Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

NOEL VÀ PHÁT QUÀ GIÁNG SINH CHO CÁC BÉ Ở VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG VÀ VIỆN K


Sẽ thật thiếu sót nếu không ghi lại những việc mà đoàn Việt Ly làm sau chuyến từ thiện "Qua miền Tây Bắc". Có thể không được chi tiết nhưng những cảm xúc vẫn còn nóng bỏng trong tôi.

Ngày 24/12/2012


Lâu rồi mới được ngủ nướng, cảm giác khoan khoái tuyệt vời sau một chuyến đi dài được thoải mái không còn chút bấn lo, áp lực và say xe đường dài. Dọn dẹp nhà cửa một chút, nấu ăn trưa xong đi Viện Nhi Trung Ương và Viện K tổ chức đón Noel và phát quà Giáng sinh cho các bé đang điều trị những căn bệnh quái ác nơi đây.

 Cũng lâu rồi mới tới Viện Nhi Trung Ương. Quả tình mình vẫn muốn tiếp tục công việc dạy học cho lớp học Hy vọng, nhưng đôi khi cũng hơi bị áp lực vì tuần nào cũng phải đến đó bằng xe buýt, lúc nắng lúc mưa và bọn ăn cắp trên xe luôn rình rập cũng gây cho mình những tổn thất đáng tiếc. Thêm nữa, tháng nào ít nhất mình cũng có một chuyến đi từ thiện vùng sâu vùng xa, đấy là còn chưa kể không ít thời gian thu gom, mua và phân loại đóng gói quần áo, sách vở, tạp chí, đồ chơi…và viết bài sau mỗi chuyến đi. Thương nhớ các bé lắm nhưng còn có nhiều các cô giáo tình nguyện khác nữa như cô Khương Thị Tự, cô Châu Anh, cô Thái Thùy Linh, cô Loan … vẫn miệt mài mang tri thức và niềm vui sống cho các bé. Không biết giờ đây cô bé Thủy – một trò Number One của mình ra sao, bé Tiến Anh ở Lâm Đồng thế nào, bé Hải Ninh, bé Dung, bé Linh, bé Tuấn và bao bé khác nữa, liệu bệnh tật có thuyên giảm hay lại như bé Thanh Nam ngày nào ra đi để lại niềm thương đau cho bất cứ ai biết em…
Cđoàn xếp hàng lên xe đẩy vào hai khoa phát quà cho 100 bé có hoàn cảnh khó khăn nhất.


 Hai mẹ con VL và cđoàn đến tận phòng bệnh trao quà tận tay cho các bé.




Chỉ ghé qua thăm lại lớp Hy vọng, mà không phát quà ở đây. Theo gợi ý của Phòng Công Tác Xã Hội của Bệnh viện, đoàn sẽ đến hai khoa U Bướu và Tim Mạch phát quà trực tiếp cho 100 bé có hoàn cảnh khó khăn nhất. Do tắc đường, đoàn Việt Ly đến chậm chút. Cả nhóm bắt tay chia quà vào các túi, xếp lên xe đẩy và mang quà đến tận giường bệnh nhân. Có bé chỉ có mấy tháng tuổi đã phải nằm viện với căn bệnh hiểm nghèo. Nhớ lại cảm giác lo lắng khi ĐL nhà mình lúc mới sinh đã phải nằm viện Xanh – Paul. Cầu mong cho tất cả các bé nơi đây chóng lành bệnh xuất viện sớm. Một chút quà Giáng Sinh hy vọng là điềm lành mang lại may mắn cho bé và gia đình các bé.
 Đêm Noel ở viện K.



 Chuẩn bị phát quà cho các bé ở viện K.

Hơn 5 giờ mới xong việc ở Viện Nhi, cả đoàn lại tiếp tục đi Viện K, cơ sở 2 ở mãi Tam Hiệp, Thanh Trì. Đường tắc, đêm mùa Đông đến nhanh thế, lại là đêm Giáng sinh nữa, phải vất vả bao lâu mới tới được Viện K, trời đã tối đen. May từ chiều đã có Câu lạc bộ Ghi-ta của các em Trường Đại học Ngoại thương do Trung Anh làm leader đến biểu diễn văn nghệ và cùng các bé hát hết bài này đến bài khác. Không khí Bệnh viện K khác hẳn, không còn u sầu phiền não bệnh tật,chỉ có những ánh mắt khuôn mặt rạng ngời sung sướng hy vọng.

 Câu lạc bộ Ghi ta đàn hát biểu diễn cho các bé rất vui.
 Lại đến từng phòng phát quà. Bờm tặng anh bệnh nhân này món quà sinh nhật của mình.
 Bé vui quá quên hết cả đau đớn bệnh tật.
 Cđoàn từ thiện và các bé đều vui.
 Cả một đoàn các bà, các bác, các anh chị và cả chú bé Noel bé tí đến từng phòng phát quà cho các em. Người nhận đã vui, người chia quà còn vui hơn nhiều, cảm giác như gánh đỡ phần nào đau đớn mà các em phải chịu, mang lại niềm vui niềm hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các em. Còn rất nhiều quần áo và mì tôm cũng phân phát hết cho các  bậc phụ huỵnh từ nơi xa xôi đến nuôi con em bị bệnh trong BV. 

Chín giờ mới xong công việc. Mười giờ mới về đến nhà, ăn qua quýt đi ngủ để còn bắt tay vào đợt trông thi cuối kỳ khoảng nửa tháng để rồi tiếp tục một học kỳ mới, học kỳ II năm học 2012 – 2013. Ngoài trời thật lạnh, nhưng lòng mình sao thấy ấm áp lạ khi giấc ngủ bình yên đã đến…

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

KỶ NIỆM BUỒN




Nhớ Kế lại nhớ đến một kỷ niệm buồn, đăng lại như để chia sẻ với em như ngày em còn "nghênh ngang" ở sân trường.



 
Sáng nay đi chợ về gặp Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hải Kế ngồi trong phòng thường trực trường ĐHKHNV. Kế chào, niềm nở mời ngồi uống nước. 

Mình không dạy Kế, có chăng chỉ dạy đôi buổi gì đó ở lớp Kế thay cho chị Chánh Thành hay anh Lê Thế Thép, nhưng bao giờ Kế cũng dành cho mình một tình cảm nồng ấm. Khi gặp em đi cùng với bất kỳ ai, bao giờ em cũng chào hỏi rồi giới thiệu đây là cô giáo của em. Dịp khoa Sử tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập khoa, em đến tận nhà đưa giấy mời đi dự làm mình rất cảm động. Hoá ra mình là giảng viên dạy ngoại ngữ duy nhất của khoa được mời.

 Nói chuyện dăm ba câu, bỗng nhiên Kế hỏi hôm rồi cô mới mắng cái T. à. Mình ớ ra ngạc nhiên không hiểu Kế nói gì, hỏi T. nào, cô có mắng ai đâu. Kế bảo em nghe người ta xôn xao nói thế. Chợt nhớ ra V.T., cô học trò học lớp nghiên cứu sinh của mình từ rất lâu rồi. Đúng là có một kỷ niệm buồn trong cuộc đời làm nghề dạy học của mình. 

Đã quên đi rồi, tự nhiên Kế nhắc làm mình nhớ lại có lần trong cuộc họp lần đầu của đại diện Đại học Quốc gia là ông Quát, hiệu phó ĐHQG, ông Hoà, hiệu trưởng ĐHNN, Thạch, trưởng phòng tổ chức ĐHQG và V.T., trưởng phòng công tác sinh viên ĐHQG đến gặp mặt cán bộ Bộ môn Ngoại ngữ ĐHKHTN về việc chuyển Bộ môn sang ĐHNN. Cán bộ Bộ môn rất bức xúc chất vấn ĐHQG rất nhiều. Họ cho là ĐHQG áp đặt, thiếu dân chủ, không tôn trọng con người và dự án thiếu tính thực tiễn. Những lập luận của các vị đại diện ĐHQG trả lời thiếu sức thuyết phục, đều mang tính áp đặt và không chỉ ra được một tương lai rõ ràng nào của dự án.

 V.T.cũng phát biểu. Cô ấy cho rằng là phụ nữ nên cô rất thông cảm với tâm tư chị em ngại sự thay đổi. Cô nói ở đây có cả cô giáo của em là cô Thơ đã từng dạy em Tiếng Nga trước đây, em đã từng là học sinh giỏi của cô và được cô quý mến, nhưng em xin lỗi cô em quên hết Tiếng Nga của cô rồi. Mình lặng đi, bất ngờ, buồn phiền. T. còn nói ngay cô Thơ cũng đã thay đổi từ dạy Tiếng Nga sang dạy Tiếng Anh, em hỏi cô sự thay đổi ấy có tốt không, cô có bao giờ ân hận về sự thay đổi đó không. Cho nên thay đổi chỉ để tốt hơn thôi. 

Sao mà ngây thơ đến thế. Cô thay đổi là tự cô muốn thay đổi, tự nguyện thay đổi. Đương nhiên là tốt hơn rồi vì nếu không thay đổi cô sẽ bế tắc, sẽ đi vào con đường cụt không lối thoát. Còn ĐHQG bắt mọi người thay đổi trong khi người ta đang ổn định, đang happy trong môi trường ĐHKHTN mà người ta gắn bó ít ra cũng mười bốn mười lăm năm trời. Sự so sánh thật là khập khiễng không đủ sức thuyết phục. Mình quá bức xúc định phản bác nhưng lại kiềm chế không muốn hạ uy tín của học trò trước một hội nghị toàn những quan cách, những người mang danh đi dạy " học to " cho người khác. 

Một hành vi thiếu lịch sự nữa mà V.T. bộc lộ là ngồi ở ghế với tư cách là chủ tịch đoàn cô chốc chốc lại chạy vội ra một góc nói chuyện điện thoại khi tiếng chuông ĐT reo lên cắt ngang cuộc họp. Một lần còn có thể cho phép sau đó phải tắt máy đi để tôn trọng mọi người. Đằng này liên tục, liên tục...

Hôm sau gặp ông Quát đi dạy ngồi trong phòng chờ của ĐHKHTN mình nói ông nhắn lại với V.T. những suy nghĩ của mình, bày tỏ sự chê bai cách ứng xử thiếu văn hoá của cô. Chắc chắn ông Quát về nói lại với VT nên buổi họp lần thứ hai VT vào phòng hội thảo vội đến ngay chỗ mình ngồi xin lỗi và bảo tính em hay đùa chứ không có ý gì. 

Sao mà đùa thiếu suy nghĩ đến thế. Ở ngoài đời VT có thể đùa thoải mái như thế và mình cũng có thể nói với em quên là chuyện bình thường, đến cô đây cũng còn quên nữa là. Quên để làm tốt công việc hiện tại thì cũng tốt chứ sao. Nhưng đây là cuộc họp trước bao con người có tri thức cao thì sự bất lợi lại thuộc về T.. Mọi người sẽ đánh giá T. là người học trò bội bạc. Mình cũng nhắc VT nên rút kinh nghiệm về việc nói chuyện ĐT trong cuộc họp, cô bảo em bận quá, có quá nhiều việc phải làm. Hình ảnh VT sụp đổ trong con mắt mọi người chính vì những kiểu "đùa" quá trớn không đúng nơi không đúng lúc và những biện minh " bận rộn " của cô.

Hải Kế bảo T. thật là ngu đần. Mình bảo HK chuyện qua rồi cô cũng không còn thấy buồn phiền nữa. Tình cảm mới là cái quý, đáng trân trọng nhất trong cuộc đời vốn dĩ đã không ít cái làm ta phiền lòng. Hãy nuôi dưỡng những tình cảm trong sáng đẹp đẽ làm ta thêm yêu mến cuộc đời này nhiều hơn.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Khóc bác Nguyễn Hải Kế





   Cứ cho là “tử bất kì”
Trời xanh kia chẳng ra gì, bác ơi!
   Không thương người tốt ở đời
Thì đem xé quách cho rồi…trời xanh!

   Bác đi em ở sao đành
Đồng vàng thì mất đồng chinh thì còn…

   Đâu rồi cái thủa còn son
Câu thơ viết vội nước non tràn trề
   Mễ Trì mấy đứa nhà quê
Kẹo dồi chén nước cũng kề cà vui…

   Lối xưa điền dã đâu rồi
Chân trần áo xếch tơi bời đó đây
   Đâu rồi góc núi chân mây
Liêu xiêu bóng bác hao gầy lội ra...

   Đêm về cùng ngẫm ngọt ca
Du du thế sự nại hà lão lai…

   Đâu rồi cho đến ngày mai
Còn non còn nước còn dài…còn đâu!

   Mà thương mà tiếc mà đau
Trời xanh ta đội trên đầu thế ư?...

                                Hà Nội đêm 19-3-2013
                                     Nguyễn Hùng Vĩ.
 

VĨNH BIỆT NGUYỄN HẢI KẾ





Mình không chính thức dạy Kế, có chăng dạy thay chị Chánh Thành hay anh Lê Thế Thép lớp em, nhưng với mình bao giờ em cũng dành cho một tình cảm đặc biệt thân quý và trân trọng. Dù gặp em trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào, dù có đang bận đến mấy em cũng dừng lại chào cô, thăm hỏi đôi lời với nụ cười chân tình thân thiện.

Nhớ ngày mới về trường ĐHTH, em đang học khóa 15 khoa Sử và đã nổi tiếng về thành tích học tập cũng như  những hoạt động thanh niên với tư cách là một Cờ đỏ, năng nổ tích cực với mọi phong trào của trường của khoa và của ký túc xá Mễ Trì. Ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, đi Nga làm nghiên cứu sinh, về nước với tư cách một tiến sỹ khoa học, sau là chủ nhiệm khoa Sử,  em lăn lộn với nghề, xây dựng khoa Lịch Sử lớn mạnh, đóng góp nhiều công sức, nhiều bài viết, bài báo khoa học cho ngành Sử học nước nhà. Dịp khoa Sử tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập khoa, em đến tận nhà đưa giấy mời làm mình rất cảm động.

Không thể tin được lần gặp em hôm Tết nguyên tiêu ở Văn Miếu vừa rồi lại là lần cuối cùng. Vẫn nụ cười cởi mở, em chào giới thiệu với người đi cùng đây là cô giáo tôi. Rồi em bảo em ở đây không phải đi hội thơ Việt Nam đâu mà đang làm một phóng sự về Văn Miếu. Em, con người của khoa học, con người cả cuộc đời cống hiến cho khoa học. Nhưng ở em lúc nào cũng toát lên sự giản dị chân chất đáng quý. Bất cứ trò nào được học em đều ca ngợi yêu quý em. 

Vậy mà Hải Kế đã ra đi, Nghe tin dữ thấy tâm bấn loạn bất an. Không thể tin được. Sao con người lại có thể ra đi dễ dàng đến vậy. Sự ra đi của em thật đột ngột làm cho bất kể ai biết em đều thấy sững sờ thương tiếc và ngộ ra ranh giới giữa cái sống và cái chết thật mong manh mong manh.

 Vĩnh biệt Nguyễn Hải Kế, cầu mong em thanh thản yên nghnơi thiên đàng,  luôn phù hộ cho gia đình em được mãi bình an. Vĩnh biệt!


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

HỒ GƯƠM MỜ SƯƠNG


 


Năm ngoái đi xem lễ hội hoa Hà Nội cùng với gia đình một người bạn. Xem lại mấy cái ảnh chụp Hồ Gươm vẫn thấy thích.

Ra đi từ sáng sớm sợ bị chen lấn xô đẩy như năm kia. May không nhiều người lắm. Tha hồ ngắm cảnh sinh tình. Ấn tượng nhất là cảnh Tháp Rùa thơ mộng ẩn hiện dưới làn sương sớm. Chớp được mấy cảnh được TA khen tay nghề lên cao. Tự hào một tí để khoe nè:






































Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

CẦN LẮM NHỮNG CHIẾC PHẢN VÀ CHĂN CHO CÁC TRƯỜNG MẦM NON HUYỆN MÙ CANG CHẢI TỈNH YÊN BÁI



Qua Rằm tháng Giêng rồi, nghỉ Tết cũng khá dài, nhóm Vì ta cần nhau vừa bắt tay khởi động lại chương trình hỗ trợ phản nằm và chăn cho các trường Mầm non huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái mà nhóm đã đang và sẽ thực hiện.

Trong thực tế, tháng Một vừa rồi nhóm đã chuyển cho các lớp Mầm non của trường Mồ Dề, MCC 47 chiếc phản trị giá 16.450.000đ và tháng Hai chuyển 47 chiếc chăn trị giá 4.700.000đ. Tính cả tiền vận chuyển chăn từ Hà nội lên mất 800.000đ, tổng cộng hết 21.950.000đ. Nhờ sủng h của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, với số tiền trên nhóm VTCN đã giúp cho 250 cháu bé của trường Mầm non Mồ Dề có phản và chăn kịp thời trong những ngày lạnh giá. Cô và trò Mồ Dề vô cùng phấn khởi gọi điện cho biết phản đẹp chắc chắn (có kích thước hợp lý, dài 2 m, rộng 1,2 m, cao 80cm), các cháu ngủ trưa thoải mái, có chăn ấm đắp không bị lạnh, ngủ rất ngon. Đây là một nhu cầu hết sức cấp thiết đối với trẻ em miền núi vì khí hậu nơi đây hầu như lạnh quanh năm, bao giờ cũng cần phản và chăn. Người viết bài này đã từng nhiều lần đến trường Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, MCC thì đều chứng kiến cả điểm chính XDH và các điểm lẻ như Củ Dể Xeng, Háng Đề Sủa và Hồ Nhì Pá không nơi nào có phản và chăn cho các bé, nếu có mấy chiếc chăn thì đều cũ kỹ và không sạch sẽ gì. Vậy xin những ai đọc bài viết này hãy dừng lại một chút để suy ngẫm về những em bé 3, 4, 5 tuổi nằm co ro trên chiếc chiếu trải trên nền đất không chăn đắp trong những ngày rét mướt tê buốt cắt da cắt thịt như năm ngoái, đến người lớn chúng ta trong phòng ấm có chăn có đệm mà đôi lúc vẫn cảm thấy không thể chịu đựng nổi thì sẽ thấy các em bé Mầm non trên miền núi đáng thương như thế nào.

 Đây là bức hình ghi lại lớp học của các bé 3 tuổi ở Chống Màng Mủ, Mồ Dề dịp tháng Tám năm 2012 khi nhóm VTCN lên tặng bàn ghế cho hai lớp Mẫu giáo 5 tuổi ở bên cạnh. May mà các cô giáo nơi đây còn góp tiền mua mấy tấm xốp trải lên nền đất cho các cháu đỡ lạnh. Các bạn thấy không, có đến ba bốn cháu đối diện còn không có quần mặc.

Cả huyện Mù Cang Chải ở Yên Bái có 14 xã (với 15 trường), nhóm chúng tôi đã hỗ trợ được một xã Mồ Dề. Hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ trường Xéo Dì Hồ là nơi một năm nay nhóm từng gắn bó hỗ trợ về nhiều phương diện như bể nước, bếp ăn, lớp học và các nhu cầu cấp thiết như quần áo, dép, đồ chơi, bánh kẹo... Chúng tôi muốn các em được khỏe mạnh hơn, ấm áp hơn trong tiết trời giá lạnh ở vùng núi cao ấy. Cả trường Xéo Dì Hồ tính cđiểm chính và điểm lẻ có 217 em ở lứa tuổi Mẫu giáo cần có 44 chiếc phản và 44 chiếc chăn. Số tiền cần cho dán này chưa kể công vận chuyển tạm tính khoảng 20.000.000đ. Hai địa điểm nữa là xã Kim Nọi và xã Dế Xu Phình cũng sẽ cần những khoản tiền nhất định. Kế hoạch này chúng tôi sẽ thực hiện trong tháng Ba tới. May mắn thay,  chúng tôi đã được các anh ch bên Hungary ủng hộ số tiền đóng phản và mua chăn cho hai trường Xéo Dì Hồ và Kim Nọi. Xã Dế Xu Phình cũng được nhóm bạn bè anh Hiệu Minh bên Mỹ hỗ trợ rồi.

Như vậy, từ những thông tin trên có thể thấy vẫn còn 10 trường chúng ta còn phải lo một số tiền khá lớn để mua chăn và đóng phản cho các bé, riêng xã La Pán Tẩn nơi xảy ra vụ sạt lở chết người năm ngoái đã được nhiều nơi hỗ trợ nên không cần nữa. Một mình nhóm Vì ta cần nhau sẽ phải mất thời gian khá lâu đthực hiện kế hoạch này. Do vậy chúng tôi tha thiết xin các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ trong và ngoài nước quan tâm đến các cháu nhỏ ở miền Tây Bắc còn muôn vàn khó khăn này hãy chung tay cùng nhóm Vì ta cần nhau sớm thực hiện tốt kế hoạch trên để chúng ta có thể ấm lòng hơn mỗi khi có những cơn gió lạnh tràn về qua miền Tây Bắc. Những vật dụng hàng ngày như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, tranh ảnh, đồ chơi đối với các trẻ em Mẫu giáo luôn là nhu cầu cần thiết. Chúng tôi luôn vui mừng nếu các bạn gửi đến cho nhóm VTCN để chúng tôi chuyển lên cho các bé vùng cao.

Mọi liên hệ cũng như mọi sgiúp đỡ ủng hxin gửi đến các địa chỉ sau:


1. Cô Anh Thơ, nhà số 2 ngách 23 ngõ 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.  Số ĐT: 0915228457
2. Chị Đặng Tuyết Anh, chủ tài khoản của nhóm VTCN với số TK: 128038189 Ngân hàng ACB phòng giao dịch Hoàng Cầu số 6-7-8, dãy B khu Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa Hà Nội. Số ĐT của Tuyết Anh: 0914558472.
3. Chị Kim Thanh, số nhà 29/5D Thạch Thị Thanh, P. Tân Định, Q. 1, TP HCM. Số ĐT: 0903753636
Xin trân trọng cảm ơn! 

Và đây là vài tấm hình ghi lại nhóm VTCN đã hỗ trợ phản cho các cháu ở Mồ Dề.