Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

ĐÌNH LÀNG TÔI






Nói chính xác thì đó là đình làng chồng tôi. Ngôi đình gần trăm tuổi nằm ngay đầu làng giáp với làng Lò như phô bày nét văn hoá đặc sắc nhất làng, như chào mừng bất cứ ai bước vào làng.

Làng chồng tôi tên Lau. Hồi mới lấy chồng thành dâu làng, mỗi khi về lại thị trấn Vân Đình nơi nhà mẹ đẻ tôi ở, mọi người trong nhà hay trêu dân Lau Lò về rồi đây này. Tôi không hề tự ái, trái lại còn tự hào nữa đằng khác. Tôi có hỏi người già trong làng vì sao có tên Lau nhưng không ai hay biết. Tôi đồ rằng chắc có ông tướng nào đó thời nhà Đinh sau khi đất nước  bình  yên về đây khai khẩn lập ấp lập làng đặt tên Lau để tưởng nhớ sự kiện lịch sử thuở thiếu thời Đinh Bộ Lĩnh từng phất cờ lau cưỡi trâu chơi trò đánh trận giả. Xã làng tôi là Hoa Lư, lại có một thôn gần đấy mang tên Yên Trường. Lau - Hoa Lư - Yên Trường, những địa danh lịch sử ấy được đặt tên cho làng cho xã thì cũng đáng tự hào lắm chứ.

Đình làng tôi đẹp lắm. Mái đình rêu phong cong cong ẩn hiện sau những lùm cây xum xuê trông tôn nghiêm u hoài tĩnh mịch. Trong hậu cung có bài vị thờ thành hoàng làng, hai bên tả hữu thờ mẫu và thờ thánh, ngoài tiền đường có ban thờ ảnh Bác Hồ. Sân đình với hai dãy tam quan là nơi dân làng tụ tập vào dịp lễ tết, hội hè hoặc có sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày mồng Tám tháng Giêng hàng năm là ngày hội làng tôi. Hầu như năm nào nếu thu xếp được cả nhà tôi đều về quê, trước là dâng lễ ở đình, làm công đức hay khuyến học, sau là chúc thọ các cụ cao niên và chúc tết bà con dân làng. Qua sân đình là vườn cây và hoa. Ở giữa vườn nhìn vào đình là một tấm bia dựng trên một bệ cao có mái vòm che kiểu Á Đông trông rất đẹp. Trên tấm bia một mặt là chữ nho, một mặt là chữ quốc ngữ ghi lại lời răn dạy con cháu của các vị tiền bối dẫu có hơi mờ đi theo thời gian nhưng vẫn còn đọc được. Cạnh vườn cây là ao đình với con đường uốn lượn xung quanh đi ra giếng tới cổng làng. Một nét tiêu biểu của làng quê Việt Nam vẫn còn được lưu giữ ở mảnh đất làng tôi.

Chồng tôi bảo trước đây làng tôi nằm ở ngoài cánh đồng song song đối diện với đường làng bây giờ. Nghe các cụ kể không hiểu vì lý do gì mà đến ba bốn năm cả làng không có thêm một suất đinh nào. Sợ quá các cụ bèn mời thầy địa lý về xem đất đai phong thuỷ.  Thầy phán phải chuyển làng thì mới cải thiện được tình hình, thế là chuyển làng. Đúng là một cuộc cách mạng của làng. Nghĩa trang mi ni mà anh em tôi mua lại của xã chính là mảnh đất xưa kia các cụ tổ chúng tôi đã từng sinh cơ lập nghiệp. Rõ là của  Sê-gia  lại trả về cho Sê-gia! Đình cũ của làng nằm ở gần bãi tiên chỉ gần nơi ông nội chồng tôi đang nằm yên giấc ngủ ngàn thu. Các cụ bảo đình cũ to đẹp và cổ kính. Có lẽ vì quá nghèo nên khi di rời làng các cụ đã bán đình cho làng Đồng Vàng thuộc huyện Phú Xuyên và lấy nếp quán của làng để xây đình mới. Sau khi đình của cả hai làng xây xong các cụ ngoài Đồng Vàng mang lễ vào tạ đình rất hậu hĩ. Một thông tin dò rỉ các cụ biết được người làng Đồng Vàng khi rời đình làng Lau đào chân cột lấy được rất nhiều vàng. Thế là làng Vàng đã giàu lại càng giàu, làng Lau đã khó lại càng khó. Sao các cụ để vàng cho con cháu không để lại bút tích gì dặn dò đời sau nhỉ. Thật tiếc nếu không đình làng Lau phải được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích văn hoá của nước chứ không phải chỉ là xếp hạng của tỉnh Hà Tây nay là Hà Nội đâu.

Tôi chưa thấy ai yêu quê hương như chồng tôi. Một điều đặc biệt mà 40 năm rồi mỗi khi về quê cùng chồng bao giờ tôi cũng thấy anh ngả mũ qua đình như cúi chào thành hoàng, khi ra Hà Nội qua đình anh cũng làm như vậy. Tôi thường đùa bảo anh chỉ có tình yêu quê hương nhỏ bé thôi, còn tôi có tình yêu quê hương rộng lớn bởi sinh ra ở Tảo Khê, lớn lên ở Hà Nội, sau về Vân Đình, học đại học ở Hà Bắc, Hà Nội và cuối cùng sống và làm việc ở thủ đô. 

Tình yêu quê hương của anh cũng ảnh hưởng đến tôi nhiều lắm. Nếu làm được gì dù là nhỏ bé chúng tôi cũng cố gắng làm cho làng. Thỉnh thoảng giúp cho các cháu nghèo sách vở, quần áo hoặc chút tiền bạc. Nếu con cháu nào trong làng cần nơi học hành thi cử thì sẵn lòng giúp đỡ hoặc là cho lời khuyên nên học thi ở đâu vào trường nào hoặc giúp cho nơi ăn chốn ở nếu đi thi hay học thi tại Hà Nội. 

Thấy đình làng do thời đánh Mỹ để thuốc sâu, phân hoá học làm hỏng hết nền đình chúng tôi xin được lát lại. Đầu tiên cũng nhiều ý kiến lắm. Các vị trong chính quyền địa phương chỉ muốn chúng tôi đưa tiền về để họ làm, nhưng chồng tôi muốn tự tay mình mua gạch, xi măng, thuê thợ làm từ A đến Z. Mãi sau theo đề nghị của các cụ, địa phương cũng đồng ý. Thế là một cái nền gạch đỏ phẳng phiu sạch sẽ được lát từ trong ra ngoài để các cụ tiện bề hương khói và dân làng đi lễ. 

Hai cây ngọc lan chúng tôi trồng trước cửa đình đã như cây cổ thụ cao to toả hương thơm ngào ngạt hàng năm. Hai cây ngâu ngày nào bé tí cũng thành quầng thành tán lớn với những chùm hoa vàng kín đáo toả hương dịu êm sau những chiếc lá xanh biếc. Cây cọ vươn cao chẳng kém cây cọ cũ. Cây đào tết nào cũng ra hoa đón chào năm mới mỗi khi xuân về. Các cây nhãn cây vải vẫn đâm hoa kết quả. Tiếc là hai khóm trà phấn chỉ tồn tại được mấy năm và cây bằng lăng trồng gần giếng làng nếu không bị trẻ con bẻ gẫy thì cũng cao to trổ hoa  tím ngắt như cây cuối làng rồi.

Làng Lau  có tiếng là đất văn vật của phủ Ứng Thiên xưa kia với các cụ từng là nghị sĩ, chánh tổng, ông giáo nổi tiếng có trường tiểu học mà các làng xung quanh thậm chí cả tận Phú Xuyên, Thanh Oai đến học. Những người có chút học hành có chút đầu óc ngày nay đều rời bỏ luỹ tre xanh đi lập nghiệp ở mọi miền đất nước thậm chí cả ở nước ngoài. Ai mà chẳng trăn trở khi thấy quê hương mình còn nghèo quá. Sự giúp đỡ của mọi người chỉ như muối bỏ biển. Mong sao nhà nước có chính sách gì cụ thể để giúp đỡ những ngưòi nông dân hiền lành chất phác suốt đời  gắn  bó với mảnh đất của làng quê có được cuộc đời no ấm hơn hạnh phúc hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét