Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (05)

 CHUYỆN ĂN CỦA CON


Ăn là vấn đề nan giải đối với con. Khi con 6 tháng tuổi mẹ phải đi làm, nhà con chuyển về ở nhà ông ngoại cho mẹ tiện đi làm và có bác giúp việc cũng như nhiều người chăm sóc con. Con bắt đầu phải ăn dặm tức là ăn bột và bú bình. Mỗi lần cho con ăn là cứ phải 3-4 người xúm lại múa hát, hò hét các kiểu để cho con ăn.


Cứ bú bình là mím chặt mồm lại.

Nhét được vào mồm thì lại bắt đầu khóc.

Và phun hết ra ngoài.

Bác Nguyệt cho con ăn là hiệu quả nhất.

Sau này khi con biết biết chút ít thì phải mang ông cảnh sát tóc dài, ông ba bị, ông ngóa ộp vô hình hay bác Tuấn, chú Nam, hay các cô chú sinh viên trọ cạnh nhà hay bạn nhện chăng trên tường để con sợ con ăn. Bác Nguyệt là người cho con ăn hiệu quả nhất, bà có cả một video quay buổi ăn của con, xem lại buồn cười lắm. Bác Nguyệt thì hò hét quát tháo, em Ớt thì trồng cây chuối, nhảy lộn cho con xem và nuốt bột. Thậm chí còn phải mang con ra đường để con chú tâm vào việc gì đó và ăn như một cái máy. Vẫn biết là không khoa học nhưng con ăn được thì cả nhà mới yên tâm. Chả bù ngày xưa bố con ăn ngoan lắm, cả chú Linh cũng thế, 14 tháng chú tự ngồi xúc bột ăn rồi.

Thường bác Tuấn hay sang vào giờ con ăn. Bác chẳng làm gì, chỉ nhìn con chằm chằm làm con sợ phát khiếp mà há mồm ra ăn. Có lần con cũng cúi mặt xuống không nhìn bác Tuấn nhưng lí nhí bảo “Bác Tuấn về đi”. Bắt đầu biết phản kháng rồi đấy. Hơn tuổi, con còn biết ăn mía, ăn cam quýt, chít lấy nước nhả bã ra, dưới con mắt của bà, con thật là tài con ạ.

Giống như mọi đứa trẻ, con rất thích bim bim. Đầu tiên bà cũng thỉnh thoảng cho con bim bim để con tập nhai và để dỗ con ăn bột. Hạn chế lắm nhưng đôi khi con cứ đòi bà lại chiều. Đúng là “cháu hư tại bà”! Con dắt bà đến quầy hàng, lấy một gói bim bim, bà đưa tiền con trả người bán hàng rồi ôm bim bim sung sướng ra về. Có lần vào cửa hàng con hỏi “Bác có susu không?” làm cô bán hàng thán phục ghê lắm vì con mới chỉ có mười mấy tháng tuổi thôi. May quá, bác T.A. mách cho cửa hàng Hàn Quốc bán Rong biển chế biến ép khô ăn thay thế cho bim bim, đắt tí chút nhưng an tâm hẳn. Cái chính là con cũng thích món này. Suốt ngày Rong biển, Rong biển.

Con thích ăn các đồ ngọt, cam, quýt, na, bưởi, dưa hấu, nhãn, vải ăn được hết và còn biết nhần hạt rất điệu nghệ. Con sợ của chua, quả lê bà ăn thấy ngọt thơm nhiều vị mà con lại sợ chắc vì ăn đúng chỗ chua mặt nhăn như khóc í. Các vị cay con cũng nhận ra rất giỏi. có lần ăn bim bim ngoài bao đề không cay, khi ăn con kêu cay, bà không tin ăn thử thấy đúng là cay thật. Chắc họ đóng nhầm.

Đi học về, là miệng của con liên tục làm nhiệm vụ, đầu tiên có thể một đùi gà luộc, một xiên thịt nướng hay là quả trứng lộn, sau là uống sữa, ăn váng sữa và các loại hoa quả con nhìn thấy. Mãi tối mới ăn bữa chính. Con đang tuổi ăn nên thấy con ăn được bà cũng mừng mừng.

Hôm nay bố mẹ con bận việc đưa con ra nhà ông bà. Con ở ngoan và chuyện ăn uống cũng không làm bà phiền lòng. Sáng ăn một cốc cháo dinh dưỡng, giữa buổi ăn một quả na và một hộp váng sữa. Rong biển thì liên tục. Buổi trưa con cũng ăn gần hết bát cháo to gồm ba thứ mẹ chuẩn bị sẵn, bà chỉ việc đun thật ký cho con ăn. Đi chơi được bà trong xóm cho chiếc bánh Chocopie con cũng ăn gần hết. Lát nữa bà cho con thêm một cốc váng sữa và đến tối lại một bát cháo và ăn chút cơm với ông bà là xong một ngày. Bà chỉ mong con hay ăn chóng lớn khỏe mạnh nên người thôi.

Tập trung vào ăn.

Con tự xúc được rồi nè.

Biết chỉ món mình muốn ăn rồi.


Chỉ muốn lấy hai tay thật đầy

Và nhét hết vào mồm.

Thay cho bim bim bà mua rong biển Hàn Quốc cho con và là đồ ăn con yêu thích đấy.

 Ngày bé lười ăn là thế, đến lúc từ hai mươi tháng trở lên thì chẳng hiểu sao hình như con có tính tham ăn thì phải. Thấy có bánh kẹo, bim bim, rong biển là đòi ăn ngay mà ăn thì phải cầm cả hai tay, tay nào cũng phải có và cho tất cả vào mồm nghiến ngáu. Ông nội cứ bảo “Ôi, con gái thì phải thùy mị nết na chứ! Lớn lên mà có tính dư lày ai mà yêu cho được”. Chắc chắn phải rèn con cho nề nếp rồi.



Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (04)

CON HỌC NÓI

Tám tháng là con đã biết “ạ” chào mọi người. Chín tháng nói gì con có vẻ hiểu hết, đã biết “O”, “A” theo người khác. 10 tháng con biết bye bye chào mọi người khi chia tay. Chơi ú òa với em Ớt cũng biết nói ú òa theo em làm mọi người khá ngạc nhiên.


Bye bye!

Hơn 11 tháng tuổi, có lần con chơi/nghịch đàn, con còn cất tiếng gọi “Bà ơi!” đầu đời làm bà sung sướng lịm người mãi. Rồi con biết nghe nhạc, đập chân, tặc tặc lưỡi theo nhạc ra dáng lắm. Bà vẫn còn lưu video ghi hình con học nói và nghe nhạc đấy. Cứ nghe thấy tiếng nhạc ở đâu là con nhảy nhót, đong đưa theo nhạc. Có lần nhà ngoại con có việc mời thấy cúng đến, mọi người quỳ lễ chắp tay thành tâm nghiêm trang, riêng con nghe thầy cúng lấy cái chũm chẹ xèng xèng đập vào nhau chập chập cheng cheng, con cứ nghĩ là chơi nhạc, liền nhảy sex luôn làm mọi người phải cắn răng bấm bụng cho khỏi phì cười. Giờ nhắc lại mà bà vẫn cười chảy nước mắt đấy.

Ngày con 11 tháng 1 tuần con gọi hai chữ "Bà ơi!" đầu tiên đấy.

Ảnh từ video Cún đập chân tặc lưỡi nghe nhạc.

Con có trí nhớ khá tốt. Có những chuyện xảy ra hàng tuần, thậm chí hàng tháng, nói lại con vẫn nhớ. Hồi con 1 tuổi, xem ti vi chương trình động vật hoang dã, mỗi khi thấy con đại bàng bay trên màn hình, con đều kêu “Á á á...á...!”. Về nhà kể lại cho ông nội và chú nghe. Hàng tuần sau, khi nhà Cún ra chơi, chú bảo bà thử hỏi khi Cún thấy con đại bàng thế nào đi. Chưa kịp hỏi, con đã “Á á á...á...!” làm cả nhà đều buồn cười.

 Một buổi sáng bác Nguyệt mua cho ông ngoại cái mũ, con chơi một hồi cất đâu bà không biết, lúc ông về bà bảo bác Nguyệt mua cho ông mũ nhưng không biết Cún để đâu. Không nói không rằng, con chạy vào góc nhà lấy chiếc mũ ra bảo “Đây!”.

15 tháng con bi bô nhiều chuyện lắm. Hai bà cháu sau giấc ngủ trưa thường hay nằm trên giường trò chuyện các kiểu. Bà kể chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” xong hỏi lại “Cô bé quàng khăn đỏ đi trong rừng vừa đi vừa hát thế nào?” là con lại “Là lá la la là lá la...”. Hỏi tiếp “Thế con sói sau khi nuốt hai bà cháu cô bé quàng khăn đỏ, nó nằm ngủ nó ngáy thế nào?”, con nhắm mắt lại và  “Khò...khò...khò...” y như sói í. Còn sau khi kể chuyện “Hai con dê”, bà hỏi “Có hai con dê, một con mầu gì?”, con bảo “Trắng”. “Thế con dê kia mầu gì?”, con lại bảo “Trắng”. Bà nhắc “Mầu đen chứ”. “Không, màu trắng”- con cứ khăng khăng làm bà phải nhượng bộ “Ừ, thì cả hai con dê đều mầu trắng”. “Thế hai con dê này đi trên một cái gì?”. “Cái cầu”- con đáp lại nhanh chóng. “ Hai con dê không con nào chịu nhường con nào, kết quả là sao?”. “Ngã lăn tòm xuống sông”- Con thích chí cười trả lời. “Con có yêu hai con dê không?” - “Không”. Chả biết ở tuổi con đã hiểu hết ý nghĩa nội dung câu chuyện không, nhưng bà vẫn muốn có nhiều thời gian ở bên con, kể cho con nhiều câu chuyện như thế.

Hai bố con.

Hai mẹ con

Hai chị em.

Hai anh em.

Giờ thì con nói khá rõ ràng và thành câu dài đầy đủ thành phần ngữ pháp trong câu nữa. Muốn đi chơi biết hỏi "Bà nội có đi chơi với Cún không?", Muốn mở gói bim bim hay gói bánh là biết yêu cầu "Bà mở cho con!". Bà bắt phải thêm chữ "ạ " sau câu yêu cầu thì mới mở. Con biết quan tâm đến mọi người và luôn mồm "Bà nội/Bố/Mẹ đang làm gì đấy?" Hay "Bố giặt phơi quần áo cho Cún à?" "Cho con ra sảnh chơi với chị Mít đi"..... Đôi khi cũng nói trống không " Uống sữa!", "Bim bim!". Bà phải nhắc con nói thế nào thì mới nói "Bà cho con uống sữa ạ". Đưa cho định cầm luôn bà bảo con phải nói thế nào, thì cũng biết nói con xin bà ạ. Hôm ông bà vào chơi, thường thì bảo chào ông bà là chào ngay, nhưng lần ấy con cứ nhìn ông bà cười. Bố mẹ nhắc mãi con mới chào bà, Đến khi chào ông thì lại cười, bà phải làm động tác khoanh tay chào ông thì mới chịu chào theo. Bao giờ thì con biết khi gặp ai đến nhà chơi biết tự động chào nhỉ? Bao giờ cho con biết thưa gửi nói năng lịch sự lễ phép .đây? Phải dạy và uốn nắn thôi.

Thế mà chỉ một lúc sau là bi bô đủ điều, giở sách có tranh hỏi gì cũng biết. Còn hát thì luyên thuyên hết bài này sang bài khác tùy ý và còn biết vỗ tay nghẹo đầu bên trái bên phải trông rất ngộ và đáng yêu. Những lúc bà nhắc tên bài hát hoặc câu đầu tiên của bài là hát tiếp theo chứ không bắt đầu đâu. Đôi khi hát cũng lộn xộn lắm, nhớ được gì hát nấy. Hy vọng lớn thêm chút nữa sẽ hát gãy gọn đàng hoàng hơn.

Hát hết bài này đến bài khác.

Biết chỉ các hình ảnh và nói tên các vật.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (03)



TÍNH CÁCH VÀ NGOẠI HÌNH

Kể từ sau chuyến thừ thiện 29-30/8/2013, bà ngày nào cũng vào chăm sóc mẹ con con ở khu đô thị Xa la. Nói là chăm sóc chứ bà chỉ có mỗi việc nấu cơm hai bữa và giặt quần áo cho con vì hồi ấy con chỉ có việc duy nhất là bú ti mẹ thôi. Trộm vía mẹ con khá nhiều sữa nên cũng nhàn. Có mỗi điều mẹ con lúc nào cũng khư khư ôm con, khi nào con oe oe cái, mẹ lại có ti nhét vào miệng con là con im re. Cứ thế nên con bện hơi mẹ lắm. Có lần mẹ con đi thi tốt nghiệp cả ngày, bà ở nhà đúng là đánh vật với con. Con chẳng thích bú bình chỉ khóc. Giá là bây giờ thì con đã luôn mồm: “Mẹ Hằng đâu? Mẹ Hằng đâu rồi?”. Giá là bây giờ thì con tự tay mở tủ nói "Cún uống sữa" và tự tay bê cả hộp uống một lèo. Bà hết nựng con ru con mà chẳng mấy hiệu quả. May mà buổi trưa mẹ tranh thủ về cho con ti tí.

Bà chỉ nắm tay con say Hello là con nhoẻn miệng cười.

Bà nhớ con chỉ thân với bố mẹ và bà nhất thôi. Con chuyện trò với bố trông rất chi tình cảm. Mỗi khi bà đến hay về bà nắm tay con chào “Hello” hay “Good bye” là con có khi đang bú mẹ cũng ngoảnh ra toe toét cười đáp lại. Có lần ông ngoại đến, ông để râu dài, con nhìn lạ, sợ khóc thét lên. Chả bù giờ mỗi khi ôm ông ngoại con lại thích thú, âu yếm vuốt râu ông. Mà chả cứ ông ngoại, với người lạ con chẳng theo chẳng cho bế. May sau này con chuyển về ở nhà ngoại có nhiều người nên con cũng quen dần. Khi đã quen và lớn thêm chút nữa thì con lại bạo dạn quá mức. Như bố con hồi nhỏ, đến nhà ai cũng tự nhiên như ở nhà, đôi lúc làm bà thấy ngại quá.

Chuyện trò với bố.

Con được 3,5 tháng đấy.

Bé nhưng trông khá là có cá tính.

Khi đẻ con ra, tóc con mềm mại lắm. Thế nhưng từ sau lần cắt tóc đầu tiên, tóc con chẳng hiểu sao cứ dựng đứng như quả chôm chôm. Có lúc tạo thành bờm ngựa giống hệt bố con hồi bé. Con giống bà máu nóng, hơi tí là mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bởi thế tóc hơi dài tí lại phải cắt trọc. Mãi rồi tóc con cũng để dài ra và buộc túm được, nhưng con hay kéo bỏ chun đi chắc vì khó chịu. Các nét trên khuôn mặt con thanh tú rất con gái nhưng cái đầu luôn trọc lốc nên hầu hết mọi người lại tưởng con là con trai. Mà tính cách hiếu động của con cũng giống con trai đến mức đi đâu chơi người ta đều bảo bà mụ nặn nhầm con rồi.

Cứ làm như biết đọc thật í.

Con là Huyền Thư, bà mong con sẽ yêu sách, thích đọc sách ngay từ nhỏ xíu. Lúc hai tháng rưỡi, con đã có thể cầm sách (thực ra là bà ấn sách vào tay con) và giữ khư khư, mắt chăm chú nhìn như thể biết đọc vậy. Thế mà lúc con một tuổi ngoài vài bức hình hy hữu con xem sách làm như là đọc í, hầu hết con toàn xé sách, xé giấy làm bà cứ lo lắng sợ sau này lớn lên con không thích đọc sách. May sao nhớn nhớn tí chút thì con cũng thích dùng bút vẽ linh tinh và cũng thôi không xé sách nữa.


Chơi một lúc là sẵn sàng xé ngay.

Xem Ipad của bố.

Tuy đẻ ra con có 2,6 kg, nhưng trộm vía con phát triển bình thường, hơi chậm tí so với nhiều đứa trẻ. Năm tháng con mới lẫy thành thạo, tám tháng mới biết bò, 10 tháng mới biết đứng, vịn vào xe đẩy tập đi. Mãi 13 tháng con mới đi được. Giờ thì chạy nhanh bà chạy theo không kịp. Em Kẹo hàng xóm bé như cái kẹo, trông còi cọc bé tí nhìn cứ thương thương, thế mà 12 tháng bé đi nhanh phết. Ngay như em Gia Bảo con chú Tuấn đẻ sau con hơn tháng, có 9 lạng thôi mà giờ cũng đã chập chững đi được mấy mét rồi. Các cụ nói cấm có sai “Có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn” mà.

Con là người bảo thủ cứ giữ khư khư ý kiến của mình. Mẹ là người chăm bẵm lo cho con từng tí, chú ý thay đổi bữa ăn cho con khỏi chán, mua cho con bao nhiêu sữa các loại, chẳng mấy ngày lại không mang về cho con bộ quần áo mới mặc dù con có cả một tủ chật đầy quần áo. Tuy thế hỏi con yêu ai nhất, còn toàn trả lời yêu bố nhất. Ngay cả đang ti mẹ hỏi yêu ai thì vẫn cứ bố nhất. Thỉnh thoảng lắm mẹ với bà mới được con nói yêu. Vụ này chỉ có bố là người sung sướng nhất con nhỉ. Giờ lớn lên hỏi yêu ai, con vẫn nói yêu bố, ai nữa, con nói yêu mẹ, yêu ai nữa, con bảo yêu Ớt (là em con cậu ruột của con), hỏi yêu bà không thì lại bảo không. :( Bà làm bộ rỗi bảo thôi bà về đây, thì con lại vội nói "Con yêu bà". Dù có bị cưỡng ép nhưng bà vẫn thấy vui. :) Nhất là khi bà về thật thì con cứ ôm bà khư khư không cho về, bà vào thang máy rồi vẫn nghe con khóc theo ở ngoài mà thấy thương thương quá. Ước gì cả nhà mình ở chung một chỗ để lúc nào bà cũng được gần con chăm con thôi!

Con cũng láu tôm láu tép nữa. Lúc nào cũng thích vặn các nút, các vòi, nhất là vòi nước. Cứ đi qua vòi nước là lại lấy cớ rửa tay rửa tay để tranh thủ nghịch. Bà biết tỏng bài của con nên chỉ khi nào tay cần rửa thật thì mới cho đi rửa tay. Một hôm không hiểu sao tự dưng con lại gọi "Bà ơi, cháu yêu bà lắm!". Rất có thể con vận dụng từ câu "Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm" của bài hát "Cháu yêu bà" nhưng hôm ấy bà cũng thấy rung ring và bà cũng yêu con thật nhiều, con ạ. Quả thật bà thấy con cũng rất tình cảm nhé. Ra nhà ông bà, con luôn thể hiện tình cảm yêu quý ông bà. Đi ngủ hay thậm chi cho con đi tè đều kén chọn bà cơ. Đang chơi thấy ông về cũng ra theo ông đòi ông bế. Chỉ nho nhỏ thế thôi, nhưng nhận được tình yêu con trẻ, ông bà thấy thật cảm động vui sướng.

Được lên sân thượng là sung sướng.

Và thích nhất được vặn vòi nước.

Vào cửa hàng dành cho trẻ em là leo tót lên một chiếc xe đạp.

Từ ngày kết nối với camera lớp học con, bà lúc nào cũng mở ngày mấy lần để ngắm con cho đỡ nhớ. Quan sát thấy con vui đùa bà cũng yên tâm nhưng cũng thấy hơi lo lo. Con hiếu động quá luôn chân luôn tay không để yên lúc nào. Trong khi các bạn ngồi yên trên ghế thì con đá bóng hết góc này sang góc kia, cô bắt ngồi ghế chỉ được một lát lại chạy ra với đồ chơi trên giá nghịch ngợm. Bà chỉ lo con thành học sinh cá biệt thì chết. Nghĩa là phải rèn con theo kỷ luật giờ gì việc ấy chứ không thể tự do vô kỷ luật được đâu. Tuy vậy cũng có lần bà thấy cuối giờ học con cũng biết thu dọn đồ chơi cho vào rổ để lên giá gọn gàng. Hay sau giờ học bà cho chơi dưới tầng một, chơi bóng, lái ô tô và trượt cầu trượt. Bà để ý thấy con nhìn thấy rác là nhanh chóng lấy rổ nhặt nhạnh cho bằng hết để mang đi đổ. Vậy là con cũng có ý thức về vệ sinh môi trường rồi đấy. Cố gắng học những điều hay con nhé.

Đi học vui

Con cũng có tính hài hước nữa. Một lần bà mang hoa quả cho con. Bóc một bát nhãn con ăn ngon lành. Khi ăn con đưa bảo bà ăn đi, bà chìa tay ra, con rụt lại cho lên mồm ăn luôn. Không chỉ một lần mà đến mấy lần con trêu bà như thế. Bà cũng sợ là con tham ăn, nhưng sau đó con lại lấy cả chùm nhãn đưa cho bà.

Còn có một chuyện cứ làm bà lo mãi. Đó là hôm hai bà cháu sang nhà bác Nguyệt chơi. Vì là nhà bác ruột nên con rất tự nhiên, lấy nước uống vô tư. Chẳng may con tuột tay làm rơi vỡ cốc. Bà đã bắt con xin lỗi rồi mà sau về nhà ông ngoại mách lại hỏi ai đánh vỡ cốc, con toàn bảo Ớt rồi lại bảo chị Trang đánh vỡ. Bà giải thích mãi nhưng con vẫn bảo chị Trang. Thế này là biết nói dối rồi, không dũng cảm nhận lỗi sau này lớn lên làm sao. Mấy hôm sau hỏi ai mua áo đẹp cho Cún, con cũng lại bảo chị Trang mà rõ ràng mẹ con mua áo cho con mà. Hay vì con yêu quý chị Trang nên cái gì cũng chị Trang chị Trang chăng. Dù sao thì vẫn phải lưu ý chuyện này để dạy con phải biết dũng cảm nhận lỗi khi có lỗi đây.





VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (02)



NGÀY CON CHÀO ĐỜI

Chủ nhật ngày 25/8/2013 là một ngày không thể quên - ngày bé yêu chào đời.

Theo bác sĩ đáng ra giữa tháng Chín mới đủ ngày đủ tháng cho con. Bà cũng tính đi chuyến từ thiện 29-30/8/2013 mang đồ dùng học tập cho các anh chị MN Mù Cang Chải trước thềm năm học mới là vẹn cả đôi đường riêng chung. Đùng một cái, sáng Chủ nhật 25/8 ấy bố con gọi điện báo mẹ con phải đi đẻ cấp cứu. Giật mình hoảng hốt, ông bà vội vàng vào ngay bệnh viện vừa đi bà vừa thầm khấn Trời Phật độ trì cho mẹ tròn con vuông.

Tới BV vào Khoa Sản thấy mẹ con vẻ mặt thanh thản bình thường không đau đớn gì đang chờ lên phòng mổ bà mới hơi bớt lo lắng. Hóa ra mẹ con mấy hôm trước đã bị cạn nước ối. Bác sĩ đã đặt thuốc kích thích đẻ thường nhưng không có tác dụng gì nên hôm nay khám lại hết sạch nước ối phải mổ cấp cứu là thế. Tuy vậy khi mẹ con vào phòng mổ, bà ở ngoài cứ thấp tha thấp thỏm trong lo âu cầu mong mẹ con con bình an suôn sẻ.

Chỉ có bác Hà con làm trong BV được phép có mặt trong phòng mổ. Bác con có chụp ảnh quay video đấy, con có thể hỏi bác Hà xem lại giờ phút con chào đời nhé. Khoảng 10 giờ sáng, bác Hà bế con ra trao cho bà. Ôm con vào lòng, một tình yêu lớn lao khác lạ dâng lên trong bà bao trùm lên sinh linh bé nhỏ là con đấy. Có 2,6 kg thôi, nhưng trông con rắn rỏi, môi đỏ chót, hai mắt trong veo lơ láo nhìn đời. Bà chỉ biết nâng niu gượng nhẹ che chắn bảo vệ con thôi.

Cái mắt cái mồm dễ ghét không này.

Mẹ đang cho con bú bình đấy.

Và bắt đầu tập cho con bú mẹ này.

Xuống dưới nhà lên tầng Hai của dãy bên cạnh, vào một phòng có đến ba bé mới chào đời. Bé nào bé ấy trông to át hẳn con mà sao thấy thương con đến thế. Một bà mẹ giường bên tỏ ra kinh nghiệm nhìn con bảo nó đòi ăn đấy và nhanh nhẹn đi pha cho con 30 mili sữa, con mút lấy mút để hết sạch luôn mà thấy mừng mừng nghĩ con háu ăn thế này chắc sẽ nhanh lớn. Người đầu tiên bà báo là ông nội con, sau là bác T.A. Cả ông và bác đều chúc mừng thấy mẹ tròn con vuông.

Ôm con, lòng bà dâng trào bao cảm xúc.

Sau đấy con được chuyển sang phòng ưu tiên cùng với một bé khác. Bé kia nặng hơn con 1 kg trông khác hẳn và ăn uống cũng được nhiều hơn con. Cứ tướng con háu ăn thế mà mấy hôm sau cố lắm mỗi lần mới được 20 mili sữa thôi. Mẹ bé kia ba hôm sau mới ngồi lên được, còn mẹ con trộm vía ngay ngày hôm sau đã có thể ngồi lên chăm sóc con rồi. Thương mẹ con cứ đánh vật ấn đầu ti vào miệng con nhưng con không mút được. Mãi rồi cũng ổn, sau con thành thợ ti nữa cơ. :D

Ôi, niềm hạnh phúc yêu thương của bà!

Buồn cười bố con bảo đưa vợ đi đẻ cũng bình thường thôi mẹ nhỉ. Đúng là ... bố... tồ quá đi. Nếu không có Bác Hà làm trong BV lo toan mọi đường đi nước bước, nếu mẹ con không làm trong BV liệu mẹ con con có được quan tâm chăm sóc đủ đầy như thế không. Rồi bác Nguyệt hàng ngày cơm nước cháo lão cho mẹ con, bác Hà, bác Thủy thay nhau trực đêm. Các bác chỉ cho bà trông mẹ con con ban ngày thôi. Bố con thì đương nhiên vẫn phải đi làm hàng ngày để còn lấy tiền nuôi mẹ con con đấy. Tuy nhiên bố vẫn tranh thủ thăm con và cho con bú bình nữa cơ.

Bố cho con bú bình đấy.

Tình yêu của cả nhà đây.

Ngày thứ Tư thì mẹ con con được về nhà. Và cũng chính ngày hôm sau bà phải nhờ các bác Nguyệt, bác Hà, bácThủy chăm sóc mẹ con con để bà đi từ thiện trên Mù Cang Chải như kế hoạch đã định. Thực lòng bà cũng áy náy lắm nhưng bà cũng rất tin tưởng các bác con vẫn có thể chăm sóc mẹ con con trong hai ngày bà đi vắng. Kể cả sau này khi bà hàng ngày vào đỡ đần mẹ con thì các bác vẫn chăm lo cho mẹ con con. Thực lòng bà rất biết ơn các bác con đã luôn ở bên mẹ con lo lắng chăm sóc con những ngày đầu đời hết sức chu đáo.

Hay ăn chóng lớn con nhé!

Thế là nhà ta chính thức thêm một thành viên mới - một thành viên làm thay đổi hết thảy tâm tư tình cảm của mọi thành viên trong gia đình. Con là tình yêu, niềm hy vọng, là nguồn năng lượng mới tiếp sức cho cả nhà mình thêm yêu và trân trọng cuộc sống này. Cầu mong con hay ăn chóng lớn khỏe mạnh và lớn lên như ước vọng của cả nhà. Mỗi trang đời con sẽ có nhiều điều đẹp đẽ diệu kỳ như cái tên Huyền Thư mà bà đã nghĩ suy mãi để đặt cho con, con nhé!


Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

VIẾT CHO HUYỀN THƯ KHI CON TRÒN HAI TUỔI (01)




Con tròn hai tuổi, Huyền Thư ạ, lòng bà xốn xang bao cảm xúc. Bà muốn viết nhiều lắm nhưng hình như ngôn từ không đủ diễn tả hết những ý tứ câu chữ ngổn ngang trong đầu bà ngay từ khi biết tin con hiện diện trên cõi đời này. Hai năm rồi mà đúng hơn là gần ba năm rồi bà vẫn không viết được những điều bà muốn viết.  Bà bắt đầu thấy sợ nếu không viết ra dù một phần ý nghĩ, một phần sự việc thì sẽ là rất có lỗi với con sau này, cho nên bà quyết định phải viết cái gì đó dù có lộn xộn chăng nữa thì vẫn có thể lưu giữ những kỷ niệm đẹp tuyệt vời về con trong những ngày đầu đời con đấy. Bà sẽ viết những gì cho dù là vụn vặt bà còn nhớ được con nhé.

NGÀY NGHE TIN SẮP LÊN CHỨC BÀ

Chủ nhật ngày 6/1/2012 trời rét như cắt da cắt thịt. Sao đợt rét này kéo dài thế nhỉ. Giá được nằm trong chăn ngủ nướng thì sướng quá nhưng vẫn phải dậy trông thi. Chẳng ai bắt nhưng bà lúc nào cũng muốn là người có ích. He he, vẫn tự cười khi nghĩ đến cô bạn thân của bà - bác T. A. hay bảo chị có cả một bó thóc nặng trĩu mà cứ chạy chỗ này chỗ kia nhặt nhạnh mấy hạt thóc lép. Thì cố gạn lấy những hạt thóc mẩy trong đám thóc lép để có thể sử dụng vào những việc nho nhỏ, tiêu vặt hay cho những chuyến đi thiện nguyện chẳng hạn. Cái chính là bà thấy vui với công việc và sâu xa hơn là thấy bà vẫn còn tiếp tục đứng trên bục giảng hàng ngày cho dù là lên lớp giảng dạy hay thuần túy trông thi.

Đang trông thi thì mẹ con gọi điện (tất nhiên bà để điện thoại ở chế độ rung để còn xem giờ theo dõi buổi thi), bà vội chạy ra ngoài thấy mẹ con bảo mẹ đừng đi chợ để chúng con (tức bố mẹ con đó) đi chợ ra nấu ăn cả nhà cho vui. Bà chỉ bảo ừ mẹ đang trông thi rồi tắt điện thoại luôn sợ thanh tra bắt gặp ghi biên bản thì có mà...Thương mẹ con trời rét vất vả chợ búa đi lại, bà nhắn tin bảo không phải đến để tuần sau ra cũng được. Mẹ con nhắn tin lại bảo vâng và thông báo thêm mẹ sắp lên chức rồi ạ, con có bầu rồi. Lúc ấy bà đi lấy thêm giấy thi, bác Nhàn phục vụ phòng chờ hỏi thăm con dâu có gì chưa và chính bác ấy là người đầu tiên biết tin vui này. Bà ôm chầm lấy bác Nhàn sung sướng. Không giấy bút nào tả hết niềm hạnh phúc vô bờ ấy.

 Cảm ơn Trời Phật đã thương gia đình chúng con ban cho chúng con một món quà vô giá thỏa lòng ao ước bấy nay. Bà vội nhắn tin cảm ơn mẹ con dặn dò đôi điều và nhắn bố con phải chăm sóc nâng niu báu vật của gia đình. Bà thấy happy happy quá con ơi. Cảm ơn Trời Phật thật nhiều đã mang con đến với gia đình ta!

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

KẾ HOẠCH XÂY NHÀ VỆ SINH CHO TRƯỜNG MẦM NON NẬM LÀNH, VĂN CHẤN, YÊN BÁI



I/ THÔNG TIN CƠ BẢN

Trường MN thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn chấn , tỉnh Yên Bái hiện chỉ có nhà vệ sinh tạm, bẩn thỉu rất mất vệ sinh ảnh hưởng tới sinh hoat và học tập của cô và trò nơi đây. Việc cần có một nhà vệ sinh xây dưng kiên cố hợp vệ sinh là điều hết sức cấp thiết. Chính vì vậy Nhóm Vì ta cần nhau quyết định hỗ trợ xây dưng cho MN Nậm Lành một nhà vệ sinh.

Nhà vệ sinh tạm của cô trò MN Giàng Cài, Nâm Lành


II/ DỰ TRÙ

Bản thiết kế nhà vê sinh MN Nậm Lành


- Tên công trình: Công trình vệ sinh cho giáo viên và học sinh trường MN Nậm Lành.
- Địa điểm xây dựng: Thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
- Quy mô xây dựng: Theo thiết kế đa xđược phê duyệt.
- Tổng đầu tư : 45.533.000đ (Bốn lăm triệu năm trăm ba mươi ba nghìn đồng)
- Tổng mức tài trợ: 45.533.000đ ( Bốn lăm triệu ba trăm ba mươi ba nghìn đồng)

III/ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG
+        Khởi công
:
Tháng  8/2015
+        Hoàn thành
:
Tháng 9/2015
+        Quyết toán
:
Tháng 9/201


IV/ PHƯƠNG THỨC CHUYỂN TIỀN

Hình thức: Chuyển khoản bằng Viêt Nam đồng
Sau khi bên A (Vì ta cần nhau) nhận đươc đề nghị chuyển tiền và các văn bản kèm theo có đủ chữ ký, dấu giáp lai theo quy định, bên A sẽ chuyển tiền vào tài khoản bên B (Trường MN Nậm Lành) với tiến độ như sau:
Sau khi đã thống nhất về kế hochj tổng thể và dự trù, nhà tài trợ chuyển tạm ứng 50% tổng số tiền cho phần công việc.
Trong quá trình tiến hành nếu cần thiết và khi nhà trường cung cấp hóa đơn theo yêu cầu, nhà tài trợ có thể chuyển tiếp tiền tạm ứng, tuy nhiên toàn bộ khoản tạm ứng không được phép vượt quá 80% tổng số tiền.
Chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng không đươc phép vượt quá 5%số tiền dư trù ban đầu. Nhà trường cam kết nếu chi phí vượt quá con số đó, nhà trường sẽ tìm cách kêu gọi các nguồn khác để đảm bảo có được 1 nhà vệ sinh theo đúng dự tính ban đầu.
Sau khi xây xong nhà vệ sinh bên tài trợ sẽ nghiệm thu và thanh toán nốt các khoản còn lại theo chi phí thực tế với điều kiện không vươt quá 5% so với dự trù ban đầu.

V/ BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

Đai diện nhóm Vì ta cần nhau: Bà Ngô Anh Thơ, điên thoại: 0915228457, email: anhtho.ngo2012@gmail.com

Đại diện trường MN Nậm Lành: Bà Lò Ngọc Loan - hiệu trưởng trường MN Nậm Lành, điên thoại: 0912688545
  


Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

KẾ HOẠCH XÂY TRƯỜNG PÙ TRỪ LỦNG (XÃ SỦNG LÀ, HUYỆN ĐỒNG VĂN, TỈNH HÀ GIANG)


I. THÔNG TIN CƠ BẢN

Nhà trình tường và cũng là lớp học của các bé Hmông ở Sủng Là, Đồng văn, Hà Giang


Nhà làm bằng đất lâu năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tường vỡ lở, cửa sộc sệch.

Cái được gọi là bếp ăn đây.

Tường nứt vỡ

Và đường đi lên lớp thì cheo leo hiểm trở.

Trường Pù Trừ Lủng, xã Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang nằm ở một xóm vùng sâu vùng xa có địa hình hiểm trở đường dốc quanh co cheo leo với khí hậu vô cùng khắc nghiệt của vùng biên cương. Trường bao gồm khối Mầm non có một lớp với 12 học sinh và khối Tiểu học có 2 lớp ghép, lớp 1+2 học buổi sáng, lớp 3+4 học buổi chiều. Điều đặc biệt là lớp học của các cháu là nhà trình tường được dân bản làm từ lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, hàng cột xiêu vẹo, chân tường nứt toác nguy cơ sập đổ một sớm một chiều rất nguy hiểm cho tính mạng của thầy trò Pù Trừ Lủng. Ngoài ra vì lớp ghép chật chội không đủ chỗ nên nhiều em đi học không có chỗ ngồi phải bỏ về, thậm chí có em bỏ học sang Tàu làm thuê kiếm tiền phụ bố mẹ.

Chính vì lẽ đó nhóm “Vì ta cần nhau” quyết định xây trường mới cho Pù Trừ Lủng với hy vọng các cháu dân tộc Hmông nơi đây sẽ có chỗ học hành tốt hơn và các thầy cô cũng yên tâm gieo chữ trên non.

II. DỰ TRÙ

1-      Nhóm “Vì ta cần nhau”:

Tạm tính việc xây 03 lớp học và một trái nhà làm bếp ăn tổng cộng hết: 174.600.000đ. 
Bảng dự trù được tính toán cho việc xây dựng 2 phòng học (khoảng 30m2/phòng) và một bếp ăn từ 10-15m2. Lớp học xây bằng gạch bi, mái lợp tôn, nền láng xi măng .
Nhóm “Vì ta cần nhau” sẽ tài trợ số tiền xây dựng lớp học và bếp ăn với số tiền 150.000.000đ (Một trăm năm mươi triệu đồng chẵn). Số còn lại, địa phương đóng góp từ nguồn ngân sách của mình.
Ngoài ra, nhóm cũng sẽ cử người trực tiếp đến địa phương, tìm hiểu về đời sống vật chất, sách vở, quần áo và nắm số lượng học sinh các lớp theo độ tuổi, nam/nữ để ủng hộ các em một số vật dụng cần thiết vào đầu năm học mới. 

2-      Địa phương:

Người dân và cán bộ trong trường cam kết sẽ đóng góp nhiều nhất có thể vào quá trình xây các lớp học này.
Cụ thể:
 •       Phá đá, san gạt mặt bằng.
 •       Đào móng.
 •        Vận chuyển những gì có thể
•        Đồn Biên Phòng Phố Bảng- Đồng Văn- Hà Giang sẽ tài trợ nhân lực xây dựng cùng với thợ cả do nhóm đưa ra.

III. THỜI GIAN TIẾN HÀNH

Dự kiến thời gian khởi công vào ngày 10/8 và thời gian cần thiết cho việc xây dựng như sau:
•        Phá đá, san gạt, chuẩn bị mặt bằng:                              01 tuần
•        Vận chuyển nguyên vật liệu:                                           01 tuần
•        Tiến hành xây dựng lớp học:                                           15 ngày
•         Hoàn thiện lớp học                                                              02 tuần
•        Nghiệm thu và đưa vào sử dụng:                                     ½ ngày.
 Dự kiến trường sẽ được hoàn thành trong tháng 9/2015.

IV. PHƯƠNG THỨC TIẾN HÀNH

Sau khi đã thống nhất về kế hoạch tổng thể và dự trù, nhà tài trợ chuyển tạm ứng trước 25-30% tổng số tiền cho phần công việc.
Trong quá trình tiến hành, nếu cần thiết và khi nhà trường cung cấp hóa đơn theo yêu cầu, nhà tài trợ có thể chuyển tiếp tiền tạm ứng, tuy nhiên, toàn bộ khoản tạm ứng không được phép vượt quá 80% tổng số tiền.
Chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng không được phép vượt quá 5% số tiền dự trù ban đầu. Nhà trường cam kết nếu chi phí vượt quá con số đó, nhà trường sẽ tìm cách kêu gọi các nguồn khác để đảm bảo có được 3 lớp học theo đúng dự tính ban đầu;
Sau khi xây xong 3 lớp học, bên tài trợ sẽ nghiệm thu và thanh toán nốt các khoản còn lại theo chi phí thực tế với điều kiện không vượt quá 5% so với dự trù ban đầu;

V. BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

Đại diện nhóm “Vì ta cần nhau”: Cô Ngô Anh Thơ, điện thoại, 0915228457, e-mail anhtho.ngo2012@gmail.com
Người trực tiếp đến khảo sát: Lương Thị Mỹ Hà- Đại diện nhóm “Vì ta cần nhau”. Điện thoại: 097.234.1268- emial: myha27@yahoo.com
Đại diện nhà trường: Thầy Pà Khánh, Hiệu phó phụ trách chung, điện thoại 0975060874.
Đại diện Phòng Giáo dục Huyện Đồng Văn: Thầy Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục Huyện Đồng Văn- Hà Giang. Điện thoại: 0915.395726
Đại diện xã: Ông Mí Kha- Phó Chủ tịch xã Sủng Là- Đồng Văn- Hà Giang

Mọi ủng hộ xin gửi vào quỹ nhóm "Vì ta cần nhau".

Chủ tài khoản Hứa Thị Bích Thủy
Số tài khoản 168045489
Ngân hàng Á Châu (ACB), chi nhánh Cửa Nam, Hà Nội

Xin trân trọng cảm ơn!





Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

HÃY CHUNG TAY XÂY DỰNG TRƯỜNG PÙ CHÙ LỦNG XÃ SỦNG LÀ, ĐỒNG VĂN, HÀ GIANG!








Chúng ta hãy cùng nhau ngắm nhìn những hình ảnh trên nhé. Các bạn có nhận ra đây là gì không ạ? Vâng, chắc chắn các bạn nhận thấy đây là một ngôi nhà. Nhưng các bạn có nhìn thấy ngôi nhà này có gì đặc biệt? Chắc các bạn cũng nhận ra đó là ngôi nhà có tường hoàn toàn bằng đất mà đồng bào Hmông gọi là nhà trình tường. Cái tên trình tường chắc chắn là mới lạ với nhiều người trong số chúng ta nhưng giờ đây chúng ta có thể hiểu được đó là ngôi nhà có tường bằng đất. Nhà trình tường là nhà phổ biến của đồng bào Hmông là nơi bà con có tập quán sử dụng để tránh mưa bão sương tuyết của khí hậu vô cùng khắc nghiệt ở vùng biên cương. Điều đặc biệt nhất mà chúng tôi muốn nói ngôi nhà trình tường này lại chính là lớp học dành cho các cháu dân tộc Hmông trường Pù Chù Lủng, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đấy các bạn ạ.

Chúng ta hãy cùng ngắm nhìn những bức ảnh một lần nữa và chắc hẳn không ai là không xót xa thương cảm cho các cháu bé Hmông nơi đây. Trường Pù Chù Lủng nằm ở một xóm vùng sâu vùng xa có địa hình hiểm trở đường lên lớp quanh co vô cùng vất vả đối với các bé Mầm non và Tiểu học nhỏ bé. Trường Mầm non có một lớp học gồm 12 cháu, trường Tiểu học có 32 cháu với 4 lớp học cũng chỉ có một lớp để học. Vì vậy các cháu Tiểu học phải học ghép và chia ra mới có chỗ ngồi, sáng lớp 1 lớp 2, chiều lớp 3 lớp 4. Lớp học của các cháu là nhà trình tường được làm từ lâu, hàng cột xiêu vẹo, chân tường nứt toác xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập xuống bất kể lúc nào. Thêm nữa, do lớp ghép chật hẹp nhiều khi các cháu đi học không có chỗ ngồi phải bỏ về, nhiều cháu chưa đến giờ tan ca đã đi học chẳng có chỗ nghỉ chỗ chơi, lại lang thang chơi trong rừng rú. Thậm chí có cháu chán nản đã bỏ hẳn học sang Tàu làm thuê kiếm tiền cho bố mẹ.

Chính quyền địa phương và các thầy cô Pù Chù Lủng ý thức được sự nguy hiểm đó đã kêu gọi dân bản sửa chữa nhiều lần nhưng chỉ mang tính tạm bợ. Họ đã nhiều lần làm đơn xin kinh phí nhà nước vẫn chưa được. Hàng ngày thầy trò nơi đây vẫn phải đối mặt với khó khăn nguy hiểm rình rập để bám trường bám lớp. Chính vì vậy nhóm “Vì ta cần nhau” quyết định sẽ xây dựng trường mới cho Pù Chù Lủng với hy vọng các cháu Hmông nơi đây có chỗ học hành tốt hơn và các thầy cô Pù Chù Lủng cũng yên tâm gieo chữ trên non.

Kế hoạch dự định sẽ xây 3 lớp học, một lớp cho Mầm non và 2 lớp cho Tiểu học với tổng diện tích 60 m2. Vì là vùng cao địa hình hiểm trở, công vận chuyển đội lên gấp ba so với các vùng khác. Do vậy giá tiền dự tính là 164.700.000đ. Bà con dân bản và các thầy cô xin bỏ công sức lao động để xây dựng trường.

Các bạn ơi, chúng ta hãy cùng nhau góp mỗi người viên gạch, xô cát, xô xi-măng giúp cho thầy trò Pù Chù Lủng có một ngôi trường mới nhỏ bé nhưng bền chắc, đẹp đẽ để cho các cháu được học hành như con em của chúng ta nhé.

 Mọi đóng góp xin gửi vào quỹ nhóm VTCN với số tài khoản 168045489, chủ tài khoản Hứa Thị Bích Thủy, Ngân hàng Á Châu (ACB), chi nhánh Cửa Nam, Hà Nội.


Xin trân trọng cảm ơn!