Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Toàn cảnh chương trình GLTT với gia đình thủ khoa nghèo ĐH Y Hà Nội: Vượt lên số phận


Chương trình “Gia đình thủ khoa nghèo ĐH Y giao lưu trực tuyến: Vượt lên số phận” đã kết thúc tốt đẹp. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã gửi câu hỏi giao lưu tới chương trình cũng như các vị khách mời đã gửi tặng tới gia đình bác Nguyễn Hữu Định, hai em Tiến và Tiền những món quà hết sức ý nghĩa.
Mọi đóng góp hảo tâm của độc giả cho gia đình bác Định xin gửi về địa chỉ sau:
Chị Hoàng Thị Thanh, thôn Động Phí, xã Phương Tú,  huyện Ứng Hòa, Hà Nội/ SĐT: 01646306160
Tài khoản ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp Việt Nam - Agribank 2207205142687/ Chi nhánh Agribank Ứng Hòa, Hà Nội/ Chủ TK Hoàng Thị Thanh
 9h sáng nay buổi GLTT với gia đình thủ khoa ĐH Y Hà Nội chính thức bắt đầu
9h sáng nay buổi GLTT với gia đình thủ khoa ĐH Y Hà Nội chính thức bắt đầu

Thu Trang - TP.HCM
Năm nay rất nhiều thủ khoa các trường đại học xuất thân từ các trường làng, Tiến suy nghĩ gì về điều này?
Em Nguyễn Hữu Tiến: Trong suốt những năm đi học các thầy cô ở trường đã giúp đỡ em rất nhiều, theo em thì học trường làng hay trường chuyên không quá quan trọng. Thành công bước đầu của em hôm nay có công rất lớn của các thầy cô. Qua đây em muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các thầy cô giáo đã dạy dỗ hai anh em chúng em.
Hoàng Hiệp - Hà Nội
Kỷ niệm nhớ nhất của Tiền với bố, mẹ là gì?
Em Nguyễn Hữu Tiền: Trước khi chuyển lên Hà Nội làm, bố em đi cưa ở Tây Bắc cùng một người quen trong làng. Thông thường mỗi năm bố chỉ về thăm nhà một lần. Trên đó có rất nhiều mận. Mỗi lần về thăm, bố thường mua cả tải về nhà. Nhà em chia cho hàng xóm như một món quà bố đi làm xa biếu các gia đình trong xóm.
Mẹ em là người phụ nữ của gia đình. Mẹ vất vả lo toan vun vén cho gia đình. Công việc của mẹ thường là làm việc vào ban đêm nên rất hại cho sức khỏe. Đặc biệt, vào những ngày mùa, sau khi làm từ tối đến sang mẹ lại tất tả ra đồng làm tới quá trưa. Em thương mẹ lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì ngoài việc cố gắng học tập thật tốt để sau này báo đáp cha mẹ.
 Đại diện của FPT shop phối hợp với Dell tặng quà cho thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến tại buổi giao lưu
Đại diện của FPT shop phối hợp với Dell tặng quà cho thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến tại buổi giao lưu

Thế Đăng - Phú Thọ
Ở nhà ai là người đi họp phụ huynh cho hai em Tiến và Tiền ạ?
Bác Nguyễn Hữu Định: Tôi vắng nhà thường xuyên, một tháng mới về nhà một lần nên vợ tôi là người đi họp phụ huynh cho hai cháu.
Bùi Hải  - Hà Nội
Gia đình vất vả, khó khăn như vậy thì Tiến thu xếp thời gian như thế nào để có thể phụ giúp công việc nhà mà vẫn đảm bảo được công việc học tập?
Em Nguyễn Hữu Tiến: Tự nhận thức được hoàn cảnh khó khăn của bản thân và gia đình, em đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ bố mẹ. Thời gian còn lại em dành tất cả cho việc học. Em coi việc học là bổn phận cũng như niềm vui của bản thân. Và thành tích em đạt được là những điều tốt đẹp nhất em mong muốn gửi tới bố mẹ và thầy cô, những người đã lo lắng cho em trong tháng ngày vừa qua.
Hoàng Hà - Huế
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Bác sỹ đa khoa có dễ kiếm việc không thưa thầy? Gia đình em Tiến rất khó khăn, thầy có lời khuyên gì cho Tiến trong quá trình học tập?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tú: Muốn theo đuổi nghề y, mỗi em phải bền bỉ phấn đấu, rất đam mê thì mới học tốt được. Đối với em Tiến tôi tin là em sẽ làm được, em sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, chắc chắn em là người rất bản lĩnh, biết vượt qua khó khăn. Tôi tin em sẽ thành công trong học tập và nghề nghiệp!
Sinh viên ĐH Y Hà Nội ra trường đa phần đều có việc làm ổn định ngay trong năm đầu, thậm chí những em có bằng giỏi, được học nội trú thì có cơ hội vào làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương. Nhà trường thường tiếp nhận đề nghị của nhiều cơ quan, tỉnh, bệnh viện xin các em.
Ví dụ, hôm qua bệnh viện Vimec gọi điện cho tôi, có yêu cầu tiếp nhận mấy chục bác sỹ tốt nghiệp ĐHY Hà Nội vừa ra trường. Đó cũng là cơ hội tốt cho các em.
Thanh Thảo – Hà Nội
Em đã có dự định gì cho việc học trong thời gian tới của mình chưa?
Em Nguyễn Hữu Tiền: Hiện tại khi chưa phải đi học, em tập trung học tiếng Anh và ôn luyện đề thi của lớp tài năng trường Bách Khoa. Trong năm đầu học tập em nghĩ sẽ khá vất vả cho việc học phân khoa. Em muốn học khoa Tự động hóa trong trường. Theo tư vấn của các anh chị thì khoa này khá là khó nhưng càng khó thì em nghĩ mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Thúy Nga - Nghệ An
Thưa thầy Tú, nếu thí sinh thi ĐH Y Hà Nội vào ngành Y Đa khoa đạt số điểm 27 điểm nhưng không đỗ. Vậy, có được làm hồ sơ xin chuyển sang ngành khác được không?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tú: Các em có cơ hội chuyển ngành khác nếu sau khi nhà trường gọi nhập học, các ngành khác thiếu chỉ tiêu đáng kể thì trường sẽ gọi NV2.
 Ca sĩ Đoàn Thúy Trang vô cùng xúc động khi được gặp gỡ, trò truyện với 3 bố con bác Định
Ca sĩ Đoàn Thúy Trang vô cùng xúc động khi được gặp gỡ, trò truyện với 3 bố con bác Định

Thúy An – TP.HCM
Đã bao giờ em cảm thấy nản lòng, muốn bỏ học để giúp đỡ bố mẹ chưa? Nếu có thì điều gì đã khiến em vượt qua?
Em Nguyễn Hữu Tiến: Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn song em nghĩ việc nản lòng và muốn bỏ học mới chính là điều làm bố mẹ em buồn lòng và thất vọng nhất. Chính vì vậy con đường học tập là con đường duy nhất mà em có thể giúp đỡ bố mẹ và bản thân. Đó cũng chính là động lực giúp em vượt qua tất cả những khó khăn mà mình đã gặp phải.
Dạ Quỳnh - Phú Thọ
Thưa chú Định, ngành Y là một ngành có thời gian học khá dài tới 6 năm. Chú có bao giờ muốn Tiến học một ngành khác để sớm ra trường, đi làm và đỡ đần gia đình gánh nặng kinh tế không ạ?
Bác Nguyễn Hữu Định: Các cháu đăng ký ngành học theo sở thích và nguyện vọng, và tôi tôn trọng quyết định của chúng. Bản thân tôi chưa từng nghĩ tới việc khuyên con gấp rút hoàn thành việc học để đi làm đỡ đần gia đình.
Nguyễn Thị Hồng Trang – Hà Nội
Chào Tiền, hai em có kỷ niệm nào đặc biệt trong quá trình ôn luyện vào đại học không? –
Em Hữu Tiền: Do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, bố mẹ em đi làm vất vả nhưng số tiền kiếm được không bao nhiêu. Chính vì vậy hai anh em không đi học thêm bên ngoài mà tập trung ôn tại nhà, trừ những buổi học thêm do nhà trường tổ chức. Hai anh em đã xin bố mẹ tiền mua một tập đề thi thử đại học và cùng cùng ôn luyện. Hai anh em thường ngồi làm và cùng nhau so sánh kết quả xem điểm của ai tốt hơn. Đa phần trong những lần này anh Tiến đều là người giành được điểm cao hơn.
Buổi sáng, ngoài giờ lên lớp, chúng em thường giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. Thời gian học tập buổi sáng không có nhiều, chủ yếu học tập vào buổi tối. Nhiều hôm học tập mệt mỏi, hai anh em ngủ gục trên bàn học. Những lúc như vậy, một trong hai người sẽ có nhiệm vụ đánh thức người kia dậy học tiếp.
Lạc Trung - Hà Nội
Kính thưa Hiệu phó ĐH Y Hà Nội, từ trước đến giờ trường đã có thí sinh nào thủ khoa của trường lại có hoàn cảnh khó khăn như nhà em Tiến hay chưa? Người bố làm thuê 10 năm trên Hà Nội, mẹ ở quê vặt lông vịt thuê, làm ruộng nuôi con ăn học?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tú: Nói chung, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở trường ĐH Y Hà Nội thì năm nào cũng có, mỗi năm có đến hàng chục học bổng ngoài ngân sách cho sinh viên nghèo. Có sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ sống với ông bà hoặc chỉ có bố hoặc mẹ, nhiều gia đình rất khó khăn… Tuy nhiên, trường hợp của em Tiến khá đặc biệt, tôi thực sự cảm thông, cảm phục với gia đình em và sự cố gắng của Tiến.
 Anh Tào Đức Hiệp trao quà cho hai em Tiến và Tiền
Anh Tào Đức Hiệp trao số tiền 5 triệu đồng cho hai em Tiến và Tiền

Lan Anh – Hà Nội
Phía trước còn rất nhiều chông gai, áp lực của một thủ khoa và cả những áp lực khi được mọi người quan tâm và đặt kỳ vọng... Tiến có những dự định gì để mình vượt qua những áp lực ấy và không phụ sự mong đợi của mọi người?
Em Nguyễn Hữu Tiến: Hiện tại em cảm thấy khá áp lực với những kỳ vọng của mọi người. Nhưng em hy vọng với sự cố gắng của bản thân và những kinh nghiệm của em từ trước tới nay, em sẽ không khiến cho gia đình và những người tin tưởng em thất vọng.
Sắp tới lên nhập học, em sẽ ở cùng với 2 chị gái để các chị bảo ban và cũng giảm chi phí cho gia đình. Em không có ý định ở trong KTX của trường vì như bố mẹ em nói thì ở trong KTX giá rẻ nhưng chi phí ăn uống cũng khá cao.
Hoàng Hiển - TP.HCM
Sau khi phóng sự cùng loạt ảnh bác ngủ trong ống cống lên báo, cuộc sống của bác những ngày sau đó có thay đổi gì không ạ?
Bác Nguyễn Hữu Định: Sau khi loạt ảnh về việc tôi sống trong cống được đăng tải đã có rất nhiều người tới thăm hỏi và động việc tôi cũng như gia đình. Cũng có nhiều người tới chỗ tôi vá xe hơn.
Tôi thực sự xúc động và biết ơn trước sự quan tâm, tình cảm mà mọi người dành cho gia đình tôi.
 Hot girl Hà Lade trao quà cho hai em Tiến và Tiền
Hot girl Hà Lade trao quà cho hai em Tiến và Tiền

Hương Tiên - Hà Nội
Thưa chú, không biết nhà trường đã có chính sách nào để giúp đỡ một thủ khoa có hoàn cảnh như Tiến theo đuổi trọn vẹn con đường học vấn? Với tư cách cá nhân, chú có thể có những tác động nào để giúp đỡ Tiến?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tú: Nhà trường sẽ có phần thưởng vật chất dành cho các em thủ khoa, nằm trong chính sách của nhà trường để động viên các em. Tuy nhiên, các em cũng phải xác định đây là bước đầu tiên, còn một con đường rất dài, chông gai, khó khăn trước mắt, vì vậy chưa nên bằng lòng kết quả của mình.
Bên cạnh đó, nhà trường có rất nhiều loại học bổng cho những sinh viên xuất sắc, sinh viên nghèo nhưng học giỏi. Sau khi vào trường, tôi mong các em tiếp tục phấn đấu học tập tốt để có những học bổng ngoài ngân sách của nhà trường từ tổ chức xã hội, công ty, đối tác nước ngoài…
Mỗi năm Trường có gần 100 xuất học bổng ngoài ngân sách dành cho các em. Đối với học bổng trong ngân sách của nhà trường theo Quy chế của Bộ GD khoảng 13-15% em có thành tích cao được nhận.
Trường cũng sẽ ưu tiên cho em được ở trong ký túc xá trong 6 năm học, thuận lợi cho học tập và giảm thiểu chi phí.
Minh Anh - Đà Nẵng
Đã bao giờ có ai khuyên chú là nên cho các con nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy chưa ạ? 
Bác Nguyễn Hữu Định: Vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đã có rất nhiều người từng khuyên tôi cho các con nghỉ học, đi làm đỡ đần cho gia đình. Thế nhưng chưa bao giờ tôi có ý định như vậy mà luôn động viên các con cố gắng học tập tốt.
Thành Chung – Đà Nẵng
Là hai anh em sinh đôi, em thấy giữa em và anh Tiến có những điểm chung, điểm riêng gì? Hai anh em đã bao giờ cãi cọ nhau hay tranh luận gay gắt chưa?
Em Nguyễn Hữu Tiền: Hai anh em có khá nhiều điểm chung trong cả tính cách và lối suy nghĩ. Nói chung theo nhận xét của mọi người hai anh em sống khá nội tâm, ít nói, ít cười. Khi đến trường thì hai chúng em thường tập trung vào việc học, ít đi đi chơi cùng bạn bè. Nhìn ngoại hình, hai anh em khá là giống nhau nhưng có đặc điểm riêng để phân biệt hai anh em là trông anh Tiến gầy hơn một chút và có một vết bớt trên má trái.
Tranh luận thì hai anh em tranh luận khá nhiều nhưng không nhiều lần gay gắt. Chủ yếu là xung quanh vấn đề liên quan đến học tập. Vì ai cũng muốn giữ quan điểm của mình nên cả hai không nhường nhịn nhau. Tuy nhiên, để đến mức “không nhìn mặt nhau” thì chưa bao giờ xảy ra.
Lê My – Hà Nội
Nếu trong thời gian tới, em nhận được học bổng đi nước ngoài thì em có  đi không? Hai anh em có nghĩ đến việc sẽ làm thêm sau khi nhập học không?
Em Nguyễn Hữu Tiến: Hiện tại hiểu biết về học bổng của em không nhiều nên nếu là học bổng toàn phần và không đặt gánh nặng kinh tế lên vai gia đình thì em sẽ đi học.
Em nghĩ rằng việc đi học sẽ giúp cho em trở thành một người bác sĩ có khả năng và kiến thức tốt hơn để thực hiện những dự định và mong muốn của em từ trước tới nay.
Em sẽ đi gia sư sau khi nhập học. Hiện tại cũng đã có một vài lời đề nghị em dạy giúp từ những phụ huynh tại Hà Nội.
Hoàng Hải - Phú Thọ
Trong suốt quãng thời gian chú phải sống trong điều kiện rất khó khăn ở thành phố để nuôi 2 em, có khi nào chú muốn từ bỏ tất cả không và kỉ niệm nào in sâu trong tâm trí chú nhiều nhất? 
Bác Nguyễn Hữu Định: Tôi bắt đầu lên Hà Nội làm việc với 2 bàn tay trắng, cuộc sống cơ cực, nhiều vất vả. Không có tiền để thuê nhà, tôi phải sống nhờ các chốt bảo vệ của các tòa nhà, vỉa hè, cống hoang...
Thời gian đầu khi lên Hà Nội, tôi sống ở khu vực Cầu Giấy suốt 3 năm liền nhưng sau đó xuất hiện các thanh niên bặm trợn, họ đến gây rối đập phá, vứt bỏ đồ đạc của tôi đi. Tôi chuyển sang sống ở các công trường xây dựng, nhiều người làng lên làm công nhân trên đó thấy thương, nên cho tôi ở nhờ trong lán nhưng về sau bị ban quản lý phát hiện tôi lại phải tìm chỗ khác.
Ban đầu tôi làm nghề bốc vác, ai thuê gì thì làm nấy, mãi sau này tôi tự lần mò học nghề vá xe và theo nghề này cho đến bây giờ.
Mỗi khi cảm thấy chán nản, mệt mỏi chỉ cần nghĩ tới các con tôi lại có thêm sức mạnh để tiếp tục lao động.
Đang giao lưu trực tuyến với gia đình thủ khoa nghèo ĐH Y Hà Nội: Vượt lên số phận
Bác Nguyễn Hữu Định trò chuyện cùng các nhà hảo tâm

Hoàng Huyền - Hải Dương
Tiến có bất ngờ không khi biết mình là thủ khoa của trường Đại học Y Hà Nội? Ai là người đầu tiên em báo tin vui này?
Em Nguyễn Hữu Tiến: Thực sự em rất bất ngờ khi là thủ khoa trường ĐH Y HN, vì thủ khoa ĐH Y thường là 30 điểm. Đầu tiên bạn của em báo cho em biết rằng em là Á khoa của trường chứ không phải Thủ khoa. Sau đó thầy giáo chủ nhiệm đã báo thông tin chính thức cho bố mẹ em. Khi biết mình đúng là Thủ khoa thì người đầu tiên em gọi là cô giáo của em.
Minh Vi - TP.HCM
Trong mắt của bạn, bố là người như thế nào?
Em Nguyễn Hữu Tiền: Bố em  là một người yêu thương con. Bố đã trải qua nhiều vất vả, dành dụm tiền để lo cho con cái ăn học, điều này khiến em rất cảm động. Em hy vọng mình có thể học tập chăm chỉ để sau này  giúp đỡ bố mẹ được nhiều hơn trong cuộc sống.
Đang giao lưu trực tuyến với gia đình thủ khoa nghèo ĐH Y Hà Nội: Vượt lên số phận
Á hậu Dương Tú Anh tham gia buổi GLTT cùng gia đình bác Nguyễn Hữu Định

Cô giáo Ngô Anh Thơ - đại diện nhóm từ thiện "Vì ta cần nhau"
Cô giáo Ngô Anh Thơ – nguyên giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thành viên nhóm từ thiện “Vì ta cần nhau”, đại diện trang fanpage https://www.facebook.com/HotroNguyenHuuTien do anh Nguyễn Hòa Bình (đang ở Hàn Quốc) lập nên kêu gọi tấm lòng hảo tâm ủng hộ gia đình thủ khoa ĐH Y Nguyễn Hữu Tiến.
Tham dự buổi giao lưu sáng nay (13/08), cô Ngô Anh Thơ cho biết: “Trang fanpage mới lập được vài ngày nhưng đã có nhiều người ủng hộ tiền mặt, hỗ trợ chỗ ở, đó là những người có tâm. Bản thân tôi thấy tự hào, rất vui về quê hương mình, em Tiến thủ khoa đã tuyệt vời, lại hoàn cảnh nghèo như vậy, tôi thấy cảm phục quyết tâm của hai em và bố, mẹ em ấy”.
Cô Anh Thơ cũng chia sẻ, khi đọc bài viết về cuộc sống mưu sinh của bố em Tiến, cô rất xúc động và cảm thấy thương, cảm phục ý chí tuyệt vời của con người. Những người vì con, muốn đổi đời cho con, muốn cho con có cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Sự lan tỏa và ảnh hưởng của bài báo đã kết nối cộng đồng khắp cả nước. Sáng nay, tôi ra ngoài ngõ, một cụ hàng xóm 85 tuổi hỏi tôi đi đâu, tôi nói đi trao phần thưởng cho em thủ khoa nghèo. Cụ nghe rồi đưa tôi 100 nghìn ủng hộ cho gia đình hai em. Tôi rất vui vì được đại diện các nhà hảo tâm trao tận tay cho gia đình em Tiến, trong thâm tâm tôi mong hai anh em có thể hướng đến tương lai, phát triển tài năng của mình”, cô Anh Thơ tâm sự.
Anh Lê Hoàng Dũng (Giám đốc Thẩm định Công ty CP Thực phẩm định giá IVC Việt Nam)
Từng tham gia nhiều chương trình thiện nguyện và đã truyền lửa cho không ít bạn trẻ để các bạn có hướng đi đúng trên con đường mình đang chọn, anh Dũng cũng muốn mình sẽ truyền ngọn lửa nhiệt huyết ấy để thắp sáng hơn nghị lực của Tiến.
Hỗ trợ ăn ở miễn phí và chương trình học tiếng Anh trong vòng 01 năm cho Tiến, với anh Dũng đó là cái duyên.
Tham dự buổi giao lưu trực tuyến với gia đình thủ khoa nghèo đại học Y “Vượt lên số phận”, anh Lê Hoàng Dũng chia sẻ: “Nếu tôi không hỗ trợ Tiến thì cũng sẽ có rất nhiều người hỗ trợ em. Tôi kì vọng nhiều ở em sự vươn lên và thành công không chỉ trong học tập mà cả trong cuộc sống. Bởi lẽ phía trước em còn rất nhiều khó khăn cũng như những áp lực khi em là thủ khoa và được sự kì vọng của rất nhiều người. Đại học Y Hà Nội là môi trường rèn luyện rất tốt để Tiến có những bước tiến xa hơn. Nhưng bản thân tôi vẫn luôn hy vọng, sau một năm, Tiến sẽ giành được học bổng toàn phần và có cơ hội đi du học để ước mơ của em bay xa hơn. Thiết nghĩ, em cũng đã có cho mình những định hướng ấy. Và tương lai của em là do chính em quyết định.
Hỗ trợ em, tôi không bao giờ nghĩ em và gia đình sẽ phải mang ơn mình mà tôi mong em sẽ đem chính nghề của mình để giúp đỡ nhiều hơn những số phận khác kém may mắn trong xã hội này.
Qua đây, tôi cũng mong Nguyễn Hữu Tiền là em trai của Tiến sẽ có thêm nhiều động lực để phấn đấu và cùng anh trai mang “tiếng thơm” về với gia đình và báo hiếu bố mẹ”.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng 4 anh chị em nhà Tiến đều rất chăm ngoan và không ngừng phấn đấu trong học tập. Trong kỳ thi đại học vừa rồi, Nguyễn Hữu Tiến đã đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội với tổng điểm 29,5; người em sinh đôi của Tiến là Nguyễn Hữu Tiền cũng đỗ ĐH Bách Khoa với số điểm rất cao, 26 điểm. Trước Tiến còn 2 người chị nữa hiện cũng đều đang học đại học và cao đẳng trên Hà Nội.
Bác Nguyễn Hữu Định người cha của bốn người con chăm ngoan, hiếu học suốt mười năm nay lấy vỉa hè làm nhà, bươn trải với nghề sửa xe, bơm vá, rồi cả nghề bốc vác ngoài Hà Nội hơn 10 năm trời, dành dụm từng đồng tiền ít ỏi để lo cho các con.
Đến tham dự chương trình Á hậu Dương Tú Anh - một sinh viên báo chí - còn thử tác nghiệp, trước những câu hỏi và tình cảm của Á hậu bác Nguyễn Hữu Định không cầm được nước mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét