bậc nhất. Không kể những người phụ nữ chỉ ghé qua đời ông một thời hay một thoáng, chỉ kể những người phụ nữ chính thức làm vợ ông đã là hai.
Ông đền đáp tấm chân tình của họ bằng những bài thơ, trong đó có hai bài để đời: “Màu tím hoa sim” và “Hoa lúa”. Bài “Hoa lúa” dành tặng người vợ thứ hai. Bà vừa ra đi.
Người vợ đầu tiên của ông là thiếu nữ Lê Đỗ Thị Ninh, đẹp như bông hoa rừng, nhưng chỉ sống với ông được một đêm, hôm sau ông ra trận. Nơi gia đình tản cư, một lần ra suối giặt quần áo, chiếc áo bị dòng nước đưa ra xa, cô gái nhoài người, với tay vớt lại, mất đà ngã xuống…? Mất mát lớn nhất của tài năng thơ. Nhưng ngẫu nhiên thơ Việt Nam được bàiMàu tím hoa sim bất tử.
Người vợ cuối cùng là cô Phạm Thị Nhu. Giữa hai người vợ ấy, còn có một người phụ nữ khác, không phải là vợ, nhưng có con với ông. Có con với ông…? Người ấy chồng xa biền biệt nhiều năm không tin tức, lại quá mê ông, ngưỡng mộ ông, nhưng biết không được yêu lại nên chỉ xin một đứa con làm…?kỉ niệm.
Thương tình, nhà thơ ưng thuận. Không ngờ, người ấy lại đòi công khai để được chính thức đứa con trong bụng. Ông kiên quyết không chấp nhận. Có lần hai người phải to tiếng. Biết không lay chuyển được ông, bà đành ra đi, không bao giờ quay lại. Riêng đứa con đã có hai lần tìm gặp bố đẻ, nhưng mấy chục năm rồi không trở lại, ngay cả khi ông mất (ngày 18/3/2010). Đấy là nỗi day dứt của ông.
Năm 1955, sáu năm sau cái chết của người vợ trẻ, Hữu Loan mới đến với Phạm Thị Nhu – cuộc hôn nhân cuối cùng, với tất cả những lời yêu đẹp nhất. Em là em gái đồng xanh/ Tóc dài/ vương hoa lúa/ Đôi mắt em mang/ chân trời quê cũ/ giếng ngọt/ cây đa… và bài thơ kết bằng một lời thề: ta đi/ đầu sát/ bên đầu/ mắt em/ thăm thẳm/ đựng màu trời quê.
Hoa lúa cho người vợ kế – Bà Phạm Thị Nhu là tiếng reo vui, là khúc tụng ca người vợ trẻ, tụng ca từ mái tóc dài vương hoa lúa, đến đôi mắt nâu thăm thẳm (soi trong ấy mầu xanh chân trời quê cũ/ giếng ngọt cây đa). Tả cả tiếng nói (tiếng quê hương/ muôn đời/ và tiếng em/ là một), cả tiếng hát người vợ trẻ cũng hiện lên (em ca giữa đồng xanh/ bát ngát). Giọng điệu thơ gợi cái vui rộn ràng, chiêng trống, đàn sáo ngày hội mùa. Như vẫn chưa nói hết lòng mình, tác giả phải nói thẳng ra mới thỏa: Anh kiêu hãnh/ có quê hương bất khuất/ và có người yêu là em gái quê hương/ Anh yêu em muôn vàn…
Hẳn cô thôn nữ Phạm Thị Nhu (đã một lần yêu không thành) ngất ngây hạnh phúc khi người anh hùng Đèo Cả, oai phong lẫm liệt, mắt sáng, giọng ấm, lại là thầy giáo cấp ba của trường do anh trai mình làm hiệu trưởng, hỏi mình làm vợ. Cô ưng thuận ngay. Cuộc hôn nhân này, đúng là cuộc hôn nhân cuối cùng đã theo Hữu Loan suốt quãng đời còn lại.Dù một người xuất sắc và tu chí như thế, nhưng cuộc đời lại không sẵn sàng chào đón(Điếu văn của nhà thơ Hữu Thỉnh).
Dù mấy chục năm ròng bị quăng quật, lên bờ xuống ruộng, không sổ gạo, không tem phiếu trong thời kỳ cấm chợ ngăn sông và chính sách lương thực, dù người anh hùng Đèo Cả phải quai búa đánh đá, thồ đá và tập tọng đi buôn…? Dù thế, chứ hơn thế nữa bà Nhu vẫn chung lưng đấu cật với chồng xoay đủ nghề kiếm sống.
Làm bún đổi thóc gạo. Nhiều lần bún ế, mang về cho con ăn thì được, nhưng lấy gì ngày mai làm hàng tiếp? Thế là phải đến từng nhà hàng xóm nói khó để đổi lấy đấu thóc, bát gạo. Đến khi không ai đổi nữa mới mang về cho đàn con háu đói, háu ăn đang ngong ngóng chờ mẹ về chợ. Làm thế là vi phạm chính sách lương thực nên đã có lần bị người ta hất cả rá bún xuống mương. Lại phải bốc cả bún lẫn bùn về, cho vào chậu nước khuấy lên, cho bùn lắng xuống, vớt lấy
bún ăn.
bún ăn.
Một gia đình đông con như thế, hoàn cảnh như thế mà hàng xóm láng giềng tịnh không thấy chuyện to tiếng, bởi ông bà rất mực thương yêu, quý trọng nhau.
Hôm tôi ra mộ thắp hương cho ông chỉ ít ngày sau khi ông đi, hỏi chuyện, bà bảo, nằm trên giường ông, trong buồng, để gian ngoài (nơi đặt giường bà) giờ dọn đi đặt bàn thờ ông, chẳng có hãi hùng gì. Đêm đêm, vẫn thấy ông về hát, ngâm Kiều. |
Năm 1958, Hữu Loan cùng một số bạn văn khác sẽ phải đi lao động (cho giọt mồ hôi lọc sạch tâm tư chăng?), ông bàn với vợ để mình ở lại, bà đưa ba đứa về quê. Nhưng bà không nghe. Thế là vợ bìu con ríu, dắt díu nhau lên tàu về quê.
Mấy chục năm, bà vẫn đôi dép mo cau quảy đôi quang gánh, không được làm bún thì làm bánh sắn ra chợ, chợ tan lại gánh đi rong, sà vào chỗ bà con hợp tác làm, ra cả chỗ thợ đánh đá, cố bán cho hết hàng mới về, lùa bát cơm độn (hoặc bánh sắn ế) với quả cà nén ăn quanh năm, lại xoay ra xay bột chuẩn bị cho gánh hàng
ngày mai…?
ngày mai…?
Mấy chục năm, đôi chân trần vẹt mòn sỏi đá, trời cho, lại không bệnh tật ốm đau gì. Chỉ mỗi bệnh ngang thì vẫn cứ ngang mãi, nhưng ngang với đời chứ vẫn dọc với vợ. Vẫn tôn trọng vợ. Chả thế, mấy chục năm không đi đâu khỏi xã, đến lúc không khí xã hội cởi mở, bạn bè rủ ra Hà Nội, ông mới giầy dép mũ áo xếp chiếc xe thồ đá lại, làm một chuyến tái xuất giang hồ.
Đến đâu ông cũng được ngưỡng mộ, trọng vọng chào đón. Nhiều người, trong đó có những người phụ nữ quyết chèo kéo bằng được ông về nhà mình để được cung phụng, để ngắm ông, được nghe ông đọc thơ. Mấy tháng liền ở Hà Nội đều như thế. Sài Gòn biết tin liền vời ông vào bằng được với sự trọng vọng, cung phụng gấp bội. Gần hai năm trời như thế… chứ có ít gì.
Thông tin dù ít ỏi cũng phản hồi đến bà Nhu. Có những cái tin làm bà lộn tiết, như ngồi trên tổ kiến lửa. Thế là khăn gói quả mướp, bà lần vào Sài Gòn. Lần mò mãi rồi cũng tìm ra ông đang giao lưu với những người hâm mộ. Bà thình lình như trên trời rơi xuống làm Hữu Loan kinh ngạc nhìn vợ mà không tin vào mắt mình. Ông đành chấp nhận để bà kèm suốt nhiều tháng trời.
Ông đã bắt tay vào viết kịch thơ Từ Thức, theo thể thất ngôn: Nàng đã đi rồi, ta đứng đây/ Áo lam sương xuống, lạnh vai gầy/ Cẩm bào gửi lại tình muôn thuở/ Hoa gãy người đi mộng tháng ngày…? Ông cố thuyết phục bà, vụ này hay lắm, lớn lắm (ra ý thù lao rất to đấy), bà cứ về trước đi, xong việc này tôi sẽ về. Nhưng bà khăng khăng buộc ông phải nghe theo cồng mình khi khẽ khàng hỏi, ông có muốn nghe thơ không? – “Thơ của bà á?” – Tôi làm sao biết làm thơ. Thơ của ai thì ông sẽ biết. Và bà nhẩn nha đọc…? Tình đôi ta ơi/ từ nay/ rồi/ càng sâu/ Ta đi/ đầu sát bên đầu. Ông cười rung chòm râu bạc, thôi chịu bà Thiến Thư rồi. Thì về vậy.
Thiến Thư là tên riêng ông đặt cho bà để đối xứng với Hoạn Thư trong Kiều.
Bà cho các con gọi bà Ninh là mẹ già. Để ông lập một bàn thờ riêng bà Ninh trong buồng ông. Hằng năm vẫn cùng chồng con làm giỗ bà Ninh. Một đêm, Hữu Loan mơ thấy người vợ chết trẻ. Nhưng giấc mơ đêm ấy lạ lắm. Mọi chuyện đêm tân hôn cứ hiện về rõ mồn một. Phải phục dựng lại tất cả mà vì ngày ấy, xót xa đau buồn lấn át tất cả nên không kịp miêu tả nó. Mạch thơ 42 năm như vẫn chảy ngầm trong máu thịt ông bỗng tuôn trào: Em ngả cánh tay còn nhiều/ ngấn sữa/ cho ta làm gối gối đầu/ Đêm tân hôn chỉ có chuyện là/ ta thấy ta càng lúc/ càng thêm nhỏ bé/ trong vào ngực non tơ/ Chà rụi/ Rúc tìm/ tham lam/ cuống quýt/ ngẩn ngơ/ như một hài nhi/ Khát mẹ…
Người đọc nếu không nhìn ngày viết dưới bài thơ thì cứ đinh ninh là ông viết ngay sau đêm tân hôn. Làm xong bài thơ, ông còn cắt một lọn tóc bỏ vào bình hoa ngày cưới bà Ninh, giờ đã sứt một mảnh trên miệng, vẫn đặt trên ban thờ người vợ trẻ.
Bà Nhu biết tất cả những việc làm ấy của chồng, nhưng không tỏ thái độ gì. Không biết ban đêm hay lúc nằm võng ở ngoài vườn có khóc một mình?
Ngày 8/1 năm ngoái, Nguyễn Hữu Đán (con trai út) báo mẹ ốm, phải đưa ra Hà Nội, hỏi tôi xem có quen biết gì các thầy thuốc giỏi chữa tim. Chợt nhớ nhà văn Ma Văn Kháng từng đặt sten nong động mạch vành. Anh Kháng giới thiệu tôi với bác sĩ, tiến sĩ Tô Thanh Lịch, một người chuyên môn giỏi và rất tử tế.
Bà Nhu được đưa vào phòng tự nguyện, được quan tâm chạy chữa, chăm sóc đặc biệt. Khá lên thì ra, rồi cấp cứu lại vào. Ba lần như thế. Thầy thuốc bảo thế này, thầy tướng phán thế kia, mà bà thì một đống bệnh. Có lần Đán đã phải kí cam kết rồi gỡ tất cả đồ trang sức ra, để phòng phải đưa xuống nhà xác. Rồi anh đi Hải Phòng cắt thuốc của một thầy thuốc Đông y nổi tiếng, rồi mời một thầy đến tận nhà châm cứu.
Ngày 17/5, Đán đang đi công việc thì nhà báo mẹ đã rất khó thở. Đưa vào bệnh viện huyện ngay. Đán bổ về, nhưng cũng như lúc bố đi, vẫn không kịp gặp mẹ. Bà Nhu đi lúc 9h05, ngày 18/5/2013.
Người đầu tiên Đán báo tin buồn là tôi. Cũng như khi biết tin Hữu Loan mất, người đầu tiên tôi báo tin và xin ý kiến là nhà thơ Hữu Thỉnh. Anh bảo, đối với vợ hay chồng hội viên mất, nếu ở gần, thông lệ là thế này, ở xa thông lệ là thế kia. Nhưng cũng có ngoại lệ. Ngay sáng hôm sau, chủ nhật 19/5, nhà thơ Nguyễn Hoa, UVBCH Hội Nhà văn, Trưởng Ban công tác hội viên, nhà thơ Lê Quang Sinh, PGĐ Bảo tàng Hội Nhà văn VN và tôi về Nga Sơn, phúng viếng bà Phạm Thị Nhu.
Tháng 5/2013
Điều áy náy của bà Nhu |
Trước ngày đi ít hôm, với bà mọi việc đều thanh thản, trừ một điều.
- Đấy hơn bốn chục năm bố con vẫn còn làm thơ về mẹ già. Mẹ chỉ lo xuống dưới ấy, bố con đi với mẹ già rồi. Đã mấy lần mẹ nghe bố con ngâm: Kiếp này đã dở dang nhau/ Thì xin kiếp khác duyên sau lại thành (Kiều).
Đán cố làm cho mẹ yên lòng:
- Bố sống với mẹ già chỉ có một đêm. Bố sống với mẹ 55 năm là nhiêu đêm? Bố với mẹ già không được anh chị nào. Với mẹ những mười người con đẻ, mười dâu rể, một đàn cháu chắt. Chúng con tính cả rồi. Bác Hạng (nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng), chú Chính (ông Nguyễn Văn Chính, người mua bản quyền Màu tím hoa sim), rồi nhà thơ Nguyễn Duy, ba nhà điêu khắc: Nguyễn Thị Kim, Vũ Đại Hải, Lê Hiệp, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhiều cô chú cả Bắc lẫn Nam đã bàn bạc, thống nhất một phác thảo tượng bố bằng đá đen rồi.
- Nhưng bố con chỉ nhắc đến mẹ già thôi.
Đán cười dàn hòa:
- Mẹ đừng nói thế tủi vong linh bố. Người chết thì nhớ hơn thôi. Mẹ già có Màu tím hoa sim, mẹ có Hoa lúa. Các bác các chú ấy còn định đặt mộ bố ở giữa hai bên là hai mẹ. Mộ bố không hình chữ nhật mà là hình vuông (Bởi ông đã tự xưng tôi, cây gỗ vuông chằn chặn suốt đời/ Đã làm thất bại âm mưu/ đẽo tròn/ để muốn tùy tiện/ lăn lóc thế nào/ thì lăn lóc). Trên mộ mẹ già sẽ khắc bài Màu tím hoa sim, trên mộ mẹ là bài Hoa lúa.
Thấy mẹ không nói gì, chắc đã xuôi xuôi…? Đán chắc, khi Hoa lúa bay về trời theo bố, hẳn lòng cũng đã thanh thản.
TP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét