Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

NGÀY THƠ VIỆT NAM


Năm nay Ngày thơ Việt Nam có chủ đề "Tuổi trẻ với Tổ quốc" chắc chắn sẽ thu hút nhiều người yêu thơ đến với sân chơi này. Mình và bạn bè cùng em gái đã hẹn nhau sáng ngày Tết Nguyên tiêu sẽ có mặt tại Văn Miếu. Mình muốn đến để xem các bạn trẻ thời nay quan tâm đến Tổ quốc như thế nào và vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa được các bạn ấy nhìn nhận ra sao. Hơn thế, mình muốn đến để được nghe chính nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (trong mắt mình anh ấy là một anh hùng) đọc bài thơ " Đất nước nhìn từ biển" của anh ấy. Và đương nhiên sẽ còn gặp một số các thầy cô và bạn bè trong ngày ấy nữa. Hy vọng sẽ có được một ngày thú vị.

Nhân ngày thơ Việt Nam, mình đưa lại mấy bài viết từ trang Yahoo Blog để nhắc lại những kỷ niệm cũ.
Háo hức chờ đợi rồi cũng đến ngày thơ Việt Nam. Năm ngoái đã đến rồi nên không còn cảm giác hồi hộp xốn xang nữa. Cũng không có gì mới lắm. Vẫn có sân thơ trẻ, sân thơ già, vẫn có trưng bày thơ và ảnh các tác giả, vẫn đọc thơ, ngâm thơ, thả thơ và các quầy bán sách bán thơ. Có chăng thêm trưng bày thơ trên đồ gốm sứ khá ấn tượng. Dẫu sao thì không khí ngày thơ vẫn là một cái gì đấy khác với các lễ hội khác. Trí tuệ hơn, thanh cao hơn, tao nhã hơn. Cũng gặp một số gương mặt quen thuộc của làng thơ ca và một số người quen nữa như mấy thầy trò của ĐHXHNV, như Nguyễn Mạnh Hùng, tổng giám đốc Thai Ha book's, như dì Xuân của T.A. và một người bạn của dì, người rất nhiệt tình chụp ảnh cho mấy chị em. Nhìn thấy ĐKP nhưng tránh gặp vì không thích phiền hà. Cũng thấy hài lòng vì đã mua được "Cửa mở " của nhà thơ Việt Phương. T.A. bảo sang năm có lẽ đi vào buổi chiều để có thể lang thang nhiều hơn trong Văn Miếu, để có thể xem và chọn mua sách kỹ hơn. Cũng là một ý kiến hay!
Và bây giờ xin đăng lại bài viết " Ngày thơ Việt Nam lần thứ Bẩy " để nhớ lại cảm xúc lần đầu tiên đến với NGÀY THƠ VIỆT NAM.
                                      NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ BẨY

Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng, ngày tết Nguyên tiêu. Người ta bảo " Tết quanh năm không bằng ngày cúng rằm tháng Giêng". Nhưng hôm nay cũng là ngày thơ Việt nam. Mấy năm vừa rồi Tuyết Anh đều rủ đi, nhưng mình cứ lấn bấn về làm rằm nên không đi được. Năm nay quyết định cúng rằm vào ngày 14 và sáng nay đã cùng TA đi Văn Miếu tham dự ngày thơ Việt nam. ( Cũng may là sáng nay không có giờ!)

Thật ấn tượng! Người đông nghìn nghịt, già có trẻ có. Có cả một số khách nước ngoài nữa. Tất cả đều háo hức đến với ngày thơ Việt nam. Không khí thật sôi nổi náo nhiệt lạ thường nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường như ngày nay. Nào cờ, nào hoa, nào biểu ngữ, đâu đâu cũng được trang hoàng rực rỡ . Một dải thảm đỏ được trải dài từ cửa Văn Miếu đến tận sân nhà Thái học làm cho ai bước vào cũng thấy được tôn vinh. Những vườn hoa Trạng Nguyên đỏ rực, những hàng cây mộc toả hương dìu dịu làm cho không khí thêm xuân thêm thơ. Không khí khác hẳn tối qua khi mình cùng anh tham dự khoá lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh. Hàng mấy chục ngàn người chen chúc ngồi lê la ở lòng đường và vỉa hè vì không thể vào chùa để mà được thành kính cầu xin trước ban thờ Phật. (Nếu muốn vào được trong chùa thì phải đi từ hai, ba giờ.) Biết là Phật ở trong tâm, nhưng đi lễ cầu an thì cũng phải chắp tay lễ Phật chứ. Nếu đứng hay ngồi ở phía đối diện cổng chùa thì còn có thể hướng về phía chùa mà cầu xin đức Phật chứng giám lòng thành. Đằng này mình và anh ngồi ở bên vỉa hè phía chùa, nếu hướng về chùa thì sẽ lễ vào nhà dân bên đường, nếu hướng thẳng mặt thì lại là lễ cái cầu vượt. Chẳng biết chắp tay lễ vào đâu. Cuối cùng mình chọn cái cột điện có gắn cái loa ở bên đường để hướng tất cả tâm tư nguyện vọng cầu mong đức Phật minh chứng. Năm nào cũng vậy (mình đã đi chùa Phúc Khánh khoảng gần 20 năm) khi mình nghe sư Quyết giảng giải về đạo Phật, về tín ngưỡng và lòng tin bao giờ mình cũng bị hơi phản cảm một chút, không phải về nội dung mà về tật nói ngọng của thầy. Sao thầy không chịu sửa hay cầu xin các đấng tối cao giúp thầy có đủ kiên trì mà sửa nhỉ? Nói trước hàng vạn người mà ngọng líu ngọng lô, nghe cứ thấy thế nào ấy!!! Đấy là chưa kể cách tiếp thị rất thương mại của thầy. Năm thì thầy bảo ông Đỗ Mười đến cầu an ở đây, năm thì ông Lê Khả Phiêu, còn năm nay thì là ông Nguyễn Minh Triết, ông Nông Đức Mạnh. Chẳng biết có đúng không, có Phật mới biết được! Nhưng các ông ấy dù đi hay không cũng rất hài lòng vì bao giờ cũng được sư Quyết ưu ái đọc sớ tấu lên đức Phật. Những lời đồn đại về việc ăn chơi và các vụ đánh ghen về sư Quyết ở bên Trung Quốc chẳng biết hư thực thế nào.Và lại còn việc tăng giá lệ phí cầu an và giải sao mấy năm trước đây nữa chứ. May mà năm nay không tăng! Chắc mọi người đều có ý nghĩ ấy nhưng mọi người vẫn đi lễ chùa nhiều vì cuộc sống có quá nhiều khó khăn, bế tắc và có quá nhiều điều mong ước mà không đạt được chỉ còn mỗi cách là cầu xin Trời Phật mà thôi. Sư Quyết thì cũng là con người. Các cách thầy làm cũng giống như con người bình thường thôi. Thầy chỉ là người thay mặt chúng sinh tấu lên trời Phật các tâm tư nguyện vọng của họ để Trời Phật cứu giúp họ ra khỏi những tai ương thường nhật để được thanh thoát, được an ủi, hay cao siêu hơn là để cho quốc thái dân an. Có điều dân mình cũng kỳ kỳ thế nào ấy. Sau buổi lễ bao giờ cũng có phần phát lộc: oản và chuối. Đi lễ ai chẳng muốn có chút lộc mang về lấy may. Thế là mọi người chen lấn xô đẩy nhau để lấy lộc, giành lộc hay cướp lộc. Lộc nhà chùa chuẩn bị chắc đủ cho tất cả mọi người, nhưng chẳng ai nhường ai nên thành ra như một cuộc hỗn chiến. Có người bị xô đẩy dẫm lên cả thúng chuối, thúng oản. Người phát lộc không biết có phải vì thương những người ở xa không lại cầm chuối, oản ném ra phía ngoài, ai nhanh tay bắt được thì còn khả dĩ nếu không thì oản, chuối chắc bị rơi xuống đất và bị dẫm bẹp dí. Chắc hẳn cuối buổi người ta phải gom được hàng thúng chuối, oản nát bét đổ đi. Anh cứ bảo phải xem lại tính cách dân tộc Việt xem mình là ai. Cứ thế này bao giờ mới hội nhập được???

Thật may có ngày thơ Việt nam để mình có thể tìm lại những cảm xúc tốt đẹp nhất về con người Việt hay một bộ phận con người Việt. Hầu hết chắc là trí thức, ai nấy đều tưng bừng chờ đón giây phút khai mạc ngày thơ. Mình gặp một số người quen: cô Bắc Ninh, thầy Xuân Hoà và một vài sinh viên cũ như Nguyễn Hữu Đạt, Đỗ Minh Tuấn. Mình còn gặp cả một số nhà văn, nhà thơ mà mình thường vào đọc trang web của họ nữa. Thú vị nhất là tiếp xúc với anh Trần Nhương mà trannhuong.com là trang web ngày nào mình cũng lướt qua. Trần Nhương còn vẽ cho mình một bức chân dung siêu tốc. Dẫu sao anh ấy cũng lột tả được cái hồn của mình: đó là trong héo ngoài tươi, ngậm bồ hòn làm ngọt. Nó sẽ là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Mình cũng gặp TS Tuấn, chủ trang web" Who là ai? Who là tao." Một con người thông minh, có nhiều ý tưởng lạ mang tính phản biện cao đáng để người đọc suy ngẫm. Mình rất thích những bài viết của anh. Chủ đề ngày thơ năm nay không thú vị lắm: Bác Hồ và Trường Sơn. Bù lại cách trang hoàng sân khấu cũng như quang cảnh toàn Văn Miếu rất bắt mắt. Các poster trình bày thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ , Đỗ Trung Lai và một số nhà thơ khác rất đẹp, rất hay. Mình và TA cũng vào được tận bên trong nên cũng thấy hết những gì diễn ra trên sân khấu. Từ lúc rước kiệu giống như cảnh các quan Trạng vinh quy bái tổ rất trang nghiêm đến các nghệ sĩ biểu diễn các tiết mục đọc thơ, ngâm thơ và múa hát. Có cả nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lên đọc thơ. Mình biết đến anh với bài thơ Cát đợi rất hay. Lần này anh được mọi người chú ý nhiều hơn vì anh vừa được đặc xá sau một thời gian bị tù vì tội dám viết báo phơi bày sự thật để chống tham nhũng, chống tiêu cực. Ấn tượng nhất là tiết mục chọn ra 50 câu thơ hay được viết lên những lá cờ đuôi nheo treo dưới những quả bóng to và được thả lên trời. Ai cũng dõi theo những quả bóng mang những lới thơ ngọc ngà bay bay mãi trên trời cao. Thơ ơi, thơ bay về đâu? Bay về đâu mà lòng ta ngơ ngẩn dõi nhìn với một phút thăng hoa! Có hai sân khấu giành cho hai thế hệ trẻ và già. Sân khấu trẻ sôi động với hip-hop không phù hợp với mình lắm. Cũng không có nhà thơ trẻ nổi danh như Phan Huyền Thư hay Vi Thuỳ Linh mọi năm. Cả nhóm ( lúc này thêm cả dì Xuân TA và Thanh, phó giám đốc nhà xuất bản Lao động là bạn TA) quyết định đi lòng vòng chụp ảnh,xem thơ, đọc thơ và mua sách. Mình mua đến hai chục cuốn làm chị Tuyết Minh, biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng tiến đến bắt chuyện và cám ơn. Thời buổi này mấy ai quan tâm đến thơ, đến văn. Người ta còn để tâm sức, tiền bạc cho chứng khoán, cho đất cát, cho nhà cửa, xe cộ mà. Tiếc là đã không mua Cửa mở và Cửa đã mở của Việt Phương.

Giá như không phải lên lớp buổi chiều mình sẵn lòng ở lại Văn Miếu cả ngày để được tắm mình trong không khí thơ ca và sách vở cùng với những con người hết sức thú vị nơi đây. Dẫu sao mình cũng có nửa ngày thật tuyệt vời, những thời khắc không thể quên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét