Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

ĐÔI MẮT CỦA LÒNG TRẮC ẨN

ĐÔI MẮT CỦA LÒNG TRẮC ẨN
(Bài viết của Bùi Ngọc Hải - Phó tổng biên tập Soha.vn)

Hơn 10 năm trước, tôi gặp nghệ sĩ guitare mù nổi tiếng Văn Vượng.

Khi tôi mang bài viết "Người ném bóng tối lại sau lưng" đến đọc cho ông nghe, ông đã khóc lặng đi rất lâu.

Ông bảo: Người mù thường ít khóc, vì có bao nhiêu nước mắt họ đã khóc cạn cả rồi. Tôi khóc không phải vì thương bản thân mình mà vì tìm thấy một sự sẻ chia, đồng cảm lớn.

Nhìn những dòng nước trắng đục chảy ra từ "hai hốc bóng tối" trên gương mặt có nhiều nốt rỗ đậu mùa (căn bệnh đã cướp đi đôi mắt ông năm 3 tuổi), tôi chợt giật mình: Ngay cả người mù tài năng như ông, cũng khó có thể ném được bóng tối lại sau lưng.

Quả vậy, dù đã nung nấu khao khát mấy mươi năm là có được người tài trợ vài chục triệu để ra một CD đầu tay, ghi lại những tác phẩm guitare tuyệt hảo của mình, nhưng phải đi đến chặng cuối của cuộc đời, Văn Vượng mới toại nguyện.

Sau nhiều năm cất tiếng kêu thảm thiết rằng chỉ thêm vài tuổi nữa thì tay sẽ run và những ngón đàn điêu luyện sẽ không còn nữa, Bộ Văn hóa mới "nhón tay" làm phúc tài trợ cho ông ra CD. Một ca sĩ thị trường vô danh mỗi năm cũng có thể ra 4-5 CD, nhưng Văn Vượng thì không. Ông thừa tài năng nhưng lại kém họ đôi mắt.

Nhân tài như Văn Vượng mà còn cả đời phải ngụp lặn trong vũng tối của những ước ao, khát khao nhỏ nhoi, thì những người mù bình thường làm sao vượt thoát được bóng tối?

Chuyến đi thiện nguyện tặng quà người mù của một nhánh Sống Hướng Thiện ngày hôm nay, các thành viên cũng đã chứng kiến những phận đời phải ngụp lặn đau đớn trong nghèo khó, bệnh tật, trong sự cô đơn và đâu đó là trong sự hững hờ của đồng loại.

Một bà cụ mù hơn 60 tuổi, chân què dở vì thấp khớp, vẫn phải một mình nuôi mẹ 112 tuổi. Buổi sáng, người con mù cắp làn lê bước ra chợ, thì ở nhà người mẹ 112 tuổi bị lửa bén vào người khi đang sưởi. Chiếc áo bông và chiếc khăn bông biến thành bó đuốc.

Khi trở về nhà, người con mù đau đớn thấy mẹ mình bò vào gầm giường để tránh lưỡi hái vô tình của bà hỏa. Một chiếc chân giường bị cháy theo. Người mẹ già khốn khổ cháy đen nửa người ấy được đưa đi bệnh viện 01 ngày thì bị trả về. Một tuần sau thì bà cụ trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại đứa con mù đã già trong căn nhà rách nát, cô đơn ấy.

Một bà cụ mù bước vào tuổi 60, hàng ngày vẫn phải đi vệ sinh nhờ nhà khác. Căn nhà 10m2 đi mượn ấy không có nhà vệ sinh. Nghề chằm nón kiếm được vài trăm ngàn/ tháng đã khó, lấy đâu ra tiền làm nhà vệ sinh. Những khi mưa, nước ngập vào tận sàn nhà và để làm cái việc thuộc về nhu cầu tối thiểu ấy, người em dâu ở cách mấy nhà phải sang dẫn mù lội nước sang nhà mình giải quyết.

Cầm trên tay chiếc phong bì 1.000.000 đ, bà cụ nói: Em chẳng khóc đâu. Nhiều người sáng mắt còn khổ, huống hồ là người mù chúng em. Cả đời em chưa lúc nào làm ra nhiều tiền bằng chiếc phong bì này.

Không thể kể hết "bóng tối" vây quanh người mù chỉ với một buổi sáng cưỡi ngựa xem hoa. Người sáng mắt, dù tinh tường đến đâu, cũng không nhìn thấu được khổ đau của những người mấy chục năm dò dẫm trong bóng tối. Nhưng dù cưỡi ngựa xem hoa, sáng nay, tôi đã thấy những giọt nước mắt của những cô gái rất trẻ du học Mỹ, tận dụng kỳ nghỉ hè ở Việt Nam để có dịp tận mắt sẻ chia với những số phận kém may mắn hơn mình; của những người đã có thâm niên cả chục năm làm từ thiện, của những bạn trẻ lần đầu tham gia một chuyến đi thiện nguyện.

Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay. Người bình thường sợ nhất không còn được nhìn bằng đôi mắt. Người đã mất đôi mắt lại sợ nhất bóng tối của sự cô đơn, cô độc giữa muôn người.

Mong rằng "đôi mắt của lòng trắc ẩn" của những thành viên Sống hướng thiện luôn luôn sáng để giúp những số phận đau khổ có thể "ném bóng tối lại sau lưng".

(P/s: Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến với người mù, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ là lần cuối cùng).

2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét