Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

CÔ THƠ


Mùng 8 Tết Quý Tỵ, các em sinh viên Văn khoa K17 Đại học Tổng hợp, tức các trò cách đây 40 năm của mình đến chúc Tết và tặng mình cuốn kỷ yếu "Một thời và mãi mãi" của các em. Cuốn sách rất đẹp, trình bày khá công phu hội tụ hầu hết kỷ niệm của thầy cô và trò K17 một thời trong thập kỷ những năm 70 của thế kỷ trước. Bao kỷ niệm ùa về, thân thương ấm áp và hết sức nhân văn. Chỉ dậy các em có một học kỳ, lại không phải là môn chính trong khóa học, nhưng các em đã dành cho mình bao tình cảm yêu mến trân quý làm mình thấy thao thiết bồi hồi xúc động. Đặc biệt Nguyễn Thông một học sinh mà dù cho có ở phương trời nào thì mình vẫn nhận ra. Em có viết bài  " Cô Thơ" in trong kỷ yếu. Thực ra mình đã đọc bài này trong Blog của em từ lâu. Trân trọng đăng lại trong Blogspot như một lời cảm ơn em Nguyễn Thông nói riêng và cả khóa K17 Văn Khoa nói chung với tình yêu sâu lắng nhất.



Cô Thơ



Từ khi là nụ, đến lúc thành hoa, chúng mình nhớ ơn chăm sóc của thầy cô. Hoa này em trồng trên ban-công nhà, em kính tặng cô.


Mình vừa được “gặp” lại cô giáo cũ, sau 35 năm, cô Ngô Anh Thơ, giảng viên tiếng Nga dạy mình và các bạn những năm đại học. Ôi quãng thời gian thật là dài.




Gọi là “gặp”, phải để trong dấu nháy nháy bởi hai cô trò mới chỉ liên lạc lại trên mạng điện tử (online) chứ chưa phải trong thực tế (offline). Nhưng như thế cũng mừng lắm rồi. 35 năm có phải cái chớp mắt đâu. Và mình thật đáng trách, chính cô tìm ra trò trước, nhắc lại chuyện cũ, cô vẫn hiền dịu thân tình như thuở sơ tán ven sông Cầu, như hồi quây quần tại khu học xá Mễ Trì mà sinh viên thì được ở nhà xây còn giáo viên nhà tranh vách đất.




Khóa 17 ngữ văn (72-76) có khoảng 130 sinh viên, bọn Hán Nôm chiếm 13 đứa, bọn Ngữ khoảng hai chục, còn lại là Văn. Để học ngoại ngữ, đám văn lại chia tiếp, số thì thụ giáo tiếng Nga, số thì tiếng Pháp, mình nhớ láng máng hình như không có tiếng Trung (cái này phải hỏi kỹ lại ông Xuân Ba). Văn phòng khoa lên danh sách, may nhờ rủi chịu. Một số đứa sau khi biết phải học tiếng Pháp đã giãy nảy, đòi xin sang lớp Nga bằng được (xin lỗi chị Sánh, chị Bé… nhé, các chị là học trò cưng của thầy mơ-xi-ơ Lung, em chả dám động vào). Chả là tiếng Nga đang thịnh, đang thời hoàng kim, “tiếng của Lenin”, mà đã Lenin thì thôi rồi, chúng con xin kính cẩn biết ơn Người. Được cái học tiếng Nga có thuận lợi là sách vở tài liệu nhiều, rẻ, cứ ra hiệu sách ngoại văn Tràng Tiền tha hồ chọn, bán như cho, còn bọn tiếng Pháp thật tội, ngoài giáo trình của khoa, dễ gì kiếm được sách ngoài.




Khoa Văn có hai cô giáo tên na ná nhau, cô Thư và cô Thơ. Cô Thư là Đinh Lê Thư, giảng viên ngôn ngữ, hồi tụi mình mới vào cô đang nổi lắm, trẻ mà tài giỏi, lại thạo ăn nói. Mà theo mình, các thầy cô bên ngữ văn người nào cũng hoạt khẩu, thầy Đinh Xuân Dũng, thầy Hà Minh Đức, cô Lê Hồng Sâm… chẳng hạn; chỉ có thầy Kỵ (Lê Đình) là hơi chậm thôi. Vẫn nhớ cô Thư dạy phần âm vị, cô dẫn thơ “Đưa người ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng/Nắng chiều không thắm không vàng vọt/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”, mình ngồi dưới xuýt xoa hay thế, cảm giác như lạc vào thế giới cực kỳ mê đắm.




Cô Ngô Anh Thơ dạy tiếng Nga tụi mình từ năm thứ nhất, làm cái nhiệm vụ khó khăn nhất là vỡ vạc đầu óc bọn phần lớn xuất thân nông dân như mình để nhét thứ tiếng Nga cực kỳ hóc búa vào. Những là 3 ngôi, 6 cách, số ít số nhiều, giống đực giống cái lại cả giống trung, dấu cứng dấu mềm, ôi giời ôi, cứ là đánh vật. Lúc nào cũng lẩm nhẩm “khơ ra sô, sờ pa xí bơ, vừa đi vừa đá vừa chen…” loạn cả lên. Cũng có không ít đứa thông minh, năng khiếu ngoại ngữ nổi trội, như Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Bích, Nguyễn Thị Minh Huệ… tiếp thu lời cô nhanh, bài tập cô ra nhoắng cái chúng đã làm xong, còn phần lớn, mà mình thuộc diện "tiêu biểu xuất sắc" nhất, lờ đà lờ đờ, ấm a ấm ớ, phát âm thì ngọng, ngữ pháp thì sai, dịch Nga Việt bét nhè cả lên. Thế mà cô chả bao giờ giận, cứ nhẹ nhàng uốn nắn, truyền đạt, từng tí từng tí, rồi cũng xong. Không có thời “đất vỡ hoang” của cô Thơ, chắc sau này thầy Chế, thầy Khuyến bó tay với tụi mình. Bây giờ mình mới dám thú thật, điều này cô Thơ chả biết đâu, cứ các bài kiểm tra hoặc bài tập, mình lại chép của thằng Bích, sau đó anh Vũ Lệnh Năng lại chép của mình. Thật trời có mắt, giờ thì chỉ còn thằng Bích thông thạo tiếng Nga, còn mình và anh Năng tịt hẳn, 100%.




Cô Thơ hiền lắm, có lẽ hồi ấy cô hơn tụi mình khoảng dăm tuổi, tức ngoài đôi mươi chút chút nên coi tụi mình như em trong nhà. Cái Huệ thân với cô hơn cả, còn thằng Huy Hoàng được cô quý mến nhất bởi nó thông minh (thực ra thằng Bích thông minh hơn, nhưng thằng này nó sống khép kín còn hơn cả theo Nho Phật Lão nên ít quan hệ, ngay bây giờ cũng thế, nó đã giáo sư tiến sĩ từ hồi nảo hồi nào mà có mấy ai biết đâu). Mình nhớ có lần buổi tối rủ thằng Ngô Văn Đồng lớp Ngữ, chồng cái Cúc, xuống thăm cô, chủ yếu để hỏi mấy chữ mà mình không thể nào dịch được khi thầy Nguyễn Văn Chế ra bài tập dịch bài thơ Cánh buồm của Lermontov. Cô Thơ ở dãy nhà lá phía bên phải cổng chính, mỗi thầy cô được phân một phòng nho nhỏ, tuyềnh toàng. “Nhà” cô gần khu tá túc của thầy Đinh Xuân Dũng, cũng gần khu của các thầy cô khoa Sử như vợ chồng anh chị Phan Đình Nham-Nguyễn Thị Từng. Sau này mình dạy cùng trường với chị Từng, chị có nhắc đến cô Ngô Anh Thơ của mình, mình khoái lắm. Bữa ấy cô đi vắng, thế là hai thằng ra quán cô Xuyến con bà bu ngoài cổng làm đĩa kẹo dồi, mấy chén nước chè, hết buổi tối. Hôm sau giờ tiếng Nga mình phải trốn, sợ thầy gọi thì có mà chui xuống đất. Năm 80 hay 81 gì đó, thầy Chế từ Đại học Cần Thơ lên Sài Gòn tập trung tại trường Dự bị đại học 2 tuần để đi tu nghiệp bên Liên Xô. Thầy ở nhà mình thời gian đó, vợ chồng mình quý thầy lắm, mình kể lại chuyện đó, thầy cười khớ khớ thật hiền thật vui.




Hôm trước, cô vào blog của mình, cô bảo Thông ơi cô Thơ đây. Cô nhắc lại chuyện hồi năm 2006 họp lớp họp khoa, lúc các bạn đến thăm cô thì mình đang về Hải Phòng, tên Huy Hoàng gọi điện cho hai cô trò nói chuyện. Mình bị chứng mất tiếng, chỉ khào khào chào cô. Kỳ này cô dặn nếu ra Hà Nội nhớ ghé chỗ cô chơi, cô về hưu rồi, nhưng tuần nào cũng gặp Vương, còn thị Huệ cũng hay điện thăm cô, anh Ngọc Hồng hay gọi cho cô, Huy Hoàng ở xa gửi email, cái Đạm cái Hương con, cái Hà lâu không thấy tới. Mình hứa với cô lần tới ra Hà Nội thế nào cũng đến thăm lại cô giáo cũ của mình.




Giờ chỉ ao ước, giá mà đám chúng mình được quay trở lại gần 40 năm trước, cùng quây quần trong cái lớp học đào sâu xuống lòng đất bên bờ sông Cầu, trong cái se lạnh cuối đông, để nghe cô Thơ giảng bài.




27.10.2011
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét