Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

KỶ NIỆM THÁNG BA




Có lần, Mai Hương gọi điện bảo lên văn phòng kê khai để ĐHQG xét tặng danh hiệu NHÀ GIÁO ƯU TÚ. Liếc nhìn tiêu chí xét NGƯT phải là chiến sỹ thi đua 5 năm liên tục, liền bảo Mai Hương cô không kê khai đâu, mất thì giờ. Từ trước đến giờ mình thường coi các danh hiệu này nọ đều là hư danh. Ngay thời chống Mĩ phải kê khai các hoạt động trong những năm tháng đánh Mĩ để nhận huân huy chương gì đó mà mình có chịu làm đâu. Làm nghề thầy giáo thì tình yêu, lòng kính trọng của học trò đối với thầy là phần thưởng quý giá nhất và là thước đo chính xác nhất để đánh giá người thầy ấy như thế nào. Mình đâu cần gì hơn thế. Hương bảo cô cứ khai đi, cô làm bao nhiêu việc còn gì. Ừ, thì khai cho vui. Hóa ra cũng là dịp để nhìn lại mình. 
Cho tới giờ đã là 42 năm đứng trên bục giảng cơ đấy. Cả một đời người chứ có ít đâu!  Chợt nhớ ra cách đây năm năm có viết bài " KỶ NIỆM THÁNG BA" đăng trong tập san nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Tiếng Nước Ngoài Trường Đại học Tổng Hợp. Chép lại để lưu giữ một kỷ niệm đẹp đẽ của cuộc đời dạy học.
                               
      KỶ NIỆM THÁNG BA

Tháng Ba tháng của các bạn trẻ, tháng của các chị em. Tháng Ba, tháng của cây của hoa, tháng đâm chồi nẩy lộc, tháng của sinh sôi, đối với riêng tôi, tháng của bước ngoặt rẽ vào đời. Ngày Bẩy tháng Ba năm Bẩy mốt ấy là ngày mãi mãi không thể nào quên, ngày trở thành cán bộ giảng dạy Trường Đại học Tổng hợp thân yêu. 
Khi còn là học sinh phổ thông, tôi đã từng ngưỡng mộ các sinh viên Tổng Hợp. Họ thật giỏi thật siêu và tôi không dám ghi nguyện vọng vào trường này dù đã từng đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Thế mà giờ đây lại trở thành cô giáo của một  trường danh giá đến thế, hỏi sao tôi không vui sướng, không tự hào? 
Cầm quyết định về Trường Đại học Tổng hợp, phòng Tổ chức giới thiệu tôi về làm việc tại Tổ Ngoại Ngữ, sau này là Khoa Tiếng Nước Ngoài. Vâng, Khoa Tiếng Nước Ngoài, mái nhà thân yêu thứ hai của tôi, gia đình thứ hai của tôi, dẫu thế nào đi chăng nữa Khoa Tiếng Nước Ngoài mãi mãi là tình yêu đầu đời, tình yêu chắp cánh nâng đỡ tôi trong sự nghiệp giáo dục trồng người. 
Có thể nào quên những cái tên Lê Thế Thép, Phạm Kim Thư, Trần Khuyến, Nguyễn Tuyết Nga, Nguyễn Thị Tuyết. Dù các anh các chị đã đi xa, nhưng với tôi các anh các chị mãi là điểm tựa vững chắc trong những ngày mới về trường. Có thể nào quên những cái tên Trương Quang Chế, Lê Thị Quế, Nguyễn Kim Luyện, Nguyễn Thị Thanh, Bùi Xuân Dương, Bạch Kim Chung, Phùng Trọng Toản, Hoàng Thanh Nhàn, Vũ Thị Ninh một thời gắn bó trong tổ Nga Xã hội với anh tổ trưởng yêu quý Trần Hưng, với chị Nguyễn Phước Chánh Thành, anh Võ Ngọc Quán, anh Nguyễn Sỹ Nhận, cô Đặng Dương Đượm, chị Nguyễn Thu Thủy, cùng các bạn Lại Thị Quỳnh, Hoàng Liên Hương, Hà Thị Hương, Hàn Thúy Linh và Nguyễn Đình Thành. Có thể nào quên những cái tên Nguyễn Văn Huyên, Đặng Công Lý, Nguyễn Cẩm Tiêu, Hoàng Lai, Lê Thế Quế, Hoàng Mộng Huyền, Phan Lệ Nghi, Lê Thụy Ánh, Trần Xuân Khai, Nguyễn Ngọc Oanh, Trần Hoàng Oanh, Nguyễn Phong Lan, Nguyễn Tuyết Hằng, Đặng Nga, Nguyễn Dũng, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Như Hoa, Phạm Đoàn Thúy, Vũ Ngọc Hà, Trần thị Nga, Đoàn Phương Mai, Đường Công Minh và còn biết bao tên nữa. .. không thể kể hết được. Mỗi tên đều gắn liền với những kỷ niệm không hề mờ phai trong tâm trí tôi. Làm sao quên được những ngày trông thi đại học ở Nghệ Ạn, Nam Hà, Thái Bình... Làm sao quên được những buổi nấu phở rán nem ở nhà chị Chánh Thành, ở nhà tôi và ở khoa những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Dẫu vật chất có nghèo nhưng có biết bao tình cảm chan chứa dưới mái nhà Khoa Tiếng Nước Ngoài nặng tình nặng nghĩa. 
Những ngày đầu về trường, tôi chủ yếu giảng dạy Tiếng Nga cho khoa Văn, khoa Sử. Sau đây tôi muốn trích nguyên văn những cảm tưởng những suy nghĩ của những năm tháng đầu đời ấy, những tình cảm vẫn còn cháy bỏng trong tôi qua một số trang nhật ký :

Ngày 20/11/1971. 

 Hôm nay là ngày 20/11, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, ngày Tết đầu tiên trong cuộc đời cô giáo của tôi. Sáng nay trong bầu không khí thân mật vui vẻ nhộn nhịp và ấm áp tôi đã phát biểu cảm tưởng. Không, đấy chỉ là những ý nghĩ lộn xộn của tôi vì không được chuẩn bị trước, mà dù sao thì cũng là cảm tưởng của tôi, một người vừa bước chân vào cuộc đời làm cô giáo. Giờ đây viết lại cảm nghĩ đó tôi vẫn thấy lòng mình xúc động nghẹn ngào khó nói. Trái tim đập thình thịch như muốn nổ tung ra ngoài, phải vịn lấy thành ghế tôi mới bình tĩnh lại để nói được mấy ý nghĩ của tôi với những người đồng nghiệp đi trước, người nhiều nhất có 25 năm tuổi nghề, còn người ít nhất cũng được 5 tuổi rồi. 
Tâm trạng chính của tôi là phấn khởi và lo lắng. Phấn khởi vì dù sao đi dạy học cũng là nguyện vọng của tôi, mà được về Trường Đại Học Tổng Hợp cũng là điều tôi mong muốn. Những ngày đầu được gọi là "Cô" tôi cảm thấy bỡ ngỡ ngượng ngùng. Ý của thầy Lê Đức Mẫn (thầy giáo cũ của tôi) trong bức thư gửi tôi vào ngày 20/11 năm kia thật là hợp và đúng với ý nghĩ của tôi bây giờ. Chữ "Cô" thì tương đương với chữ "Thầy". Chữ "Thầy" người ta còn dùng để gọi "Các vị tiền bối cách mạng". Tôi không dám so sánh các thầy giáo chúng ta với các bậc thầy vĩ đại ấy, nhưng tôi thấy rằng không phải vô cớ mà người ta gọi những người làm công tác sư phạm là thầy là cô. Tôi tự hào nhưng lại tự ngượng vì thấy chưa xứng đáng. Và đấy cũng là điều làm tôi lo lắng. Tôi lo lắng phải làm thế nào cho xứng đáng với danh hiệu làm "Cô". Vừa mới ra trường, kinh nghiệm chưa có liệu với ba năm học ngắn ngủi có thể "làm ăn" được không. Làm thế nào giảng dạy được tốt để gây hứng thú cho người học giúp các em nắm bắt được thứ tiếng nước ngoài vốn xa lạ khác biệt với tiếng mẹ đẻ của các em.
Là một giáo viên ngoại ngữ tôi thấy mình có trách nhiệm phải trao cho các em chiếc chìa khóa để mở ra kho tàng khoa học vĩ đại của nhân loại. Kết quả lao động của tôi sẽ là những ánh hào quang phát ra sau này từ những người học tôi bây giờ.Tôi thấy trách nhiệm của tôi thật là lớn lao và tôi thực sự vô cùng lo lắng. Chính vì thế tôi nguyện sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học. Tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm của các đồng chí đi trước, sẽ trau dồi tích lũy nhiều kinh nghiệm nhiều kiến thức và vô cùng mong muốn những đồng nghiệp đi trước của tôi chân thành chỉ bảo giúp đỡ tôi trên con đường vươn tới đích. Tôi sẽ cố gắng. Đó là lời hứa mà tôi sẽ nguyện thực hiện suốt cả đời.
 Các đ/c trong tổ đều gọi là cô giáo trẻ nhất. Trước khi tôi phát biểu có đ/c Huyên, người nhiều tuổi nhất, được gọi là bác. Còn tôi ít tuổi nhất mọi gọi đùa là cháu, bắt tôi phải thưa các bác các chú các anh các chị.Tất cả đều vui vẻ tưng bừng trong ngày Tết và đã hát lên những bài ca đẹp đẽ. Tiếng hát ấy bây giờ vẫn vang lên bên tai tôi, vui vẻ hào hùng và thấm đẫm tình yêu cuộc sống, tình yêu nghề nghiệp. Tôi thực sự đã được hưởng một ngày vui trọn vẹn. Một lần nữa tôi nghĩ mình phải cố gắng thật nhiều để cho ngày hôm nay và những ngày 20/11 sau này sẽ mãi mãi là ngày có ý nghĩa đẹp nhất.

Ngày 22/12/1971. 

Thế là mình đã lên lớp được một tháng. Nhớ lại ngày đầu tiên vào lớp mình hồi hộp xúc động lạ lùng. Mấy buổi sau cũng vậy cứ trước khi vào lớp bao giờ mình cũng thấy hồi hộp, tim đập mạnh và nhanh hơn bình thường. Phải chăng đấy là sự xúc động nghề nghiệp và sự xúc động của người mới tập sự? Chỉ biết lòng mình xúc động hồi hộp vô cùng. Mình cố gắng hết sức tự chủ và cũng tự chủ được, bình tĩnh làm việc với gần 30 con người mới lạ., có một số cán bộ hơn tuổi, có một số trạc tuổi, còn phần lớn ít hơn mấy tuổi.
 Buổi đầu mình cũng đọc được trong mắt của đôi người trong lớp xem ra có vẻ coi thường cô giáo trẻ. Mình quyết đánh tan điều đó, quyết chứng minh cô giáo trẻ cũng làm việc được như các thầy cô giáo khác. Dĩ nhiên mình sẽ có rất nhiều khó khăn và mình sẽ khiêm tốn học hỏi, nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm, sẽ học hỏi ở ngay những người mình dạy, dù có người chưa hề biết ngoại ngữ là gì. Buổi học tiếp theo thái độ của lớp đã có những thay đổi rõ rệt, anh lớp trưởng đến xin lỗi về thái độ bông đùa của mấy người hôm trước. Anh ấy bảo vì các đ/c ấy còn trẻ thích đùa vui mong cô thông cảm. Và thế là từ hôm ấy đến nay mình cảm thấy mình như một thành viên của lớp, 29 con người, mình có lúc có cảm giác hình như không phải bây giờ mình mới quen mà trước đây mình đã gặp đã từng sống với họ rồi. 
Anh Bích lớp trưởng người phát âm chính xác và học rất tốt. Đấy là một người mình rất tin và người ấy sẽ giúp mình nhiều trong công tác. Thạch, Tuấn ở khoa Toán, khoa Địa chuyển sang đã từng học Tiếng Nga ở phổ thông và đại học. Mình không hài lòng ở hai đồng chí này (thời ấy cô gọi các trò là đồng chí) ở một điểm là không theo rõi bài giảng, hay làm việc riêng, không tham gia xây dựng bài giảng. Bài kiểm tra đương nhiên là đạt điểm tốt nhưng vẫn không tránh khỏi những sai lầm đáng ra không nên có ở những đ/c này. Mình phải chú ý ngăn chặn tính chủ quan xem thường của Thạch và Tuấn. Nam, Hùng, Tiến, An, Hòa, Thư, Huyền, Minh, Diệp học chắc. Trong số này có Tiến, Nam, Hùng, Thư, Diệp, Minh là hay chịu khó phát biểu. Nhất là Tiến, anh chàng Miền Nam mà lúc đầu mình cho là một tay đáng gờm, lại rất hay học hỏi và chịu khó phát biểu. Hầu như câu hỏi nào cậu cũng giơ tay xin trả lời. Nghe xong câu hỏi là giơ tay xin trả lời ngay. Đó là một phản xạ, một thói quen của Tiến. Có lần đứng lên rồi mà vẫn chưa nghĩ ra phải một lúc sau mới nói được. Mình rất thích cách học của Tiến, mạnh dạn chịu khó động não tập trung tư tưởng suy nghĩ . Giọng nói và điệu bộ của Tiến nhiều lần làm mình suýt phá lên cười, may mà lần nào cũng ghìm được. Hùng và Nam tiếp thu khá nhanh, nhưng thỉnh thoảng hay cười trao đổi với nhau một điều gì đó. Hai cậu ấy có gì thú vị thế nhỉ. Có lẽ các cậu ấy liên hệ một vài âm Nga sang âm Việt chăng. Có nhiều âm cũng buồn cười thật nhưng nếu mình mà cười thì nguy to. Nam phát âm rất tốt. Một lần cậu ấy thú nhận là đã nói dối mình là viêm họng không nói được. Mình cũng không giận vì biết cậu ấy đang buồn suýt bị chuyển sang lớp Ngữ. "Bây giờ thì em có thể cười được rồi cô ạ!" Mình nhớ mãi giọng nói và điệu cười của Nam khi ấy. Thật là đáng mến! Hồng, Thương Huyền, Hảo, Nhuần, Sự, Linh, Thuận học cũng được. Dung , Thu, Cảnh, Thụy. cũng vậy nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Như Thụy đấy, trước chỉ học Trung văn, đầu tiên học rất khó khăn, phát âm rất vất vả, bài đầu làm rất kém, dần dần Thụy có tiến bộ rõ rệt làm mình rất vui. Hợp hay mất bình tĩnh, có lúc hiểu rồi nhưng cuống lên lại nói sai. Thu cũng vậy nhưng còn đỡ hơn Hợp. Cường trong số nữ là học yếu hơn cả, lại hay nói nhỏ nữa, đôi khi tỏ ra bất lực trong khi học tiếng Nga. "Em chẳng hiểu gì và chẳng làm thế nào để hiểu cả!" Mình giảng riêng cho Cường thì em lại hiểu, nhưng đến lúc kiểm tra thì lại quên mất. Cũng đáng lo! Anh Hiếu học cũng tạm được, đôi lúc có những nụ cười khó hiểu. Anh Bằng, anh Liễu và Đức thì chăm vô cùng nhưng kết quả thật là đáng buồn. Nhất là anh Liễu mình thấy thương anh phải vất vả quá, đúng là phải vật lộn với tiếng Nga. Cuộc chiến đấu sẽ rất gay go, mình tin cuối cùng anh sẽ chiến thắng nhưng chắc còn phải lâu. Mình thực sự xúc động khi nghe các đ/c khác cho biết anh Liễu phát ốm chỉ vì ngày đêm vật lộn với việc học Tiếng Nga. Mình thấy ái ngại và thương anh bảo anh đến nhà mình giảng thêm anh lại sợ phiền. Từ tuần sau mỗi tuần mình sẽ giành ra một buổi để phù đạo cho tất cả các đ/c yếu. Anh Bằng độ này cũng có những tiến bộ nhất định và cũng bắt đầu chịu khó phát biểu, nhưng tật nói ngọng L thành N thì không tài nào sửa nổi. Người Hà Nội mà cũng nói ngọng nhỉ? Còn Đức cậu bé quê tận Vinh có  đôi mắt long lanh long lanh đáng yêu. Người miền trong nên học phát âm khá vất vả. Đức lại chưa học ngoại ngữ bao giờ nên tất cả đối với cậu ta là một thế giới mới lạ đầy bí ẩn. Sẽ còn khổ công thì mới làm quen được với Tiếng Nga.
 Làm thế nào để giảng dạy được tốt và làm thế nào để gây hứng thú cho người học? Câu hỏi này quán triệt cả đầu óc mình mỗi khi soạn giáo án và khi lên lớp. Mình cố gắng hết sức tận tâm giảng daỵ nhưng có lẽ phương pháp chưa tốt nên kết quả đôi khi chưa được như ý muốn. Các đ/c bảo mình giảng nhanh, mình sẽ cố gắng giảng chậm, giảng nhiều lần để cho các đ/c học đến đâu chắc đến đó. Mình mong muốn tất cả 29 đ/c đều học giỏi học tốt, cùng lắm là trung bình, không có ai bị điểm xấu và cuối năm không có ai bị thi lại môn Tiếng Nga. Tôi sẽ cố gắng, các đ/c cũng cố gắng. Chúng ta cùng hợp sức lại để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bây giờ mới là mở màn trận đánh. Cuộc chiến đấu vẫn còn đang tiếp diễn. Ai sẽ chiến thắng là do chúng ta tự quyết định. Tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng.Cuộc chiến này sẽ còn gay go gian khổ nhưng chúng ta không chịu đầu hàng. Các đ/c nhé, chúng ta sẽ chiến đấu đến tận cùng, đến ngày toàn thắng. Chúng ta sẽ thắng. Tôi mong và tin như vậy.

Ngày 8/3/1972. 

Ngày hội 8/3 năm nay khác hẳn với những năm còn là sinh viên. Vào những ngày này năm nào lớp tôi cũng tổ chức rất sôi nổi. Bọn con gái chúng tôi làm ăn khá thật. Hôm ấy chúng tôi bao giờ cũng rộn rịp mua hoa về trang trí phòng thật đẹp, còn  chuẩn bị cả bánh kẹo liên hoan nữa. Tối đến các chàng trai lớp tôi mang hoa đến tặng và mỗi chúng tôi lại được nhận một món quà nhỏ của các bạn trai, một quyển truyện hoặc một bưu ảnh hoa để làm kỷ niệm. Có lần bọn con trai còn tặng phòng nữ một cái gương thật to. Chắc các bạn ấy muốn chúng tôi phải làm đẹp hơn nữa đây! Tôi vẫn nhớ phòng chúng tôi rất gọn gàng . Hàng treo nón, hàng phơi khăn mặt đều tăm tắp không chê vào đâu được. Sau đó cả lớp vừa liên hoan bánh kẹo vừa liên hoan văn nghệ rất vui. 
 Năm nay các bạn ấy đi xa cả rồi, mỗi người một nơi. Hôm nay tôi thấy nhớ các bạn cùng lớp, nhớ những kỷ niệm, những năm tháng của đời sinh viên quá. Vui vẻ hồn nhiên và tràn đầy những kỷ niệm đẹp đẽ. Bù lại những cái đó, hôm nay ngày hội đầu tiên kể từ khi được làm cô giáo, tôi có các sinh viên lớp tôi đến thăm. Anh Bích và anh Liễu còn tặng tôi một quyển sổ tay, hai khăn mùi xoa (một cái các anh bảo để tặng cho người thân nhất của tôi) và ...một túi bánh kẹo nho nhỏ. Tặng bánh kẹo cho cô giáo. Nhộn thật! Nhưng dù sao tôi cũng chỉ đáng tuổi em út của các anh ấy. Nhận quà tặng mà lòng tôi vô cùng xúc động, mãi mới nói được lời cám ơn. Cám ơn các anh đã đến thăm tôi, mang lại cho tôi một niềm vui phấn khởi. Tôi hiểu và trân trọng những tình cảm quý mến của các anh đối với tôi. Những tình cảm ấy, nhất là trong trường đại học thật là hiếm có. Chính những tình cảm ấy đã động viên tôi rất nhiều, tiếp sức cho tôi làm tôi hăng say và làm việc nhiệt tình hơn. Tôi nguyện cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với tấm lòng nhiệt thành và sự tin cậy của các đồng chí.

Ngày 24/5/1972.

Dạy học buổi đầu tiên ở nơi sơ tán. Cũng may học nhờ được ở một trường cấp II. Bàn ghế sinh viên ngồi rất gò bó khó chịu. Trong lớp chim thi nhau hót ríu rít, ngoài đình tiếng máy tuốt lúa chạy ầm ầm. Nhiều âm thanh hỗn độn ảnh hưởng lớn đến giờ học. Tuy vậy các sinh viên đều chăm chú nghe giảng. Buổi học đầu tiên ở nơi sơ tán theo mình cũng đạt kết quả tốt. Thời chiến là thế đấy!

Ngày 25/5/1972.

 Buổi chiều Linh và Cảnh đến thăm. Các em sắp đi bộ đội. Tối đến lớp tổ chức tiễn đưa. Tuy hát hò nhiều nhưng là cảnh sắp chia ly nên vẫn có một cái gì đó buồn buồn thâm nhập vào từng người. Muốn nói nhiều, muốn tâm sự nhiều nhưng ai nấy đều thấy nghẹn ngào khó nói. Chỉ mong tất cả những người ra đi được bình yên, luôn khỏe mạnh, lập nhiều chiến công và mong ngày gặp lại. Giá không có chiến tranh, giá không phải đánh Mĩ, các em tiếp tục học hành thì một tương lai tươi đẹp sẽ đón chờ các em! Còn bây giờ các em phải ra nơi hòn tên mũi đạn. Ai biết được cái gì có thể xảy ra...? Không dám nghĩ tiếp nữa...
Sáng nay anh Sách con trai bác chủ nhà cũng đi nhập ngũ. Hai bác và các em rất buồn. Cảnh chia ly có bao giờ vui? Các anh ra đi làm nhiệm vụ của những người ra đi. Chúng tôi ở lại tiếp tục làm những việc của người ở lại. Việc làm có khác nhau nhưng cùng chung mục đích: Bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.

Ngày 25/6/1972. 

Chiều nay đi rỡ khoai giúp bác chủ nhà. Thỉnh thoảng được ra ngoài trời lao động hít thở không khí trong lành cũng thấy khoan khoái thú vị. Suốt ngày đêm ngồi trong bốn bức tường của căn phòng chỉ có mỗi việc đọc sách thì cũng thấy mệt và hơi buồn. Có một mảnh vườn con trồng rau và hoa, chiều chiều sau một ngày làm việc ra chăm sóc vun xới cho rau và hoa, đầu óc bớt  căng thẳng được thư thái nhẹ nhàng thì thích quá!
 Chập tối anh Liễu đến thanh minh về cách xưng “em” với mình. Thực ra mới đầu mình cũng thấy ngường ngượng vì các anh ấy hơn tuổi mình khá nhiều, nhưng sau cũng quen đi. Mình thấy ngượng tất nhiên không phải vì các anh ấy “nịnh” mình hay “phỉ báng” như có người nói thế. Mình chỉ thấy tôn trọng tuổi tác các anh ấy. Hơn nữa nếu không phải đi bộ đội các anh ấy có lẽ đã tiến xa rồi chứ đâu đến nỗi phải đi học mình. Chính vì thế mình đề nghị các anh lớn tuổi xưng “tôi’ với mình cũng được. Anh Liễu cũng bảo tất cả những ai dạy môn gì dù ít dù nhiều đã dạy anh thì bao giờ anh cũng quý trọng và cư xử đúng mức của người trò kính thầy. Anh nói anh chẳng cảm thấy nhỏ bé đi chút nào khi xưng “em" với mình. Anh xưng như thế không mang một hàm ý nào khác ngoài lòng kính trọng và biết ơn người đã dạy anh. Anh không sợ những lời nhận xét của người khác và chỉ mong mình hiểu đúng sự thật. Mình cũng đồng ý với ý kiến của anh bởi mình cũng từng là trò. Mình hiểu hết. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. “Tôn sư trọng đạo” mà. Truyền thống dân Việt mình là vậy!
 Anh Liễu ra về rồi mà mình cứ suy nghĩ mãi. Anh Liễu cũng như các sinh viên trong lớp rất tôn trọng và tin tưởng mình. Các đồng chí đối với mình rất chân tình. Chỉ cách xưng hô “Cô” với “Em” thôi, thật giản dị bình thường nhưng chứa đựng bao hàm ý: đẹp đẽ và cao quý biết bao! Mình sẽ phải làm việc và cư xử sao cho xứng đáng với nó. Thực ra mình cũng luôn luôn làm việc với cả tấm lòng và con tim nữa.

Ngày 7/8/1972

Họp nhóm Nga xã hội. Cảm thấy hài lòng vì nhóm đã đánh giá đúng kết quả làm việc của mình trong năm học vừa rồi. Xin phép ghi lại những nhận xét của nhóm đối với tôi – một người mới được một tuổi nghề trong cuộc đời dạy học.
  • Tin tưởng vào khả năng chuyên môn.
  • Có ý thức trách nhiệm quan tâm lo lắng đến việc chung.
  • Có ý thức tự bồi dưỡng nâng cao trình độ.
  • Có tinh thần tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp.
Đó là một số nhận xét tôi ghi lại rất tóm tắt. Thực tình nhóm cũng chỉ có thể nhận xét một cách chung chung như thế vì trong năm qua chiến tranh là nguyên nhân chính làm nhóm không thể đi sâu sát từng cá nhân được. Trong những nhận xét có cái dựa trên thực tế cụ thể, có cái dựa theo một vài người hoặc theo cảm tính. Có người trong chi bộ còn nói :” Nếu Tổ có nhận thêm cán bộ, thì chỉ nên nhận những người như thế”. 
 Nhận xét có vẻ “lộ liễu” quá nhưng chứng tỏ các đ/c trong nhóm trong tổ rất tin tưởng vào tôi. Riêng bản thân sau một năm dạy tôi nhận thấy với kiến thức của ba năm học cộng thêm với sự cố gắng suy nghĩ tìm phương pháp giảng dạy cho phù hợp thì cũng có thể “làm ăn” được. Tất nhiên là mới chỉ đạt ở mức độ đầu tiên và chính điều đó lại làm tôi lo lắng. Chẳng lẽ mình chỉ dừng lại ở mức độ thế này? Không, tôi không hề chỉ muốn có thế. Tôi muốn có một kiến thức rộng để có nhiều khả năng phục vụ lâu dài và phục vụ ở mức độ cao. Các đ/c nhận xét tôi có ý thức tự bồi dưỡng. Điều đó rất đúng, nhưng đó mới là về mặt ý thức, còn nội dung cụ thể bước đi như thế nào các đ/c lại không đề cập đến. Về mặt này tôi lo lắng thật sự vì tôi không biết hướng đi thế nào để đạt kết quả tốt. Hiện tại tôi vẫn đang mầy mò trong đống sách vở nhưng chưa tìm ra hướng đi cho riêng mình. Họp nhóm tôi đưa vấn đề này ra hy vọng nhóm sẽ giúp đỡ nhưng tôi cảm thấy nhóm có vẻ lờ đi, toàn bàn sang những vấn đề khác, không liên quan đến cái tôi đề nghị. Thế là thế nào nhỉ? Điều này làm tôi lo lắng thiếu phấn khởi. Giá mà được làm việc với một người giỏi và nhiệt tình giúp đỡ thì có lẽ tôi sẽ có những bước đi chắc chắn hơn.  
 Trong năm tới không hiểu có gì thay đổi trong phân công không. Anh Hưng rất muốn kéo tôi về dạy bên Ngữ, cùng cộng tác với anh biên soạn một giáo trình tương đối hoàn chỉnh cho cả hệ thống Ngữ. Dạy bên Văn cũng thích. Đi sâu về Ngữ cũng hay vì đó mới cùng ngành với ngoại ngữ của mình. Thôi dạy ở đâu cũng được! Điều cơ bản duy nhất là bao giờ cũng phải làm việc với tất cả tấm lòng. Nhiệt tình giảng dạy là một lợi thế lớn đối với người làm công tác sư phạm. Tất nhiên cũng không thể lãng quên việc nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiệt tình giảng dạy lại có trình độ chuyên môn vững. Những người đi học chắc cũng chẳng mong gì nhiều hơn vào ông thầy dạy họ. Mình sẽ cố gắng đáp lại lòng mong của những người học mình.

Ngày 19/12/1972

Cả đêm qua không ngủ được vì bom Mĩ ném dữ dội. Có lẽ là Hà Nội và các vùng xung quanh. Hình như chưa lần nào bom dội ác liệt như lần này. Cả trời đất như rung lên, lửa cháy sáng rực cả bầu trời, tiếng bom rền uy hiếp...Ôi, chiến tranh!
Sáng nay lại phải lên lớp dạy buổi đầu tiên của năm học mới. Trời mưa gió lầy lội bẩn thỉu cực quá. Không có xe phải đi bộ đến lớp. Buổi học đầu tiên của năm học 72–73. không còn cái xúc động mãnh liệt như buổi đầu năm ngoái, tuy nhiên vẫn có cảm xúc theo một kiểu khác.
Lớp khoảng hơn hai mươi sinh viên. Nữ nhiều hơn nam. Thời chiến mà lại! Con trai còn phải ra mặt trận đánh Mĩ mà! Nam phần lớn là cán bộ. Một đối tượng làm việc như thế cũng cần phải lưu ý nhiều đây. Lớp học trong một nhà dân. Bảng là một tấm phản hẹp dựng lên. Sinh viên thì ngồi dưới đất ghi ghi chép chép. Lại chưa mượn được giáo trình. Nói chung điều kiện học tập cực kỳ khó khăn: sơ tán...chiến tranh...và đói nữa... Sẽ còn nhiều khó khăn nữa ấy chứ... Phải khắc phục thôi!... Còn cách nào hơn thế???
Dạy buổi đầu tiên năm nay, lại càng nhớ lớp Văn I năm ngoái. Những kỷ niệm ban đầu bao giờ cũng khiến người ta trân trọng nhất, giữ gìn và nhớ lâu nhất. Văn I 71-72 đã và sẽ để lại trong tôi một ấn tượng tốt lành mãi mãi.

Trên đây một số trong nhiều trang viết về một năm dạy học đầu tiên của đời tôi. Mới đấy giờ đây đã hơn ba mươi bẩy năm trôi qua. Biết bao thế hệ học trò đã đi qua trên con đò của tôi. Nào Phan Quý Bích, Đỗ Minh Tuấn, Lý Hoài Thu, Nguyễn Văn Nam, Hà Văn Đức, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Minh Huệ, Nguyễn Huy Hoàng, Đoàn Đức Phương. Nào Vũ Đình Nghiệu, Nguyễn Việt Thanh, Nguyễn Văn Hiệp, Hoàng Anh Thi. Nào Nguyễn Văn Khánh, Lê Văn Sinh, Nguyễn Chiều, Nguyễn Văn Ánh, Hoàng Phong Hà, Trịnh Trí Thức, Nguyễn Văn Quân... Các em đã trưởng thành, nhiều em giữ những cương vị chủ chốt trong trường, trong khoa, trong xã hội, nhiều em trở thành tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư và có em đã về hưu hoặc đã đi xa nhưng chưa bao giờ tôi không nhận được tình yêu, lòng kính trọng từ các em. Chính tình yêu ấy, lòng kính trọng ấy đã hun đúc nuôi dưỡng lòng yêu nghề trong tôi với một khát khao mãnh liệt được làm một “Cô Giáo” tận tụy với chữ “Cô” viết hoa. Nhớ lắm những ngày đi sơ tán Đông Lỗ Ứng Hòa Hà Tây, Châu Minh, Hiệp Hòa, Yên Phong  Hà Bắc, những ngày cô trò chia sẻ buồn vui ngọt bùi cay đắng. Nhớ lắm những năm tháng đói nghèo đầy gian nan vất vả sau chiến tranh ở Hà Nội nhưng cô trò vẫn vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả : Dạy và Học.
Trong cuộc đời dạy học của mình, biết bao thăng trầm xảy ra, nhưng tôi có thể khẳng định một điều: Nó không bao giờ tầm thường! Thời hoàng kim của Tiếng Nga tôi được đi Mátxcơva hai lần, học tập và trau dồi bao kiến thức bổ ích về đất nước và con người. Liên Xô sụp đổ, Tiếng Nga thất thế. May thay, tôi cùng một số đồng nghiệp đã kịp thời học tập chuyển sang Tiếng Anh và cũng có cơ hội sang Sydney, Australia thực hành nâng cao kiến thức để cuộc đời dạy học của mình không bị dở dang đứt đoạn. Có thể nói chính Khoa Tiếng Nước Ngoài, nơi nhen nhóm tình yêu Tiếng Nga, tình yêu đầu đời của tôi, lại cũng chính là nơi tạo cho tôi một phương tiện cứu cánh cuộc đời - đó là Tiếng Anh. Nhờ có Tiếng Anh tôi thấy mình hữu ích hơn, tự tin hơn trong cuộc sống. Tôi đã nghỉ hưu được hơn ba năm và vẫn có được may mắn  tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mà mình đã lựa chọn. Nếu có thể được sống cuộc đời thứ hai thì kiếp sau tôi cũng xin được làm nghề Cô Giáo với chữ “Cô” viết hoa đích thực.
Lại một tháng Ba năm 2008 đã trôi qua. Đâu đó hoa gạo đang bốc cháy báo hiệu một mùa  phượng hồng sắp tới, một mùa thi, một mùa bao giờ cũng đem lại cho tôi một cảm xúc xốn xang rạo rực mà những người không làm công tác giáo dục có thể không bao giờ có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét