Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

THĂM TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI III

Chuẩn bị cho chuyến đi từ thiện của Câu lạc bộ Nấu ăn và nhóm Sống hướng thiện vào dịp cuối tháng Bẩy, mình cùng với 6 bạn trẻ là Mạnh, Nghĩa, Thuần, Lân, Trung và Phùng Xuân từ Kontum trong nhóm SHT đến Trung tâm bảo trợ xã hội III ở Miêu Nha, Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội vừa là để thăm Trung tâm, vừa là để nắm rõ tình hình cụ thể nơi đây.


Nhóm SHT chuẩn bị sẵn một kịch bản cho chương trình từ thiện cho các em thiếu nhi tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi một cách chi tiết. Việc này đối với nhóm quá đơn giản vì vừa mới tổ chức thành công Tết thiếu nhi 1-6 cho các em thiếu nhi tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu, Hà Đông. Tuy thế, khi đến TTBTXH III, mọi người mới biết thêm nơi đây không chỉ nuôi trẻ em mồ côi mà còn nuôi dưỡng các cụ già cô đơn có hoàn cảnh khó khăn nữa. Việc này cũng không gây khó khăn gì cho nhóm vì SHT cũng đã từng đi thăm Trại Phong ở Sóc Sơn nên công việc chuẩn bị chỉ là bổ xung thêm một số quà cho các cụ như mì tôm, đường sữa, đồ dùng cá nhân xà phòng, khăn mặt, mắc áo, thuốc đánh răng là OK.

Cả TTBTXH gồm có 89 trẻ em và 107 cụ già. Đây là cơ sở chính, còn có một cơ sở nữa ở Lạc Trung. Như vậy cơ sở chính chỉ có 49 em tuổi từ sơ sinh ăn sữa đến học hết cấp II và 107 cụ, trong đó cụ cao tuổi nhất là 98, một số các cụ bị ốm đau không đi lại được và có tới 10 cụ đã bị lẫn, còn 40 em lớn hơn học cấp III và học nghề thì ở Lạc Trung.

Cơ sở hạ tầng của TT khá tốt, có khu ở riêng cho các cụ, cho các em tuổi đi học và khu riêng cho trẻ em tuổi ăn sữa, có phòng y tế chăm sóc sức khỏe, có khu nấu ăn, có hội trường, có thư viện đọc sách, có vườn cây ghế đá để các cụ ngồi thư giãn trò chuyện, có cả cầu trượt, chuồng thú cho trẻ em vui chơi. Mỗi cụ và mỗi em ở đây tiêu chuẩn được 700.000 đ một tháng cho việc ăn uống, nghĩa là mỗi ngày mỗi người sẽ được 23.000đ, trong đó 3.000đ ăn sáng, 20.000đ cho bữa trưa và bữa chiều, trừ 4.000đ cho việc đun nấu. Chưa đi sâu tìm hiểu rõ lắm, nhưng khi các bạn nói chuyện với một cụ ông thì cụ cho biết mỗi tháng phải nộp cho TT 2,5 triệu. Với những người nhà nước phải nuôi hoàn toàn thì mức ăn như trên cũng tạm chấp nhận vì còn khá hơn rất nhiều so với các cụ ở Trại phong trên Sóc Sơn mà chúng mình đến thăm cách đây mấy tháng. Chẳng hiểu những cụ đóng tiền để được vào đây có chế độ thêm gì không, chứ đóng như thế mà chi phí như thế xem ra cũng thấy tội tội các cụ. Cũng có thể còn phải chi tiền cho việc đầu tư cơ sở vật chất và tiền cho những người phục vụ nấu ăn và chăm sóc sức khỏe cho các cụ nữa. Ngoài ra, các cụ và các em mỗi người còn được thêm 100.000 đ tiền chi phí mua đồ dùng vệ sinh thân thể.

Về đời sống tinh thần, TT cũng có quan tâm. Ngày thứ Ba, thứ Năm là ngày các cụ được đọc báo. Tết 1-6 hay Tết Trung thu cũng được TT tổ chức chu đáo cho các em, thỉnh thoảng cũng đưa các em đi xem phim, xem xiếc, đi nghỉ mát vào mùa hè. Đôi khi các tình nguyện viên của các trường ĐHQG, trường KTQD và TM cũng đến tổ chức văn nghệ và tặng quà cho TT.

                                         Phòng ở của các cháu tuổi đi học phổ thông.

Khi tận mắt đi thăm khu ở của TT, mình cảm nhận cũng OK, cứ 2 cụ một phòng, các em tuổi đi học thì nằm giường tầng, mỗi phòng 8 giường giống như thời sinh viên mình ở ký túc xá. Nơi ở của các cụ còn có cả máy giặt nữa. Ấn tượng nhất là đến khu cho trẻ em sơ sinh. Nhìn các bé sao mình cứ thấy xót xa. Những đứa trẻ đang tuổi được ôm ấp nâng niu chiều chuộng ... Có thể thấy chúng thèm khát được bế ãm như thế nào khi mình đi qua cũi, một cháu chừng hơn một tuổi cứ chìa hai tay về phía mình muốn được bế. Mình ôm cháu lên,  mắt cháu ánh lên niềm tin cậy muốn được che chở. Anh Đông, trưởng phòng Tổ chức bảo cô bế nó lên như thế, lúc đặt xuống nó khóc lại khổ các cô trông trẻ. Quả thật, ôm cháu được một lát thì phải đặt cháu xuống. Lúc đặt xuống cháu không khóc nhưng đôi môi mếu xệch, mắt rơm rớm lộ vẻ thất vọng vô cùng. Mỗi bé đều có những hoàn cảnh riêng vì lý do này lý do kia mà có mặt nơi đây. Mình chợt nghĩ có biết bao những cặp vợ chồng hiếm muộn phải vất vả gian truân chữa chạy như thế nào để có con, trong khi bao sinh linh tội nghiệp lại bị bỏ rơi. Những bà mẹ bỏ con thật đáng lên án, may mà có các TTBTXH đã cứu vớt nuôi nấng chúng nên người. TT này thành lập được hai chục năm, có 4 cháu ở đây đã thành lập gia đình và thỉnh thoảng vẫn quay về đây thăm TT, cái nôi nuôi các cháu và là mái ấm gia đình của các cháu.

 Hỏi chuyện ba bé đều đang ngồi bô trong khu dành cho các cháu tuổi ăn sữa.

                                Cháu bé này bị bỏ rơi được Trung tâm đưa về nuôi.


Một buổi đi khảo sát coi như thành công, ban tổ chức nắm rõ tình hình con số cụ thể của TT, kể cả 36 cán bộ ở đây để lên kế hoạch nấu nướng cho CLB Nấu ăn cũng như kế hoạch mua quà hay chi tiết hơn về chương trình giao lưu văn nghệ không chỉ cho trẻ em mà cho cả các cụ nữa sao cho phù hợp. Hy vọng CLB Nấu ăn và nhóm SHT sẽ tổ chức một buổi giao lưu văn nghệ và một bữa ăn thật vui, thật ấm áp tình người cho những con người không được may mắn ở TTBTXH III Miêu Nha, Từ Liêm Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét