Bài này mình viết cách đây đúng một năm, chính vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Năm nay mình cũng chẳng đi đâu. Có một chuyện buồn xảy ra nên chẳng có tâm trạng làm gì. Máy tính thì trục trặc. Sao mọi cái cứ như chống lại mình. Tìm đến những kỷ niệm cũ để quên đi những điều đáng gọi là tốt đẹp nhất mà mình luôn thần tượng tự hào, nay bị đổ vỡ trong tâm hồn có bị coi là quá nhậy cảm không.
Anh Thơ, 30-4-2012
Thôi tôi không phải nói thêm gì nữa nhé. Chờ thư của Anh Thơ và tất cả các đồng chí. Nhờ Anh Thơ chuyển giúp thư này cho anh Ủy nhé.
Thân.
Lê Đức Mẫn
Kỳ nghỉ lễ kéo dài mấy
ngày liền. Ông chồng vi vu tận phương trời nào. Con trai cùng bạn gái (có thể
coi là vợ vì đã đăng ký và chụp ảnh cưới ) thì đi nghỉ tại một resort ở Sơn
Tây. Mình chẳng đi đâu, ở nhà làm Osin, giặt giũ cất dọn đồ mùa Đông và dọn dẹp
sách vở. Thật hay tìm lại được lá thư của thầy giáo cũ vô cùng kính yêu
thời đại học của mình là thầy Lê Đức Mẫn. Đọc lại vẫn cảm thấy xao
xuyến bồi hồi nhớ lại một thời thật đẹp, vật chất nghèo khó chẳng có gì nhưng
đầy ắp cuộc sống tinh thần giàu có phong phú đáng trân trọng. Lá thư của thầy
là một minh chứng. Một vài điều trong bài phát biểu của thầy có thể không còn
hợp thời lắm nhưng đọng lại là tấm lòng người thầy luôn tâm huyết với trò. Cái
mình có được ngày nay, một cô giáo luôn được trò yêu mến kính trọng chính là
chịu ảnh hưởng từ thầy rất nhiều. Đăng lại bức thư của thầy như một lời tri ân
sâu sắc tới người thầy yêu quý mà suốt đời em vẫn là cô trò nhỏ chỉ biết ngưỡng
mộ thầy.
Cáp Thủy 22.11.1969
Anh Thơ thân!
Nhận được thư của Anh Thơ hơi muộn nghĩa là sau ngày lễ hai
ngày, song điều ấy cũng làm tôi hết sức xúc động bởi một lẽ đương nhiên là
chúng ta đã làm việc với nhau nhiều, hiểu nhau và các đồng chí đã nhớ tới tôi.
Trước hết cho tôi gửi tới Anh Thơ lời chúc sức khỏe, tiến bộ và hạnh phúc
(không biết chúc thế là sớm hay đã là muộn mặc dù tôi đã cố dùng chữ hạnh phúc
ở nghĩa rộng nhất), sau nữa nhờ Anh Thơ chuyển đến các đ/c phụ trách lớp và chi
đoàn, các đ/c trong tốp ca nữ cùng toàn thể anh chị em trong lớp lời chúc mừng
nhiệt thành nhất. Rất cám ơn Anh Thơ đã lo cho tôi nhiều mặt trong đó có vấn đề
sức khỏe. Tôi cũng thấy như vậy và hứa với các đ/c sẽ rèn luyện đều về các mặt.
Năm nay làm việc với anh chị em sinh viên mới, lúc nào tôi cũng
nhớ những ngày đã qua, một tình cảm thật sự sâu sắc gắn bó tôi với tất cả các
đồng chí, chỉ tiếc rằng khả năng tôi không cho phép theo các đồng chí đến cùng,
rồi những công việc hàng ngày kéo tôi vào những suy nghĩ gián đoạn, lẻ tẻ không
cho phép để tâm đến tất cả mọi chuyện được. Năm nay tôi chủ nhiệm lớp ba, Học
và Vĩnh học tốt hơn trước nhiều, lớp vui và văn nghệ tạm được. Tôi chuyển sang
dạy dịch cũng tìm thấy những cái vui riêng, cái vui âm thầm của những
phát hiện nho nhỏ. Tôi vẫn cố gắng học tập, mong mỏi sau này không thua kém các
đồng chí nhiều quá.
Hôm kia nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế hiến chương
các nhà giáo, Ban Giám hiệu có bảo tôi phát biểu. Tôi cũng viết ra mấy dòng ôn
lại những suy nghĩ và thu lượm của mình mấy năm vừa qua. Tiện đây tôi ghi lại
nguyên vẹn, âu cũng là một cách tâm sự. Anh Thơ cùng các bạn, nhất là các bạn
trong tốp ca nữ, chịu khó đọc tạm vậy, và nếu rỗi rãi thì cho tôi biết suy nghĩ
của mình nhé. Tôi muốn hiểu các đồng chí nhiều hơn để từ đó có những suy nghĩ
đúng đắn hơn nữa (tôi ghi lại nguyên văn vì muốn giữ lại không khí của một ngày
lễ.)
Kính thưa Ban Giám hiệu nhà trường.
Thưa các đồng chí cán bộ công nhân viên các phòng.
Thưa các đ/c đồng nghiệp hôm nay và tương lai của tôi.
Cách đây hai hôm khi dự cuộc họp cho đợt học chính trị của các
đ/c sinh viên, đ/c Luân, phụ trách phòng chính trị, hỏi tôi:"Sắp đến ngày
20.11 đ/c nghĩ gì?" Tôi đã trả lời:"Mỗi năm đến ngày ấy mỗi giáo viên
chúng tôi lại tự soi lại mình một lần, tự lấy danh hiệu người giáo viên nhân
dân đánh giá xem mình còn những mặt gì thiếu sót để làm sao khỏi cảm thấy hổ
thẹn, để khỏi vì mình làm xấu xa ý nghĩa của một ngày rất đẹp, để cho một đôi
người có thể nói :" Đó không phải là ngày quốc tế các nhà giáo mà là ngày
quốc táo các nhà dế." Đ/c hỏi thêm:"Thế đồng chí đã có mấy ngày 20.11
rồi?" Tôi bảo được bốn. Đồng chí bảo tôi rằng suy nghĩ như thế là đúng và
gọi tôi là người giáo viên trẻ tuổi.
Tôi dẫn ra cuộc hội thoại ngắn ngủi này chỉ cốt làm mở đề cho
một nội dung tiếp theo: Suy nghĩ về ngày 20.11 của một giáo viên trẻ tuổi.
Trước khi vào thân bài cho phép tôi được gửi tới các đ/c đồng nghiệp đi trước
tôi, đang đi cùng tôi hoặc sắp đi cùng tôi lời chào mừng biết ơn, lời chào thi
đua và lời chúc mừng hứa hẹn nhất, xin gửi tới BGH, các đ/c đại biểu các phòng
lời chào thi đua và quyết thắng.
Thưa các đồng chí!
Nếu như không vì yêu cầu nghiêm ngặt của một nhà trường sư phạm
thì tôi đã đề nghị các đ/c sinh viên gọi tôi bằng một từ đơn giản hơn là
"Anh". Trong tiếng Việt Nam chúng ta tiếng "thầy" vốn là một
từ xưng hô dùng để gọi người sinh ra mình, những lãnh tụ xuất sắc cũng được gọi
bằng từ đẹp đẽ đó "người thầy của cách mạng". Trong nhiều câu tục ngữ
ca dao viết về thầy giáo, các bạn trẻ của tôi thích nhất câu:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Tôi không muốn dừng lại xem chủ ngữ của những động từ "bắc
cầu" và "yêu" là ai, tôi muốn các bạn chú ý: chữ thầy ở đây đặt
ở cuối câu như một cái gì chắt chiu nhất mà người ta dành cụm từ lúc bắt đầu
nói và không thể có một từ nào khác tiếp theo nữa.
Sau bốn năm làm nghề dạy học bây giờ nhắc đến cái danh từ mà
người ta đã dành cho mình tôi vẫn cảm thấy bâng khuâng, vẫn thấy có phần nào hổ
thẹn, vẫn thấy mình chưa xứng đáng được gọi như vậy.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi về nghề nghiệp của mình là thấy công
việc ấy khó khăn quá, đẹp đẽ quá mà tầm vóc của mình hạn chế quá. Nếu như các
đ/c sinh viên cho phép tôi được gọi các đ/c bằng "em" (tôi chưa một
lần nào dám gọi như vậy) thì tôi tự nghĩ thế này: Các em đến với tôi như những
tia nắng, hãy biến tâm hồn mình thành một kính hội tụ thâu đón các em để từ đó
tỏa ra sức nóng cho cuộc sống. Nếu các em đến với tôi như những cánh chim bồ
câu thì hãy biến mình thành một khuôn cửa sổ cho các em dừng chân để từ đó nhìn
thấy màu xanh bát ngát của nền trời, còn các em có lớn lên phần nào trong tôi
như những mầm cây thì tôi chỉ dám nhận phần mình như một mảnh vườn ươm, chỉ dám
cung cấp cho các em một phần nào chất sống và nước uống để từ đó các em đón lấy
chất diệp lục xanh rờn và hơi nóng của cuộc đời xung quanh. Kính hội tụ càng
lớn bao nhiêu thì sức nóng tỏa ra càng nóng bấy nhiêu, khuôn cửa sổ càng lớn
bao nhiêu thì nền trời xanh càng rộng bấy nhiêu và mảnh vườn ươm càng tươi tốt bao
nhiêu thì những mầm cây càng bụ bẫm bấy nhiêu. Cái khó của người giáo viên là
làm sao tầm vóc của mình ngày càng phải cao hơn, lớn hơn, nghĩa là con mắt phải
nhìn được xa hơn, rộng hơn, tâm hồn phải phong phú hơn, tươi mát hơn. Nói khác
đi, người giáo viên phải đứng vừa tầm với tấm bảng đen mà người ta đã treo cao
cho các em ngước mắt nhìn lên, phải ngồi vừa tầm với chiếc bục gỗ mà người ta
đã kê cao để không bao giờ anh bị khuất bóng.
Ngày xưa người ta ví nghề dạy học như nghề đưa đò, xin nói thêm,
đưa đò cho các em đi tới chân trời của chủ nghĩa cộng sản. Các em có thể nhớ
tới chúng tôi, có thể quên chúng tôi; nếu nhớ thì chúng ta là những người bạn
đồng hành với nhau, nếu quên thì các em hãy coi chúng tôi như những người gặp
gỡ chốc lát và chúng tôi đã chỉ cho các em vào một buổi sớm mai con đường đi về
phía Đông nơi có Mặt Trời lên.
Nhiệm vụ của người giáo viên không chỉ là giảng dạy, người giáo
viên là người sáng tạo những bản tính mới. Găm- da- tốp, nhà thơ và nhà văn lớn
Xô-viết, đã kể về ông thầy của mình là A-bu-ta-líp như sau: Một hôm Găm-da-tốp
rút hộp thuốc lá mời A-bu-ta-líp. A-bu-ta-líp lặng thinh rút ra một gói thuốc
lá vụn và kiên nhẫn quấn. Lát sau ông bảo Găm-da-tốp rằng: Mỗi điếu thuốc của
ta có một bộ mặt, ta đã tạo ra chúng từ những mảnh vụn tưởng như không dùng
được, còn anh, anh cứ đi tìm hứng thú trong những điếu thuốc bằng sợi dài mà
người ta làm ra bằng máy, điếu nào cũng như điếu nào cả.
Về phía sinh viên, chúng tôi mong các em lớn lên như một vườn
cây trăm ngàn hương sắc, còn chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng làm những
A-bu-ta-líp Việt nam, những người thợ thủ công chăm chút đẽo gọt những tâm hồn.
Trong tiếng Nga có một câu tục ngữ : Truzaia dusa - patriômki
nghĩa là tâm hồn của người khác là một khoảng tối, người kỹ sư tâm hồn là người
suốt đời mầy mò trong những khoảng tối để tìm ra ánh sáng và tập trung những
ánh sáng ấy chiếu vào cuộc đời. Tâm hồn con người cũng như các sản phẩm vật chất
khác, nó không chịu được sự trống rỗng. Nếu ta không giáo dục những tính cách
cao cả: lòng yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu của công thì thế nào nó cũng chứa
đầy những lòng ích kỷ, lừa dối và xa đọa. Nếu ở đó không phải là cái cao cả thì
chỉ có thể là cái hèn hạ, không phải là cái thiện thì chỉ có thể là cái ác,
không phải là cái cộng sản chủ nghĩa thì chỉ còn là cái tư bản chủ nghĩa.
Dĩ nhiên, công việc giáo dục không chỉ là việc riêng của người
giáo viên, song xã hội đã trao cả tuổi thiếu niên và thanh niên cho nhà trường
thì người giáo viên cũng phải gắng sức rèn luyện cho mình có một phẩm
chất đạo đức vững chãi của người cách mạng , một lòng say mê không cùng của nhà
thơ và tấm lòng vị tha vốn là bản chất của người mẹ để gánh vác trách nhiệm đó.
Hôm nay nói ra những điều này tôi chỉ dám nói rằng còn lâu chúng
tôi mới đạt đến lý tưởng ấy. Song dám nói ra cũng là một điều tốt.
Công việc giáo dục quả là một công việc tỉ mỉ và không dễ ai đã
nhìn thấy. Đôi khi trong những câu chuyện với bạn bè ta tự bắt gặp ta muốn nói
những điều mà thầy giáo đã nói, trong cách xử thế hàng ngày ta cũng muốn ăn ở
như thầy giáo đã làm. Chế lan Viên khi bàn về công việc của những nhà văn Miền
Nam đã viết: Phải thấy được ánh đèn dầu hỏa trong hầm sâu dọi vào từng trang
giấy viết mới thấy cái ấm nóng của ánh sáng hắt từ mỗi trang giấy ấy vào tâm
hồn ta. Tôi cho rằng Chế Lan Viên đã viết về cả nhà giáo.
Nguyễn Tuân cũng viết một ý tương tự: Một hạt cát lọt vào miệng
con chai, con chai đã làm một việc gian khổ ghê gớm không ai nhìn thấy: ngày
đêm tiết ra một chất dịch bao lấy hạt cát cho khỏi sát lòng để rồi cuối cùng
tạo ra một viên ngọc. Các đ/c sinh viên không phải là những hạt cát làm sót
lòng chúng tôi đâu, song chất dịch ấy chính là tấm lòng của người giáo viên và
công việc vô cùng gian khổ không ai nhìn thấy để tạo thành những viên ngọc kia
chính là công việc giáo dục.
Tôi xin nói sang công việc thứ hai của chúng tôi, công việc
giảng dạy.
Vấn đề đặt ra để chúng ta suy nghĩ là nhà trường không phải là
nơi truyền đạt toàn bộ kho kiến thức của loài người để lại. Vốn kiến thức này
vô cùng rộng lớn mà người s/v sau khi tốt nghiệp còn phải để dành toàn bộ cuộc
đời mai sau cho việc nghiên cứu và xử dụng. Nhà trường chỉ là nơi dạy các s/v
biết đứng vững và biết đi tìm.
Năm ngoái khi trao đổi với các s/v tôi đã phát biểu một ý:
Một giọt nước muốn đổ vào biển cả nó phải đi qua một chặng đường muôn vàn khó
khăn, từ những dốc núi heo hút qua những lòng suối trắc trở, suối đổ vào những
nhánh sông nhỏ, sông nhỏ đổ vào sông lớn, trăm con sông lớn đổ vào lòng biển
cả. Kiến thức là những giọt nước ấy và con đường nước chảy là con đường đi đến
đại dương trí tuệ. Người giáo viên giỏi là người biết động viên học sinh của
mình chắt chiu những mảnh kiến thức ấy, thâu tóm chúng lại thành một đại dương,
chỉ có đại dương mới phản ánh được một bầu trời, chỉ có đại dương mới là nơi
tung bay của những đàn hải âu và những cơn bão táp. Chủ nghĩa Mác Lê nin phải
chăng là một thí dụ về những giọt nước và biển cả.
Mỗi người sinh viên sau này sẽ có một chân trời riêng. Nhiệm vụ
của người giáo viên là biết động viên các em tiến lên không mỏi gối. Ngày hôm
nay chân trời ấy còn chìm sau những dãy núi lớn. Kẻ nào trèo được cao chân trời
sẽ hiện ra thành một đường thẳng, kẻ nào trèo thấp chân trời chỉ là một đoạn
thẳng nối hai đầu của một thung lũng. Hãy mạnh bước đi lên. Dĩ nhiên chân trời
là một khái niệm tương đối vì khi ta đến gần thì nó lùi ra xa, người giáo viên
giỏi là người biết tổ chức cuộc chạy tiếp sức về hướng chân trời khoa học. Các
đ/c sinh viên ngồi đây là những người thầy giáo ngày mai và vì thế trong lĩnh
vực giáo dục chúng ta cũng đang chạy tiếp sức cho nhau, trước mặt chúng tôi là
những người thầy, người anh đang trên đường băng, sau chúng tôi là các đồng
chí, mong rằng chúng tôi sẽ theo kịp những người đi trước và các đ/c sẽ vượt
chúng tôi.
Muốn đi đường xa phải có gậy chống. Gậy của chúng ta là sách vở.
Đồng chí Trần Việt Phương khi bàn về người cộng sản có nói: Tiêu chuẩn của
người cộng sản có hai mặt: vật chất và tinh thần. Về vật chất, người cộng sản lấy
mức sống của người dân bình thường làm mức sống cho mình. Về tinh thần, người
cộng sản đòi hỏi được hưởng thụ tuyệt đối nghĩa là được đọc sách và suy nghĩ.
Đồng chí Phúc, hiệu phó, khi bàn về học tập chính trị có nói :
Điều báo động cho trường chúng ta là anh chị em sinh viên ít đọc sách thư viện,
nữ sinh viên lại hầu như không có.
Trách nhiệm của giáo viên chúng tôi là không những biết giảng
bài mà còn phải biết gợi ý để các đ/c sinh viên biết tự tìm lấy những cây gậy
chống chắc chắn, hợp với tay cầm của mình trên con đường xa. Nói như Ghéc-xen,
nhà tư tưởng dân chủ Nga thế kỷ 19:"Sách là lời di chúc tinh thần của thế
hệ này truyền cho thế hệ khác, là lời của người già hấp hối khuyên người thanh
niên mới bước vào cuộc đời, là mệnh lệnh của người lính gác về nghỉ trao cho
người lính gác thay chỗ."
Đồng chí Luân, phụ trách phòng chính trị, có nói:" Chúng ta
đang đi sau thế giới 300 năm về khoa học kỹ thuật". Đã đến lúc chúng ta
cùng nhau đi những đôi hài ngàn dặm đón đầu khoa học. Tất nhiên chúng ta không được
phép coi khinh quá khứ. Nếu chúng ta bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ
nã đại bác vào chúng ta. Điều ấy đã là hiển nhiên.
Song trách nhiệm của nhà giáo còn ở chỗ biết hướng dẫn anh chị
em sinh viên đem những kiến thức ấy phục vụ thực tế xã hội. Một con đại bàng
không cất cánh bay cao thì không phải là đại bàng, song con đại bàng không hạ
cánh xuống mặt đất thì lại càng không phải là đại bàng nữa. Chúng tôi mong sao
có nhiều đại bàng khoa học cất cánh bay lên để rồi sải tấm cánh lớn của mình xuống
thăm những cánh bèo hoa dâu nhỏ bé trên những cánh đồng Việt nam hôm nay chưa
phải là giàu có.
Thưa các đồng chí.
Tôi đã trình bầy những suy nghĩ của mình về công tác giáo dục và
giảng dạy của người giáo viên trẻ. Lẽ ra tôi còn phải nói thêm về công tác
ngoại ngữ, song hôm nay ngày hội của tất cả giáo viên các môn. Nếu xét về
phương diện ngôn ngữ thì xin cho phép tôi trích ra một điều trong cuốn sách
"Đaghétxtan của tôi" : Người ta chỉ cần hai năm để học nói nhưng cần
tới 60 năm để học giữ miệng". Từ nãy tôi đã nói quá lời, bây giờ tôi xin
nghe lời khuyên của anh Việt Phương:" Kẻ biết sống là kẻ biết chết cho
đúng lúc". Tôi đã hết lời của tôi. Xin chúc các đồng chí mạnh khỏe và tiến
bộ.
Ngày
20.11.1969.
Thôi tôi không phải nói thêm gì nữa nhé. Chờ thư của Anh Thơ và tất cả các đồng chí. Nhờ Anh Thơ chuyển giúp thư này cho anh Ủy nhé.
Lê Đức Mẫn