Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Ngà Voi: Cảm nhận Tiên Lãng

(Lấy từ Blog anh Hiệu Minh)

Thăm nhà bác Được
Thăm nhà bác Được. Ảnh: Ngà Voi cung cấp
Bài viết của bạn Ngà Voi Nguyên sau chuyến đi Tiên LãngCảm ơn NVN, bác Thanh Vân, Đại Tá Ng Đăng Quang  đã thăm đ/c “Liệt sĩ” trở về sau 40 năm. Đoàn đã thay mặt “Hội đồng Hang Kua” mua biếu đ/c “Liệt sĩ” có 3 hộp sữa Canci ( để chống thoái hóa cột sống ) mỗi hộp giá 173.000 đồng. Ảnh trên: Từ trái, hai cháu của bác Phan Hữu Được, đại tá Quang, bác Được, bác Vân và cháu Ngà Voi Nguyên (tác giả entry).
Breaking News: Theo cháu Ngà Voi Nguyên cho biết, Bí thư Nguyễn Văn Thành đã đến thăm trước đó một ngày. Không hiểu anh Thành có đọc thư Gửi Đại tá Ca và bí thư Thành, Hải Phòng đăng trước đó 1 tuần. Đoàn cấp tỉnh còn mang theo quà của Thủ tướng Dũng, gửi tặng bác Được. Hy vọng, cuộc sống của bác sẽ tốt hơn vì có sự quan tâm của chính quyền và nhân dân. 

Chúng tôi lên đường về Tiên Lãng, Hải Phòng thăm chú Phan Hữu Được-người liệt sĩ 40 năm còn sống trở về-trong một ngày đầy nắng cuối tháng sáu. Chúng tôi không phải là phóng viên nhà báo. Càng không phải là những người tò mò muốn tìm hiểu sự kiện. Đơn giản chỉ là một ông cụ-người lính về hưu nghiêm trang, một bà cụ về hưu phục phịch, phúc hậu và hai đứa trẻ lon ton tìm về thăm… hỏi và chia sẻ cùng một người lính, một số phận chịu nhiều thiệt thòi.
Câu chuyện xoay quanh chủ đề sức khỏe của chú Được. Trớ trêu thay, tên chú là Được mà chú lại mất quá nhiều. Những vết thương không được chạy chữa tới nơi tới chốn ngay từ đầu đã để lại di chứng trên bàn tay và chân chú. Vết thương ở đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ và tâm thần. Chú hầu như rất ít nói chuyện trong suốt buổi thăm hỏi. Ông cụ-người lính về hưu và ông cụ-liệt sĩ trở về-gặp nhau lần đầu mà như hai người bạn cũ thân thiết tự thuở nào. Bàn tay nắm lấy bàn tay trong im lặng, xúc động.
Câu chuyện về chú Được đã được đăng trên báo Dân Trí nhưng khi nghe anh Lợi, cháu ông, kể lại chúng tôi vẫn dâng tràn xúc động. Khi đọc báo chúng tôi xúc động về người lính năm xưa vì lý tưởng mà tạm gác hôn nhân, thay họ đổi tuổi để tình nguyện vào bộ đội. Xúc động vì câu chuyện 40 năm lưu lạc xứ người..
Về đây, chúng tôi xúc động với tấm lòng của những người cháu của ông. Xúc động vì tình cảm gia đình thiêng liêng. Xúc động vì tấm tình những người Việt đã giúp đỡ cưu mang ông trong những năm tháng mất trí nhớ, đau ốm xứ người.
Bà cụ trong đoàn thăm hỏi về tình hình chữa bệnh cho ông Được và có nhã ý giới thiệu bệnh viện cùng bác sĩ giỏi để khám và chữa bệnh cho ông. Chúng tôi vui mừng nghe anh Lợi báo tin: Ngày 27/06 sẽ đưa ông về Hà Nội khám chữa bệnh. Toàn bộ chi phí do báo Dân Trí tài trợ.
Anh Lợi cũng cho hay, ngày 25/6 ông Nguyễn Văn Thành bí thư thành ủy cùng tập thể cán bộ UBND thành phố Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự đã đến thăm hỏi, trao tặng ông Được các phần quà và tiền mặt.
Ông Thành thay mặt thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gởi lời thăm hỏi và trao quà của thủ tướng cho ông Được. Ông Thành cũng đã chỉ đạo các ban nghành phối hợp nhanh chóng ưu tiên giải quyết chế độ chính sách cho ông Được.
Dù biết rằng thủ tục hành chính luôn nhiêu khê rườm rà rắc rối nhưng chúng tôi vẫn hi vọng rằng trống đánh xuôi, kèn thổi xuôi cùng nhịp để mọi việc được tháo gỡ và giải quyết nhanh chóng. Mong ông Được sớm có chế độ chính sách để tiện việc điều trị bệnh trong tình trạng tuổi cao sức yếu…
Rời nhà ông Được, trong mỗi chúng tôi vẫn nao nao xúc động khi nhìn nụ cười hạnh phúc xum họp của những người trong gia đình. Thầm chúc ông khỏe mạnh và tin rằng quãng đời còn lại của ông ĐƯỢC trọn vẹn hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình và sự quan tâm kịp thời của chính quyền, xã hội.
Từ nhà ông Được đi thêm khoảng 10km chúng tôi tới thăm hỏi gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Từng làn gió mát lành từ đầm nước xua tan giúp chúng tôi cái oi nồng tháng sáu. Từ đường vào nhà khá xa nhưng hai cụ nhứt quyết không chịu lên xe máy đi vào mà đi bộ. Cụ bà luôn miệng bảo: “Mát quá, trong lành quá, Voi ạ!”. Cụ quên mất con Voi còi đang tướp mồ hôi vật lộn với gió để giữ yên cái ô che nắng cho cụ. Cụ bà về hưu nhưng khá sành điệu, tay nhoay nhoáy chụp ảnh từ cái ipad to đùng.
Thăm gia đình anh Vươn. Ảnh: Trần Thanh Vân
Thăm gia đình anh Vươn. Ảnh: Trần Thanh Vân
Căn nhà mới cất nhỏ bé đơn sơ nép mình bên đầm phá. Những người đàn bà nhỏ bé như lọt thỏm giữa mênh mông một bên là đầm nước một bên là rừng bần chắn sóng. Nhà thiếu vắng đàn ông trở nên cô quạnh biết bao nhiêu. Nụ cười trên môi không che đi được nỗi lo buồn trong ánh mắt. Các chị đón chúng tôi với mâm cơm tôm cá bắt được từ đầm. Bưng chén cơm, gắp miếng cá thơm ngon mà lòng tôi chợt thắt lại nghĩ về phận người..
Dạo ra hiên, chị Hiền chỉ cho tôi xem mấy cây đu đủ năm ngoái bị chặt phá nay đã lên thân mới và say chĩu chịt trái non. Mầm sống mới đã nẩy và đơm bông kết trái. Sự “hi sinh” của các anh không vô ích. Được sự góp sức của một người cháu trai, gia đình đang lần hồi gầy dựng lại từ đầu trong muôn vàn khó khăn vất vả. Những người đàn bà chất phát hiền lành nhưng cũng thật kiên cường này sẽ làm nên tất cả, tôi tin như thế!
Nhìn những trái bần non lấp ló trong tán lá xanh thẳm, tôi chợt ước: Ít nữa thôi, khi những trái bần này đủ lớn để nấu canh chua bần cá hói thì các anh đã quầy quần bên nồi cơm gia đình ấm áp, yên vui.
Ông cụ, bà cụ thăm hỏi gia đình, núm níu mãi rồi cũng phải đến lúc ra về. Những cái ôm, cái nắm tay, dặn dò ăm ắp sẻ chia. Mong rằng phiên phúc thẩm sắp tới sẽ diễn ra trong công khai và công lý sẽ thắng để các anh sớm trở về đoàn tụ và gây dựng.
Đường về, hoa cỏ may vướng vất níu chân người. Lòng lẫn lộn niềm vui, nỗi buồn miên man về những số phận, những con người bỗng dưng nổi tiếng trong một hoàn cảnh mà họ không hề mong muốn.
Ngà Voi Nguyên 26/6/2003
Bài trên Facebook
Đu đủ nhà anh Vươn. Ảnh: Ngà Voi Nguyên
Đu đủ nhà anh Vươn. Ảnh: KTS TT Vân
Hồi sinh đầm Vươn. Ảnh: Ngà Voi Nguyên
Hồi sinh đầm Vươn. Ảnh: KTS TT Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét