Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

VỀ NƠI CÓ MÌNH EM…




Người ta tuổi Dậu tuổi Mùi
Thân em thì những bùi ngùi tuổi Thân.

Dân gian thường nói thế, nghĩa là tuổi Thân thì vất vả, còn tuổi Dậu tuổi Mùi thì sung sướng. Vậy mà chị, người mang tuổi Mùi lại chẳng được cái may mắn của tuổi đó. 

Sinh năm 1943, năm Quý Mùi trong một gia đình trí thức danh giá, con gái nhà phê bình Hoài Chân, đồng tác giả cuốn "Thi nhân Việt Nam" với nhà phê bình Hoài Thanh, bác chị và là cháu của nhà thơ Thúy Bắc viết lời bài hát "Sợi nhớ sợi thương", chị có một nền học vấn tốt, được đào tạo ở nhạc viện và ở lại trường làm giảng viên dạy đàn Tam Thập Lục. Chị làm thơ và được coi là một trong những nữ nhà thơ triển vọng của những năm 60, 70 thế kỷ trước. Bài hát "Người con gái sông La" nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho mà nhiều người biết đến nhưng chắc chẳng mấy ai để ý phần lời lại do chính chị viết. Chị chính là nhà thơ Nguyễn Thị Phương Thúy.

Với xuất thân và mở đầu cuộc đời như thế, những tưởng mọi tốt đẹp nhất của cuộc sống với tương lai tươi sáng đầy hứa hẹn sẽ mở ra cho một thiếu nữ Hà thành như chị một cách mĩ mãn, nhưng chị đã thất bại ngay từ cuộc hôn nhân đầu tiên với một viện trưởng Viện Vật lý không hề kém tài ba.

Thì cứ coi như là số phận xếp đặt đi. "Trai đứng chữ Quý thì tài / Gái đững chữ Quý thì hai lần đò" mà. Và cuộc hôn nhân lần thứ hai của chị là cuộc tình thật đặc biệt. Yêu và lấy được chính người mình yêu sau sự phản đối quyết liệt của gia đình là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị. Một nhà thơ nghèo người xứ Huế, vừa mắc vào vòng lao lý, công không thành, danh không toại, nhưng vẫn lọt vào đôi mắt xanh của chị, chứng tỏ chị có con mắt tinh đời nhìn được chân giá trị của một con người chính trực ngay ở thời điểm gia đình và xã hội còn có quá nhiều khắt khe sai trái đối với anh – Tuân Nguyễn, một tài hoa sớm bị dập vùi.

Từ bỏ cuộc sống ổn định của gia đình nơi đô thành, nhận lấy cuộc sống khắc nghiệt với hai bàn tay không, tình yêu của anh chị Tuân Nguyễn – Phương Thúy quả  thật vô cùng đẹp đẽ, cứ như trong truyện cổ tích. Tình yêu ấy thật xứng với lời thời trước hay lý tưởng "Một túp lều tranh. Hai trái tim vàng". Bất chấp ngàn vạn khó khăn của một thời ấu trĩ, anh chị không quản ngại làm bất cứ việc gì miễn là chân chính để nuôi nhau, sống với nhau, dành tình yêu cho nhau. 

Vào trong Nam, anh dịch sách, dạy học, chị mở sạp bán sách báo. Một lần, anh đi lấy báo cho chị bán bị tai nạn giao thông và đã không qua khỏi. Sự ra đi mãi mãi vô cùng đột ngột của anh là cú sốc khủng khiếp đối với chị. Tất cả đều là con số không tròn trĩnh, chỉ còn mỗi mình chị đơn độc trên cõi đời này, không chồng, không con, hoàn toàn trắng tay. Chị suy sụp tưởng như không thể gắng lên được nữa. Nhưng rồi tình yêu với anh vẫn mãi là nguồn sinh lực giúp chị gượng lên trong cuộc sống.

Quay ra Hà Nội ở tuổi xế chiều, chị không muốn là gánh nặng của gia đình, biết có trại dưỡng lão ở chân núi Phật tích, Tiên Du, Bắc Ninh, chị xin vào ở. Không giấy tờ tùy thân, không cơ quan xác nhận, chắc chẳng nơi nào dám nhận. May thay, giám đốc Trại dưỡng lão là người yêu văn thơ, biết tiếng nhà thơ Tuân Nguyễn , biết nhà thơ Phương Thúy là đồng tác giả bài hát "Người con gái sông La" nên đã đặc cách nhận chị vàoTrại dưỡng lão thực chất có tên là "Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật tích".

Tất cả những điều trên mình biết được cách đây ba năm kể từ khi đọc cuốn "Ba phút sự thật" của Phùng Quán do Ngô Minh tuyển tập và in ấn. Mình và bạn mình bảo nhau hôm nào sẽ đến thăm nhà thơ Phương Thúy. Hẹn là thế nhưng chưa có dịp nào. May sao Hội Giáo chức Nhân văn tổ chức đi tham quan mấy điểm ở Bắc giang, Bắc ninh, trong đó có điểm chùa Phật tích. Và thế là cơ hội cho chúng mình đến thăm nhà thơ Phương Thúy đã đến.
 
 Có một nhà thơ sống trong trại dưỡng lão dưới chân núi Phật tích.

Trong khi cả đoàn đi thăm chùa, hai chị em đi xe ôm đến Trung tâm thăm nhà thơ Phương Thúy. Chưa đầy tiếng đồng hồ bên nhà thơ, mình thấy mừng vì tâm trạng chị rất ổn. Trông chị khỏe khoắn nhanh nhẹn so với tuổi ngoài 70 của chị. Chị còn trẻ đẹp hơn so với bức ảnh hồi chị mới vào Trung tâm cách đây ba năm. Chị xác định yên tâm ở lại đây suốt đời. Trung tâm rất quan tâm đến đời sống của những người có hoàn cảnh cô đơn khó khăn nơi đây.  Trung tâm có một vị trí đẹp, rộng rãi thoáng đãng có ao, có vườn, nhiều cây cối, không khí trong lành sạch sẽ rất tốt cho sức khỏe. Mức sống cho các cụ cũng khá cao không có gì phải phàn nàn, ngày cuối tuần cũng chú ý có món ăn cải thiện. Chị ở cùng với một cô thanh niên xung phong cũng rất dễ chịu. Chỉ có điều Trung tâm quản chặt lắm không cho ai ra ngoài, kể cả dịp lễ tết có gia đình đến đón về cũng không được. Thậm chí muốn xin ra ngoài làm đầu cũng khó. Có lẽ Trung tâm lo nhỡ trong thời gian ra ngoài có thể có sự cố nào đó không may xảy ra thì sẽ làm khó cho Trung tâm phải giải quyết hậu quả. May chị được cho một chiếc máy tính chỉ để đọc tin tức. Chị cười bảo tiếc là không biết sử dụng thành thạo. Hiện tại chị đang viết hồi ký và thỉnh thoảng vẫn làm thơ. Cả cuộc đời còn lại chị sẽ dành hết cho tình yêu của chị đối với anh và thể hiện nó trên trang hồi ký. 
 
 Nhà thơ Phương Thúy rất vui khi chúng mình tới thăm.

Hai chị em đến thăm chẳng biết mua gì chỉ biếu chị chút tiền chủ yếu động viên chị. May bạn mình có đem theo một cuốn truyện hay biếu chị, chị mừng lắm bảo chỉ muốn có nhiều sách báo để đọc. Chúng mình hứa sẽ gửi truyện, tạp chí cho chị. Hỏi chị số điện thoại, tự nhiên chị không nhớ. Cả email cũng quên. Chúng mình để lại số điện thoại và email lại nói chị gửi mail trước để gửi ảnh cho chị nhưng mấy hôm sau vẫn chưa thấy hồi âm.
 
 Mình thực sự cảm phục nhà thơ Phương Thúy và tình yêu của anh chị.

Vào mạng đọc thêm đôi điều về Tuân Nguyễn và Phương Thúy, bất chợt thấy bài "Chuyện tình chưa biết của Em Thúy", mình thấy rất thú vị khi thấy bức danh họa nổi tiếng Em Thúy do họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ chính là nhà thơ Phương Thúy bây giờ thì lại càng thêm xót xa thương chị. Nhưng chính điều này khi mình đưa lên Face Book lại thu hút nhiều người quan tâm. Một trong số đó là phóng viên trẻ Vũ Ngọc Khánh. Cháu rất quan tâm và muốn lên tận nơi thăm nhà thơ Phương Thúy. Mình vội vàng chọn ra trên chục cuốn truyện, thơ, tạp chí và một ít báo gửi Khánh mang lên tặng chị. Và ngay lập tức nhà thơ gọi điện cho mình cảm ơn. Nghe giọng chị vui vẻ phấn khởi mình thấy vui lắm. Khi mình nói về bức họa thì nhà thơ cho biết họa sĩ Trần Văn Cẩn có vẽ bức họa về chị là Cô Thúy chứ không phải Em Thúy. Bức vẽ của chị mặc áo dài cơ. Hiện một bảo tàng tranh tư nhân đang giữ. Hy vọng Khánh tìm đến nơi và công bố cho mọi người quan tâm biết được sự thực này. Cái báo Phụ nữ Today làm ăn thiếu trách nhiệm thế đấy. Đã sai như vậy mà vẫn còn để trên net làm bao nhiêu người tưởng thật. Bực quá, nhưng cũng may là mình đã hiểu được đúng bản chất của sự việc chứ không mãi mãi bị hiểu lầm.

 https://mail-attachment.googleusercontent.com/attachment/?ui=2&ik=fc060c43ff&view=att&th=13e574526c8a7e9d&attid=0.1&disp=inline&realattid=f_hg41i3kl0&safe=1&zw&saduie=AG9B_P_NqL1UWnfvyxYgzw6gTj4m&sadet=1367329254689&sads=xBC6XkjoeAaWxIbU5KMck2YqTzY&sadssc=1
 Cháu Khánh lên tận nơi thăm nhà thơ Phương Thúy

Để kết thúc bài viết này mình muốn đưa mấy câu thơ nhà thơ Phương Thúy viết cho chồng sau những ngày anh không còn nữa trên cõi đời.

Không anh đường bỗng dài ra 
Khởi đầu là chỗ chúng ta quay nhìn 
Càng đi càng thấy khó tin 
Rằng nơi sắp tới có mình em thôi ! 

Chị Phương Thúy ơi, hẳn chị muốn sống ở nơi có mình chị để chị toàn tâm toàn ý sống với những kỷ niệm cùng anh Tuân Nguyễn. Nhưng chị thấy đấy, bên cạnh chị còn có bao người vẫn yêu quý chị, quan tâm giúp đỡ chị và đang nóng lòng được đọc cuốn hồi ký của chị đấy. Chúc chị những năm tháng khỏe mạnh an lạc và vui vẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét