Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

CHUYỆN TẦY ĐÌNH



Hôm nay mới thực sự hiểu tại sao người ta có tập hợp từ "chuyện tầy đình". Đúng là có "chuyện tầy đình" thật đang xảy ra với chính đình làng tôi. Ngôi đình mà trong một entry tôi đã nhắc đến với một tình cảm trân trọng thành kính đang có nguy cơ bị phá đi làm lại. 

Tháng trước về giỗ bố chồng, nghe cô em chồng nói chuyện người ta sắp xây lại đình mới tôi và ông chồng không tin còn bảo cô là giáo viên dạy Lịch sử mà chẳng nắm được cái gì, không bao giờ người ta lại phá đi một di tích văn hoá đã được xếp hạng, chỉ trùng tu sửa chữa và phải giữ nguyên hiện trạng. Cô bảo ông B.Đ. nguyên là chủ tịch huyện Ứng Hoà xin được kinh phí về làm và người ta đã đến khảo sát rồi chuẩn bị xây. Vẫn không tin nhưng cho đến tối qua Tiến, một người em họ của chồng ra chơi nói chuyện thì mới tin rằng có chuyện tầy đình đang xảy ra với ngôi đình làng thật.

Chính Tiến là thư ký của ba cuộc họp lấy ý kiến dân khi có "sức" thông báo về chuyện này nên nắm rất rõ. Tinh thần các cuộc họp cho thấy ông Đ. là người con của quê hương muốn làm một cái gì đó cho quê hương để làm kỷ niệm. Không biết ma xui quỷ chỉ lối thế nào mà ông này lại nghĩ ra cái việc phá đình đi xây cái mới. Trong cuộc họp "Diên Hồng" nghĩa là toàn các cụ trong làng chẳng ai nói không đồng ý với "chủ trương" này nhưng cũng không phản đối. Họ nghĩ dân có mất gì đâu tự nhiên được cái đình mới to hơn cũng thích. Tiền trời cho sao không nhận. Thế là việc lấy ý kiến dân coi như xong. 

Ngoài cuộc họp cũng có ý này ý kia. Có người nói trực tiếp với ông Đ. ông gở muốn chết hay sao mà động đến đình làng. Có bao chuyện xung quanh chuyện tâm linh ở ngay trong làng mà ông không sợ à. Chuyện thứ nhất là cái Ký con ông Mâu khi nhà nó xây nhà nó nhặt mấy viên gạch ở khu đất chùa cũ về xây. Chẳng biết tại sao từ đấy nó trở thành ngơ ngơ ngẩn ngẩn. 

Ông bà Mâu không phải là người chính gốc làng có một thời bị mọi người xem thường vì là dân ngụ cư. Với gia đình tôi thì ông bà Mâu là người hiền lành tốt bụng biết điều. Ngay cái chập cải cách ruộng đất nhà tôi bị lấy hết của cải ruộng đất chia cho ông bà nông dân, chỉ có gia đình ông Mâu là đem trả lại mọi thứ được chia vì họ không muốn dùng cái không phải do mồ hôi nước mắt của họ. Một nghĩa cử thật đáng quý và đáng trân trọng trong khi đó có nhiều người là họ hàng ruột thịt hẳn hoi mà vẫn lờ lớ đi coi như là của trời cho cứ thế là hưởng.

Ký là con thứ hai của ông bà Mâu. Hồi mới về làm dâu làng tôi cứ thấy buồn cười và thấy hay hay khi biết tên ông bà đặt cho các con: Đăng, Ký, Lý, Tưởng. Ông bà tuy nghèo nhưng cũng nhiều mơ mộng nhiều hoài bão lý tưởng đấy chứ. Em Đăng hồi chiến tranh biên giới năm 1979 cũng phải đi lính. Trẻ tuổi và hăng hái thấy bọn Tàu tấn công thì phải bắn trả quyết liệt, không giết nó thì nó cũng giết mình. Thế là trở thành "Dũng sĩ giết Tàu" có ảnh to tướng treo ở triển lãm Giảng Võ. Giá Đăng có trình độ văn hoá cấp III chắc cũng được học hành này nọ nhưng văn hoá thấp quá nên đánh Tàu xong lại về làm ruộng, không đủ ăn có lần đi buôn pháo bị công an bắt, phải vào nhà tôi vay tiền nộp phạt thì chính quyền mới tha.

Cậu út Tưởng cũng chẳng học hành gì chỉ làm ruộng và buôn bán linh tinh, có lần ông chồng tôi mua cho một cái xe đạp cũ để đi lại cho tiện buôn bán, sau này sắm được xe bò kéo cũng khá hơn tí chút. Trở lại chuyện của Ký, 40 tuổi rồi vẫn thế, chẳng chồng con gì hết, đi xem bói nơi nào cũng bảo có lấy gì của nhà chùa thì đem trả sẽ khỏi bệnh. Cả cái nhà to đùng như thế, xây rồi biết viên gạch nào là của chùa mà trả, đành chịu. 

Chuyện thứ hai là chuyện của ông Niên, một người cao tuổi trong làng trong một buổi làm lễ ông được giao mặc quần áo cho thần thượng đẳng. Mặc áo cài khuy bằng ghim băng. Cài xong còn thừa mấy chiếc, tiện tay ông cho luôn vào túi áo mang về. Từ đó sinh ra ốm đau mất ngủ triền miên, nằm xuống lúc nào cũng có người đến đòi mấy chiếc ghim băng. Sợ quá ông phải làm lễ trả lại mới yên ổn. 

Hay nhà trưởng thôn tên Tráng có em tên Đỗ lấy trộm cả đàn gà nhà hàng xóm hôm trước, hôm sau vợ mang bầu đang đi xe đạp ở giữa đường bị sét đánh chết tươi. Một tích tắc chết hai mạng người, sợ quá cũng phải thả gà ăn trộm ra dù là đã thịt mất hai con.

 Phải nói thêm một chút về tên trưởng thôn này. Tôi thực sự quá kinh hãi khi biết y là trưởng thôn làng Lau. Làng hết người rồi sao lại để một tên trộm cắp như y làm trưởng thôn. Đi bộ đội bị tước thẻ quân dịch, đi làm công nhân ở nhà máy thuỷ điện Hoà Bình ăn cắp ăn trộm bị người ta đánh cho thừa sống thiếu chết chạy bán sới về làng trên người còn độc chiếc quần đùi. Về quê vẫn chứng nào tật ấy, ai hở cái gì ra là mấy anh em y lấy liền không biết sợ là gì trừ mỗi lần vợ tên Đỗ bị sét đánh là có sợ chút ít. Sau rồi đâu vẫn đấy không cải tạo được. Đùng một cái tên Tráng trở thành trưởng thôn. Hoá ra y là em họ chủ tịch nên được chủ tịch gợi ý cất nhắc. Làng cũng đồng ý liền vì nghĩ lấy độc trị độc may ra y khá hơn chăng.

Buồn thay cho người đứng đầu làng! Buồn thay cho người đứng đầu huyện! Thảo nào huyện Ư H trở thành huyện nghèo nhất HN. Chẳng biết làng Lau, một làng có tiếng là văn vật trước kia, liệu đã trở thành làng nghèo nhất huyện chưa? Nhưng một điều rất rõ mà có thể cảm nhận được là làng Lò sát làng Lau là làng có dân trí thấp và luôn bị xem là kém cỏi thì nay vươn lên trông thấy. Đường sá nhà cửa khang trang hơn và con cháu họ đỗ đại học nhiều hơn. Họ giàu lên rất nhiều vì biết phát triển làng nghề của họ tạo công ăn việc làm cho dân làng.

Chúng tôi cũng có lỗi một phần đối với làng Lau vì những người có đầu óc có ăn học đàng hoàng thì đều đi lập nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh khác trong nước. Những người ở lại phần lớn đều văn hoá thấp có nhiều hạn chế. Ngay chủ tịch trước cũng trượt tốt nghiệp cấp III và còn bị liệt vào danh sách trốn bộ đội nữa. Cho nên mọi suy nghĩ chắc cũng chẳng thấu đáo gì nên mới có ý tưởng phá đình. 

Còn một vài chuyện tâm linh tương tự như vậy cũng làm mọi người trong làng lo lắng. Nhất là cách đây hơn trăm năm cả làng đến ba bốn năm không có thêm một xuất đinh nào vì hướng đình phải chuyển cả làng từ ngoài vào trong. Đó là một sự kiện động trời mà các cụ cao tuổi chưa thể quên. 

Nay phá đình đi xây lại liệu có ảnh hưởng gì đến vận mệnh của cả làng? Rõ ràng là chuyện không nhỏ nhưng dân là gì? Chỉ là một mớ lộn xộn, bảo gì làm nấy đâu có dám phản đối nhất là "tấm lòng của người con quê hương". Nhưng cũng có người bảo đây là lần "kiếm ăn" cuối cùng của cựu chủ tịch nấp dưới một bình phong rất chi là đẹp đẽ. Dự án xây đình với kinh phí dự toán từ 7 đến 10 tỉ. Họ bảo có thể chỉ xây đến 5 tỉ, số còn lại vào túi ai thì ai chả rõ.

Ngay việc làm đường làng, cũng bảo của chủ tịch làm cho dân hết 120 triệu, khi bảo quyết toán thì vẫn không làm được và chủ tịch bảo đấy là đường chủ tịch làm cho quê hương. Nếu thế thì chẳng cần quyết toán làm gì vì là tiền riêng của chủ tịch nhưng theo một nguồn tin chính xác đó là dự án cải tạo đường của huyện cho các xã. Đường thôn làng Lau có dự toán kinh phí đầu tư là 700 triệu. Số tiền ấy đi đâu khi thực chất chỉ có 120 triệu được chi vào việc cải tạo đường? Làm sao mà quyết toán được! Dân ít ra cũng được con đường mới rộng hơn sạch sẽ hơn nên chẳng có ai nói gì. Thế là hoà cả làng. Trong khi đó chủ tịch xây một cái nhà thờ rõ to. Lấy kinh phí từ đâu có trời mới  biết!  Đấy là còn chưa kể đến các toà nhà ở thị trấn Vân Đinh, ở Thanh Xuân Bắc, và các lô đất ở Văn Quán nữa. Chỉ khổ nhà nước, mà khổ nhà nước tức là khổ dân. Mất tiền mà chẳng biết lại còn phải ơn  chủ tich đã quan tâm tới quê hương nữa chứ. 

Hồi Hà Tây mới nhập về Hà Nội đọc mấy tờ báo đều thấy viết Ứng Hoà là huyện nghèo nhất của Hà Nội. Thấy xót xa và thấy ngượng. Mà trách nhiệm thuộc về ai? Đương nhiên là thuộc người đứng đầu huyện rồi. Thế mà sống chết mặc bay, tiền thầy...bỏ....túi! Số tiền 10 tỉ kia giá để đầu tư vào phát triển làng nghề hay để xây dựng trường học cho các cháu có phải thiết thực và ý nghĩa biết bao nhiêu. Lại nghĩ đến chuyện phá đình xây lại mới kỳ chứ. Kể cả tiền riêng của chủ tịch cũng không được phép phá đình. Nơi thờ cúng của cả làng đang yên ổn, nhất là vừa mới được nhà nước cho gần 50 triệu sửa chữa trùng tu cách đây hai ba năm. Địa thế phong thuỷ đã được một ông thầy địa lý người Tàu tên là Sơn Vi đặt cho từ hướng đình, nhà bia, ao đình, đường vào đình rất hài hoà cân đối dẹp đẽ.

Ông chồng bức xúc quá gọi điện ngay cho giám đốc sở văn hoá Hà Nội hỏi có được phép phá đi một công trình văn hoá đã xếp hạng để xây lại cái mới không. Giám đốc bảo không, mọi cái đều phải được Sở văn hoá thành phố thẩm định rồi mới quyết định. Vậy phải chờ xem thế nào. Liệu bàn tay có che nổi mặt trời??? 

 Viết thêm: 

Khi đưa bài viết này lên đây thì ngôi đình làng tôi không còn nữa mà nó đã bị những người đứng đầu huyện và làng phá đi xây mới lại. Cả hai cây ngọc lan cũng bị cưa đi đổ bê tông đặt 2 con sư tử vào đó. Trước Tết, về thăm quê, đóng góp chút công đức xây dựng làng quê mà trong lòng cứ thấy buồn buồn thương thương nhớ nhớ. Một cái gì đó thân thương mất đi không bao giờ có được nữa. Sao người ta không biết trân trọng gìn giữ bảo tồn cái mà ông cha ta đã tạo dựng hàng trăm năm nay nhỉ. Mà cái gì cũng có giá của nó. Phải chăng vì phá đình mà làng tôi có tới 4 người bị kỷ luật trong vụ tai tiếng chạy công chức mất trăm triệu bị nêu trên báo chí và truyền hình cả nước. Ngay sáng mồng Một đã có người làng chết, đến hôm nay một người nữa vừa ra đi, còn rất nhiều cụ ông cụ bà xung quanh đình thì bị ốm đau nặng hoặc ngã gãy tay nữa. Không biết còn chuyện gì xảy ra nữa đây? Thật chẳng vui gì!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét